q-m-k-1

Tôi là Quách Mỹ Kiều

Thành viên của Tản Văn Hay từ 10 tháng 6, 2021

C ó bao giờ bạn thắc mắc đằng sau những cánh cửa người bạn muốn gặp sẽ chào đón bạn như thế nào không? Phía bên trong cánh cửa con người có bao nhiêu tâm trạng? Bạn có nghĩ rằng tâm trạng của người phía bên trong những cánh cửa thể hiện qua cách đóng mở cửa không?
Về những cánh cửa mở toang: tôi đặc biệt thích tới nhà ai mà lúc nào cũng thấy họ mở rộng cửa. Thứ nhất nó thể hiện rằng lúc nào họ cũng sẵn sàng chào đón khách. Thứ hai ta chả phải mắc công dò dè gõ, chỉ cần kêu lên một tiếng đánh động là mình tới thì liền phía sau đó sẽ thấy gương mặt chủ nhà đón chào ta. Và thông thường cứ thế ta tiến vào nhà mà không cần e ngại.

Trường hợp nếu cửa mở toang mà chủ nhà đi vắng cũng làm cho ta có niềm tin chờ đợi, tôi sẽ yên tâm đợi, chẳng mấy chốc họ sẽ về thôi vì chẳng ai lại bỏ cửa nẻo thế kia mà đi đâu xa hoặc lâu được. Trong lúc đợi tôi có thể trò chuyện, tán gẫu với những người xung quanh vì tôi tin không ít thì nhiều họ biết và hiểu bạn tôi, người luôn luôn rộng cửa với hàng xóm. Đó là chưa kể giữa hai bên phải có sự hiểu rõ tường tận và tin tưởng lẫn nhau thì bạn chủ nhà của tôi mới yên tâm phó mặc nhà cửa của mình mà đi như vậy. Nên nếu một cánh cửa luôn luôn mở toang, rộng đón thì hẳn bên trong là một tâm trạng vui vẻ hồ hởi, hứa hẹn sự cởi mở khi ta bước vào. Giả chăng không có chủ ở nhà mà cửa vẫn toang toang thì đó cũng tạo cho ta niềm tin chắc chắn chỉ cần chờ trong chốc lát ta sẽ gặp được người ta cần gặp. Hầu hết chúng ta đều có cơ hội hiểu rõ tường tận cả người và mọi ngóc ngách bên trong nhà của những cánh cửa mở toang.

Còn những cánh cửa khép hờ thì sao? Tôi nghĩ rằng chủ nhà không thuộc kiểu hào hứng chào đón khách đến nỗi niềm nở mở toang cửa như ngầm bỏ ngỏ lời mời gọi ” nhà em luôn rộng cửa, các bác cứ vào đi”. Nhưng chắc rằng họ có ở nhà, cũng không tệ nếu mình ghé vào, vì chỉ cần gõ nhẹ vào cửa và biết rằng người mình cần gặp có ở bên trong cũng tạo cho ta hy vọng được gặp họ. Theo kiểu họ để hờ cửa đó như chờ đợi ai gõ, chỉ cần có người gõ sẽ có tiếng hồi đáp bên trong và nếu đón chào nồng nhiệt họ sẽ bước ra và mở rộng cửa mời bạn vào. Nếu tâm trạng họ sao cũng được, họ chỉ trả lời và không có động thái đứng dậy mở thêm cánh cửa ra đón bạn thì lúc này việc chọn vào hay không vào là quyền của bạn. Nếu thực sự cuộc gặp gỡ với bạn là quan trọng thì bạn có thể đẩy cửa bước vào, còn nếu đối với bạn việc bước vào bên trong cũng không quan trọng lắm, có vào cũng được không vào cũng xong thì bạn chỉ cần đứng từ phía ngoài mà nói với vào vắn tắt và kết thúc là được. Riêng tôi, tôi không thích kiểu khép hờ cửa thế này vì nó làm cho tôi phải lúng túng quyết định vào hay không vào khi nghĩ rằng người phía trong cửa cũng ở mức sao sao cũng được với mình. Tôi ghét phải là người chủ động trong trường hợp này.

Cũng có một kiểu khép hờ cửa dành cho người không chắc chắn họ sẽ nán lại nhà lâu, có thể tí nữa thôi họ sẽ đi và vì ngại đóng cửa lại mà họ chỉ khép hờ thế hoặc cũng có thể họ mới vừa về nhà, chốc nữa thôi khi họ đã trút bỏ hết mọi vướng bận trên người xuống nhà xong họ sẽ đóng sập cửa lại. Trường hợp này nếu thật sự bạn coi việc gặp được họ là quan trọng với mình thì e rằng bạn phải tận dụng và nhanh chân may ra mới kịp. Bản thân tôi khi quyết định gõ một cánh cửa khép hờ, tôi luôn mong đợi người phía bên trong dù không chạy ra đẩy cửa mời tôi vào mà chỉ cần ngồi đó nở nụ cười thật tươi và nói với ra ” vào đi cửa không khóa” thì tôi sẽ vui như mở cờ trong ruột mà mạnh dạn đẩy tung cửa bước vào bên trong.
Điều gì trong những cánh cửa đóng kín, then cài? Trường hợp này luôn luôn là một điều khó đoán định cho người muốn gõ cửa. Vì không biết người bên trong có phải là đã đi vắng rồi chăng? Hay bên trong vẫn có người nhưng họ không muốn bị làm phiền? Hay có một lý do gì đó họ không sẵn sàng đón khách?
Nếu là trường hợp chủ nhà đã đi vắng bên trong cánh cửa đóng kín im ắng đó. Liệu bạn có niềm tin để đứng đợi họ về không? Chẳng có gì đảm bảo là họ sẽ về hay sắp về cả. Vì thế chẳng ai đủ kiên nhẫn hóa đá trước cửa chờ đợi trong tình huống này.

Nếu bạn biết chắc rằng mặc dù cánh cửa đóng im ỉm nhưng vẫn có người bên trong. Nếu tôi là người tha thiết muốn gặp người bên trong cửa, tôi cũng sẽ không gõ cửa đến lần thứ ba, chỉ hai lần gõ cửa thôi, nếu bên trong vẫn không mở, tôi sẽ ra về. Đơn giản vì tôi không đủ kiên nhẫn, và cũng có thể nói là do tôi hay tự ái, rõ ràng tôi biết họ không chào đón tôi thì tôi sẽ không vào nữa, vậy thôi!
Thực ra nói theo lý thì như vậy, nhưng về phần tôi khi tôi vui tôi mở toang cửa, khi tâm trạng bình thường tôi khép hờ cửa, khi tôi buồn tôi đóng cửa kín bưng. Nhưng không hẳn mãi mãi chỉ có một qui luật như vậy, có đôi khi tôi làm ngược lại hoàn toàn hay không theo một trật tự nào cả. Tôi vui buồn, cởi mở, giận dữ hay thu mình, rồi rùm beng lên với những cánh cửa. Có đôi khi tôi khép hờ cửa chỉ để đợi chờ có người gõ, bên trong tôi sẽ nở một nụ cười tươi roi rói với lời mời ” vào đi, cửa không khóa đâu”. Hoặc giả cũng có khi tôi đóng kín bưng cửa nhưng lại bù lu bù loa cho người bên ngoài biết rằng hãy gõ cửa đi, không gõ, không vào tôi giận đấy. Cho nên không phải cứ khi tôi đóng cửa cài then là tôi dửng dưng với người bên ngoài đâu. Bên trong cánh cửa ấy là một trái tim đầy yêu thương đang chờ người gõ cửa đó.

Đôi khi tình trạng đóng, mở, khép hờ của những cánh cửa chưa chắc thể hiện cứng nhắc theo lý như ta nghĩ. Cho nên nếu bạn kiên nhẫn, đặt niềm tin, tình yêu thương chân thành và hết lòng với một mối quan hệ, bạn sẽ nhận lại được sự cởi mở của đối phương thôi. Tin tôi đi. Đừng để những giận hờn, tự ái làm ổ khóa, khóa trái cửa lại. Vì có khi khóa lâu quá lại ngại mở ra và cứ thế để lâu ngày thành ra khó mở.