Mỗi vùng đều có một món ăn đặc sản để làm nên tên đất, tên người, mà mỗi khi nhắc đến là người ta thấy muốn no con mắt, muốn đói cái bụng. Bảo Yên có nhiều món ăn đặc sản như xôi bảy màu, măng vầu đắng, nộm rau dớn, cháo cốm vịt, thịt trâu gác bếp, thịt lợn muối chua, canh gà nấu kiệu, cá suối chấm mẻ và rất nhiều món ăn khác nữa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhưng những món ăn này phải ăn tại vùng đất ấy, với con người ấy, trên nhà sàn ấy, cạnh bếp lửa ấy, bên chén rượu ấy mới thấm đẫm hết hương vị núi rừng hùng vĩ, mới say sưa hết tình cảm bạn bè bền chặt. Lẽ thường tình là vậy. Ai đi công tác xuống Bảo Yên, người thân thường nhắn nhủ “Nhớ mua bánh mì Bảo Yên đấy!”. “Ừ, chắc chắn rồi, không quên mà!”. À ra vậy, đây là thức quà mang tên vùng đất Bảo Yên kiên cường, gói tấm lòng người Bảo Yên hồn hậu đi xa như một lời mời chân thành “Về chơi nhé!”.
Gọi là thương hiệu bánh mì Bảo Yên thì to tát quá, và hình như bánh mì cũng chưa được đăng kí thương hiệu độc quyền. Tự nó làm nên thương hiệu mà thôi. Bánh mì Bảo Yên khai sinh cách đây chừng ba chục năm tại lò nhà ông Mạnh Giới trong khu cây xăng thương nghiệp. Cái bánh mì như đứa con rơi vãi không mong đợi, mềm oặt như dải khoai và bé tẹo như lưỡi bò. Không như bánh mì Hà Nội, giòn rụm như tiếng cười và phổng phao như gái dậy thì. Ầy, chớ có nhìn bằng mắt mà vội chê, phải ăn bằng môi, bằng lưỡi, bằng răng, bằng tì, bằng vị, khi ấy hẵng buông lời.
Bánh mì Bảo Yên vừa ra lò ủ ngay vào hộp xốp và trùm chăn chiên lên, theo chân các bà, các chị đội nón, đạp xe tới từng ngõ phố, bản làng. Tiếng rao khắc khoải xen lẫn tiếng vòng xe lạch cạch “Ai bánh mì nóng Bảo Yên đơi!”. Rao kiểu gì thì rao, dứt khoát là phải có địa danh Bảo Yên gắn vào. Chẳng phải là khẳng định thương hiệu đó sao. Trẻ con, người lớn cầm tiền chạy ù ra, và gọi rối rít “Bánh mì ơi!”. Đã mấy lần mẹ nhắc, phải gọi cô bánh mì ơi, bác bánh mì ơi chứ con, thế mà lại quên được ngay.
Cứ thấy hàng bánh mì ngang qua, cuống cả chân lên sợ họ đi mất nên lại quên mất lễ phép. Mắt người bán bánh mì giấu giếm cất một điều bí mật. Mắt người mua bánh mì háo hức mở trăm điều bí mật. Điều bí mật nằm sau tấm chăn chiên phủ lên hộp xốp. Bánh mì xếp đều chặn chặn nằm như cá mè một lứa, hồi hộp chờ đến lượt mình dâng hiến cho người ăn. Chăn chiên, hộp xốp và nắng hè làm bánh mì vàng hơn một tí, giòn hơn một chút.
Chẳng phải đợi lâu, bánh mì đã nóng hôi hổi trong lòng tay người mua, khói bốc lên chưa kịp tan biến đã chui tọt vào hai cánh mũi phập phồng đang hít hà của bầy trẻ nhỏ. Mua sữa chấm không? Gục gặc cái đầu. Bánh mì Bảo Yên giòn vỏ, thơm ruột chấm vào sữa ông Thọ đặc sánh, vàng óng thì còn gì bằng. Ăn hai cái là bụng no kềnh no càng, miệng muốn ăn mà bụng không muốn chứa.
Ấy là vì bánh mì Bảo Yên không cho bột nở, nên chắc nịch như bắp tay lực sĩ, không như thứ bánh mì fast food đóng gói lồng phồng, ăn mấy cái, uống tí nước là xẹp ngay như bóng bay xì hơi, ăn rồi mà cứ tưởng chưa ăn. Thêm nữa, bánh mì Bảo Yên nướng bằng lò thủ công đắp đất, đốt than nên thơm ngon, vàng giòn đến độ, lại không lo lưu huỳnh ám vào bánh mì như đốt bằng lò công nghiệp như nhiều nơi khác. Cái ăn mà phải lo ngay ngáy thì còn gì là ngon lành, thú vị nữa.
Có mỗi một lò Bánh Mì Bảo Yên thôi, tuyệt nhiên không có cái thứ hai. Phải thế không mà bí quyết gia truyền không được tiết lộ. Có vài lò bánh mì ở dưới Thái Bình, Nam Định lên lập nghiệp, cũng đã vài lần bắt chước làm bánh mì Bảo Yên, nhưng chỉ học lỏm được kích cỡ thôi, còn hương vị thì không sao giống được. Người tinh tường nhận ra ngay, nhất là không qua mắt được người Bảo Yên sành ăn điệu nghệ.
Nhà ông Mạnh Giới đốt lò hay dỡ bánh là cả khu biết ngay, mùi thơm lan tỏa khắp vùng. Trẻ con học bài trong nhà ngửi mùi bánh mì chạy ra ngoài cửa, thấy đám ráng vàng bay qua, cứ tưởng khói bánh mì bay lên tụ thành mây ở đấy. Nó réo gọi mẹ “Mẹ ơi, mua bánh mì!”. “Mày không để cái mồm nó lên da non à?”. Mẹ lườm yêu một cái sắc như dao quắm rồi dúi tiền cho “Này, mua cho cả bà ăn với, lấy cái mềm ấy!”.
Sáng sớm, dọc theo cổng trường cấp ba huyện, mấy quán bán bánh mì pa tê lố nhố, thò thụt trên vỉa hè. Mỗi quán là một chiếc xe đẩy cà tàng được che bằng chiếc ô múi xanh đỏ. Bánh mì Bảo Yên ném vào chảo mỡ lợn đang sôi xèo xèo. Bánh mì trở mình bằng đôi đũa tre nên vàng ruộm, giòn cong.
Chị Hồng chủ quán thoăn thoắt dùng kéo cắt hông bánh mì để lộ ra khoảng trống trắng xốp, nhồi vào trong ấy một chút thịt băm ba chỉ lợn đen Xuân Hòa thơm nức, dăm lát dưa chuột nếp Tân Dương non tươi, vài cọng rau húng răng cưa Phố Ràng trồng ven sông Chảy xanh ngắt, mấy thìa tương ớt Xuân Thượng đỏ thắm. Những nguyên liệu sẵn có của bản, của làng làm nên món quà sáng ngon miệng, ấm bụng.
Chị Hồng làm luôn tay, nói luôn miệng. Luôn tay để khách không phải đợi lâu, trẻ con kịp giờ đi học, người lớn không trễ giờ đi làm. Luôn miệng vì chị là người xởi lởi, mà xởi lởi thì trời cho đông khách, có thêm thu nhập mà trang trải cho cuộc sống áo cơm bớt nhọc nhằn.
Tháng ba mùa măng vầu, tháng năm mùa khoai sọ, tháng bảy mùa cá nhàng, nhưng bánh mì Bảo Yên thì có cả bốn mùa. Người Bảo Yên ăn bánh mì quanh năm suốt tháng. Ở đây, bánh mì cũng như cơm gạo, ăn có chán bao giờ. Ăn bữa sáng điểm tâm, ăn bữa trưa nhỡ nhàng, ăn bữa xế cồn cào, ăn bữa khuya lót dạ. Chắc ít người ăn bánh mì bữa tối mà thôi. Nói vậy để thấy bánh mì là hồn vía của người Bảo Yên và trong máu thịt của người Bảo Yên, ai dám chắc là không có hương vị bánh mì.
Thức quà có xuất xứ từ trời Âu xa xôi, nhưng về Bảo Yên đã được dân dã thành món ăn thuần Việt. Bánh mì thay vì chỉ ăn trong nhà hàng, khách sạn thì được ăn thềm nhà, chái bếp, thay vì chỉ ăn trong buổi tiệc sang trọng thì được ăn trong bữa quà bình dân, thay vì chỉ ăn với dăm bông, xúc xích thì được ăn với rau húng, thịt băm. Ăn một miếng bánh mì Bảo Yên để biết thương người thợ tảo tần thức khuya, dậy sớm, biết nhớ người bán nhọc nhằn dãi nắng, dầm mưa. Ăn với niềm biết ơn tấm lòng và bàn tay người dân Bảo Yên hiền lành, chịu khó.
Bánh mì Bảo Yên mang trong lòng nỗi nhớ của những đứa con xa quê. Đêm ở xứ người, mưa bụi lay phay và đèn đường đứng gác, nghe thấy tiếng rao bánh mì mơ hồ trong giấc ngủ, thèm lắm được trở về nhà mình, xin mẹ dăm đồng bạc lẻ chạy ra ngõ mua bánh mì như thời tuổi nhỏ. Niềm vui bình dị mà hân hoan trong ta suốt những tháng năm dài, trở thành niềm an ủi khi lòng trúng phải vết thương thành thị nhiều cạm bẫy.
Có anh bạn từ Bảo Yên trở về nhà sau chuyến công tác dài ngày. Chuẩn bị lên xe, thì chuông điện thoại reo, cậu bạn thân nhắc “Này, đã mua bánh mì Bảo Yên làm quà cho tớ chưa đấy!”. “Mua rồi. Cả bao tải bánh mì. Tha hồ mà ăn!”. Rượu uống rồi bay hơi, bắt tay rồi sẽ thả, lời nói thành gió thoảng, nhưng nghĩa tình thì còn đọng lại. Nghĩa tình người Bảo Yên trong từng chiếc bánh mì. Mang chút nghĩa tình ấy chia cho mọi người để ấn tượng về một Bảo Yên kiên cường, hồn hậu. Tạm biệt Bảo Yên nhé, chiếc xe trôi trong mùi hương bánh mì bồng bềnh như mây.