Người ta nói rằng trong khung của lá số tử vi có bốn cung Dần, Thân, Tỵ, Hợi , tí ngọ mão dậu…gọi là tứ sinh, tứ tuyệt, tứ mã. Tôi chả dám nói nhiều về bốn cung ấy, chỉ xin vạnh quyện một chút về ngựa.
Nhớ câu:
“ Trên trời có đám mây xanh
Có con ngựa bạch chạy quanh gầm giời”
Câu hát ấy ngân nga ríu rít, thỉnh mời hầu đồng giá Cậu Bé về. Bởi từ ấu thơ người ta đã thích ngựa, thích vó câu khấp khểnh dặm ngàn thiên lý dìu dặt nhớ thương. Còn bây giờ người đời bỏ ngựa vì có động cơ và chạy theo động cơ. Hình ảnh chiếc xe thổ mộ dập dờn con đường ngan ngát hoa vàng chỉ còn trong hoài niệm.
Ai muốn hoài cổ nhớ thương chiếc xe ngựa thuở nào, hãy tìm đến với Đà Lạt, mơ màng rực cháy sắc dã quỳ khi trời mới sang thu. Chiếc xe ngựa sẽ đưa các đôi rình nhân đến thung lũng tình yêu, qua hồ Xuân Hương sương khói, cầm tay giai nhân đỡ lên lưng ngựa như hoàng tử bạch mã thủa nào. Cái thú trên lưng ngựa đó giờ sống lại với những kẻ nhiều tiền khoác áo quý tộc no đủ.
Lại nhớ tới vó ngựa trên sa trường, hóa ra Huyền Đức cưỡi bạch mã. Trước khi Huyền Đức mua con Đích Lư người chủ ngựa dặn rằng: ông nên cho người khác cưỡi, đừng dùng con ngựa này luôn mà để nó hại xong một chủ đã, thì nó mới thuần và đứng số. Huyền Đức liền trả lời: ta không bao giờ làm được điều đó, dù ta mất mạng vì con ngựa này nhưng ta chưa bao giờ có tư tưởng hại người bao giờ.
Còn con Xích Thố đâu dễ để cho Quan Vân Trường cưỡi ngay. Nó chọn chủ sau khi Lã Bố chết, chỉ một mình Quan Công thuần phục được nó. Phải chăng nó chỉ chọn anh hùng. Chính nhân quân tử làm chủ. Cái đó đã hội tụ trong bậc anh hùng thời Tam quốc. Quan Công hiển thánh Xích Thổ buồn ứa lệ bỏ ăn, sau mười ngày cũng chết theo. Không trách người đời bảo là khuyển mã chi tình là vậy.
Nói đến ngựa thì không thể nào quên được Thanh Long Mã- câu chuyện chỉ là huyền thoại vì chẳng có con ngựa nào mang hình rồng. Vì có ai nhìn thấy rồng đâu, mà nó chỉ là biểu tượng của tứ linh trong trí tưởng tượng bay bổng của nhân gian. Nhưng về Ô Truy Mã thì vào một buổi chiều sương mù và gió bấc, lá phong lả tả cành đông, Bá Vương trong cơn sầu chất ngất, nỗi buồn vô tận não nề nhân thế, cùng dạo bước qua đồi núi hoang sơ hiểm trở. Nỗi buồn trùng điệp nỗi buồn.
Chàng khóc. Nước mắt của vị anh hùng đã rơi xuống bởi lực bất tòng tâm. Chàng ngửa mặt hỏi trời ta có chí dời non lấp biển sao không có thần mã xuất hiện.? Chàng vừa thoáng ý nghĩ thì bỗng một cơn giông gió mịt mù xuất hiện. Cây trên núi ngả nghiêng, đồi núi như muốn dời chuyển, con ngựa đen hiện ra. Chao ơi nó bay đẹp như trong giấc mơ của Sở Bá Vương đêm qua. Chàng bỗng reo lên: Trời giúp ta rồi. Qủa nhiên Ô Truy mã đang đứng đợi chủ nhân từ lâu.
Không chần chừ chàng bay mình lên lưng ngựa. Ô Truy hí lên một tiếng mừng rỡ, hai chân trước tung lên như tế cáo trời đất.Võ Đông Sơ truyện nhà Tống tử trận trên sa trường, máu hùng anh và giọt lệ đa tình còn thẫm đẫm trong tim. Trước lúc lìa đời chàng đã nhắn nhủ cùng tuần mã với bức viết bằng máu gửi cho người yêu Bạch Thu Hà…Từ sa trường máu lệ tuấn mã đã phi thẳng về triều đình báo hung tin. Con ngựa khôn ngoan tiết nghĩa ấy trên đời này thật khó tìm lại.
Khi người ta có chim sắt bay trên bầu trời, có bốn bánh lăn trên xa lộ thì người ta hay quên đi vó ngựa. Có ai nhớ tới vó ngựa Naponeon lừng danh thế giới, của Quang Trung miệt mài từ phương Nam xa xôi hành quân ra Bắc đánh tan giặc Thanh trong mùa xuân Kỷ Dậu năm nào? Nhưng người đời cũng dễ nhầm lẫn giữa vó ngựa của bạo chúa và anh hùng. Lại nhớ thuở nào vua Trần tiêu thổ kháng chiến đi qua miền Sơn Nam Hạ quê tôi. Vó ngựa của bậc minh quân thi sỹ đã dừng lại trên đê Hồng Đức, cảm quan lịch sử, tinh thần thân dân ùa dậy trong trái tim đế vương khiến ông thốt lên:
“ Ẩn ẩn kim ô sơn dĩ nhập
Đằng đằng ngọc thỏ hải sơ đằng”
Kim ô là hoàng hôn. Ngọc thỏ là mặt trăng, tôi cứ hiểu tạm rằng: mặt trời lặn thì mặt trăng nhô lên. Đất nước này dù binh đao khói lửa thì vẫn tồn tại muôn đời, như mặt trời lặn thì vầng trăng dịu dàng lại tỏa sáng. Linh khí và hồn thiêng sông núi sẽ chẳng bao giờ tàn lụi cả. Phải chăng chỉ có các bậc minh quân có tầm nhìn chiến lược. giao cảm với khí thiêng của trời đất mới đúc kết ra chân lí đó.
Thực ra trên cuộc đời này đâu có nhiều người hiểu được tính cách, hiểu được bước chân của ngựa nói gì, nó muốn đi đâu về đâu? Ví như trên đường Hoa Dung, Tào Tháo định đi về bên trái thì ngược lại ngựa lại đi về bên phải, nên Tào Tháo mới bị sa cơ. Vó ngựa đã gián tiếp diệt kẻ bạo tàn. Vậy chúng ta hãy nhìn ngựa tung bờm trong gió, nhìn nước tế của nó, hiểu nước kiệu rong ruổi ung dung, nước đại bay như mưa tuôn khói tỏa. Ngựa đồng cảm với chủ, tri ân chủ, ngựa đưa nàng về dinh trong tiếng lục lạc reo vui của hạnh phúc. Chứ không hẳn lúc nào vó ngựa cũng gấp gáp trên chiến trường.
Chính vì thế vẽ ngựa là cả một bầu trời kiến thức. Ông họa sỹ kinh kỳ cả một đời đam mê nghiên cứu vẽ ngựa, không mệt mỏi mà vẵn đắm say với nhiều góc độ khác nhau. Ô Truy đón bình mình, Bạch Mã nghênh xuân, Tuấn Mã mơ Ngân Hà, Ô truy ngắm Kim Ô, Bạch mã ngóng sen, Mã đáo thành công. Hàng trăm bức tranh ngựa với nhiều dáng thế khác nhau, đẹp đến ngỡ ngàng đã đi vào lòng người.
Phải chăng những người đam mê vẽ ngựa họ cần cù, tài hoa, năng động.. Dẫu người ta có ngồi một chỗ đi chăng nữa thì tâm hồn họ vẫn bay bổng thăng hoa như Đích Lư vượt suối Đàn Khê, như Bạch mã chảy nước mắt khóc Bàng Thống, như Ô Truy ngơ ngẩn vì mất chủ. Nếu người nghệ sỹ không thăng hoa, không đắm say thì không thể có những bức tranh ngựa đẹp. Cái tài hoa đôi lúc đã trở thành trác tuyệt bay lên từ những bức tranh.
Hình ảnh: Các tác phẩm của họa sỹ Lê Trí Dũng