Đó là cây cầu gắn liền với bao năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc và người dân Hà Nội. Cây cầu ấy  mang cái tên Long Biên còn vang dội như một địa danh lịch sử mãi không quên. 

Cầu long Biên là cây cầu sắt  đầu tiên bắc  qua con sông Hồng, từ bến Bồ Đề, Gia Lâm sang phía nội thành Hà Nội. Cây cầu sắt ấy được thiết kế rất đặc biệt, vừa đẹp lại vừa nên thơ như một dấu tích luôn gắn liền với Hà Nội cổ kính và thanh lịch của nghìn năm văn hiến. Đó là cây cầu sắt nhiều tuổi nhất in đậm những dấu ấn lịch sử.

Đến bây giờ mỗi khi có dịp, tôi vẫn thích được tự mình phóng xe máy đi qua để nhìn ngắm sông nước nơi Bãi Giữa. Thả tầm mắt nhìn xuống bãi soi khi mùa về xanh mướt mải với  đầy  bóng lá của cỏ dại và ngô khoai, bạn sẽ thấy  những dải cát nằm thở sóng xoài bên dòng sông vẫn ngầu đỏ phù sa.

Ấy là những giây phút ta thấy thanh bình nhất. Nhưng cây cầu và  dòng sông ấy cũng đã từng ghi dấu bao khói lửa của trận mạc và binh đao tự  thuở xa xưa .Tôi chỉ biết cây cầu ấy từ những năm gần đây, khi nó gắn liền với những kỷ niệm của những năm tháng đang còn tuổi thanh xuân của mình.  Bây giờ mỗi khi qua cầu, tôi lại  bâng  khuâng chút hoài niệm và tiếc nuối về  những ngày xa xưa.

Thành phố đã ngàn năm tuổi và cây cầu Long Biên luôn là biểu tượng không thể tách rời.Cây cầu ấy đã được bắc qua ba thế kỷ của lịch sử dân tộc và vẫn đang tiếp tục cùng dòng thời gian mãi trôi chảy không ngừng.Cầu Long Biên được xây dựng từ thời Pháp thuộc trong suốt  những năm 1899-1902, được gọi tên là cầu Doumer, nhưng người dân Việt thường gọi một cách dân giã là Cầu Sông Cái hoặc Cầu Bồ Đề.

Cầu Long Biên là một địa danh lịch sử mang đậm tính văn hoá của ngưòi dân Hà Nội. Người nước ngoài khi đến thăm Hà Nội đều muốn tìm hiểu về cây cầu lịch sử này.Cây cầu còn là nhân chứng sống động nối liền giữa giữa cuộc sống  nơi đô thị hiện đại của  Hà Nội với bờ bên kia dòng sông Hồng. Đó  là những khu  dân cư đông đúc và cả ngôi chùa Bồ Đề cổ kính với đời sống tâm linh của người dân Hà Nội.

Với thiết kế độc đáo của kiến trúc Pháp, dáng dấp cây cầu khá thanh lịch, đẹp mắt  và ấn tượng. Nghe đâu thời đó người Pháp họ phải tuyển mộ hơn ba nghìn công nhân bản xứ và một đội ngũ kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp trực tiếp cai quản và điều hành việc xây dựng.

Cầu Long Biên dài 1682 m bắc qua sông và 896 m cầu dẫn, bao gồm 19 nhịp dầm thép được đặt trên 20 chiếc trụ vững chãi có chiều cao trên 40 m tính cả móng. Cầu được phân thành luồng cho xe cơ giới và đường đi bộ ở  hai bên, còn đường sắt đơn chạy ở giữa.Có lẽ lối thiết kế ấy vẫn còn phù hợp đến bây giờ, mặc dù Hà Nội bây giờ đã có khá nhiều cây cầu hiện đại khác và đẹp nổi tiếng như cầu Thăng Long, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương được bắc qua sông Hồng nhưng tôi vẫn rất thích cây cầu Long Biên cũ kỹ ấy.

Tôi nhớ lại những năm tháng khi còn là sinh viên, chúng tôi đã từng ngồi trên chiếc xe đạp cà tàng  đi qua cầu Long Biên để lên trường học nội trú ở Vĩnh Phúc. Thời ấy được đạp xe đã là hạnh phúc rồi và có đi hàng chục cây số cũng là chuyện bình thường. Nhiều khi chúng tôi phải nhảy xuống tàu ở  cạnh Ga Yên Viên vì toàn sinh viên đi học xa nhà phải trốn vé.

Mặc dù cả lũ chúng tôi  phải phải đi bộ  qua Cầu Long sang nội thành  nhưng ai cũng rất hào hứng và thú vị. Vào thời điểm ấy, cầu Long Biên với chúng tôi đã là  biểu tượng thật hoành tráng của Hà Nội với một cây cầu dài nhất, lớn nhất, đẹp nhất  mà tôi từng được chiêm  ngưỡng.  Lúc ấy chúng tôi cảm thấy chiếc cầu sắt ấy sao lại dài đến thế và con sông Hồng kia sao cũng rộng lớn  thế.

Cho đến bây giờ, cầu Long Biên không còn được như xưa nhưng bạn vẫn có thể ngắm được hình dáng chiếc cầu với mỗi đoạn được uốn lượn nhấp nhô theo từng nhịp và hắt bóng thơ mộng trên sông Hồng. Ngay cả luồng đường phân cách đi trên cầu hồi ấy cũng thấy rất hợp lý thành từng đoạn rộng hẹp khác nhau cho cả người đi bộ và các phương tiện xe cơ giới. Mặc dù luồng đường đi bộ ước chừng khoảng  0,40 m nhưng mọi người vẫn nhường nhịn nhau, không thấy sự chen lấn ồn ào.Có lẽ lưu lượng xe cộ và mật độ giao thông hồi ấy cũng không khủng khiếp như bây giờ và con người cũng hiền hòa hơn chăng?

Nhiều lần đi qua, tôi còn dừng lại đứng trên cầu và trầm ngâm ngắm dòng sông Hồng đang uốn mình và cuộn chảy bên dưới những trụ cầu. Nhìn dòng nước trôi khi lững lờ, lúc hối hả vẫn như mải miết dâng cho đời những mật ngọt phù sa. Dòng chảy lịch sử vẫn cuộn trôi bên chứng nhân cũ kỹ tự xa xưa là cây cầu Long Biên. Bao lớp người đã ra đi từ đây.

Hà Nội ngàn năm còn mang đậm dấu tích Thăng Long xưa  và  “trùng trùng quân đi như sóng” khi  tiến quân vào giải phóng Thủ Đô với những bước chân thần tốc năm nào còn in dấu trên dòng sông lịch sử.  Cây cầu vẫn đứng hiên ngang như một chứng  nhân hào hùng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai và nhắc nhở bao thế hệ không được quên những trang sử ấy..

Cầu Long Biên với mười chín nhịp bắc qua sông Hồng không chỉ nối liền giao thông giữa khu ngoại thành Thăng Long với nội thành mà còn là cây cầu hoài niệm nối liền giữa hiện tại với quá khứ của Thủ Đô.Thật đau xót khi cầu Long Biên ngày càng xuống cấp và đang dần bị quên lãng. Cây cầu đó đã đi qua chiều dài lịch sử  của dân tộc và đi qua cuộc đời của bao con người với những thăng trầm buồn vui khác nhau. Không hiểu sao khi nhìn vẻ già nua cũ kỹ  của những nhịp cầu ấy, tôi cứ liên tưởng đến  một ông già đang gù lưng khổ hạnh trước năm tháng để chống chọi với cái chết đang đến gần kề.

Mặc dù thành phố đã có dự án và chủ trương khôi phục lại cầu Long Biên cùng với các nhà kiến trúc người Pháp để tái tạo lại cây cầu như xưa nhưng nghe ra không phải việc dễ dàng. Nếu được như vậy, cầu Long Biên hẳn sẽ là một địa danh lịch sử và du lịch cho du khách và bạn bè quốc tế  được chiêm ngưỡng  vẻ đẹp của chúng khi đến với thủ đô Hà Nội.Cầu Long Biên bây giờ vẫn  đang cố gồng mình trước gió bão và có nguy cơ bị quên lãng nếu không được chúng ta sửa sang và khôi phục. Hãy làm ngay hỡi các nhà chức trách, đừng để cầu Long Biên hấp hối!

Mỗi khi có dịp qua cầu, tôi vẫn có cái thú hoài cổ là được ngắm nghía cây cầu già nua  mặc dầu đã rất cũ kỹ  và bám đầy rỉ sắt cùng năm tháng. Bây giờ cũng ít người còn thích đi qua chiếc cầu này bởi đã có nhiều chiếc cầu khác thay thế đẹp hơn, lớn hơn và hiện đại hơn.Tôi nhìn sang phía Chùa Bồ Đề bên kia sông Hồng mà nghe trong không gian như  phảng phất tiếng chuông chiều cùng những bảng lảng khói sương và  lòng thầm  mong ước một cuộc sống thanh bình cho Hà Nội.

Ngàn năm Thăng Long đã qua với bao chứng nhân lịch sử. Cây cầu Long Biên vẫn khắc khổ đứng đó, dường như ngạo nghễ thách thức với thời gian mặc cho sông nước phù sa sông Hồng vẫn đỏ ngầu và trôi chảy bên đời với bao bước chân qua. 

Cây cầu cô đơn