Tôi đã ngợp trong sắc trắng bồng bềnh mê mải như mây trong gió cuối thu của những vạt hoa cỏ lau ở bãi giữa sông Hồng. Đứng trên cầu Long Biên hơn trăm tuổi, nhìn xuống, cả không gian ngợp sắc trắng hoa cỏ lau, như một tấm thảm mềm mại uốn lượn dập dờn ngút mắt.
Một vẻ đẹp có chút hoang sơ kỳ lạ, nhưng đầy lãng mạn ở nơi phồn hoa Hà Nội. Người phương Nam như tôi gần như mặc định hoa cỏ lau chỉ có ở Kinh đô Hoa Lư của Vua Đinh Tiên Hoàng gắn với tích “cờ lau tập trận” và dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên quốc gia Đại Cồ Việt… Nên khi lạc vào sắc trắng hoa cỏ lau ở ốc đảo phù sa chính giữa lòng sông Hồng đoạn qua Hà Nội dưới cầu Long Biên và Chương Dương, cảm gác như đang trôi trong một giấc mơ thần thoại ngàn năm trước.
Không biết loài hoa cỏ lau này đã làm cuộc hành trình ra sao, từ khi nào, lưu lại dải đất phù sa Kinh thành này, để cho Hà Nội có thêm một mùa hoa cuối thu đầu đông nhiều mê đắm.
Cây cỏ lau cao trên tầm đầu người, thân cứng cáp, là loài hoa cỏ dại mọc hoang, nhưng có sức sống mãnh liệt, chỉ lấy hương khí trời đất tự nuôi dưỡng mình. Khi những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về phố Hà Nội, thì cũng là bắt đầu một mùa hoa cỏ lau với sắc trắng miên man đến nao lòng.
Mỗi một cơn gió lướt qua, cả dải dài hoa cỏ lau như sóng gợn mềm mại tít tắp, cuốn theo bao nhiêu câu chuyện của người Hà Nội đi xa mãi về phía chân trời.
Như một sự quyến rũ thú vị, mùa hoa cỏ lau cũng là vào mùa cưới, và hoa cỏ lau như là chứng nhân ngọt ngào của những shot ảnh cưới lãng mạn.
Đứng trên cầu Long Biên, tôi thích thú ngắm các cặp tình nhân đang nắn nót từng cảnh thân mật yêu thương để có những bức ảnh đẹp nhất, lưu giữ khoảnh khắc của tình yêu kết hoa chuẩn bị cho ngày kết trái.
Có một kỷ niệm khó phai trong tôi khi cùng em Hà Nội lẫn vào bạt ngàn hoa cỏ lau. Một vô tình hay hữu ý, em mặc váy trắng như cô dâu, thấp thoáng ẩn hiện, có lúc như tan vào sắc trắng của hoa, cho tôi hốt hoảng nhớn nhác gạt từng thân lau tìm em…
Và khi chạm vào em cùng những bông hoa lau, tôi thấy mình đang trôi về miền thần thoại ngàn năm trước…
Một hoàng hôn bãng lãng cuối thu, tôi nắm tay em Hà Nội, đứng trên cầu Long Biên, ngắm những vệt nắng nhạt dần và chuyển màu, trước khi rơi nhẹ xuống dòng sông Hồng phẳng lặng bình yên với vài con thuyền nhỏ buông neo, như vương vấn thảm hoa lau trắng mà chùng chình nán lại, tạo thành từng khoảnh tím xám thơ mộng phảng phất u buồn…
Không biết có phải những tia khói mỏng màu lam từ đâu đó trong ngôi làng cổ bên kia bờ sông, quyện vào xa xa hoa lau trắng, ngoằn ngoèo bay lên, hay những đàn trâu bỗng hiện ra từ rừng hoa lau, lững thững bước về làng ở phía chân trời…, tạo thành bức tranh chiều khiến cho tôi bâng khuâng, cảm giác nuối tiếc mơ hồ không tên.
Cũng khó quên một bình minh cùng em đi ngắm hoa lau. Khi những tia nắng đầu tiên chạm vào những ngọn lau trắng muốt, như một chuyển cảnh ngoạn mục, từng dải hoa lau uốn lượn những vạt vàng rực rỡ óng ánh.
Một cộng hưởng cho trọn bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, cầu Long Biên in hình xuống mặt nước sông Hồng hòa vào bóng hoa lau trắng tạo thành một hình ảnh với màu sắc khó ai họa lại được.
Cho đến khi về tới phương Nam tôi vẫn không thôi nhớ sắc trắng của bạt ngàn hoa lau trên bãi giữa sông Hồng, vẫn vương câu hỏi phải chăng hoa lau đã theo thuyền rồng Vua Lý Thái Tổ lúc dời đô rồi dừng lại nơi này, để Hà Nội có một không gian bình yên cổ tích bềnh bồng trắng hoa lau.