Cái bến đò nhỏ làng tôi gọi là bến Thương… Con sông Vực hiền hòa mải chơi rẽ một nhánh trốn dòng chảy chính ghé qua làng. Dòng mảnh, mềm mại như chiếc khăn choàng ôm lấy mái tóc xanh của những rặng tre bát ngát ven bờ. Nhánh sông nằm vắt ở giữa hai thôn Đoài và bên kia thôn Tiếu. Đò nối hai thôn bên Tiếu sang bên này ngày lẻ. Đò từ Đoài làng tôi sang bên kia ngày chẵn, đúng vào phiên chợ.
Bến sông làng tôi có một cái bậc đá xanh cũ,vuông vức. Người qua sông trước khi bước xuống đò hay từ dưới đò bước lên bao giờ cũng đặt chân lên bậc đá ấy. Vì thế bậc đá nhẵn bóng, lâu dần lộ ra những vân đá gân guốc. Người làng chẳng ai biết bậc đá trên bến sông cũ càng ấy có từ bao giờ, chỉ biết những chiều hoàng hôn khi đàn cò mải miết sải cánh bay qua sông về tổ, chú Cung người làng ngồi trên bậc đá, chân thõng xuống dòng sông thổi sáo.
Tiếng sáo lẻ loi, u hoài tím lịm cả mặt nước sông. Người làng tôi từ già trẻ, lớn bé ai cũng biết, người yêu chú, cô Xoan đẹp nhất thôn Đoài, ngày tiễn chú lên mặt trận Vị Xuyên cô cứ đứng mãi ở bến sông đầy nắng. Rồi chiều nào người con gái ấy cũng ra ngóng những chuyến đò cập bến. Gió mùa lồng lộng thổi cô cảm ngã ở bến sông rồi không còn đợi được chú trở về.
Ngày giải ngũ, chú Cung chống nạng đứng như hóa đá trên bến sông, dáng chú xiêu vẹo nép vào nỗi cô đơn vời vợi.Tiếng sáo chú thổi vọng khúc biệt ly thổn thức buồn. Có lẽ vì thế mà cái bến sông tên là bến Thương từ đó.
Bến Thương gắn bó với nếp sống của làng tôi tự bao đời. Nước sông nhánh nên trong vắt, soi bóng từng mảng mây trời. Trời xanh dòng biếc, mây bồng bềnh dòng trắng bạc. Những đêm trăng sáng các cô con gái làng tôi ra bến sông giặt giũ. Nước sông lấp lánh ánh vàng, các cô nàng giặt áo mà như giặt cả ánh trăng.
Câu hát “Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi, anh ơi em vẫn đợi …” cất lên da diết. Làng tôi, biết bao người trai đã lên đường ra mặt trận từ bến sông này, để trong lòng người con gái bến Thương khắc khoải nỗi nhớ mong gửi vào từng lời hát.
Khi những cơn gió chơi trò đuổi bắt khắp khu vườn ngoài bãi màu, hàng bưởi nhà ai đứng lấp ló bên rặng rào len lén thả mùi hương buông lơi, thơm ngan ngát khắp bến sông. Nhất là vào mỗi độ tháng ba, hoa bưởi nở bung từng chùm trắng muốt gửi niềm thương nhớ vào con đò qua lại để trai gái đôi bờ hò hẹn. Từng cánh hoa bưởi đã tàn xoay rồi tà tà đậu xuống mặt sông ướp thơm vào khoan thai nhịp chèo khỏa nước.
Mẹ tôi là con gái làng Tiếu. Năm ấy nước lũ cuồn cuộn đổ về, nhánh sông chảy quanh làng tôi nước cũng dâng lên mấp mé dải đê, bến Thương cam chịu ngâm mình trong nước cả. Nước ngậm làm đất bờ đê tở ra, lở loét như vết thương khó lành.
Bố tôi kéo bè tre mua từ chợ phiên qua sông, nước ngang ngực, mảng tre bị dòng nước đẩy dạt mắc vào rìa tre nhà ông ngoại tôi sát mép sông. Ông ngoại gọi mẹ tôi chống thuyền ra cùng giúp chàng trai trẻ. Ba người dồn sức kéo, đẩy bè tre mới ra đến giữa dòng. Bố tôi kéo mảng tre về bến Thương, đưa luôn cả người con gái nụ cười như hoa về từ thôn Tiếu.
Trong bức tranh quê hữu tình, người làng tôi đã vẽ lên ở bến Thương này một cây đa cổ thụ. Tán đa xòe rộng soi sắc lá vào tấm gương sông xanh thẫm. Chim chóc bốn mùa ríu rít rủ nhau kéo về làm tổ trên ngọn cây. Chim ăn quả đa chín, vụng về làm quả rơi lõm bõm xuống nước. Đàn cá đòng đong mình trong suốt thong dong rỉa những quả đa nổi lập lờ, thỉnh thoảng có con quẫy mình bũm bũm trên mặt sông.
Những buổi trưa hè nắng dệt vàng ươm, bến Thương vẫn xanh ngan ngát bóng đa. Dưới bóng đa là nơi tôi và bọn thằng Nhơn thằng Tài, cái Nhài cái Nụ… bày đủ trò nghịch ngợm bắn chim, câu cá… Thích nhất vẫn là cả đám tranh nhau bám chặt vào những chùm rễ đa lòa xòa buông dài từ trên cành cao xuống rồi đu người, thả tay nhảy ùm ùm làm nước sông bắn tung tóe, sóng sánh cả con đò vắng khách đang cắm sào nghỉ ngơi bên bến.
Tôi nhớ mẹ tôi hay đứng trên bến Thương đợi bố tôi về. Bố tôi đi công tác xa, mỗi chuyến đi của bố kéo dài có khi vài tháng mới ghé thăm quê một lần, vậy mà mẹ tôi ngày ngày vẫn đợi. Khi khói rạ luẩn quẩn trên mái bếp nhà ai, mẹ tôi dắt tôi ra bến, mái tóc dài đen mượt vừa gội của mẹ xõa ra thoang thoảng mùi của hương nhu,hương bưởi dịu dàng. Mẹ đứng nhìn về hạ nguồn xa xăm như chẳng biết nơi nào là phía cuối cùng của bến đợi.
Tôi đã khóc vì phải xa bến Thương lúc cả gia đình tôi theo bố lên thành phố. Đò rời bến, lũ bạn tôi tần ngần đứng dưới gốc đa vẫy vẫy tay chào từ biệt. Tôi cứ đứng ở mũi đò nhìn về bến cho đến khi cây đa chỉ còn là một chấm đen mơ hồ. Bến Thương lặng lẽ chứng kiến những cuộc chia li rồi hội ngộ, biết có bao người ra đi, bao người không trở về, bao người lái đò già đi theo năm tháng. Con nước đầy vơi, bến đò hao gầy nhưng vẫn cứ ở đấy kham khổ chung thủy muôn đời với người dân.
Mẹ tôi thỉnh thoảng lại ngơ ngẩn nhắc đến cái bến Thương, thắc mắc chắc cây đa đã già lắm. Tôi thì nhớ quay quắt bọn thằng Nhơn, thằng Tài con Nụ…không biết bây giờ chúng nó có còn ra thăm bến sông xưa ?
Đêm qua tôi mơ thấy mình trở về bến cũ. Mẹ dắt tay tôi đứng trên bến, mái tóc mẹ vẫn dài đen mượt phảng phất mùi hương hoa bưởi. Còn tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ của ngày xưa nép vào cánh tay mẹ nghe tiếng sáo chú Cung thổi dìu dặt và mê mải vẫy tay tạm biệt những con đò rời bến trong một chiều hoàng hôn nào xa vắng.