16 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Ánh mắt má chồng tôi

Trong Mắt TôiÁnh mắt má chồng tôi

Ngày con nở nụ cười tươi mươi hơn hớn, khăn gói theo chồng về cái xứ Xẻo Vông, vùng nông thôn sâu heo hút, về với mái nhà xiêu vẹo nấp sau hàng bạch đàn bên cạnh con kênh Hai Mươi hiền hòa mát rượi, về với tình yêu chân thành, với cuộc sống bình dị đơn sơ và về với má.

Khi con cúi thưa, má chỉ nhìn con, ánh mắt trũng sâu chan đầy hạnh phúc và nụ cười hiền từ như được nở ra từ cội nguồn của sự nhân hậu, bao dung và rộng mở.

            Cuộc đời từ ấy mở sang một trang mới. Con thay má chăm sóc gia đình. Quán xuyến trong ngoài từ sự chỉ dẫn qua ánh nhìn thân thương, dịu dàng của má. Ai cũng trầm trồ bảo rằng: “Con dâu tính kỹ lưỡng giống y hệt mẹ chồng” người ta đâu có biết chính những sự ngợi khen mà con được nghe về má – nào là má hiền, má nhân hậu, bao dung, má đảm đang… Má không mất lòng ai dù chỉ là đứa con nít… đã khiến con cố gắng không ngừng để được là một phần của má.

                        Cái hình ảnh má của ngày mới về với ba, về với gia đình chồng, sao mà dịu dàng đến vậy! Con nghe kể ngày má mới về làm con dâu thứ hai trong một gia đình gồm ông bà nội chồng, ba má chồng và mười đứa em chồng.

Gia đình không mấy khá giả nên sau mỗi bữa cơm, thứ còn lại cho đứa con dâu chỉ là một ít cơm đáy nồi, chút nước canh hoặc nước cá kho. Vậy mà… Má đã làm tròn bổn phận của mình nhờ vào cái nghĩa, cái tình của gia đình chồng cùng với tình yêu của ba.

            Những điều đó đã khiến con cố gắng không ngừng để biến mình thành một cô con dâu đảm đang, hiền lành qua phiên bản má, để xứng đáng là con dâu út của má, xứng đáng là người thừa kế mọi việc lớn nhỏ trong nhà và của cả dòng họ bên chồng.

                         Nghe chồng con kể má ăn uống đơn giản lắm. Con cũng tập bỏ đi cái thói quen ăn xài phung phí. Nghe kể, má không bao giờ cho con cái ăn thức ăn đã nguội. Con cũng phấn đấu để cả nhà luôn có bữa cơm nóng hổi…

Còn nhớ ngày đầu tiên con mới về nhà mình. Lúc đó sắp đến ngày giỗ cha mà nhà mình không có lấy một cái thớt cái dao nào cho ra hồn, không có nồi niêu chén bát gì hết. Con định sáng hôm sau chạy qua nhà kế bên mượn đỡ thì đêm đó má đứng ở ngay đầu giường, má nói: – con mở cái tủ phía sau tủ thờ ra mà lấy. Má sắm không thiếu thứ gì cả. Con bật dậy chạy ra nhìn má và má cũng nhìn con với nụ cười ngọt lành trong câu hát “như xôi nếp một, như đường mía lau”

           Thời gian cứ thế trôi. Và thời gian con buồn vui cùng má cùng cái gia đình này cũng ngày một nhiều thêm. Dường như má luôn đoán biết được lúc nào con buồn, con vui mỗi khi đến ngồi bên má, mặc dù con không nói gì với má và má cũng vậy.

Chồng con là người con có hiếu, vì không muốn cãi lời má nên đã chọn con làm vợ mà không phải là mối tình đầu với những ước mơ thật đẹp, mối tình mà trước đây anh ấy từng đặt hết hy vọng. Con biết điều này qua lời kể lại của chính anh ấy. Người mà con đã chọn để gắn bó cả một đời. Con biết má cũng buồn không kém gì con mỗi khi anh ấy nhìn qua bên đó bằng ánh mắt buồn xa xăm. Con thầm tủi.

“Anh buồn có chỗ thở than
Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”

                         Con đâu biết làm gì hơn khi sự cố gắng của con không thể làm ấm lên được trái tim nguội lạnh. Cứ ngỡ tiếng trẻ thơ trong nhà sẽ vực dậy không khí của một gia đình đúng nghĩa. Và má ơi…! Con đâu biết làm gì hơn khi má chỉ im lặng nhìn con, dù đó là một ánh nhìn của sự sẻ chia thấu hiểu và cảm thông.

Mười hai năm, bằng tất cả sự cố gắng, chúng con đã xây lại ngôi nhà thật khang trang, cải tạo mảnh vườn sau, con đã sinh cho má ba đứa cháu nội dễ thương, sáng sủa và bụ bẫm. Là ước mơ mà má từng ấp ủ.

           Con đã đau nhiều như thế nào mỗi khi lủi thủi vào nhà sau dụi đi cái bếp lửa đang cháy, để nồi nước định nấu canh vừa sôi tim từ từ lăng lắng và nguội dần, khi chồng con không trả lời câu hỏi “anh định đi đâu? Sắp tới giờ cơm rồi?” mà vội vã rồ máy chiếc 50 phóng vội ra đường, bỏ lại sau lưng sự hoang mang của phụ nữ làm vợ với những ánh mắt hồn nhiên của các con.

                          Rồi con lại lần nữa nhóm lên bếp lửa đã tắt chỉ còn vài sợi khói mỏng manh sắp đứt bằng tiếng gọi của các con. “ mẹ ơi con đói bụng”. Con phải cố gắng nhiều như thế nào chắc má cũng hiểu vì mỗi khi cho các con ngủ xong, con thường ra ngồi cùng má, nhìn vào đôi mắt trũng sâu của má, trong căn nhà trống trải và im ắng, ngoài tiếng thở của các con đang ngủ và tiếng con thằn lằn lâu lâu tặc lưỡi trên vách nhà thì chỉ có tiếng nỗi lòng và tâm sự sâu kín của con át vào đôi mắt má. Hai người đàn bà nhìn nhau và đêm cứ vậy mà trôi.

Mỗi tuần một lần, con xin phép má dẫn các cháu về thăm ngoại. Cũng bằng sự im lặng, nhưng ánh mắt đã nói thay lời, má vui khi thấy con vui bên mẹ, như con chim nhớ tổ trở lại rừng, như con cá ra sông rồi trở về thăm ao cũ. Rồi má lại nhìn con thay lời dặn dò. “đi sớm rồi về sớm nghe con”.

           Con nghĩ mình đã là một bản sao hoàn chỉnh của má nhưng éo le thay. Con Kênh Hai Mươi lại có nhiều lối rẽ và nước giữa dòng cũng có khi đục khi trong. Cơn gió bấc lại về rít mấy tàu cau, lòng con càng buốt thêm mỗi lần nghe tiếng ru trưa cất lên từ phía xa xa mà cũng gần như gan ruột.

“Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”

Rồi con lại nhìn vào chiếc võng đang đong đưa và cũng thì thầm:

“Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ… phải chi… anh thương cho đồng…!”

Giọt nước mắt đã nhòe lời ru mấy lượt, con lại chở các con về ngoại cuối tuần. Nhưng sao lần này con không dám vào khoanh tay xin phép má, không phải sợ má buồn… mà… Con sợ lòng mình tan nát với ánh nhìn bao dung từ ái ấy. Rồi lần này má sẽ nói gì qua ánh mắt để thay vào lời dặn dò “đi sớm, về sớm nghe con”

                        Chiếc xe máy chở hành trang của con là ba đứa con thơ cùng ba nén hương lòng con thắp lên thay lời từ biệt má, từ biệt niềm hạnh phúc mỗi khi con được tự tay mình chuẩn bị từng tàu lá chuối, vo sạch từng chén nếp, nhặt hết từng cái vỏ đậu để gói bánh đặt lên bàn thờ ngày giỗ má và được má nhìn con, ánh mắt nói thay lời khen ngợi.

Giỗ má năm nay con không về nhưng dù ở đâu, con cũng sẽ luôn hướng về má và lòng con là nơi đặt bức chân dung với nụ cười hiền, ánh mắt thẳm sâu luôn nói với con bao lời động viên, sẻ chia và thấu hiểu.

Check out our other content

Most Popular Articles