Ước mơ

sẽ mang đến cho ta hy vọng và thắp sáng niềm tin vào cuộc đời! Tôi cũng mơ ước bây giờ sẽ được như cô học trò của tôi, dõng dạc khoe với tất cả rằng: Bố tôi là xe ôm!

Tiết ngữ văn 6

hôm ấy tôi có giờ dạy luyện nói. Cô bé Thảo Vy xinh xắn nhanh nhẹn xung phong kể về gia đình: Với em, bố là một người bạn lớn đặc biệt. Hàng ngày bố làm nghề xe ôm..

Các bạn xung quanh ồ lên:
Cậu phải nói bố là grab chứ giờ ai đi xe ôm mấy đâu!
Bố cậu là xe ôm mà nhìn oai như cán bộ ấy!

Con bé tươi rói nét mặt, dõng dạc nói:

Bố con là xe ôm thật cô ạ! Hôm con thi đỗ được vào trường Lương Thế Vinh, bố nói: “May quá bố không thất nghiệp rồi. Chứ con học trường ngay cạnh nhà thì bố mất việc. Sáng nào đưa con đến cổng bố con cũng bảo: Cảm ơn “thượng đế” đã “mở hàng” cho tôi may mắn công việc nhé”!

Nhìn con bé háo hức với đôi mắt trong veo, tôi nói với các em:
Bố đều là những “xe ôm đặc biệt” của cuộc đời chúng ta các em à! Bố đưa ta đến với cả thế giới, là người đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời. “Nghề” ấy thân thương mà tự hào vô cùng!
Tôi nhoẻn cười với các em mà nước mắt ngân ngấn. Tôi cũng có một XO thân thương mà vĩ đại! Bố tôi là “con thêm” khi bố mẹ đã có đủ nếp tẻ. Ngày ấy sinh con “ngoài kế hoạch” là tôi, bố mẹ bị cơ quan phê bình, phạt lên phạt xuống. Nhưng từ khi lớn lên bố luôn âu yếm gọi tôi “gái rượu”. Mỗi chuyến đi công tác thì câu đầu tiên khi về đến nhà cũng là lời gọi mà tôi luôn mong chờ:
Gái rượu đâu, kẹo của con này!
Tôi đón lấy túi kẹo chanh xanh đỏ, bóc một cái ngậm luôn. Hương chanh ngọt thơm lan nhanh xuống cổ như một phương thuốc kì diệu để dịu đi cơn ho của con bé hay bị viêm họng. Rồi tôi tót lên lưng bắt bố cõng. Cái áo còn sực mùi của chuyến xe đường xa lầy bụi mà đến mấy chục năm sau tôi vẫn nhớ chẳng thể lẫn lộn. Con bé cứ vắt vẻo cho bố làm “ngựa” đu đưa khắp nhà. Tấm lưng ấy là chỗ ngồi êm ái nhất thế gian. Nhiều năm sau này khi lớn hơn tôi không dám chơi trò con trẻ ấy vì sợ bố đau lưng, tôi lại mong “giá như bé lại”.

Giá như bé lại để tôi được ngồi sau xe bố mỗi buổi chiều thứ 5. Công việc của bố có một

buổi chiều nghỉ trực, bố đã tìm cách sắp xếp nghỉ vào ngày này vì đó cũng là chiều tôi không phải đi học. Trên chiếc xe lam gióng ngang, bố chở tôi đi đó đây. Ngày ấy thị xã nhỏ như bàn tay con gái nên được đi qua cầu Bo là “con đường mơ ước”rồi. Sau lưng bố, mắt con bé lấp lánh được nhìn dòng sông Bo dài như dải lụa xanh lênh lếnh nước, những vườn vải nhãn hoa đơm mâm xôi. Sau lưng bố, con bé kiễng chân ngắm chuồng khỉ nơi công viên Thị xã hàng tiếng đồng hồ không chán. Và không thể đếm nổi bao nhiêu lần, trên cái xe màu xanh tôi lại nhấp nhổm về quê đường xa hơn 10 cây số. Bố đạp phăng phăng những chỗ đường nhẵn, có lúc gặp đoạn gồ ghề sửa chữa thì tôi vẫn được ngồi nguyên trên xe hớn hở để bố dắt đi. Thỉnh thoảng bố quay lại dặn: “ngồi chắc đấy con, họ vừa đổ đá hộc khó đi quá”! Con bé ngày ấy khờ khạo chẳng nhìn thấy những giọt mồ hôi trên lưng bố dù giữa trời đông gió vi vút căm căm.

Tôi học cấp 2, bố sắm được cái xe Simson màu nõn chuối. Hôm dắt xe về nhà, bố nổ chạy rotda rồi gật gù bảo “Giờ con có thích lên núi bố cũng chiều được nhé”!

Thế là bầu trời sau lưng bố mở ra dài rộng. Mỗi ngày chủ nhật là chuỗi cười như bất tận khi bố chở tôi khám phá khắp nơi: Bến phà Tân Đệ nườm nượp xe đi về, đền Tân La có những gốc cây cổ thụ to cả sải tay ôm che mát cho mái đền cổ kính, làng vườn Bách Thuận lách cách tiếng thoi đưa đều đặn… Bố vừa chở con bé đi rồi có khi vui miệng hát vang đường. Tôi nhắm mắt lại mà tâm hồn như đang bay lên, cao mãi cùng tiếng hát của người lính Trường Sơn năm nào!

Xe cuối cùng bố đi là chiếc Cup màu xanh ốc bươu. Nhớ hôm thi HSG ra, giữa dòng người nhốn nháo đợi con nhưng tôi phát hiện ra bố ngay bởi cái mũ cối vẫy con tíu tít. Một tuần sau, khi biết tin tôi đạt giải nhì học sinh giỏi Văn Thị xã bố khà khà cười chỉ vào chiếc xe và bảo “Bí quyết đây! Bố chở nó đi học có biết mệt mỏi đâu”. Tôi biết bố vui lắm, tôi hiểu bố luôn tự hào về những thành tích bé nhỏ của con. Vậy mà tôi đã không biết nói lời cảm ơn bố lúc đó dù lòng tôi đang reo vang: “Bí quyết là con có một người bố rất tuyệt vời”!

Rồi tôi đi xây dựng gia đình, nhưng trong mắt bố tôi vẫn chỉ là con gái bé bỏng. Có món gì ngon là một loáng đã thấy bố mang đến sau cuộc gọi điện chỉ mấy phút. Ngày nước ngập mênh mang của trận bão lịch sử, khi ấy tôi còn dạy xa nhà 5 cây số, bố đến tận trường tôi dạy để đưa đón con về mấy ngày liền. Lúc sinh con bé lớn, bố cũng là người đều đặn ra vào bệnh viện ngày mấy lần chỉ để ngắm cháu gái. Nhìn dáng bố thấp thoáng ngoài cửa là lòng tôi ấm áp lạ kì bởi biết có một chỗ dựa thật vững vàng, bền bỉ.

“Tấm lá chắn cuộc đời” của tôi đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật suốt 12 năm ròng rã. Căn bệnh tai biến hai lần tái phát không quật ngã được niềm tin bền bỉ của bố. Dù đôi mắt đã mờ đi nhưng chỉ nghe tiếng bước chân bố đã nhận ra từng đứa con. Nằm trên giường bệnh bố vẫn tin tưởng sẽ có ngày ngồi trên xe để các con đưa về thăm chiến trường xưa.

Nhưng chúng tôi đã không thực hiện được ước mong đó của bố, chỉ có những chuyến xe vội vàng đưa bố vào bệnh viện, thấp thỏm âu lo.

Gần 5 năm trước bố đã bước vào chuyến xe cuối cùng của cuộc đời, buông bỏ hết những đớn đau của bệnh tật. Tôi mất hai năm chống chênh rồi mới cân bằng lại cuộc sống bởi trong những giấc mơ bố vẫn trở về, ấm áp giọng nói hiền từ cùng lời nhắn nhủ về những dự cảm cuộc sống mà tôi đang ấp ủ. Có một sức mạnh siêu thực không thể diễn tả được đã cho tôi niềm tin: tôi không bao giờ đơn độc bởi chưa bao giờ bố cách xa tôi.

          Ước mơ sẽ mang đến cho ta hy vọng và thắp sáng niềm tin vào cuộc đời! Tôi cũng mơ ước bây giờ sẽ được như cô học trò của tôi, dõng dạc khoe  với tất cả rằng: Bố tôi là xe ôm!

Tôi là Tháng Mười

Thành viên của Tản Văn Hay từ 29 tháng 8, 2019.

Bay đi bồ công anh

Cuốn tản văn nhiều tác giả đầu tiên của nhóm Tản Văn Hay.