Bác Xuyến

669

              Lên ba tuổi tôi theo bố đi công tác. Em gái tôi ở nhà với mẹ. Cơm gạo không đủ ăn nên chia ra mỗi người nuôi một đứa. Bố tôi là cán bộ công an, thường xuyên đi sớm về khuya nên gửi tôi cho bác Xuyến trông giúp, thỉnh thoảng tạt về thăm đưa bác Xuyến một ít tiền ăn nho nhỏ.

Bác Xuyến là công nhân xưởng in, chuyên xếp chữ. Bác hơn bố tôi độ vài tuổi, không có chồng con, sống trong khu tập thể xưởng in.

                      ​Buổi sáng, bác đạp xe chở tôi tới trường. Trường cách nhà vài cây số, đường lại chạy qua cánh đồng vắng vẻ, nên bác không cho tôi đi một mình. Tôi ngồi sau xe bác, kể chuyện trường, chuyện lớp. Nào là chuyện bạn Hồng là lớp trưởng mà không thuộc bài, nào là chuyện bạn Cường đái dầm trong lớp, nào là chuyện bạn Vân làm việc riêng bị cô giáo ghi vào sổ đầu bài.

Bác nghe xong rồi hỏi lại: “Thế ở lớp con đã ngoan chưa?”. Tôi đáp lí nhí: “Hôm qua con ăn kẹo tăm trong lớp bị cô giáo nhắc nhở!”. Bác cười bảo: “Con nhớ nhé, lần sau không được vi phạm nữa đâu đấy!”. Bài học nhỏ ấy bây giờ tôi vẫn nhớ.

​Bữa ăn, bác hay kể chuyện ở quê. Kiểu như giờ này, lúa đã gặt xong rồi đây, ông già chắc đang đánh cây rơm, còn bà già chắc đang lúi húi thổi cơm trong bếp. Tôi thấy giọng bác chùng xuống, mắt ngân ngấn. Có lẽ bác đang nhớ quê. Quê bác ở Thái Bình, nơi mà “lúa vào tận ngõ, lúa vây tận nhà”. Tôi cũng nhớ mẹ và em gái ở quê. Lâu quá rồi tôi chưa về nhà. Tôi muốn được về nhà. Thế là tôi òa khóc, khóc nức nở. Bác Xuyến phải dỗ mãi tôi mới nín.

​Khu tập thể thấy tôi ở cùng bác Xuyến, lại chẳng phải máu mủ ruột rà gì thì bán tán xôn xao. Một hôm, tôi đi chơi về, ngang qua phòng cô Lý cùng dãy tập thể. Tôi thấy cô Lý và cô Thoa, hai cô đều là công nhân xưởng in, đang ngồi nhặt rau. Cô Lý bảo:

– Tao nghi thằng bé là con của bà Xuyến với lão công an kia lắm. Chứ không thì sao bà ấy lại rước nó về nuôi.
– Chị nhìn xem, cái mắt lá răm của nó nhá, giống hệt mắt bà Xuyến. Rõ không lẫn vào đâu được.

Đêm, tôi trằn trọc mãi không ngủ được, cứ trở mình liên tục. Bác Xuyến thấy thế hỏi tôi. Tôi kể lại chuyện cô Lý, cô Thoa nói chuyện với nhau lúc chiều. Bác ôm tôi vào lòng, vuốt tóc tôi nói: “Người lớn lắm chuyện ấy mà. Con đừng bận tâm. Bác cũng mong điều các cô ấy nói là sự thật. nhưng tiếc là không phải. Con là con của bố Du và mẹ Hoàn. Và giờ cũng là con của bác nữa. Thế đã được chưa nào?”. Tôi thấy vui quá, nếu tôi là con của bác Xuyến thật thì cũng có gì phải phiền lòng. Bác thương yêu tôi như con bác dứt ruột đẻ ra vậy.

                  Bác thường kể tôi nghe về Thái Bình quê bác. Nơi có cánh đồng bát ngát cò trắng rập rờn. Nơi có sông Hồng đỏ nặng phù sa đổ ra cửa biển. Nơi có làng Đồng Xâm trổ vàng, chạm bạc lách cách ngày đêm. Nơi có chùa Keo trăm tuổi mái vút như cánh hạc muốn bay. Nơi có chiếu chèo sân đình lúng liếng thuở giêng hai.

Bác bảo, có dịp sẽ xin phép bố cho tôi về quê bác chơi. Những điệu chèo cổ như đào liễu, lới lơ, luyện năm cung mà bác Xuyến hát vỗ về tôi ngủ lúc nào không hay. Trong những giấc mơ thơ bé, tôi thấy nắm tay bác Xuyến chạy tung tăng dọc đê sông Hồng chân giẫm lên cỏ xanh, tóc đùa cùng gió mát, ngực hít căng hương lúa chín nắng chiều.

                  Một đêm, tôi chợt tỉnh giấc. Quờ tay sang, không thấy bác Xuyến đâu. Ngoài cửa sổ, ánh trăng nhễ nhại trên cành bưởi, những chiếc lá rung rinh dưới trăng sáng lên như dát bạc. Lẽ nào lời các cô Lý, cô Thoa nói với nhau là sự thật. Biết đâu bác Xuyến hẹn hò cùng…bố tôi. Tôi trở dậy, bước khẽ ra cửa. Chẳng thấy bố tôi đâu, chỉ thấy bác Xuyến ngồi một mình bên thềm dưới ánh trăng lênh láng. Mái tóc xõa đẫm trăng.

Sau này lớn lên, gặp rất nhiều cảnh buồn, nhưng tôi chưa bao giờ thấy buồn bằng hình ảnh bác Xuyến ngồi một mình trong đêm trăng ấy. Người đàn bà không chồng, không con ngồi cô đơn dưới ánh trăng mười sáu cứ ám ảnh tôi không bao giờ phai nhạt. Lúc ấy, không hiểu sao, tôi lại không gọi, cũng không chạy ra ngồi với bác Xuyến mà tôi chỉ lặng lẽ khép cửa và quay vào giường ngủ. Suy nghĩ của một đứa trẻ dù non nớt, nhưng tôi hiểu rằng không nên chạm vào nỗi buồn của bác Xuyến. Có những nỗi buồn khi chia sẻ lòng sẽ nhẹ nhàng hơn, nhưng có những nỗi buồn phải giấu kín, chỉ giữ lại cho riêng mình mà thôi.

                    Tôi lớn lên, đi học và công tác ở một huyện miền núi xa xôi, đôi khi hình ảnh của bác Xuyến mờ nhòe dần trong kí ức. Bác Xuyến mất vì căn bệnh ung thư tử cung quái ác, căn bệnh mà rất nhiều người đàn bà không chồng mắc phải. Hôm đám tang bác, tôi không thể về được vì phải tham gia một chuyên án lớn. Tôi đã rất ân hận vì điều đó. Bố tôi bảo, bác vẫn nhắc đến tên tôi trước khi về với đấng sinh thành. Bác thanh thản ra đi vì tôi đã khôn lớn nên người.

Bác Xuyến ơi, hôm nay con về quê bác đây. Sông Hồng khóc ai mà phù sa đỏ mắt. Chùa Keo nhớ ai mà khuyết một vành trăng. Tiếng tràng, tiếng đục làng Đồng Xâm thương ai mà chạm khắc vào tim con buốt nhói. Chiều chèo sân đình có còn hò hẹn mỗi giêng hai. Con bước trên đê, cỏ may tím lòng ngả chiều gió thổi. Con thấy mình bé dại, đưa tay ra cho bác dắt, từng ngón chạm vào se sắt nỗi heo may…