Chiều, tháng Ba. Ngồi trên căn gác nhỏ, phía bên ngoài cửa sổ là nắng. Nắng nhẹ thênh, mỏng tang dịu dàng vấn vít quanh những ngọn cau. Hàng tre lá nhỏ qua đôi mắt không đeo kính lại trở nên liêu riêu như ngàn nét chấm phá nhỏ xanh rì giữa nền trời mảnh mai xanh nhạt. Chiều Tháng Ba khẽ nhón gót xuống từng mái nhà đơn sơ nơi quê nhỏ, ngó khói lam chiều bay bảng lảng trong phút chập choạng trước khi màn đêm giăng giăng buông lối phủ xuống cuối ngày.
Gõ máy tính, với tay tìm kính, lại ngỡ như nghe lại tiếng ba vẫn nhắc : “Chập choạng rồi, đừng học nữa mà sau này quáng gà!”. Dẫu trong trí óc non nớt ngày ấy không biết “quáng gà” là gì nhưng cũng chịu khó gấp sách lại, bởi một ý nghĩ non nớt và ngây thơ rằng, không muốn sau này sẽ hóa thành gà. Ấy mà bây giờ, nếu nhìn đời không có hai mảnh ve chai ấy, mọi thứ đều sẽ nhòa đi. Có lúc, cảnh vật tựa như mông lung trong màn sương mỏng li ti nước, nhòa phai. Có lúc, gương mặt người như ẩn, như hiện, khi sắc nét, khi mơ hồ, lại cố nhận người trong giọng cười, nét tiếng. Ấy mà, ký ức cũ xưa không hiện hữu lại sắc nét đến nỗi quá nhiều lần, bàn chân ta vẫn xa lạ giữa ban mai, lạc bước trong chênh chao đếm những tháng năm đã qua trong cuộc đời.
Chiều!… Tháng Ba! Tháng chao nghiêng bao vạt nắng hanh hao tựa như muốn hong khô những mái ngói cũ đã trơn ẩm bởi những cơn mưa phùn giăng giăng trắng xóa. Đếm những mái ngói nâu già, hoe đỏ, xanh rêu, lại ngỡ như đếm những tảo tần của bàn tay cha ông ta từ tấm xưa hiển hiện. Mỗi viên ngói là bàn tay cha tỉ mỉ lợp lấy, mồ hôi rơi đầy trên má, trên áo, trên tóc. Phía dưới chiếc thang trèo là đôi tay mẹ giữ chặt chân thang. Chiếc thang kêu ọp ẹp, chiếc thang bằng tre từ đời ông bà chắt chiu gìn giữ mà truyền lại cho. Ta như thấy rõ những vết gân xanh trên hai bàn tay ghì chặt của mẹ, nỗi lắng lo mỗi khi chiếc thang thỉnh thoảng lại ưa vặn mình kêu ọp ẹp.
Trời hanh nắng đổ, và bàn tay cha miệt mài xếp viên gạch đỏ đúng lối thẳng ngay, để trời mưa tuôn đám trẻ nằm không ướt. Phía sau nhà, dưới tấm liếp bằng cỏ tranh, đàn lợn kêu nhặng xị, tiếng chị gái sau bếp vừa hát vừa nhóm lửa nấu ăn, đôi má ửng hồng và đôi bàn tay đen đúa nhọ nghẹ. Gót sen chân chị dẫu mười tám đôi mươi vẫn chưa dám xỏ dép cao gót điệu đà, kẻo sợ anh trai làng lại trêu “hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội, bay đi ít nhiều”. Chiều ghé về, gió mát vờn quanh những mồ hôi muối mặn của cha, của mẹ, bếp lửa chắt chiu lung linh đỏ, đám mằn hăn bắt đầu bay nhặng xị quanh những đốm đèn dầu, tiếng cha cất đặt đồ nghề cuối chái dại sau nhà, tiếng mẹ múc nước ào ào bên giếng, thi thoảng, vài tiếng chó sủa nhặng cuối con đường mòn giữa những lũy tre đang tối dần, tối dần.
Chiều! Tháng Ba! Tháng ẩn hiện những áng mây lam duyên dáng vắt mình trên tầng không bao la tự như tấm lụa mỏng nhỏn nhơ hát khúc tình ca gọi hạ. Đóa sen tinh khôi vươn mình bung nở trong những khoảnh hồ trong trẻo giữa cánh đồng bao la. Tiếng cỏ non rì rào chuyện trò cùng gió, lúa mơn mởn trổ ngồng, một màu xanh phủ lối như tấm lụa trải dài miên man ngút mắt tận nẻo triền đê. Trời nhẹ tối dần, những mảng mây nâu tím hiển hiện, vẽ ra đường chân trời xanh ngút mắt. Chẳng đo đếm được khoảng trong lành kì diệu ấy khi buồng phổi hít căng gió lành nẻo quê, một cảm giác thanh mát, an yên lan tỏa khắp tâm hồn.
Lại thấy bước chân ta bé lại, nhỏ như một chú mục đồng đang dẫn trâu về, chiếc áo tay dài nâu xám và chiếc quần đùi găm đầy hoa cỏ may, đầu đội chiếc mũ tròn vành lấp xấp màu da đen mặn. Mồ hôi bết tít trên tóc, ấy vậy mà nét cười trên gương mặt ấy có thể thu lấy cả thế gian. Tiếng chuyện trò cười nói râm ran, hẹn nhau về nhà ăn cơm xong là phải đi bắt nhái ngay khi đêm buông áo xuống, lúc chập choạng mới bắt được cơ man nào là nhái con, nhái to, nhái bén…
Trăng hiện ra, như chiếc liềm con mẹ vẫn thường cắt cỏ, những đốm lửa liu riu được thắp lên, lại có tiếng ông đầu chái nhà vẫn nhắc : “ Thắp ít dầu thôi, kẻo rồi có lúc lại không có. Buôn ghe, buôn tàu, không bằng giàu hà tiện”. Tiếng bà lại trêu ông, tiếng cha buông nhẹ tơ lòng : “Dạ, cha cứ yên tâm ạ!”. Lại nhớ vài người lớn bây giờ, mỗi khi nghe người già nhắc nhở, lại ẩm ương qua quýt, hoặc chắc lưỡi “ Kệ đi ông, cứ lo cho mệt có làm được gì đâu”, rồi phía bên kia căn buồng, tiếng người già thở dài trong mênh mang hoang hoải. Đôi khi, sống vội quá, có lỗi với yêu thương lại không hề hay biết.
Chiều! Tháng Ba! Quê nhỏ! Lại nhìn thấy hồn quê muôn năm cũ, thấy liêu xiêu dáng cha đẩy đất làm đường, những ụ đất đỏ được đổ lên cao, rồi đẫm cho bằng mịn trong ráng chiều hoàng hôn thật đẹp. Thấy dáng mẹ gánh quang gánh nặng hai đầu, chân sải những bước dài bên dốc nhỏ bốn bên gió lào tung cát, chiếc nón lá in trên nền chiều tựa như mái nhà êm ái dệt muôn luồng sáng của những vì sao. Mẹ đưa về cái bánh đường đen tròn lẳn, cắn một miếng ngọt thanh đê mê đến tận cuống họng, mát thanh buồng phổi, nét cười trẻ thơ lại vang lên rộn rã khắp chòm quê lối xóm.
Lại thấy trong mênh mang dáng ngoại tôi hiền từ bên liếp nhà tranh mỏng mảnh như sương khói. Ngoại cười móm mém nấu bún Mọc cho cô cháu gái nhỏ, Ngoại cầm chiếc quạt bằng mo cau quạt lên đầu lên tóc cô bé, âu yếm hỏi cháu ăn ngon không, cháu ăn no không?
Rồi thấy cha tôi đi làm về trên chiếc xe đạp giàng cao, mặc bộ quần áo công nhân xanh sờn vải, đội chiếc mũ cối, chân đi đôi dép rọ, gương mặt đỏ au vì nắng, bụi bám dính đầy mắt, đầy trán, vẫn vui vẻ cọ cọ chiếc cằm vào trán em gái tôi, tiếng nó cười vọng lên nơi căn phòng tập thể nhỏ của khu tập thể đường sắt xóm ga tàu, mà ánh điện khi đó, vàng vọt, ấm áp, chứ không trắng xanh như bây giờ. Ấy vậy mà đi vào nẻo nhớ hồn tôi suốt một đời không dễ gì sờ nắn lại được.
Thấy mẹ tôi mồ hôi đẫm lưng ong, bàn tay mẹ nhỏ bé, đôi vai mẹ gầy lại gánh gồng cả cuộc đời của chị em tôi suốt quãng đời giông gió. Thấy mẹ bồng em trên vai đi qua đi lại suốt đêm thâu nơi căn phòng tập thể nhỏ, thấy mẹ ngồi bên bếp lửa sáng sáng chiều chiều, lại tưởng như có thể rúc đầu vào vầng ngực mẹ, hít hà mùi mồ hôi, mùi lao động, mùi thơm nồng nồng hăng hăng mà đẹp đẽ và kì diệu như suối ngọc chảy mãi giữa cuộc đời không bao giờ cạn vơi.
Hồn quê mênh mông, hồn quê thẳm sâu và diệu vợi. Hồn quê hóa thành huyết mạch trong từng ngõ ngách tâm hồn. “Dẫu đi trọn kiếp con người – Cũng không đi hết – ngàn lời mẹ ru”.