Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa...Văn Cao

     Tôi thích ngắm bình hoa sen rực rỡ, gợi nhớ hương trà ướp sen thơm ngát trong gian nhà cổ của bà ngoại giữa thành Sơn êm đềm, gian nhà có nền gạch đỏ trầm mặc, có bể nước mưa mát lạnh, dài như nỗi nhớ về tuổi thơ; tôi thích cảm giác bước vào gian phòng có hương thơm thanh quí của bông hồng nhung như thầm thì lời xao xuyến; tôi cũng thích cả trời hoa dã quỳ lộng lẫy trong nắng và gió cao nguyên bên những người bạn nồng hậu ngọt ngào… Tôi thích rất nhiều loài hoa, chỉ đơn giản vì hoa luôn gợi cái đẹp, luôn là cái đẹp…

     Nhưng có một loài hoa tôi không phải thích, không phải ham, không phải hiếu kì… mà là yêu, là thương, là nhớ nhung đắm đuối, là ngậm ngùi, xót xa…, loài hoa ấy, thậm chí nhiều khi nhắc tới, nó bị cắt bỏ hẳn chữ “hoa” vốn là biểu trưng cho cái đẹp, chỉ để lại phần nhỏ nhoi, bình thường, tầm thường, phần hay gắn với thân phận hèn mọn bên mọi cái kiêu sa, gắn với cái nhạt nhoà bên mọi sự lộng lẫy – đó là hoa lau, đó là cỏ lau! Chẳng thế, người xưa đã phân định ranh giới sang hèn “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” (Nguyễn Trãi) khi nói về cái mong manh của kiêu sa, sang trọng để được chiều chuộng, nâng niu trong sự tương phản với sức sống mạnh mẽ của cái tầm thường hèn kém dưới chân người để thờ ơ, hờ hững…!

     Tôi đã yêu tới xao xác những bờ lau hiu hắt âm u từ lời ca đẹp não nùng của Văn Cao.
Tôi cũng yêu xót xa những hồn lau cô đơn “nẻo bến bờ” trong câu thơ Quang Dũng bởi hình dung đầy nhớ nhung về con đường hành quân trập trùng đèo dốc của miền Tây…

     Tôi yêu “cỏ lau” từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Minh Châu bởi sự cộng hưởng nao lòng khi hình dung một vùng bạt ngàn cỏ lau, bạt ngàn những hình người đàn bà hoá đá, trong tiếng hát và tiếng đàn ghi ta vẳng trong gió Lào cuốn lá lau bập bùng:

“Điều đó rồi xảy ra, em biết và em biết
Một mai anh chiến thắng trở về
Đôi vai gầy và đôi mắt sâu
Tóc đã điểm bạc, làn da nay sạm màu sương gió
Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”

Tôi càng yêu lau vì “Phận hoa bên lề” của một người thơ tài hoa đi qua cuộc đời như một cánh lau mềm trắng xót lòng…! Tôi yêu lau bởi vẻ đẹp buồn của nó có khả năng làm run rẩy kể cả gỗ đá!

     Tôi không hiểu sao nhiều người cho rằng hoa lau đơn điệu – đơn điệu được sao với bao nhiêu hình trạng trong mỗi thời điểm, mỗi góc nhìn, khi là những cụm bông mềm xốp, nhẹ như mây khiến muốn ấp iu bên má; khi như những chiếc lược cong cong với li ti hạt nhỏ để khát khao gài lên mái tóc; khi nở bung trong nắng để người bước tới bất giác mỉm cười; khi lả lướt yếu mềm trong gió để người qua rồi còn tần ngần thương mến…

     Tôi cũng không hiểu sao nhiều người cho rằng sắc lau buồn tẻ! Buồn tẻ được sao khi màu của lau là sắc trắng của mây, sắc vàng của nắng, sắc tím của hoàng hôn, sắc xao xác của gió… tinh khiết trắng, ấm áp vàng, tím như thương nhớ, nhạt nhoà như hư không… những sắc màu buồn, rất buồn, nhưng tuyệt nhiên không buồn tẻ. Buồn khiến người ta muốn khóc, vì yêu thương, buồn tẻ khiến người ta chán, vì nhạt nhẽo!

     Tôi càng không hiểu vì sao nhiều người cho rằng phận lau hèn mọn, sự hèn mọn của thân phận thường hay bị gắn với sự hèn mọn trong cốt cách! Hèn mọn được sao khi hồn lau thanh sạch giữa mây ngàn gió núi, khi lau được tưới tắm trong khí trời và sương núi trong lành; hèn mọn được sao khi lau bình thản giữa hoang vu, không đua chen, không bấy bớt, lau lả lướt mà cứng cỏi, lau hiu hắt mà an nhiên, cái từ “an nhiên” theo nét nghĩa đẹp nhất của sự đứng ngoài mọi bon chen, hỉ nộ, sân si…, tuyệt không mang nghĩa hèn kém của sự ích kỉ, thờ ơ, vô cảm…

     Vô cảm sao được khi những bông lau tạo bởi muôn hạt nhỏ li ti, tựa cái tế vi mềm mại, khả dĩ đón nhận trọn vẹn tất cả mọi xao động của đất trời, dù chỉ một chút mơ hồ của gió, để run rẩy, chao đưa, để nũng nịu, duyên dáng… Sự nhạy cảm của người có thể nặng nhẹ, giấu che, còn của lau, đó là cái nhạy cảm vĩnh hằng cùng gió vĩnh hằng, hiện hữu trong cả tiếng lau xào xạc, trong cả bóng lau xao xác, sự nhạy cảm làm nên hồn cốt, làm nên vẻ đẹp, làm nên cái nhoà nhạt mong manh rung động muôn đời để lau thầm thì muôn đời với hư không, để người ngơ ngẩn không nỡ bước qua những bờ lau xao xác đung đưa…

     Nhưng tôi hiểu vì sao người ta nói lau cô đơn! Lau luôn đưa tới cảm giác cô đơn bởi lau thường chọn cư ngụ ở những nơi tiêu sơ, hoang vắng – là triền núi heo hút chỉ có những ngọn gió buồn, là bờ sông quạnh quẽ chỉ miên man lặng thầm tiếng sóng, là ven đường nhỏ chỉ hắt hiu những cỏ hoa mà đời đã mặc định gắn thêm vào tên một chữ “dại” – cái dại khờ của vô danh, lặng lẽ, của chấp nhận, nhạt nhoà… Lau đưa tới cảm giác cô đơn có lẽ còn bởi dáng vẻ của chính nó – người xưa nói “Cây cao tìm sự cô đơn trên trời / Ngọn cỏ tìm bạn bè dưới đất” ( Tagore) – lau không thuộc hàng tứ quí như tùng như bách, cao quý, sang trọng ngay trong cái cô đơn thăm thẳm giữa bầu trời, nhưng lau cũng không la đà ngả mình tìm bạn bè với hoa cỏ xòa lan dưới đất…

     Lau vượt thoát khỏi cỏ hoa mà cũng không bận tâm vươn níu theo tùng bách, lau một mình giữa lưng chừng cái chông chênh chới với của mình, cái lưng chừng vừa cô đơn vừa kiêu hãnh, cái lưng chừng giữa cỏ thấp mây cao, cái lưng chừng trong cõi riêng khiêm nhường mà cao ngạo của lau…

     Nhưng ngẫm lại, hình như cô đơn chỉ là cảm giác con người mang đến cho lau, mặc định cho lau, chủ yếu để tìm kiếm chốn nương náu đồng cảm sẻ chia cho nỗi cô đơn của chính mình – có mấy ai đang vui vầy ấm áp mà tìm đến với lau? người ta tìm tới lau mong nhìn thấy sự hiện hữu cái cô đơn không thể bạch hoá của lòng mình. Lau như tách trà độc ẩm, như chén rượu Lý Bạch xưa ” Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân” (Nâng chén mời trăng sáng/ Mình, với bóng, là ba) – những phương cách con người tự ru mình, tự thương mình, tự an ủi mình…, lấy lau, lấy trà, lấy rượu làm niềm tri âm, tri kỉ! Xét cho cùng, hoa lá cỏ cây, mây ngàn gió núi, buồn hay vui, thảy tự lòng người khi nhìn ngắm!

     Còn lau, dù luôn tìm tới lau để nghiền ngẫm nỗi cô đơn, nhưng tôi vẫn ngậm ngùi hiểu rằng lau không hề cô đơn. Hãy xem sức mạnh của lau, hình hài của lau, vẻ đẹp và hồn cốt của lau đều do gió – gió là tri âm, tri kỉ, gió là bạn bè, thân hữu, là lý do tồn tại của lau. Lau cứng cỏi và yếu mềm trong gió, tiếng lau xào xạc, hình lau xao xác, sắc lau nhạt nhoà, lau lả mình trong gió, lau vút cao trong gió, gió khiến lau có linh hồn, gió xui lau thầm thì tâm sự… Khi bên mình luôn hiện hữu một tri âm tri kỉ như vậy, lau liệu có cô đơn? Ngắm sắc lau, hình lau, nhiều khi tôi ngỡ ngàng nhận ra vẻ đẹp tới nghẹn ngào của tình tri kỉ: gió vô hình nên lau cũng như muốn tiết chế sắc màu để sắc lau mang màu hư không tựa gió; gió trìu mến ấp ôm nên lau cũng như muốn lả mình thành gió, cả bờ lau, thân lau cho tới từng bông lau đều miên man theo hình gió, vươn một chiều đắm đuối yếu mềm như muốn tan trong gió… – người ta luôn nhận ra gió qua hình lau, cũng như đời luôn nhận ra ta từ tri kỉ, tất nhiên nếu trên đời thật sự tồn tại một khái niệm “tri kỉ” – nhưng giả thiết ấy thực ra luôn mong manh hơn hình lau, nhạt nhoà hơn sắc lau, mơ hồ như sương, như gió…

     Ngẫm vậy mới nhận ra vì sao xa cách phồn hoa mà lau vẫn an nhiên, vẫn bình thản – lau không cô đơn tội nghiệp như con người, sống giữa đông đúc ồn ào mà vẫn thấy heo hút trống trải, lau đã có suốt đời lau một tấm tình tri kỉ, vô hình mà thuỷ chung, vô vi mà trìu mến, hoang hoải mà ngọt ngào…

Yêu hoa lau, cỏ lau từ lâu lắm, cũng muốn lắm một lần bày tỏ niềm yêu, nhưng lại nghĩ tới Hoàng Hạc Lâu và câu thơ họ Lý:”Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh không nói được/ Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu).

     Nhưng lau mùa đông cứ xao xác gọi vời tự cõi hư không, cứ thao thức một niềm nhung nhớ, cứ miên man lời ca “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u…”, chẳng thể không đáp gọi…!

Ghi chú: * “Phận hoa bên lề” – Chu Văn Sơn. Minh họa: Alfred Grupstra
Hà Nội, 18/12/2019