Mộc-Nhiên-_2_

Nơi túi áo ngày xưa của mẹ có những món quà vô giá, chẳng thể nào đặt tên, phải đánh đổi bằng bao cơ cực muộn phiền, bao mùa nắng mưa hối hả. Tôi hiểu vì sao khi chiếc áo mẹ bạc tới độ chẳng nhận ra mầu mà bên trong chiếc túi vẫn còn như mới…

C hỉ tới khi những cạnh túi trên ngực áo mẹ bị bục quá nửa đường chỉ may rồi tơi tả lật xuống mới lộ ra màu sắc thật ban đầu của chiếc áo bảo hộ lao động mẹ vẫn thường mặc. Đó là khoảng vải được vuông túi bao bọc quanh năm vẫn còn như mới nổi bật trên nền áo đang dãi dầu bạc thếch…

Tôi thấy mình như được bé lại mà chạy lăng xăng ngoài ngõ, ngoài vườn chờ mẹ cùng những món quà nho nhỏ thân thương nằm trong hai chiếc túi áo hôm nào…

Cứ ngỡ dòng thời gian chảy trôi sẽ vô tình cuốn nhẹm đi bao kí ức vụn vặt của ấu thơ đời người thì hoá ra càng lớn thêm, tôi càng mồn một nhớ về những điều xa cũ. Nhớ cây ngái dại mọc tốt um nơi góc bờ rào, có tổ chim sâu đính vào đôi ba chiếc lá. Những con chim non chưa mở mắt nhưng quen hơi, rõ tiếng của chim mẹ, mỗi lần chim mẹ bay đi kiếm ăn rồi trở về là chúng rướn cổ lên, xoè mỏ ra như một phản xạ rằng: “Mẹ ơi, con đói… “. Lúc ấy tôi chợt nghĩ: “ Giá mà chim mẹ cũng có chiếc túi áo như túi của mẹ mình để đựng được thật nhiều mồi cho chim con thì tốt biết mấy!” Có rất nhiều câu hỏi “nghiêm trọng” của tuổi lên 6, lên 7 bị ngắt quãng rồi có lúc bị quên biệt đi khi tiếng mẹ gọi thì ngày nào cũng đợi chờ háo hức.

Mỗi lần đi làm vườn bãi về, mẹ bỏ cuốc từ trên vai xuống, tháo đôi ủng nhựa ở chân ra cất vào chái bếp rồi gọi tôi hối hả: “Mẹ có thứ cho con gái này!”. Chân sáo tôi nhảy nhót vì vui sướng, hai lòng bàn tay bé nhỏ chụm vào nhau đón những thức quả mẹ lấy ra từ trong hai túi áo. Những loài quả dại siêu ngon, đặc sản của trẻ con luôn săn lùng thời ấy. Sau chiếc vỏ hệt như lồng đèn hay dưới lớp vỏ dày hơn mắt lưới là những quả thù lù và quả lạc tiên vàng ươm ngọt mát. Khi là những quả ổi ương dại mà thơm đến trĩu lòng trĩu dạ. Có khi trên đường làm đồng về, các cô chú rủ mẹ vào nhà chơi rồi lại bảo mẹ vặt chùm nho thóc tím lịm hay chùm dâu chín mang về, chín tới thẫm đen và phai cả màu ra túi áo mẹ.

Là ngày mẹ trở về sau buổi chợ phiên rồi lấy trong túi áo ra chiếc cặp ghim và đôi nơ buộc tóc cùng có màu hồng xinh xắn. Tay mẹ vuốt tóc tôi rồi bảo:” Bêu nắng nhiều nên tóc con gái mẹ vàng hoe hết cả rồi đây này, bêu nhiều là bị ốm đấy nhé!”. Thế rồi bao lần tôi ốm vặt, là bấy nhiêu lần mẹ đạp xe ra tận ngoài thị trấn để mua thuốc rồi cất vào túi cài cúc cẩn thận mang về khẽ dặn tôi phải uống cho chóng khỏi.

Những ngày tiểu học, tôi chẳng vòi vĩnh mẹ để mua thứ gì cho bằng bè bạn vì biết nhà mình chẳng phải “tiền dư thóc mục” nên cũng thành thói quen. Mẹ vẫn dành dụm, bớt gạn từ chi tiêu ra để phần trong túi áo cho tôi những tờ tiền nho nhỏ đủ mua mỗi lần một gói ô mai hay vài ba chiếc kẹo vừng, kẹo dừa thơm phức vẫn bày bán ở hàng quà vặt ngay cạnh cổng trường.

Trước ngày tôi thi đỗ tốt nghiệp cấp 2 và chuyển cấp lên cấp 3, mẹ bảo với cả nhà sẽ thưởng cho tôi một chiếc xe đạp mini mới, nhưng phải tới khi tôi học gần hết lớp 10, mẹ mới đưa tôi ra cửa hiệu để chọn mầu xe ưng ý. Mẹ lấy khoản tiền cuốn gọn được bọc bằng chiếc khăn mùi xoa từ trong túi áo rồi đưa cho người chủ tiệm, dường như mẹ đã hỏi giá chiếc xe từ lâu và tích cóp đến khi ấy mới đủ. Vậy mà đã có lúc tôi sợ mẹ không giữ lời, đã có lúc tôi hờn dỗi và tủi thân nhưng chưa một lần nói ra điều ấy. Tôi đâu biết khi mình được đạp những vòng quay xe bon bon đến trường, mẹ đã phải lặn lội thân cò ngược xuôi làm lụng, chắt chiu để dành những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi cùng nhọc nhằn lam lũ.

Nhiều khi tôi tự hỏi mẹ lấy sức mạnh từ đâu mà quần quật khắp ruộng đồng vườn bãi, lúc lại kẽo kẹt biết bao cây số khắp nẻo chợ gần xa. Có những đêm, ánh trăng giàn giụa khắp sân nhà như ngấm phải vị cay của dầu gió. Mẹ xoa dầu vào bắp chân, cổ tay, vào vai gáy một lượt trước khi đi ngủ, khi đèn học của tôi còn thắp sáng bên những trang sách ngay ngắn thơm nồng…

Đến năm, tháng, ngày con gái vu quy, mẹ mở cúc túi áo cẩn thận và lấy ra hai chỉ vàng đưa cho tôi cùng nụ cười hiền dịu. Bố kể, mẹ đạp xe ra hiệu vàng mới ngày hôm trước. Vẫn là mẹ chu đáo, vẫn là mẹ lo xa, vẫn là mẹ luôn tặng cho tôi những món quà bất ngờ, lần này là quà tặng cho con gái chút phòng thân bằng vốn liếng…Tôi đã bật khóc, giọt nước mắt long lanh niềm hạnh phúc, hình ảnh mẹ cùng chiếc áo bảo hộ giản dị mà đẹp lấp lánh nhường nào. Bên ngoài ô cửa, đàn chim sâu thoăn thoắt đậu, bay. Gà mẹ đang cần cù tãi đám lá khô trong vườn, thỉnh thoảng thấy mồi liền gọi đàn con xúm lại. Bầu trời hiền hoà xanh cao quá đỗi, lòng tôi nhẹ bẫng những nỗi niềm không tên…

Mỗi dịp về thăm nhà, tôi vòng tay ôm mẹ ngủ mà hài hước nhõng nhẽo:“ Để con gái nắn túi xem có gì nào!”
“ Đấy, còn mỗi thân già này thôi, có lấy thì lấy!”.

Hai mẹ con lại rúc rích cười và nhắc cho nhau chuyện ngày xửa ngày xưa có người mẹ “đựng cả thế giới” trong hai túi áo của mình để dành mọi thứ mang về cho cô con gái bé nhỏ. Gian buồng xôn xao những âm thanh của hạnh phúc.

Nơi túi áo ngày xưa của mẹ có những món quà vô giá, chẳng thể nào đặt tên, phải đánh đổi bằng bao cơ cực muộn phiền, bao mùa nắng mưa hối hả. Tôi hiểu vì sao khi chiếc áo mẹ bạc tới độ chẳng nhận ra mầu mà bên trong chiếc túi vẫn còn như mới… Mẹ đã khâu lại từng đường kim mũi chỉ để chiếc túi bền bỉ như ngày nào. Có phải tấm lòng người mẹ cũng một đời như thế, một đời dành trọn đức hy sinh, dẫu mòn vẹt khắp cả thân mình cũng gắng chở che cho con trong vòng tay được lành lặn an ấm…