Mùa xuân này tôi về thăm quê. Biết tôi thích ăn canh khoai nước, chị tôi ra bờ ao bứt vội nắm dãi khoai dúi cho tôi làm quà.
Những mầm khoai mà dân làng tôi gọi là dãi khoai ấy mập mạp dài như những con lươn vàng óng còn đọng những giọt sương Xuân. Những dánh khoai được dân làng tôi gọi từ dân dã là dái khoai tròn như những hạt mít vừa nhú lên những mần non phơn phớt.
Hồi còn bé, mẹ tôi vẫn hay nấu canh dãi khoai này với ốc hột,một loài ốc tròn như qủa cau non thường bám ở cầu ao ,cọc rào dưới ao mỗi độ xuân về. Lúc này ốc mới béo ngậy có hương vị ngọt ngào. Qua những tháng ngủ đông dưới lòng đất, ốc tích luỹ thức ăn, chất dinh dưỡng, miệng đầy, thịt giòn và ruột đặc.
Nồi canh khoai nước được nấu thật nhừ cho đến khi những dãi khoai mềm tan như những sợi bún, những dái khoai chín rục dẻo quánh được đánh tan. Bưng bát canh khoai nóng hôi hổi,mùi hành, mùi rau thì là, mùi rau ngổ hòa với mùi ốc chín thơm lừng ngây ngất. Thịt ốc giòn sần dật hòa quyện vào vị ngọt mát của rãi khoai càng ăn càng thích, càng thèm.
Mùa xuân đến, khi những làn mưa xuân như bụi phấn rắc những hạt ngọc li ti trên những lá khoai là lúc ngồng khoai phát triển. Cả một ruộng khoai xanh ngăn ngắt lá tròn như lá sen đua nhau hứng lộc của trời là những giọt mưa xuân lất phất. Nước đọng trên những lá khoai tròn xoe như những viên bi lóng lánh huyền ảo. Những dãi khoai như những con lươn tràn trề sức sống bò ngổn ngang trên nền đất ẩm ướt.
Cuối thu, khoai trút lá để lộ ra những củ khoai mập mạp đeo bên mình là những dãi khoai tròn trĩnh non tơ. Lúc này, qua gần một năm sống trong lòng đất, khoai đã tích đủ nguyên khí đất trời cho ta những củ khoai tròn mập mạp.
Đây là giống khoai nghệ sống dưới nước thân trắng củ vàng ươm như nghệ khi luộc chín ăn dẻo quánh vừa bùi vừa thơm không hề ngứa. Khoai luộc chấm với muối vừng cho ta cảm giác ngọt, buì, ngon, béo, thơm, mát ăn không biết chán.
Đến mùa thu hoạch, khoai được cạo sạch vỏ, thái lát phơi khô cho giòn tan cất vào trong chum sành để ăn dần. Giống khoai quý này đã cứu cả làng tôi thoát khỏi nạn đói hoành hành khi năm đó cánh đồng lúa bát ngát bị sâu vàng lụi đốt cháy mất mùa không thu được hạt thóc nào.
Hồi còn bé tôi thường tranh phần trông nồi cám lợn với chị tôi bởi lẽ khi nồi cám sôi sùng sục là lúc khoai vừa chín nhừ. Tôi lấy đũa bới tìm những dái khoai chín nóng hôi hổi vừa thổi phù phù vừa ăn,mặt nhem nhuốc đầy tro bếp̣.
Giờ đây giống khoai nước quý này còn rất ít bởi lẽ nó sống trong lòng đất những trên 300 ngày, hưởng trọn bốn tiết trời xuân, hạ, thu, đông. Nó được thay bằng những giống cây khác ngắn ngày chóng thu hoạch hơn để đất quay vòng nhanh hơn trả cho con người những hoa thơm qủa ngọt.
Nửa thế kỷ xa quê tôi không thể nào quên được món ăn dân dã này của quê hương. Bát canh khoai nước, một bát canh quê hội tụ khí âm dương của đất trời, bản ngã dân dã của thôn quê làm cho ta luôn nghĩ về luỹ tre xanh, hương cau thơm ngát và những mùa hoa cải vàng óng của một làng quê một thuở.
Mùa xuân đến, khi những làn mưa xuân như bụi phấn rắc những hạt ngọc li ti trên những lá khoai là lúc ngồng khoai phát triển. Cả một ruộng khoai xanh ngăn ngắt lá tròn như lá sen đua nhau hứng lộc của trời là những giọt mưa xuân lất phất. Nước đọng trên những lá khoai tròn xoe như những viên bi lóng lánh huyền ảo. Những dãi khoai như những con lươn tràn trề sức sống bò ngổn ngang trên nền đất ẩm ướt.