Đinh Tiến Hải
T háng tư, thời tiết không còn đỏng đảnh, nồm ẩm như mấy bữa trước nữa, từng sợi nắng mỏng manh như tơ nhện đã vương hồng lên mái bếp. Mẹ bảo, đấy là nắng non buổi sớm sau những ngày mưa xuân, mưa bụi. Nắng non khiến con người ta rạo rực, thân thiện hơn bằng các mối tương giao, hòa quyện giữa vạn vật đất trời. Ngoài vườn những bông hoa bìm bìm rung rinh theo làn gió nhẹ, cạnh bờ giậu lích chích tiếng chim sâu bên những vạt sương còn vương trên lá cỏ, từng giọt lung linh rơi trên nắng mới tinh khôi, bình yên đến kỳ lạ.
Mẹ cắt một đóa hoa loa kèn trắng muôn muốt đem vào cắm trên chiếc bình gốm Chu Đậu rồi sai đứa cháu ra trước giại hiên nhà hái giúp bà mấy lá trầu. Mẹ ngồi têm trầu bên cánh phản bằng gỗ mun, mùi thơm của trầu lẫn vào mùi vỏ của cây chay làm căn nhà ấm sực lên. Trầm ngâm một lúc rồi mẹ nói: Thời gian trôi nhanh quá, loáng cái đã hết đời người. Bằng này, cách đây bốn mươi tám năm là tôi vừa sinh ra anh đấy, anh vừa tròn một tháng tuổi thì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện tháng 4 năm 1975 là một ngày vui không bao giờ quên được. Mấy hôm nữa thể nào xã cũng gửi giấy mời cha anh đến dự lễ kỉ niệm bốn tám năm ngày giải phóng miền nam.
Cha ngồi sưởi nắng trước hàng cau, bóng cha đổ dài trên sân gạch, mái tóc cha đã bạc trắng theo năm tháng, đôi bàn tay đầy vết đồi mồi loang từng đốm nhỏ. Cha lặng lẽ rót trà hoa cúc từ chiếc ấm đất ra hai chiếc chén con như một nghi thức. Đã nhiều lần tôi pha trà nhưng cha không ưng ý, bởi tôi thường tham lam cho nhiều hoa nên nước có vị đắng và màu xỉn. Khi pha, cha chỉ cho vào đôi ba bông cúc đơn nhỏ, loài cúc ta, cúc trồng làm cảnh trong vườn và trong các chậu cây bên bờ giếng. Hoa cúc sau khi hái, phơi được nắng có hương thơm và vị rất dễ chịu. Cha bảo, dạo này tôi hay mất ngủ, uống trà hoa cúc của mẹ anh làm tôi thấy ngủ ngon hơn. Dạo cuối năm vừa rồi, Hội cựu chiến binh của tỉnh mời đi thăm lại chiến trường xưa, sau khi thăm viếng, thắp hương cho đồng đội mỗi người cũng được tặng một phần quà và một hộp trà hoa cúc. Nói rồi cha nhấp chén trà và ngồi hồi ức lại những năm tháng hào hùng đã đi qua.
Năm 1969, cha tôi là bộ đội thông tin. Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước lúc bấy giờ vô cùng khốc liệt. Trên lưng mỗi người lính ngoài khí tài là các phương tiện kỹ thuật nhằm bảo đảm kịp thời thông tin liên lạc, điện đàm với bộ đội công binh, pháo binh và pháo phòng không. Nhiều lần nghe cha kể về những năm tháng vượt núi cao, rừng rậm, suối sâu để chuyển và nhận những bức điện tín từ sở chỉ huy, đặt mạng lưới thông tin liên lạc sao cho vừa đảm bảo bí mật, vừa thông suốt vô cùng khó khăn, gian khổ. Cha nói, chỉ có những người lính vào sinh ra tử mới hiểu thấu cái giá của hòa bình và chỉ những người lính trong cuộc chiến mới mong mỏi hòa bình hơn bất cứ ai, bởi họ là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu. Khoảnh khắc ngày 30 tháng 4 năm 1975 là thời điểm cả dân tộc được “Núi sông liền một dải, Nam Bắc hợp một nhà”, hàng vạn ngôi nhà thao thức sáng đèn, hàng triệu người dân vui mừng không ngủ được, bởi ai cũng biết rằng cha con, vợ chồng từ nay sẽ mãi mãi được đoàn tụ bên nhau.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua, đất nước đã im tiếng súng. Cha tôi trở về thăm nhà cũng vào một buổi chiều tháng tư năm 1976. Mẹ kể, lần nhận được thư cha viết từ căn hầm bí mật trong chiến trường gửi ra lúc ấy tôi vừa tròn một tháng tuổi và hôm nay cha trở về tôi cũng vừa đầy một tuổi. Nỗi vui mừng khôn xiết khi mẹ nhìn thấy cha trở về khỏe mạnh trên chiếc xe đạp mượn của binh chủng thông tin ngoài Hà Nội. Trong bộ quân phục màu xanh người lính cùng chiếc mũ tai bèo của anh giải phóng quân, gặp ai cha cũng chào hỏi rõ to. Cả cơ quan mẹ náo nức vui như ngày chiến thắng, ai cũng đến chia vui và chúc mừng. Cuộc sống ngày ấy tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng tình người thì vô cùng ấm áp và cảm động. Bữa liên hoan tối hôm đó chỉ có lạc rang, nước vối và đóa hoa loa kèn được cha mua vội từ chợ hoa phố Hàng Lược mang về tặng mẹ. Mẹ bảo, bó hoa ấy mãi mãi là bó hoa đẹp nhất đời người. Sau này năm nào mẹ cũng trồng một vài luống hoa loa kèn để nhắc nhớ về những ngày tháng tư hào hùng lịch sử. Thời gian là thước đo cho mọi giá trị và hòa bình đã chứng minh cho những giá trị đó chính là đất nước phồn vinh, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Cách đây vài năm, nhìn đôi bàn tay gầy guộc của cha lần giở những kỷ vật chiến trường còn sót lại sau ngày giải phóng miền nam như những báu vật lòng chợt rưng rưng thổn thức. Cha lấy từ hòm đạn cá nhân ra một chiếc võng dù, chiếc ống nhòm cũ kỹ, một đôi quân hàm đã bạc phếch màu thời gian, một cuốn sổ ghi chép trong chiến trường, chiếc bi đông đựng nước bằng nhôm, bức ảnh đen trắng chụp cùng đồng đội đã ố vàng, bong tróc và đặc biệt một con chim chích bông nhỏ được khâu từ mảnh vụn chiếc tăng và nhồi bông rất khéo để tặng chị gái tôi trong những ngày cha nằm dưỡng thương trong trạm phẫu. Đó là tất cả những kỷ vật của cha tôi sau ngày chiến thắng. Những đồng đội của cha trong bức ảnh bây giờ người còn, người mất, có những người đã ngã xuống trong cuộc chiến và mãi mãi nằm trong lòng đất mẹ, những người đã hy sinh xương máu và một phần cơ thể cho ngày thống nhất đất nước. Đó là những ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt trong lòng người chiến sĩ như cha tôi và những người may mắn được trở về.
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, ký ức về một thời hào hùng, hoa lửa vẫn nằm sâu trong trái tim cha. Tôi biết người lính không nuối tiếc tuổi thanh xuân, sống hết mình vì nghiệp lớn nhưng người lính muốn tìm lại tuổi thanh xuân trong vòng tay đồng đội. Cứ mỗi độ tháng tư về thời tiết trong trẻo, dịu dàng hơn bởi những mùa hoa loa kèn nở trắng phố. Tôi nghe niềm xúc động dâng lên trong cha, tháng tư mùa hoa, mùa của tâm hồn và tháng tư mùa của độc lập, tự do và hạnh phúc.