Dù nắng hè bỏng rát hay mưa đông buốt lạnh, dù đầy hay vơi, đắt hay rẻ, sớm hay muộn thì mẹ và gánh rau của mẹ vẫn hiện diện ở một góc chợ. Mẹ vẫn sẽ mang về nhà những món quà để mỗi buổi trưa, mỗi buổi tối, mỗi lúc quây quần, mẹ được vui vẻ ngắm nhìn thứ ánh sáng mẹ hằng khao khát, đang bung nở trong mắt chúng con…Hồ Điệp

C uối canh tư, khi mặt trời vẫn đang mải miết kiếm tìm lối thoát khỏi nhà ngục bóng đêm, khi đám trẻ thơ ngây còn bận phiêu lưu trong những giấc mơ hồng, thì hành trình của mẹ chuẩn bị bắt đầu. Gánh trên vai nụ cười giòn cùng những ánh mắt lấp lánh chờ mong, mẹ kiên định tiến về phía trước.

Ánh sáng ở đâu giữa bóng tối? Ở lập loè đom đóm hay nhấp nháy những vì tinh tú tít miền trời cao? Không. Thứ ánh sáng mẹ đi tìm rực rỡ hơn, đẹp đẽ hơn, ấm áp hơn, và diệu kỳ hơn. Nó phải là thứ ánh sáng làm yên lòng người già và thắp lên tương lai cho con trẻ. Thứ ánh sáng đó nhân gian vẫn thường hay gọi với cái tên đượm đầy hy vọng là “ấm no hạnh phúc”.

Mỗi ngày có vô vàn người đi tìm ánh sáng giống như mẹ và ánh sáng thì ẩn nấp ở khắp mọi nơi. Người phụ nữ thôn quê chân chất hiền hậu của con chọn cánh đồng thân quen làm nơi khởi đầu cho chuyến hành trình nhiều gian nan vất vả. Hành trang mang theo chỉ có một con dao sắc, một bó lạt tươi, một cái ghế con, một đôi ủng nhựa, một mảnh ni lông, một cái đèn pin gắn trên đầu và một chiếc nón lá bạc phếch màu thời gian. Tới ruộng nhà mình, mẹ khéo léo đặt cái ghế xuống sao cho chân ghế yên vị trên những khoảng đất trống nhỏ hẹp, sau đó chỉnh lại độ sáng của chiếc đèn trên đầu, vạt rau muống xanh non mơn mởn bỗng giật mình rung rinh phiến lá. Ước lượng xong độ dài của rau, đôi bàn tay mẹ thoăn thoắt nhịp nhàng những thao tác cắt tỉa. Khi lượng rau đã vừa đủ một mớ, một tay mẹ nắm ngọn rau, tay còn lại tạo hình cái cào, nhẹ nhàng loại bỏ những lá già úa dính dưới gốc. Tiếp đến, mẹ đặt rau lên trên lạt, dàn đều rồi bó lại thành một mớ bẹt dài trông chắc chắn và rất đẹp mắt. “Bó rau cũng là một nghệ thuật” – tôi từng nghe ai đó nói vậy và dù câu nói đó có tính xác thực hay không thì trong mắt tôi, mẹ vẫn là một nghệ thuật gia đại tài.

Thời gian vùn vụt trôi. Trong khi mẹ mướt mải chạy đua với thời gian thì cái đám tổ hợp côn trùng gồm: thiêu thân, ruồi giấm, bọ mạt, bọ đỏ… thi nhau kéo tới “làm phiền” mẹ. Một bên “cảm tử vì ánh sáng”, bên còn lại rặt một đám trộm cắp trơ lì. Chúng chẳng ngại làm đau mắt mẹ và để lại trên da thịt người những cục mẩn đỏ au. Thi thoảng rắn, rết cũng rủ nhau mò đến góp vui khiến mẹ được vài phen hú vía. Ấy là những hôm trời tạnh ráo. Còn những ngày mưa ướt át, ruộng rau ngập trong biển nước thì mẹ phải đổi cái ghế cao hơn. Khoác trên vai mảnh ni lông cũ mèm, kéo theo sau cái chậu nhựa, mẹ vừa cắt rau vừa ngó nghiêng, trông chừng họ nhà đỉa đói, lâu lâu lại bì bõm lội sang vạt rau khác. Có bữa mưa rào, sấm rền chớp giật, mẹ vẫn bền bỉ “đội sấm, đội chớp, đội cả trời mưa” (*).

“Mẹ có sợ không?” – tôi hỏi. “Mẹ chẳng sợ. Vì gan mẹ to bằng trời”. Câu trả lời hài hước của mẹ chẳng thuyết phục tí nào nhưng đủ khiến hai đứa con thơ bật cười khoái chí. Vậy mẹ có sợ không? Chắc chắn có bởi mẹ thừa hiểu sức tàn phá khủng khiếp của một tia sét. Mà ngoài sự đe doạ của thiên nhiên thì con người bất hảo lẩn khuất trong bóng đêm cũng là một mối hiểm nguy khó lường. Đã bao nhiêu lần trái tim mẹ nảy bình bịch như trái bóng bòng con ném trên sân khi bất thình thình nghe một tiếng sột soạt? Đã bao phen chân tay mẹ run rẩy khi tiếng xe máy lạ đột ngột dừng ở con đường cách mẹ chỉ mấy bước chân? Đã bao nhiêu lần chim cú mèo vô tâm làm mẹ của con giật bắn cả người? Mẹ sợ nhưng mẹ đã gạt phăng nỗi sợ bằng cách nghĩ về gia đình mình. Nghĩ về tấm nệm ấm áp cho ông bà vào mùa đông tới. Nghĩ tới hình ảnh con vội vàng lau hàng nước dãi lỡ trào ra khỏi khoé miệng khi ai đó xách những sữa chua, bánh ngọt, những táo, đào, dưa, lê… ngang qua nhà mình. Nghĩ tới những bữa cơm hai chị em phải chia nhau một quả trứng gà và nhớ lại cảnh tượng chị em con chìa túi rễ khoai to bằng đầu đũa trước mặt mẹ, háo hức bảo: “Chúng con mót được đấy! Ngon lắm! Mẹ luộc đi”… Chỉ cần gia đình mình ấm no thì chẳng nỗi sợ nào lung lay được mẹ. Chỉ cần mẹ cố thêm chút nữa thì các con sẽ được bằng bạn bằng bè…

Kìa! Mặt trời đã tự cứu mình thoát khỏi đêm đen, bình minh đã hân hoan đón chào ngày mới. Mẹ hoà mình vào phiên chợ sớm, chắt chiu yêu thương đổi lấy những món quà. Dù nắng hè bỏng rát hay mưa đông buốt lạnh, dù đầy hay vơi, đắt hay rẻ, sớm hay muộn thì mẹ và gánh rau của mẹ vẫn hiện diện ở một góc chợ. Mẹ vẫn sẽ mang về nhà những món quà để mỗi buổi trưa, mỗi buổi tối, mỗi lúc quây quần, mẹ được vui vẻ ngắm nhìn thứ ánh sáng mẹ hằng khao khát, đang bung nở trong mắt chúng con…
(*) Thơ trong bài thơ Mưa của thi sĩ Trần Đăng Khoa