Cánh chim trời lơ lửng, không vỗ cánh vẫn lướt nhẹ, nhẹ hơn cả mây đẩy xa dần những bông tuyết của mùa đông châu Âu. Hắn còn ngồi trên cao mà hồn đã chạm phải cái rét căm căm của Bắc Bộ quê nhà.

Ô cửa số nhỏ như một bức ảnh của làng quê tỏa khỏi rơm thơm nức mũi, đàn trâu đang ì ạch kiên nhẫn kéo cày chờ chiều về.
Hắn về với Tết, với mẹ. Về với lời hứa của bao năm:

Cõng mẹ lên trời.

Tết vừa qua. Hắn đưa mẹ đi chơi. Đà nẵng. Hội an. Khúc ruột miền Trung nghe thì gần và thân quen lắm nhưng bàn chân mẹ mòn mỏi qua tám mươi ba năm, chưa một lần tới chốn đó.
Tám mươi ba năm, đôi chân mẹ chỉ thực hiện những chuyến thoi đưa quê chồng – quê vợ. Mẹ lẳng lặng làm va li cho chuyến đi: mấy bộ áo dài, khăn vấn, chuỗi hạt, hoa tai… Hắn đùa: « Mẹ nhớ mang quần áo bơi. Hai mảnh đấy! Ở khách sạn năm sao, có bể bơi. Và chúng ta sẽ đi tắm biển nữa, mẹ đừng quên kem chống nắng.”

Mẹ trả lời hồn nhiên làm câu bông đùa của hắn vô nghĩa.
“Các con đi bơi, mẹ không xuống nước, chỉ ngồi trên bờ.”
“Lạc hậu thế mẹ ơi, ngồi trên bờ cũng phải mặc bikini. Luật nhà nước đó, ra biển là phải mặc bikini.”
Con cái đùa gì ác vậy. Đời mẹ đã từng mò ngàn cua, bắt vạn ốc, liệu mẹ có biết bơi, mẹ chưa biết thế nào là bể bơi, chưa một lần nếm cái mặn của nước biển. Đừng làm mẹ quá lo âu về chuyến đi. Nếu phải mặc bikini để được ngồi bên thềm bể bơi, dù chỉ một lần trong đời, có lẽ mẹ sẽ giữ nguyên cánh áo bà ba ngồi lại phòng khách sạn.

                Đêm qua mẹ mất ngủ vì chuyến du xa đầu đời. Thật tủi thân cho biết bao bà mẹ cả cuộc đời chưa một lần thắt dây an toàn trên máy bay, thậm chí chưa một lần xa nơi chôn rau cắt rốn quá ba mươi câu số. Riêng chuyện đi ô tô ra sân bay đã vượt quá sức tưởng tượng của mẹ. Đời thuở nhà ai lại bắt mẹ đeo va li đi xe ôm ra sân bay?

Một vài lần hiếm hoi trong đời, mẹ đã từng “nếm mùi” đi xe ô tô, hễ bước chân lên xe là mẹ nôn thốc tháo. Bệnh của kẻ nghèo? Bỗng dưng, nỗi lo thuộc về hắn. Hắn chuẩn bị mấy túi ni lông đề phòng mẹ nôn. Ba mươi lăm cây số mới đến được sân bay sẽ là một sự thử thách đầu tiên của chuyến đi. Mẹ ngồi ghế trên để tránh xóc.

“Làm ơn mở hết cửa sổ xe đi anh tài ơi!

Bọn trẻ ngồi sau cười không ngớt, dặn bà ngoại đừng nôn. Mẹ nói mở cửa sổ rồi, không lo. Bọn trẻ vẫn chưa tha: “Lát nữa lên máy bay bà đừng mở cửa sổ nhé!”. Chúng bay đừng ác đi. Bà đòi quay về nhà luôn thì sao? Hắn có cảm giác như đứa trẻ vừa được nhận lại món quà tuổi thơ, vừa tự hào mình là chủ trì chuyến đi. May mắn đã du ngoạn trên ba mươi nước trên thế giới làm hắn cảm thấy mình có kinh nghiệm hơn mọi thành viên gia đình.

Chuyện trò vui đến lúc taxi đỗ điểm dừng mọi người thốt lên: “Ôi đã đến sân bay rồi à!” Thế mới biết đi du lịch tạo cho con người tinh thần phấn chấn, cảm giác sung sướng, hưởng thụ cuộc sống. Lần đầu tiên trong đời mẹ không nôn trên xe ô tô.
Bồng bềnh. Bồng bềnh.

Mẹ ngồi trên chín tầng mây. Mẹ lật từng trang tạp chí Heritage Fashion thơm phức mùi giấy mới. Các cô gái áo dài thướt tha lần lượt trượt qua các ngón tay của mẹ. Hắn đánh mắt liếc nhìn trộm trang tạp chí trước mặt mẹ. Hai cô gái top model, mỗi cô ngự trên một trang, nghiêng mình, nhíu mày khoe bộ áo tắm hai mảnh.

Sau xuân sẽ đến hạ. Các tạp chí thi nhau lăng xê mốt nàng tiên cá. Mẹ đang ngắm nhìn các nàng tiên trên mây. Mẹ vẫn ung dung nhìn những bức ảnh. Không phản ứng thể hiện cá tính. Vì mẹ biết mẹ đang bồng bềnh trên chín tầng mây.

Có một chương trình tivi phát trực tiếp cuộc thi hoa hậu, một tay mẹ chống cằm, tay kia xỉa răng tanh tách, chân vắt chữ ngũ nhìn các cô gái thướt tha trong bộ áo dài. Mẹ tấm tắc khen: “Áo may cách tân mà đẹp phết, nhưng áo xẻ hơi cao”. Mắt mẹ chỉ có ba phần mười, mẹ nhất định không chịu đeo kính, sao mẹ nhìn tinh vậy? Đến phần các thí sinh thi đường cong trong áo tắm. Mẹ tặc lưỡi khó chịu. “Sao thi thố gì mà cởi truồng hết cả vậy? “Mẹ ơi, bikini hai mảnh đó. Có cô nào ở truồng đâu?”

Mẹ hớp một ngụm to nước chè nguội. Sục sục nước trong miệng rồi ra sân nhổ toẹt vào gốc cau. Hình như mẹ đang muốn nhổ toẹt ra cái mà mẹ không thể nuốt trôi vào họng: các cô gái mặc áo tắm hai mảnh. Các cô gái ở truồng.

Bồng bềnh! Bồng bềnh.

                    Mẹ đang bay.

                                 Mẹ mơ?

Không đâu mẹ ơi. Mẹ đang ngồi cạnh con. Bên tay phải mẹ là con đấy. Hắn tự hỏi đã bao năm mẹ chưa nắm tay hắn, mẹ chưa nhìn vào mắt hắn. Và hắn nữa, đã bao năm hắn thèm được ôm mẹ vào lòng, nhưng hành động đó sao quá xa lạ.

Giọng cô tiếp viên nói gì không rõ. Tiếng Việt hay tiếng Anh mẹ cũng không hiểu. Mẹ hỏi: “Họ nói ngoại ngữ gì vậy con?” Mẹ nghĩ hắn là Việt kiều nên hiểu hết mọi thứ tiếng trên đời. Mẹ ơi! Không quan trọng đâu, máy bay sắp hạ cánh, họ yêu cầu hành khách ngồi vào vị trí, thắt dây an toàn, lưng ghế thẳng đứng, dựng bàn ăn. Bàn ăn mẹ chưa mở, dây an toàn của mẹ con đã thắt chặt từ khi mẹ ngồi vào chỗ, đúng số ghế, mẹ chưa rời vị trí, con bên phải, cháu bên trái thì đi đâu được?

Mây trắng vút dần lên cao. Chiếc máy bay như bổ nhào xuống đất. Mẹ trở lại với trần gian. Mẹ nghiêng đầu về phía các ô cửa kính nhỏ xíu để nhìn những cánh đồng vùn vụt chạy về phía sau như thước phim quay nhanh.

Mẹ bâng quơ: “Xuống đất rồi!?” Chợt nhận ra điều đó. Mẹ mừng vì trở lại với mặt đất, hay nuối tiếc vì mẹ vẫn mong bay xa hơn. Bẩy mươi lăm phút trên trời so với tám mươi ba năm qui đổi thành hơn bốn mươi ba triệu sáu trăm phút của đời mẹ thật quá ngắn ngủi. Có khi mẹ chỉ thỏa mãn và tự nhủ là mình đã thực hiện được ước mơ của cuộc đời.

ƯỚC MƠ BAY!

Hắn nhìn về phía mẹ mà hồn lúc ẩn, lúc hiện như đèn nhấp nháy cùng ô cửa sổ máy bay.
Chuyến bay đầu tiên của mẹ ở tuổi tám mươi ba. Mẹ ngồi trên chín tầng mây.

Bồng bềnh, bồng bềnh.

Hai năm rồi hắn chưa có dịp nào đưa mẹ bồng bềnh trở lại với mây. Tuần trước, hắn nhận được câu nói của mẹ từ anh em. “Lâu lắm không có tin con”. Mẹ trách? Hắn chờ ngày chủ nhật để gọi điện, nói chuyện trực tuyến video với mẹ. Mẹ không khóc mà nước mắt cứ lăn dài trên má. Hắn không khóc trước mặt mẹ vì ta thể hiện sự cứng rắn, bản lĩnh của đàn ông, hắn sợ mẹ buồn, để rồi mười ngón tay mảnh mai không chặn nổi hai hàng nước mắt sau tiếng tút tút báo hiệu cuộc đàm thoại kết thúc.

Hắn rùng mình chợt nghĩ dại: Chuyến bay cuối cùng sẽ đưa mẹ bồng bềnh nơi chín suối, nghìn thu?

Bồng bềnh. Bồng bềnh.

Hắn bồng bềnh men say của kẻ xa nhà khi trăng rằm tháng chạp ngấp nghé ban công. Mẹ bồng bềnh nơi nao với đôi mắt mòn mỏi mong hè qua, thu về, đông trôi để xuân đưa hắn về với mẹ, để hắn đưa mẹ rong xuân?

Ánh trăng rằm chỉ làm tăng sự thèm khát được ôm lòng về bên mẹ.
Xuân đang về rồi nhỉ?

Paris, Phố Annam 75020