Tôi trở về thị xã một chiều mưa, cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào kí ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở thị xã còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven Quốc lộ 19.
Dịp đó là mùa hè năm 1992, lần đầu tôi đến Gia Lai, không phải một cuộc thăm chơi mà là theo gia đình vào Pleiku định cư. Hành trình nào ở tuổi niên thiếu mà chẳng khiến ta háo hức, chờ mong xen lẫn lo âu, hồi hộp? Nhất là khi người ta không còn quá nhỏ để ngây thơ, hồn nhiên nhưng cũng chưa đủ lớn để ung dung, trầm tĩnh trước những đổi thay có tính bước ngoặt của cuộc đời. Tuổi ấy, người ta chưa trưởng thành nhưng đã biết dùng dằng giữa hai cảm giác: muốn đổi thay và muốn yên ổn. Khát vọng khám phá chân trời mới giục giã hãy đi xa nhưng nỗi e ngại khi phải chuyển đến sinh sống ở một vùng đất khác không phải quê mình lại níu người ta ở lại. Trong niềm háo hức – lo âu – vui – buồn lẫn lộn ấy, tôi đã bước vào cuộc hành trình đến với miền đất hứa. Đó cũng là chuyến đi xa đầu tiên trong đời của con bé mười lăm tuổi nên có những dấu ấn đọng lại khó phai nhòa. Trong rất nhiều kỉ niệm của cuộc xê dịch lịch sử ấy, có hình ảnh những làng mạc, thành phố, thị xã, thị trấn vừa thân thương vừa lạ lẫm dọc chiều dài đất nước đã in dấu trong kí ức của tôi, như thị trấn An Khê, vùng đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai này.
Hôm ấy, khi xe vừa lên khỏi con đèo quanh co chìm trong mưa giăng mây phủ, hành khách có ai đó hỏi: Đến An Khê chưa? Cho tôi xuống thị trấn nhé! Trái với hình dung tưởng tượng của tôi, An Khê trong cơn mưa chiều năm ấy khá quạnh hiu, hay do lòng người xa xứ chưa quen với đất lạ người dưng nên cảm giác trống trải, buồn vắng đến não lòng. Quốc lộ 19 chạy xuyên qua thị trấnnhưng chỉ lác đác những căn nhà phố liền kề, đôi ba cửa hàng tạp hóa nho nhỏ. Dẫu không có đường sắt và những chuyến tàu lao nhanh trong đêm tối, thị trấn nhỏ này vẫn khiến người ta liên tưởng đến phố huyện trong truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam thuở nào. Dấu ấn đô thị còn khá mờ nhạt, không gian mênh mông quá mà gió mưa cứ vây kín đường dài, nẻo về thì xa hun hút khiến lòng lữ khách càng thêm cô đơn, buồn bã.
Bẵng đi bao năm tôi không trở lại An Khê. Vùng đất đó trở nên diệu vợi như ở nơi nào xa lắm, dù thỉnh thoảng tôi vẫn nghe nhắc tên và hiện lên qua một số hình ảnh được phát trong các bản tin Thời sự của Đài PT-TH Gia Lai. Kí ức về An Khê chỉ sống dậy trong lòng khi cơ duyên đưa tôi về với phố biển, trở thành sinh viên Văn khoa của trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Mỗi năm dăm ba bận tôi về thăm nhà, ngang qua thị trấn. An Khê trở thành cột mốc để tôi đong đếm thời gian, quãng đường trong mỗi lần đi về giữa phố biển và phố núi. Mỗi khi từ nhà đi, tôi lại mong cho chóng đến thị trấn An Khê bởi đi đến đó là xem như đã đi được hai phần ba quãng đường. Mỗi lần từ phố biển về nhà, tôi cũng lại mong cho chóng về tới An Khê vì như vậy nghĩa là đã đến đất Gia Lai, đất nhà mình, nghĩa là gần về đến nhà. Chỉ cần vượt đèo An Khê, nhìn thấy tấm biển ghi dòng chữ Địa phận tỉnh Gia Lai là lòng tôi lại rộn ràng náo nức. Cứ vậy, suốt bốn năm học Đại học, tôi qua lại thị trấn không biết bao lần, riết thành quen, đến mức thuộc lòng từng khúc quanh, từng ngã tư đợi đèn đỏ, những quãng đường gồ ghề hay khu công viên.
Khi đã bước vào nghề giáo, nhiều lần được cử đi làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp THPT ở An Khê, tôi lại có dịp phát hiện thêm những điều mới mẻ, lí thú về mảnh đất này. Thì ra phố huyện có một lịch sử hào hùng gắn với những chiến công hiển hách của nhân dân ta trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, nhất là chiến thắng của anh em nhà Tây Sơn đánh tan quân Xiêm La phía Nam và bè lũ quân Mãn Thanh phương Bắc. Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Tây Sơn Thượng đạo còn đó như minh chứng cho những trận thắng oanh liệt vẻ vang của cha ông, ghi danh những người đã góp công làm nên cơ đồ và lịch sử đáng tự hào cho vùng đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh.
Lần gần nhất về làm nhiệm vụ thi tốt nghiệp ở An Khê là tháng 6 vừa rồi, chúng tôi được bạn bè đưa đi thăm Khu di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá ở xã Xuân An, lại thêm ngỡ ngàng về mảnh đất đã lưu dấu những vết tích của người nguyên thủy thời sơ kì Đá cũ với niên đại 7-8 trăm ngàn năm trước. Thị trấn nhỏ buồn vắng năm nào trong kí ức của tôi giờ đã thành thị xã, phố phường đông vui, đường chạy dọc ngang như bàn cờ. Thị xã hôm nay đang vươn mình phát triển.
Thêm một lần tôi trở lại An Khê trong cơn mưa chiều nhưng không còn cảnh phố buồn vắng lạnh trong mưa giăng mờ đường dài hun hút, lòng bất chợt bâng khuâng nhớ thuở xa xôi, khi thị xã còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven Quốc lộ 19.