t

ôi muốn về bỏng cát bước chân, cho lồng lộng gió sông hờn tung làn tóc rối, uống cạn khoảng trời buông khỏa đáy khúc sông quê . Tôi may mắn được sinh ra nơi xóm nhỏ bình yên trên vùng quê Kinh Bắc, nơi phát tích của vương triều nhà Lý rạng danh một thuở, nơi khởi nguồn của nền phật giáo nước nhà, nơi quay lưng thấy núi, ngoảnh mặt thấy sông. Đó là dòng sông Đuống “ cát trắng phẳng lỳ” nằm “ nghiêng nghiêng “ ôm ấp chở che những làng mạc đôi bờ trong thơ ca nhà thơ vang danh Hoàng Cầm, hay còn gọi là Thiên Đức Giang.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian dòng sông vẫn ân cần bên lở bên bồi, vẫn âm thầm oằn mình chở nặng phù sa cho “ xanh xanh bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc “, vẫn mải miết “ trôi đi, một dòng lấp lánh “. Đời người đi qua buồn đau đến hạnh phúc an nhiên, dòng sông cũng khi vơi khi đầy đồng hành với những người dân quê tôi trong sướng khổ.

Cũng có những ngày sông nổi giận sục sôi gầm gào hung dữ, như muốn cuốn phăng đi, nhấn chìm tất cả, rồi sông lại thấy day dứt xót xa mà bù đắp bằng những lớp phù sa màu mỡ đôi bờ, sông lại hiền hoà êm đềm phẳng lặng. Những ngôi cổ tự chứa trong mình những pho tượng cổ độc đáo, làng nghề, di tích lịch sử quý giá cũng như những lễ hội văn hoá lâu đời chạy dọc hai bên bờ sông như điểm xuyến tô thêm giá trị, nét đẹp cho dòng sông Đuống quê tôi.

Bên này sông là đền Đô thờ tám vị đế vương nhà Lý, cách đó không bao xa cuối dẫy núi Nguyệt Hằng, dựa lưng vào núi Phật Tích ( hay còn có tên gọi núi Lạn Kha, núi Tiên ) là ngôi chùa Phật Tích ( Vạn Phúc tự), nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ, nơi gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên trong lễ hội hoa mẫu đơn. Bên kia sông ẩn hiện trong màu xanh của những tán cây là chùa Bút Tháp thâm nghiêm, chùa Dâu cổ kính, chứng tích của thành cổ Luy Lâu, chùa Đại Bi, đền thờ Kinh Dương Vương lăng tẩm đế vương, khu di tích Lệ Chị Viên, đền thờ trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh.

Không những thế giữa vùng sông nước mênh mông khoáng đạt của đất trời, còn có làng tranh dân gian Đông Hồ nức tiếng xa xưa, với “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp “. Sông Đuống cứ xuôi dòng về với Thiên Thai vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, níu bước chân ta dùng dằng không muốn dứt.

Tôi lớn lên bên dòng sông Đuống yêu thương với tuổi thơ êm đềm, trong trẻo, có tiếng sáo diều du dương những chiều hè trên triền đê lộng gió, cùng lũ bạn chụm đầu vạch cỏ đổ nước bắt dế ven sông, chơi trò ú tìm giữa những bụi muồng muồng hay những bó rơm phơi chụp trên bờ đê, cởi áo chộp ong hút nhụy trên những vạt vừng, rồi rút cổ chú ong có bầu mật nhỏ, ngửa cổ thả vào miệng mà ngâm nha nhấm nháp cái vị ngòn ngọt của mật ong nơi đầu lưỡi rồi từ từ lan xuống cổ họng.

Giữa trưa nắng đứa ngắt lá sen làm mũ nón, đứa kéo lưng áo trùm lên đầu, đứa để đầu trần rủ nhau băng qua bãi cát bỏng rát bàn chân ra sông bơi lội lặn ngụp, nắng gió nước sông nhuộm vàng hoe mái tóc, nước da mốc khoang đen nhẻm, làm cho ốm đau bệnh tật cũng phải dè chừng kiêng nể . Bên cạnh bờ đê quê tôi trước đây có một đầm sen lớn do đào đất đắp đê mà thành, mùa sen nở hương toả thơm ngát cả một quãng đê, dù trên triền đê không hề có cây cối bóng mát, bất cứ ai đi qua đây dù ngày mát trời hay ngày nắng như đổ lửa, bước chân cứ như luyến lưu chậm lại để hít căng lồng ngực cái mùi mát thơm ngan ngát ấy.

Vào những buổi chiều hè, đâu đó trên bờ đê nhởn nhơ từng đàn trâu bò gặm cỏ, vài đứa trẻ hay người lớn nhàn hạ nằm dài trên cỏ mắt lim dim, dưới sông thấp thoáng mấy con thuyền, người lái điều khiển mái chèo bằng đôi chân một cách vô cùng thiện nghệ, thảnh thơi ngả lưng dựa vào chiếc bệ gỗ phía sau, cùng với cỏ cây sông nước hoà mình theo tiếng sáo diều khi dìu dặt, lúc trầm bổng du dương, gió nhẹ mơn man, sóng vỗ mạn thuyền, bao những vất vả muộn phiền thả xuống dòng sông cho nước cuốn đi .

Tôi về với dòng sông quê sau bao năm xa cách, bờ bãi sông quê đã thay màu áo mới, vài khu nhà mái tôn xen lẫn giữa những đụn cát nhấp nhô, tiếng ì ầm của tầu khai thác cát từ lòng sông vọng lên. Tôi hoà vào dòng người bước chân lên chuyến đò ngang, mặt sông nước cuộn đục, lòng sông như đang oằn mình than thở, những hình ảnh dòng sông quê từ ký ức tuổi thơ cứ ẩn hiện trộn lẫn với dòng sông thực tại.

Hẳn là mỗi người đều có mục đích của mình khi có mặt trên chuyến đò ngang, còn tôi đi chuyến đò ngang qua sông là để trở về, để lưu lại sâu hơn hình ảnh dòng sông bến nước con đò quê vào tâm trí. Một cảm giác nuối tiếc rằng đến một ngày nào đó, sẽ có cây cầu mọc lên bắc qua sông đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của cuộc sống, những bến đò ngang qua sông sẽ không còn nữa, chỉ còn tồn tại trong ký ức . Dòng sông đâu có lỗi!

Mỗi dòng sông đều riêng mang những giá trị trong lòng, nếu như ta bất chợt bắt gặp một dòng sông ở nơi nào đó không phải quê nhà, thì trong lòng mỗi chúng ta, trong lòng bạn, trong lòng tôi đều có dòng sông của riêng mình. Dòng sông quê thương nhớ!