Chuyện về cây cầu tình yêu

    2355

                                Tôi luôn ám ảnh bởi những cây cầu. Mỗi lần đi qua một cây cầu lòng tôi lại rùng rình những tưởng thân cầu đang tơ tưởng. Và chuyện về cây cầu tình yêu làm tôi đắn đo…

              Một buổi Frankfurt thành phố tự do, thành phố lớn một thời của đế quốc La Mã thần thánh, người nghệ sỹ già trầm ngâm với cây phong cầm, những bản nhạc về tình yêu như một cây kim vàng xuyên những kẽ nắng cuối ngày suồm suộm qua những chiếc khóa trên cây cầu tình yêu. Buổi chiều đẹp như một Love story hòng tan chảy vào những cái nắm tay thật chặt, những nụ hôn dìu dặt, những cơn gió không nỡ ngoảnh mặt, những đôi mắt tím bặt thủy chung.

    Tiếng đàn lúc so se như gió, khi réo sôi như nước, rồi đôi khi thênh thang dư thừa năng lượng mà đôi vai lắc lư, đôi tay mải miết. Những đôi tình nhân ngang qua đây, ngoắc chiếc khóa của chúng mình vào những thanh sắt hoa uốn cong trên cầu, không quên lấp đầy khoảng trống hầu bao người nghệ sỹ. Ai đời lại keo kẹt với một kẻ đang ca tụng cho tình yêu lứa đôi.

                          Rồi lại có những buổi trưa vắng, tiếng mài dũa của người thợ khóa bung nở như nụ tầm gai, lắt léo những đoạn nắng rát bỏng xuyên qua những chiếc khóa trên cây cầu tình yêu. Thường là một vài cô gái, có cô khóc, có cô mặt mũi tối bưng, các cô bước nhanh qua chỗ của người nghệ sỹ già ôm đàn phong cầm, ở cuối cây cầu là một gã thợ khóa, không già, không trẻ, nhưng lúc nào cũng vén môi mỉm cười. Gã sẽ nhanh chóng kết liễu đời khóa, những chiếc khóa tình yêu mà chú bùa hết phép. Và rồi người ta cũng không quên dúi vào tay gã một nắm tiền không cần ngã giá. Ai đời lại đi mặc cả với một người vừa nhổ ra khỏi trái tim mình những nụ tầm gai.

                              Một buổi Đà Nẵng, dòng sông ngọt lành hạnh ngộ. Tôi gặp lại Lâm và Huyền sau nhiều năm xa xôi. Lâm hơn tôi 4 tuổi nhưng chưa vợ, Huyền thua tôi 8 tuổi chưa chồng. Xưa lắm chúng tôi tình cờ gặp nhau, quen nhau, thân nhau trên một con phố đêm Đà Nẵng sạch sẽ mát rượi như lọn tóc thề. Cả ba cứ dính lấy nhau vì một thứ âm nhạc đường phố, Lâm là đàn anh hào sảng, hiếu khách, còn Huyền là cô gái cá tính, chơi guitar thần sầu.

                  Ngày gặp lại, ba anh em chúng tôi như khướu tập hót dông dài đủ thứ tiểu thuyết đời mình, mặn nhạt, ngô khoai đủ cả. Lúc ngang qua cây cầu tình yêu, mấy cặp tình nhân mặt búng ra sữa, bấm cái “tạch” chiếc khóa nguyện cầu, rồi quăng cái “chọp” chùm chìa khóa xuống dòng sông vô ưu. Huyền nháy mắt nhấm nhẳng, còn Lâm buông một câu kịch độc: xí hồi nó không vừa khóc vừa thuê thợ mở khóa mới lạ, có đứa còn chửi thề cho coi. Huyền chua xót: cái cha này, người đâu mà ác mồm.

    Tôi nhớ lại kịch bản ở Frankfurt quay sang cười hiền: Anh Lâm này em tính Huyền sẽ ngồi chơi guitar đường phố ở đoạn đầu cầu, còn ở cuối cầu anh làm một ông thợ bẻ khóa, mà cũng chẳng phải mất công học thợ khóa làm gì, anh chỉ cần sắm đồ nghề đơn giản là 1 cây kìm cộng lực cỡ nhỏ thôi. Vậy đấy. Dư sức 2 người kiếm tiền rồi.

    Huyền quay sang đập đầu tôi cái bộp, còn Lâm nhéo tai tôi, vừa nhéo vừa nhay: Thằng quỷ, nhẽ chú mày phải như mấy cái ông tiến sỹ kinh tế chuyên ban phát giấc mơ làm giàu cho những kẻ thường xuyên nghèo mới phải, bỏ cái mộng văn chương đi… Nói rồi cả 3 no nê cười.

                           Tản bộ được một lúc, chừng như thú uống bia vỉa hè trong Lâm ngọt ngào trỗi dậy: này hai đứa, từ ngày có tí tuổi, chân anh nhanh mỏi lắm, kiếm chỗ nào ngồi làm mấy ve cái đã, rồi 2 đứa ca cho anh nghe mấy bản xem nào. Như vậy có phải là xả láng hơn không?

    Chúng tôi ngồi lại một quán nhỏ bên đường, bên trên là những tán xà cừ xanh gắt, ngồi đây mà những chùm nắng lấp loáng trên những ổ khóa màu đồng thau vàng chóe vẫn cứ nhảy nhót trong tầm mắt tôi, trong những suy tư suồm suộm, những ám ảnh tầm gai.

    Ba anh em gom cổ chai một tiếng “keng” rồi ngửa cổ uống những đoạn đời xa cách. Một nhịp, hai nhịp keng nữa, Huyền mở bao đàn rồi chậm rãi Tình sầu – Trịnh Công Sơn. “…Tình yêu như cơn bão, đi qua địa cầu. Tình thắp cơn sầu, tình dìu qua hố sâu, tình vời lên núi cao. Rồi trong cơn yêu dấu, tình đày tình xa nhau…”

                                                  Tôi có lẽ là kẻ có căn cốt, dễ nhập đồng lên bóng, nghe Huyền đàn hát mà hồn tôi thoắt cái lại chạy xa đến cả ngàn km mất rồi. Tôi nhớ đến ở đâu đó trên miền ngược dân bản địa cũng thường xuyên nhắc đến một cây cầu tình yêu. Phải rồi trên đỉnh Nà Lay – Bắc Sơn – Lạng Sơn, có một cây câu nhỏ bắc qua một dòng kênh. Tôi nhớ một lần ngang qua đây vào mùa lúa chín, một bên nước mảnh mai nước, một bên lúa vàng mượt lúa. Cây cầu ấy không có những chiếc khóa vàng óng, không có những dòng tên người khắc chữ thanh tân, cũng không có một người nghệ sỹ đường phố ngồi ôm ấp phong cầm, lại càng không có một gã thợ khóa tầm gai.

                                        Hẳn là cây cầu rất bình dị và đơn sơ nếu không nói rằng nó có vẻ quê kệch. Vậy nhưng trong tâm tưởng của bao lứa đôi, trong yêu thương của bao kẻ hò hẹn, trong mưa nắng thời gian của mùa màng con nước, nơi đây thầm được gọi tên là cây cầu tình yêu. Nó âm ỷ giấu kín những thăng trầm, nó ủ muối lên men những bờ môi, nó găm vào thân cầu những lời hẹn ước, nó ăn đời ở kiếp vào những mố cầu ngọt ngào thanh xuân. Vậy đấy, không phải đao to búa lớn, không phải ràng buộc nhau bằng những ổ khóa vô tri, không cần phải hét toáng lên để thiên hạ cùng biết rằng chúng tôi đang yêu nhau. Cái khóa ghê gớm nhất mà không cần bùa ngải đại chú nó lại vô hình dưới bao nhịp thở đều đều nhân gian.

                                            Quay trở lại với thực tại, sông Hàn hình như có vẻ bối rối trước giọng ca tiếng đàn của bạn tôi. Lâm ngồi đó, chừng như nhấp nhổm muốn đứng lên ngắm nhìn một điều gì. Có lúc anh khàn khàn phụ họa: “… Tình yêu cho anh đến, bên cơn muộn phiền, tình đi âm thầm, nghìn trùng như vết sương, lạnh lùng như dấu chim. Tình mong manh như nắng, tình còn đầy không em? …”