Tí tách
những vơi đầy quá khứ
Tôi đã lang chạ bao nhiêu niềm vui? Tôi đã mảy may bao nhiêu nỗi buồn? Cà phê Sài Gòn tí tách những vơi đầy quá khứ. Ngay cả tương lai cũng ám ảnh những giọt linh hồn. Ai đặt tên nó là cà phê…
Kể cũng lạ. Người Sài Gòn vui cà phê, buồn cà phê, vèo ra Hà Nội xôn xao ngõ vắng cũng vác cái vội lên vai mà về cà phê Sài Thành. Cà phê Sài Gòn chẳng bao giờ mưa? Cà phê Sài Gòn chưa bao giờ nắng? Cà phê Sài Gòn có khi nào chết lặng? Sao tôi thấy đủ những thăng trầm Phù Nam? Cà phê là thức uống được ưa chuộng trên thế giới. Vậy nhưng ở mỗi nơi cà phê lại trở thành một thứ văn hóa bản địa rõ rệt.
Người Mỹ bận rộn, thật hiếm hoi khi thấy họ quán xá hàng giờ để mà phó thác linh hồn cho cà phê, nên thường họ thích cà phê mang đi. Người Ý với cốt cách ưa hoài cổ, có khi ngồi trầm ngâm hàng giờ mà say đắm, người Pháp lại lãng mạn một cách ngọt ngào, họ đẹp như tranh khi ngồi uống cà phê để ngắm nhìn và yêu thương các cô gái… Vậy Sài Gòn thì sao
Sài Gòn say đắm từng giọt cao nguyên. Sài Gòn luyên thuyên tán dóc. Sài Gòn đôi khi những tiếng thở dài mệt nhọc, những buổi chiều mồ hôi ướt vai…Nhưng trong những nỗi ám ảnh ấy, chẳng mấy khi thiếu vắng một linh hồn cà phê.
Dẫu là ai, là ai thì cà phê Sài Gòn cũng chẳng bao giờ phân biệt: tôi nghèo, bạn giàu, tôi một xíu đường, bạn tham lam bỏ đá…Dẫu là xưa, là nay tôi áo quần lam lũ, bạn bảnh chọe kiêu kỳ thì những phin cà phê vẫn cứ tiếng ti tiếng tách, vẫn màu đen bí huyền, vẫn màu nâu trầm mặc, vẫn giọt vui đuổi bắt giọt sầu. Ở đâu, những con hẻm vu vơ mỉm cười an nhiên. Đừng ngạc nhiên khi tôi đang nói về chính bạn.
Cà phê Sài Gòn dẫu vậy không chết nổi cái khẩu vị, tâm tính vốn kiếp kiếp đời đời Phù Nam hảo dạ hảo bụng mà thấm tháp ngọt ngào cả đầu lưỡi bờ môi. Vốn không ưa cay, vốn không say đắng cho nên cái đắng Sài Gòn chưa kịp tròn vòm miệng đã trốn vào hơi thở người lạ người quen. Ừ thì đó là cà phê…
Đắng Sài Gòn nhẹ nhàng lắm, nó khác gì một cơn mưa giữa vụ đâu, ào cái đến, ào cái đi, có khi ly cà phê chưa đầy giọt cơn mưa đã qua rồi. Và buồn vui cũng vậy, đắng cay ngọt ngào cũng thế, chẳng sức đâu mà lướt thướt xênh xang phố phố phường phường bế bồng những mối tâm tư nặng trĩu. Bởi vậy chẳng có điều gì khiến con người nơi đây buồn bã. Ngồi cà phê mà nở những nụ cười…
Đắng Sài Gòn chớm nhan nhát đầu môi, khi thấm vào đầu lưỡi là bắt đầu tê tê ngọt ngọt rồi khi xuống tới cổ họng thì vị đắng đâu còn, đó là một thứ ngọt ngào chẳng hề man trá. Cà phê Sài Gòn đố khi nào sánh đặc như cà phê Hà Nội chẳng vội được đâu. Thế nên phong cách cà phê Sài Gòn và cà phê Hà Nội cứ như cách xa nhau tận đẩu tận đâu. Có thể điều này khiến bạn nhớ lại cách uống cà phê của người Ý, người Mỹ và đừng bao giờ quên ly cà phê của những người đàn ông nước Pháp.
Người Sài Gòn nhiệt tình dễ yêu dễ mến và nhớ nhung nhất là cà phê sáng, thức uống không thể thiếu của loại khách này của kiểu người kia. Nhớ Sài Gòn là nhớ cơm tấm bình dân khói hơi nghi ngút mà trộm đổ mồ hôi, nhớ những ly cà phê Sài Gòn nhấp nhách như chiếc Honda cà tàng vén màn bình minh trễ nải. Buổi sáng ở Sài Gòn góc góc, hẻm hẻm, phố phố, đường đường, đắng đót dịu dàng cứ tan chảy vào một ngày mới trong veo.
Sài Gòn nổi tiếng bởi những nơi giải trí sang trọng, nhưng đằng sau cái chau mày hoa lệ ấy Sài Gòn còn có những nơi bình yên và lung linh đời thường. Sài Gòn đẹp nhất lúc về đêm. Không khiến ta phân bua cảm xúc thì cũng đủ làm ta lặng hồn trong một quán cà phê nào đó, gian díu một vài đoạn nhạc, nhớ trộm một vài nét cọ và bất chợt bạn nhận ra rằng thành phố này man mác vị đắng ngọt ngào.
Sài Gòn vốn vội, nên cà phê cũng chẳng thể rảnh rang, bởi vậy mà vị đắng cũng thật nhẹ nhàng, như tóc ai hương trong gió, như môi ai mềm trong mưa, như mắt ai chớp tình trong tối. Tôi cũng đi qua cái vị đắng Sài Thành nhanh như ly cà phê chưa kịp nguội thả đá bi quấy vội lóc chóc lanh canh…
Bên cạnh Sài Gòn xô bồ, sát vách một Sài Gòn hối hả vẫn còn trăm ngàn khoảng lặng để chúng ta ngoái lại trìu mến nét xưa, đâu đó vẫn có những bạn bè thầm lặng, đâu đó vẫn có những bằng hữu đơn sơ. Và con người ta dường như tìm lại được những gam đắng nhẹ đắng nhàng trong những ẩn nấp cà phê. Cà phê Sài Gòn.
Chẳng bao giờ giữ chân lâu được ở Sài Gòn, tôi cứ đến và đi như người ta thảy cà phê vào cối, như người ta châm nước bỏng vào phin, nhỏ từng giọt, say từng giọt, đắng từng giọt, quên từng giọt, ngọt từng giọt, nhớ từng giọt. Ai bảo Sài Gòn chữ vội trên vai?
Chiều nay cũng như bao nhiêu buổi chiều dịu đắng cà phê, tôi tình cờ đọc Sách Ảnh Sai Gon Cà Phê. Lời giới thiệu về cuốn sách cũng khá khiêm nhường: Không chỉ là thức uống, cà phê còn trở thành một nét văn hóa, một nốt nhạc trong nhịp sống mỗi ngày của người Sài Gòn.
Để bắt đầu một ngày mới, người Sài Gòn vẫn chọn hai thứ: ly đen đá và tờ báo. Dạo quanh những con đường lớn nhỏ, quán cà phê cóc, cà phê vỉa hè đông khách nhưng luôn bình lặng. Người ta chăm chú vào tờ báo với những thông tin mới nhất, mặc cho những giọt cà phê cuối cùng đã rời khỏi phin tự lúc nào. Chỉ với một số tiền rất nhỏ, bạn có thể cảm nhận nhịp chuyển động của hòn ngọc viễn đông bên vị đắng cà phê và những câu chuyện đời bất tận.
Ở một dạng thưởng thức khác, do không có thời gian ngồi lại bên ghế gỗ ngắm đường phố ban sáng, những nhân viên công sở bận rộn thường ghé quán quen trên đường đi làm, gọi một ly mang đi. Theo những vòng quay bánh xe, ly cà phê sữa hay một ly đen đá đều đắn mang đến cho những công dân của thành phố này sự tỉnh táo một ngày làm việc mới.
Bạn cũng không khó để tìm ra những quán cà phê của những người chơi xe độ, mê nhiếp ảnh, cà phê tattoo hay không gian chuyên nhạc acoustic. Bên ly cà phê, người ta có thể thao thao bất tuyệt về chiếc máy ảnh film, hay chia sẻ về một chuyến đi băng rừng đáng nhớ.
Không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, chỉ có những đam mê và câu chuyện kết nối người và người. Và tôi đã nghĩ biết đâu một sớm mai ở một ngõ hẻm cà phê nào đó người Phù Nam ngồi thú vị đọc Tản Văn Hay… Khi những áng văn bay lên níu chân ngày tháng vội vàng thì người Sài Gòn vẫn vui cà phê, buồn cà phê, vèo ra Hà Nội xôn xao ngõ vắng cũng vác cái vội lên vai mà về cà phê Sài Thành. Kể cũng lạ…