Em thơm bóng tối con đường
Tôi run rẩy chạm bức tường sương mai
Vàng son gian díu phôi phai
Bước chân đè nặng một vài trầm luân

Mùa xuân đi qua, mùa hạ đi qua, mùa thu đi qua, mùa đông đi qua, mùa xuân lại về. Tuổi trẻ như một bài ca dao đầy đủ những vòng lặp nhưng sẽ chẳng có vòng lặp nào giống vòng lặp nào. Ai ầu ơ quá khứ, ai ru hời tương lai, còn tôi đã nhiều lần bối rối khi chạm phải bức tường sương mai.

Tôi gọi nó là bức tường sương mai bởi nó mỏng tang trong tâm tưởng, một khoảnh khắc hiếm hoi nào đó bạn sẽ như kẻ mộng du, chỉ cần nhắm mắt lại là có thể chạm ngay vào ngày hôm qua và đằm mình trong những đoạn phim đẹp mà ký ức ghi lại. Nó thực đến nỗi chính mình cũng phủ nhận đó là ảo giác. Tiếc thay người ta thường bị sập trong ma trận ấy để trở về thực tại với một tâm hồn thương tật, giống như kẻ tội đồ “ketamin”(1) thiếu mấy đường cày nên không thể rũ bỏ thân xác mà “trippy”(2).

“Bức tường sương mai” là bốn câu thơ cảm thán trong một đêm tôi vô hình, bất lực về ngự trị trong nhà lao của tư tưởng khi mà tôi và người mình yêu thương sẽ chẳng còn phần nhiều hi vọng có thể cùng nhau đi tới cái đích có hậu của một chuyện tình. (May mắn thay người ấy bây giờ là vợ tôi)

Để có được hạnh phúc trong tầm tay hãy quên đi quá khứ của mình, tin vào hiện tại, sống với hiện tại một cách trọn vẹn thì niềm hạnh phúc dù đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. (tư tưởng Phật giáo) Dẫu vậy chẳng có lý do gì để những chuyến tàu hành hương về kỷ niệm không thôi thúc gióng giả hồi còi, không thống thiết gọi lại những yêu thương cho dù đó là tình bạn, là tình yêu và cả những thứ tình thơ dại nơi bếp lửa gia đình.

Một buổi chiều nửa mưa nửa gió, mê tơi vài đàn chim dấp díu mờ dần phía biển, phố xá ngơ ngác ánh đèn, con đường mặt lạ người dưng, rồi bỗng dưng tôi sững sờ nhận ra từ đâu đó mùi bếp dầu đủ khét đủ thơm của cha tôi mỗi chiều nấu nướng đợi con đi học về. Mấy chục năm rồi tôi vẫn không thể quên được cái mùi ấy và nhiều khi nó trở lại xộc vào khứu giác, một bức tường sương mai mỏng tang dịu dàng, chỉ cần tôi thò tay vào là nắm được, chỉ cần tôi thò chân là như có thể bước vào thế giới của ngày hôm qua. Nhưng đó là những khoảnh khắc hiếm hoi, bức tường sương mai vỡ vụn, chỉ còn lại cảm xúc nhạt nhòa.

Nếu cuộc đời cho ta cơ hội quay về quá khứ, bạn sẽ phát hiện, những kỷ niệm đó sở dĩ tươi đẹp là bởi vì chúng ta không thể làm lại mà thôi. Khi ngày hôm nay biến thành ngày hôm qua, bạn cũng sẽ hoài niệm như vậy. Tuy nhiên có quá nhiều kỷ niệm mà khi có cơ hội được quay trở về chúng ta cũng không thể làm lại. Đó là điều đau khổ nhất của mỗi một con người.

Khi bước vào tuổi trung niên tôi bắt đầu thường hay hoài niệm về quá khứ, về những năm tháng xưa cũ bên cạnh còn người thân, bạn bè. Kỉ niệm vui có, buồn cũng nhiều và quan trọng hơn hết lúc đó tôi còn rất trẻ.

Những kỷ niệm hoài cổ có thể cho mọi người cảm giác thân thuộc, có ý nghĩa và điều này giúp tôi cởi mở hơn với những trải nghiệm khác biệt trong tương lai, hơn cả, nó khuyến khích tính tính sáng tạo. Bạn có nhớ những ngày tuyệt vời đã qua? Hãy để tôi gợi nhớ cho bạn…

Như Jessica Helfand mô tả trên trang “Design Observer” sự hoài niệm khơi gợi lại ký ức và nhận thức về thực tế, ủng hộ triết lí duy tâm và tưởng tượng về một thời đã qua. Sự hoài niệm có thể đem lại những cảm xúc tích cực về hạnh phúc, sự kết nối, sự tự tin, lạc quan, và có thể nâng cao tinh thần của mỗi con người khi cảm thấy nỗi buồn phiền dửng dưng chợt đến.

Biểu hiện tâm lý của sự hoài niệm đã được kích hoạt sinh lý từ các điểm thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Một bài hát đặc biệt nào đó có thể gợi nhớ về đám cưới của bạn; một mùi hương lạ lùng nào đó có thể đưa bạn trở lại với những món ăn thủa gia đình ấu thơ; hoặc một bức ảnh đơn sơ có thể khiến bạn nhớ lại những ngày nghỉ hè ồn ào thời trẻ trâu cào cào bắt bướm – hoặc thậm chí hồi tưởng lại như Expedia đã thực hiện chiến dịch “Thrownback Thursday” (Nhớ về ngày Thứ Năm), sử dụng “sự hoài niệm” để thu hút đối tượng truyền thông mạng xã hội. Đó chính là những bức tường sương mai ngọt ngào.

Thời gian cứ trôi đi, không hạn, chẳng hồi, có nhiều khi tôi lắng nghe, có nhiều khi tôi lơ đễnh, có nhiều khi linh hồn như những dòng suối nhỏ chảy róc buồn rách vào đêm. Sương mai lại bảng lảng mơ hồ trong tầm mắt, níu tay giữ một ngày hè, dang chân khều một ngày đông, mùa thu đi qua, mùa xuân trở về, những vòng lặp đáng yêu của cuộc sống cứ hổn hển soi gương tháng ngày. Thơ viết cho nỗi buồn đã qua, thơ viết cho niềm vui ở lại, viết cho những gì khó sâu ánh mắt, khó đầy bờ môi, khó tình khó tội con tim chật chội. Ừ nhỉ, chỉ là một bức tường sương mai…

(1) Ketamin được bán dưới nhãn hiệu Ketalar và một số tên khác, là một loại thuốc được sử dụng chủ yếu để bắt đầu và duy trì gây mê. Nó gây ra một tình trạng giống như trạng thái bị thôi miên, làm giảm đau, an thần, và mất trí nhớ. Sau này Ketamin bị lạm dụng và là tiền chất của một số loại ma túy tổng hợp, dân bay gọi nó là “ke”.
(2) “Trippy” là tên gọi quá trình tác dụng của ketamin tới não và ảo giác có thể xảy ra.