Quê nhà chồng tôi ở đầu con phố Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đó là con phố huyện khá đông đúc nằm ngay dưới chân đê, ven con sông Đuống thơ mộng. Ngày xưa tôi đã từng thích đọc bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ nổi tiếng Hoàng Cầm nhưng chẳng bao giờ nghĩ rằng đời mình sẽ lấy chồng ở chính vùng quê trù phú và đông đúc này. Vùng quê quanh làng Mão Điền, ra Phố Hồ, vào làng tranh, quanh Thuận Thành luôn là vùng quê nên thơ, bí ẩn để người ta khám phá vẻ đẹp đẽ, duyên dáng và sự trù phú.
Qua triền đê và đi dọc đê một đoạn ngắn và rẽ về phía tay trái con phố nhà chúng tôi là lối đi vào làng tranh Đông Hồ nổi tiếng. Cũng khá gần thôi , bạn có thể đi bộ trên triền đê để tranh thủ ngắm phong cảnh làng quê. Đó là làng tranh dân gian nổi tiếng từ xa xưa của vùng quê Kinh Bắc. Trong ngày Xuân sẽ có khá nhiều du khách từ khắp nơi cũng đến đó đi lễ chùa và rẽ vào ngắm tranh. Một địa chỉ rất hay dành cho những người yêu thích dòng tranh dân gian khi họ thong dong đi du xuân trong những ngày đầu năm. Năm nào gia đình chị em chúng tôi cũng dành 1-2 ngày để rồng rắn nhau đi về quê chồng ăn Tết ! Cô em gái út của gia đình tôi cũng lấy chồng và làm dâu trưởng tại vùng quê Thuận Thành, ngay bên làng Đại Đồng Thành.
Từ khi còn trẻ, ngay từ ngày đầu khi về quê chồng, tôi đã thấy thích cái không khí Tết ở làng quê và yêu phong cảnh thiên nhiên ở đó. Nơi ấy, có dòng sông Đuống trong xanh, có những đồng hoa cải cúc khi vào mùa rất đẹp, có những ngôi chùa rất cổ, lại độc đáo như Bút Tháp, Dau Keo nổi tiếng từ lâu nay. Nơi ấy, còn có những người dân quê tháo vát, nhanh nhẹn, cần cù, chân thành, luôn niềm nở, đặc biệt hieu khách. Có nhiều người trẻ tuổi đã từng trưởng thành, làm giàu và thành công ngay trên trên vùng đất này.
Đó là một vùng đất mang đậm chất văn hóa Kinh Bắc và đến nay vẫn còn giữ được những nét truyền thống thuần thôn quê của miền đồng bằng Bắc Bộ. Con người nơi ấy luôn cần cù, ham học, vui chơi cũng hết mình. Vùng đất đáng nhớ của lễ hội và giao duyên! Nơi vùng quê ấy, từ xa xưa đã khá sầm uất, luôn có rượu ngon, gà ngon, nem thính ngon, đàn ông Kinh Bắc thì hơi…gấu, cònđàn bà Kinh Bắc thì hue tình! Ấy là tôi nói theo lời nhận xét chân tình của nhiều bạn hữu và các thi nhân ! Phố Hồ cách Hà Nội cũng không xa, chưa đến ba chục cây số, nếu đi qua đường Dau Keo.
Tôi đã hứng thú khi viết khá nhiều bài thơ, tản văn với những câu chuyện về các liền chị liền anh. Nào là những “ Yếm Đào em / rạo rực thắt lưng xanh ” hay là“ Theo anh về Kinh Bắc/ Nghe Quan Họ quê ta/ Chị Hai còn Xuân sắc/ Nét duyên vẫn đậm đà” hay là “ Lý lơi chị Hai Quan Họ”…vv . Đó là do tôi may mắn khi có cảm hứng từ chính vùng đất này! Dòng sông Đuống nổi tiếng và đẹp mãi trong thơ Hoàng Cẩm lại càng nên thơ. Nhớ những dịp lễ hội Kinh Bắc, được nghehát Quan Họ trong lễ cưới hỏi hay trong ngày đầu Xuân ở chính ngay trên mảnh đất quê hương huyện Thuận Thành- Bắc Ninh !
Quê hương Kinh Bắc sẽ còn quyến rũ bạn hơn với những món ăn ngon và không khí ngày đi chợ Tết ! Những hương vị Tết quê ấy sẽ luôn làm cho người ta thương nhớ. Nhất là những người con phải đi xa xứ, họ đi xa quê quá lâu ngày sẽ càng mong nhớ ngày trở về ! Dù tôi không sinh ra ở nơi đây nhưng ngắm con đê “ Bên kia sông Đuống”, nơi phố Hồ, những con đường vào làng tranh, làm hàng mã…và Thị trấn phố huyện Thuận Thành- Bắc Ninh đều thân thương, xúc động. Đặc biệt là những nơi gắn với nhiều kỷ niệm dòng họ như họ Dương Đình của chúng tôi và gặp những con người sống ở đó. Họ luôn làm cho tôi ngỡ ngàng, yêu mến!
Tôi vốn là một đứa trẻ mơ mộng, sinh ra và lớn lên từ miền núi cao, vốn yêu thích thiên nhiên, yêu những vùng quê, làng mạc ngay từ nhỏ. Khi lớn lên, rồi cho đến sau này, khi đã trở thành một cô con dâu ( dù là dâu Tây chính hiệu ) nơi vùng “bên kia sông Đuống”, đã luôn yêu thích vùng đất này. Tôi thích những câu thơ của Hoàng Cẩm, dẫu ngày còn trẻ cũng chưa hiểu hết những ý nghĩa sâu xa. Mãi sau này, cái chất thi ca ấy đã được ngấm dần theo thời gian. Tôi thêm yêu thích cái chất lí lơi, dùng dằng của người Quan Họ, của những lễ hội vùng quê Kinh Bắc từ lúc nào không biết!
Tôi thích được vào thăm những làng cổ, thăm những khu vườn nhỏ trong làng Mão Điền, Đạo Tu. Mỗi khi có dịp được đi thong dong trên triền đê để vào trong làng dự cưới hỏi là mỗi dịp tôi luôn ấn tượng khi được về thôn quê chơi. Nhớ “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình, người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên, í a…” đúng như lời một câu hát về quê hương Kinh Bắc. Tranh thủ trong mỗi dịp về quê chơi hay đi dự lễ cưới hỏi và dịp giỗ chạp, mỗi dịp Tết và du xuân, là mỗi dịp tôi được gặp gỡ và học hỏi thêm nhiều điều thú vị từ văn hóa quê hương . Nhớ lại các dịp giỗ tết, khi cả họ hàng, con cháu, các gia đình ông bà, cha mẹ, chú thím bên nhà chồng tôi và các con cháu ở Hà Nội thường kéo về quê rất đông,xe ô tô có khi đỗ thành cả hàng dài…
Những câu chuyện hấp dẫn, li kỳ và thú vị về các làng quê Đông Côi, Mão Điền, Đạo Tú, Lạc Thổ… cho đến làng Ngọ Xá và nhiều nhân vật, hình mẫu ở nơi làng quê sau này đã trở thành nhân vật, đã đi vào văn chương “ Mỹ nhân làng Ngọc” của nhà văn Trân Thanh Cảnh từ lâu nay. Gần đây, nhà văn Trần Thanh Cảnh – một người con Thuận Thành, chuyên kể chuyện về Kinh Bắc, đã mô tả khá sống động và hấp dẫn về làng quê ấy trong nhiều truyện ngắn và những tiểu thuyết của ông.
Làng quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh vốn có nhiều phong cảnh đẹp, hấp dẫn khách du lịch. Nơi này đặc trưng có nhiều lễ hội, nhiều đền chùa nổi tiếng, bởi ” người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên…”.! Chùa Dâu, chùa Keo đẹp nức tiếng, nằm sát ngay cạnh đường quốc lộ. Riêng chùa Bút Tháp ngày xưa cứ cao lừng lững, đẹp đẽ, giống như ngọn bút. Tháp ấy luôn vươn thẳng lên trời cao, để ta thấy người Kinh Bắc xưa đã muốn đề cao chuyện tri thức và sự học hành đến thế nào ! Còn bao ngôi đền chùa, miếu mạo đẹp đẽ và nhiều thắng cảnh quanh những nơi khác nữa, để du khách được dịp về thăm, chiêm ngưỡng và trầm trồ.
Thuận Thành- Bắc Ninh – nơi luôn nhắc nhớ trong các tác phẩm văn học về một miền quê đậm chất hue tình, nơi có các chị Hai lúng liếng, chịu chơi, mang đậm đà bản sắc những đêm lễ hội của người Kinh Bắc. Vùng thôn quê ấy rất trọng chữ tình! Đất Thuận Thành dường như cũng gắn bó hơn, yêu mến hơn và ghi dấu nhiều hơn những bước chân bạn bè của chúng tôi mỗi khi về thăm quê và dịp được đưa bạn về dạo chơi, rồi vào thăm làng tranh Đông Ho. Tôi thích thả bộ ngắm những thứ hoa cỏ dại triền đê và những đàn trâu đang thong dong gặm nắng trong chiều vàng. Bạn có muốn dịp nào đó được về đây, đi thăm quê hương của nhà thơ Hoàng Cầm ở bên kia sông Đuống” hay không?
Có lẽ không nơi nào ngoài quê hương, nơi có thể níu giữ con người ta sâu nặng hơn tình cảm gia đình và dòng họ, làng quê ! Nhớ cha mẹ, nhớ về dòng họ, nhớ anh em ruột thịt và nhớ về quê hương nguồn cội. Ra đi làm ăn xa ở tận nơi nào, kể cả những người xa xứ hay phải đi làm ăn xa ở xứ người, ai cũng mong ngóng được trở về đoàn tụ cùng gia đình trong ngày Tết. Ai cũng mong được tận tay thắp lên nén nhang trên bàn thờ Tổ tiên và tưởng nhớ về cha mẹ mình. Bởi tâm hồn Việt luôn sâu nặng và truyền thống yêu quê hương tha thiết đã ngấm sâu từ trong dòng máu người Việt. Bản sắc quê hương Việt Nam ấy vẫn luôn được gìn giữ và lan toả qua nhiều thế hệ. Tôi là một người yêu thích Tết cổ truyền dân tộc, yêu các nét văn hóa Việt và những phong tục Tết cổ truyền dân tộc và muốn lưu giữ điều đó.
Tết quê, nỗi nhớ thật rưng rưng! Tôi nhớ mùi thơm đặc trưng của hương hoa mùi già vẫn thơm ngào ngạt mỗi khi thức dậy trong ngày đầu năm mà bà mẹ chồng tôi hay đun nước lá mùi thơm và gọi cả nhà dậy rửa mặt để lấy may. Ấy là ngày đầu của những năm gian khó nhất khi tôi mới về làm dâu và ăn những cái tết đầu tiên ở quê. Bếp than củi lửa vẫn đỏ bập bùng và không khí đón xuân nơi làng quê như vẫn còn đậm đặc trong tôi.
Năm đầu tiên tôi về quê ăn Tết là năm 1982. Ngày ấy, ông bố chồng dẫn tôi đi vào trong xóm để chào cả làng, tôi được ông dẫn vào thăm và chúc Tết làng Mão Điền, nơi có nhiều dòng tộc lớn trong làng rất đông vui. Cái Tết đầu tiên ấy thật lạ lẫm với tôi! Nhà nào cũng mái ngói đầy rêu phong, sân gạch, ao cá và câu đối Tết đỏ rực rỡ. Nhà nào cũng đon đả mời chào, ân cần thăm hỏi, tay bắt mặt mừng. Sau khi hỏi han, giới thiệu xong thì bố chồng tôi xin phép gia chủ khi đứng thắp hương trước bàn thơ và mừng tuổi cho các cụ già. Bây giờ, cái phong tục giới thiệu dâu mới về làng không biết có còn giữ được như thế nữa hay không? Tôi cũng không rõ nữa. Rưng rưng, nhớ một thời đã qua, gian nhà mà bố mẹ chồng tôi chia cho các con đã được chúng tôi sửa sang đẹp đẽ và trong nhiều năm qua chỉ dùng làm nơi thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ và họp mặt anh chi em trong các dịp giỗ tết.
Con đê uốn quanh mềm mại, dòng sông Đuống huyền thoại, cây cầu Hồ vắt ngang dòng sông đã to đẹp hơn xưa. Qua bến sông cũ, khu chợ quê, làng tranh Đông Hồ, qua cả một làng chuyên làm hàng mã để thờ cúng…Nhớ bao nhiêu món ăn nơi làng quê thật ấn tượng ! Điều đặc biệt hơn là nơi đây có loài Gà Hồ nổi tiếng thơm ngon, giòn sần sật do chúng được nuôi riêng bằng ngô hạt, món ngon làm cho ta luôn nhớ.
Nhớ Tết quê! Tôi và cả nhà lại rưng rưng nhớ về ngày xưa và nhớ tới ông bà, các cô gì chú bác, cậu ruột và đặc biệt là cha mẹ chồng, các cụ đã về miền mây trắng từ lâu. Nhớ Têt quê hơn vì hai năm nay do đại dịch Covid, thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi không thể tập trung đông người. Nhớ Tết quê với tất cả nỗi xao xuyến và những gì yêu thương, đầm ấm và an lành nhất. Quê hương và những làng quê Việt Nam với những nét đẹp văn hoá bình dị và sâu sắc, luôn đậm đà tình quê hương và là nỗi nhớ da diết mỗi khi người ta đi xa muốn được quay trở về. Quê hương đất Việt của chúng ta – nơi mà bạn có thể trở về trong vòng tay cha mẹ và những người thân yêu ruột thịt và là nơi bạn được đón nhận và được trao đi ! Nơi thấm đượm nghĩa tình và ấm nồng trong vòng tay làng quê !
Nhớ những cánh đồng hoa cải cúc trải thảm vàng và rập rơn sóng lượn trên còn đường về quê. Đến nay đã mai một dần và nguy cơ sẽ không còn nữa. Thay vào đó là bạt ngàn những vườn chuối và ruộng ngô và nhà xây mới. Tôi vẫn tiếc nuối những cánh đồng hoa cải cúc bạt ngàn ngày xưa. Hoa vẫn nở vàng trong ký ức tôi. Cứ mỗi năm, dịp về quê ăn Tết là mấy bác cháu, mấy mẹ con nhà chúng tôi lại tranh thủ xuống ruộng hoa ngắm nghía và dừng lại chụp ảnh không biết chán.
Cánh đồng hoa vàng thơm đặc trưng ấy củamiền quê Dâu Keo, Kinh Bắc đã đi vào trong những bài thơ của tôi từ lâu ! Bây giờ chỉ còn lại vài đám hoa gieo bé nhỏ ngay ven đường, Những bông hoa cải cúc mang vẻ đẹp của hoa đồng nội thật mềm mại, quấn quýt, màu nhuy nâu xen cánh tươi vàng khi rực rỡ dưới ánh nắng và ngai ngái hương quê ! Đồng hoa ngày nào của tôi vẫn đang quẫy lên trước gió, đang dâng sóng hoa dạt dào và hình như chúng đang rướn cong mình. Hoa mãi nở vàng trong ký ức và xao xác buồn trong một ngày xuân nhớ!