Bể nước và giàn trầu nhà bà nội

    Nhà bà Nội có cái bể hứng nước mưa, có một chiếc máng dài làm bằng cây tre to chẻ một nửa, cố định ngay ngắn bằng dây thép cạnh mái ngói, nơi đón những giọt nước mưa đầu tiên để dẫn nước. Khi trời mưa gió, máng tre chắt chiu giọt nước trong veo của trời, giọt nối giọt theo đuôi nhau chảy tràn vào bể. Sau cơn mưa, bể lại đầy nước, những giọt nước sóng sánh được chiếc gáo dừa múc lên dùng để sinh hoạt. Bể nước thân thương như một người bạn, nơi lưu giữ cả những kỷ niệm tuổi thơ chúng tôi ở đó, nơi mà nỗi buồn không có niềm vui thì nhiều….

               Chẳng biết bể nước có tự bao giờ nhưng khi tôi sinh ra bể đã đầy nước. Mùa khô hanh, trời chẳng chịu mưa, Cô tôi đi gánh nước ở ven sông về đổ vào từng thùng vào bể. Tôi và đứa em bám theo như cái đuôi túi tít chạy đi rồi chạy về. Ngôi làng ven sông, họ đào giếng nhưng rặt toàn nước lẫn phù sa đỏ quạch, không dùng được, nước ấy chỉ để tưới cây và rửa chân. Vì thế bể nước mưa nhà nào cũng có và không bao giờ được phép cạn.

                            Có nhà bà Chi , bà già rồi, thằng con trai đi làm phương xa, thỉnh thoảng mới về. Bể nước của bà thường cạn vào mùa khô bởi chẳng có ai gánh nước đổ vào bể cho bà, bà hay sang nhà Nội xin nước, từng gáo nước trắng trong múc lên rồi đổ vào chiếc thùng bé tẹo, bà lẽo đẽo xách về , trông tội tội như nỗi buồn thời gian níu đôi vai bà mệt mỏi.

    Bể nước gắn bó rất nhiều với lũ trẻ chúng tôi và Nội tôi ngày đó. Bà trồng bên bể một cây trầu quế, một loại trầu cay, lá nhỏ nhưng dày . Bà bảo ăn lá trầu quế mới thấm đẫm hương vị của trầu. Quanh năm cây trầu xanh tốt, chắc tại nó mọc gần bể nước, rễ trầu bám vào thành bể, hút dưỡng chất tinh túy giọt nước trong veo của bể. Lá trầu bò ngang qua cửa sổ, nơi đó tôi từng thả hồn vào tuổi mộng mơ mới lớn ngày ấy, mấy lá trầu đung đưa trước gió, nhìn qua ô cửa màu xanh.

              Tôi ngỡ đời cũng đẹp long lanh như thế, sẽ chẳng bao giờ buồn. Thảng bên tai bà gọi hái trầu cho bà têm, tôi đưa bàn tay nhỏ bứt cái lá hình trái tim màu xanh óng ánh, lá trầu rúc rúc nằm gọn trong tay tôi bé nhỏ. Những buổi tối trời bà thèm ăn trầu mà trong cơi hết lá, bà đắn đo nên hái hay không. Bà bảo hái trầu buổi tối trầu ngủ, trầu không dậy nữa , có thể hôm sau cây trầu sẽ chết.

    Ảnh: Đoàn Vương Quốc

    Thế là mấy đứa nhóc chúng tôi leo lên bể nước đánh thức trầu :” Dậy, dậy đi trầu ơi, bọn tao chỉ hái 2 lá, mày đừng chết nhé!”. Sáng hôm sau chúng tôi ríu rít ra xem cây trầu thế nào, trèo lên mặt bể, mấy giọt nhựa hôm qua còn đọng trên cuống lá vẫn vấn vương chẳng nỡ rơi xuống, cây lá vẫn xanh tươi. Vậy là cây trầu không chết, do chúng tôi đọc thần chú ấy mà, lần sau muốn hái trầu buổi đêm cứ đọc bài đánh thức trầu vậy nhé! Bà cười móm mém :” Cha bố nhà anh chị, chỉ được cái khôn lanh!”

                           Bà Nội trồng cây trầu, còn ông Nội tôi cũng kịp trồng một cây đinh lăng xanh tốt cạnh bể. Nhưng khi tôi con nhỏ xíu ông đã đi xa mãi sau một trận ốm nặng. Cây đinh lăng cạnh bể nước cứ xanh um bất kể mùa đông hay mùa hè. Tôi thầm nghĩ chắc tại gần bể nước, vì cây trầu của bà cũng xanh tốt như vậy. Chúng âm thầm đan quện vào nhau, hỗ trợ sự sống cho nhau tạo thành quần thể thôn quê vui vầy hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà gia đình tôi hồi đó luôn quây quần bên nhau tràn ngập tiếng cười.Tiếng Bà tôi gọi Cô tôi dậy sớm đi làm đồng, tiếng Bố tôi và Bác tôi chạy thể dục quanh sân ngày cơ quan nghỉ phép, tiếng mấy đứa em tôi khóc choe chóe đòi uống nước đường.

    Ngày nắng lên sau thời gian ẩm thấp mưa dầm, bể lại đầy nước, lũ chúng tôi bắt được con cá nhỏ ngoài mương, lặng lẽ thả vào bể nước, con cá ngoe đuôi bơi lội tung tăng. Cả bọn yên tâm rằng con cá sẽ dọn sạch rêu trong bể. Thằng Tùng thích ca hát nên nó thò đầu vào thành bể, ngân nga mấy bài Đội ca, rồi Quốc ca được học ở lớp, tiếng bể vọng lại, giọng nó ngân vang hay đến lạ thường. Tôi là chị cả mà cũng làm theo thằng em út, bọn chúng tôi tranh nhau thò cái mặt vào bể. Mối đứa được hát một bài rồi lại thò đầu ra cho đứa kia thay thế, vậy mà cũng hết cả buổi sáng chủ nhật được nghỉ của mấy đứa.

    Ảnh: Trần Xuân Thiều

               Mợ tôi lấy nước từ bể ,đun nước bồ kết rồi pha vào mấy thau to đặt cạnh bể cho cả nhà gội đầu. Tôi cầm chiếc gáo dừa múc từng gáo nước bồ kết màu vàng cháy đổ nhẹ lên mái tóc đen láy của Mợ tôi. Mái tóc Mợ như dòng suối đen tuyền , mịn màng như nhung. Mợ quay mái tóc đen thành vòng tròn cho nhanh khô, Mợ búi tóc lại bảo tôi cúi đầu xuống và gội đầu cho tôi.

                             Từng gáo nước tràn vào tóc, chảy đến đâu nhẹ đầu tới đó, vì tôi hay nghịch nhiều, mồ hôi chảy ra, đầu rất bẩn. Mỗi lần được gội đầu cả ngày hôm đó đầu nhẹ như mây, tôi không bao giờ quên cảm giác sảng khoái đó. Mợ tôi là mẹ kế của tôi nhưng Bố tôi không cho gọi là Dì, bởi bố sợ hai chữ “ dì ghẻ”. Chắc có lẽ vì thế mà Mợ tôi hiền thật hiền. Tôi yêu Mợ như người Mẹ thứ hai của tôi, chưa bao giờ trong lòng gợn lên suy nghĩ gì ngoài cảm xúc yêu thương và trân trọng. Ngẫm cuộc đời cũng thế, cứ trao yêu thương rồi cũng sẽ nhận lại được thành yêu thương….

    Ngày tết, năm nào cả nhà cũng chụp ảnh bên bể nước, có lẽ đó là nơi có không gian đẹp nhất để lên ảnh. Không biết bao nhiêu năm qua đi, năm nào cũng là cảnh gia đình tôi cười rạng rỡ ở tại nơi đó. Vẫn cái bể nước làm nền đằng sau, giàn trầu sau này cũng xác xơ theo năm tháng, cây đinh lăng già gục ngọn xuống bên thân hình xù xì rồi tàn lụi lúc nào không hay. Mỗi khi ngắm lại ảnh gia đình, tôi cảm giác như thời gian là một vòng tròn xoe. Khi chúng tôi còn là đứa trẻ chỉ biết toe toét cầm bóng bay con thỏ và khi đã biết chúm chím nụ cười, khi lại suy tư thời vướng tình yêu đầu. Còn bố mẹ tôi, khi còn bức ảnh còn là vợ chồng son.

               Mẹ tôi ra đi, bố tôi đứng cạnh Mợ trong ngày cưới lần thứ hai, họ vẫn mỉm cười hạnh phúc. Khi Bà tôi mới rụng một chiếc răng, nụ cười chưa món mém và khi Bà đã rụng chẳng còn chiếc răng nào, dáng Bà nhỏ thó , yếu ớt ngồi giữa bầy con cháu đã lớn khôn. Chỉ có bể nước đằng sau vẫn làm nền cho mỗi bức ảnh. Chiếc bể như nhân chứng bất khuất của thời gian, giọt nước trong bể vẫn thơm lành, trong veo tới tận đáy. Lỡ may một giọt mưa sa kịp lọt vào bể, từng vòng tròn của nước được vẽ ra như xoáy ốc rồi biến mất. Tôi cũng thường giấu Bà ném viên sỏi nhỏ để ngắm những hình tròn xoe, vui mắt ấy.

                            Thời gian khắt khe vẫn qua đi, ngày hôm qua không bao giờ trở lại. Trời đất biến chuyển xoay vần, con người chúng ta hết trú mưa rồi lại đi ra nắng. Rêu phong phủ trên mái ngói ngày một dày, rêu bám vào cả thành bể chẳng chịu dời đi. Phải chăng những thứ cũ kỹ thường lì lợm và bảo thủ?. Đi qua cả những gian khổ hay niềm vui của cuộc đời, dù muốn dù không vẫn phải qua thôi.

    Ta ngồi đó thời gian cũng bỏ rơi ta mà đi qua mãi mãi. Bảo thủ như rêu cũng có ngày phải nhận ra mình thật cố chấp không nên…Cô tôi đi lấy chồng nên không còn gánh nước bên sông vào bể. Mợ và Bố tôi vào Nam bán làm ăn, chúng tôi lớn lên đứa đi học, đứa đi làm, thỉnh thoảng rảnh rỗi có thời gian mới về thăm Bà. Ngôi nhà xác xơ , bể nước cạn, giàn trầu khô lá. Bà ngồi lặng lẽ bên chiếc phản gỗ, bà không nhai trầu nữa rồi, tay bà run run , bà thoáng nhớ rồi lại thoáng quên. Bà bảo có phải con Nga đấy không, sao bây giờ con già thế? Tôi biết, bà chỉ nhớ trong ký ức ngày tôi còn nhỏ, ngày tôi là một đứa con gái hay nũng nịu bà. Trong ký ức đẹp đẽ của Bà thời gian đang dừng lại. Khóe mắt tôi chợt cay cay rồi lại tủi tủi, tôi nhớ ngày xưa đến quay quắt trong lòng.

               Tôi bước lặng lẽ ra bể nước, vài nhánh rễ trầu vẫn bám chặt vào thành bể hóa thành thứ gì đó giống như xương hóa thạnh của loài khủng long, cái mà các nhà khảo cổ đã tìm ra hàng bao triệu năm về trước. Tôi thò đầu vào bể, bể nước đã cạn khô. Phải rồi, Bác tôi đã thay thế nước máy nên chẳng cần bể nước mưa ấy nữa. Tôi ngân nga định hát vu vơ một câu gì đó, nhưng mà rưng rưng quá, chẳng thể thốt nên lời. Những gì đã qua hãy xếp gọn gàng vào ngăn ký ức, nên như thế ! Cuộc sống vẫn còn ở phía trước dù vui hay buồn cũng phải bước tiếp thôi! Bác tôi bảo tuần sau sẽ xây nhà mới, bể nước sẽ phải phá đi, nơi này sẽ là góc hiên của ngôi nhà mới. Tạm biệt mãi mãi chiếc bể nước và giàn trầu thân thương!