Tôi nhặt được lời hát giao duyên bên dòng nước đỏ tình yêu
Cuối mùa khô em đặt trên gốc rạ
Câu giao duyên nức nở
Ngày đôi ta đối nhau sau buổi chợ phiên níu chỉ đỏ,
áo thêu da trời
Tháng tháng năm năm tưởng câu ca chết lặng đáy suối cạn
Người quê mình mấy người còn nhớ câu hát đối
Em đã lên chức bà, thêu mũ bảy màu
cho cháu ngoại đáng yêu
Trước ngôi nhà trình tường cây mọc dầy mái đá
Tôi thẫn thờ nhặt câu ca bỏ ngỏ mấy chục năm
Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm
chàng trai
Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát
Tôi ngày ấy mồ côi khờ dại
Không có bạc trắng và quy ước bắt buộc đổi tên
Tôi không hiểu ám hiệu trong lời giao duyên
Nên suốt đời lang thang trong miền dân ca cũ
Nay trở về với cái tên thuở nhỏ
Gặp lại em năm nào trong vẳng vọng giao duyên
Em mười lăm của tôi
Lịch như chưa từng giở,
Rồi tôi chưa lỡ bước…
(Vẳng vọng giao duyên)
Gia đình nhỏ của tôi chỉ cách nhà bố mẹ hơn hai cây số nên chỉ cần thấy bố mẹ ốm, mệt, tôi có thể ghé về thăm nom ngay. Nhiều khi không có việc gì, chỉ là chạy qua, nhìn thấy bố mẹ vẫn sinh hoạt bình thường, với tôi cũng là niềm hạnh phúc nhẹ nhàng giữa dòng đời cuốn xoáy. Mỗi cuối tuần, dù bận bịu đến mấy với công việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau, tôi vẫn dành một khoảng thời gian để đưa con trai về thăm ông bà ngoại. Khỏi phải nói đến cái háo hức trong ánh mắt trẻ thơ, ngay cả tôi, người phụ nữ trưởng thành, cũng háo hức biết mấy sau một tuần làm việc, dành được một buổi về thăm nơi tôi đã lớn lên, thăm bậc sinh thành mỗi ngày tóc một bạc thêm.
Bố mẹ tôi ở một ngôi nhà ngang kiểu cổ xưa, trước cửa ngoài cái sân lát gạch đỏ là một khoảng vườn trồng đủ các loại hoa và cây cảnh. Đất vẫn còn đủ rộng để trồng rau, nuôi gà. Chính ở khoảng không gian tĩnh lặng mà yên bình này, tuổi già dễ cảm nhận được cuộc sống an nhàn, thoải mái. Những đứa con trở về cũng cảm thấy thân thuộc. Các cháu mỗi khi về thì khỏi nói, nhà trở nên rộn rã, ồn ào, khác hẳn ngày thường.
Về nhà thăm bố mẹ, tôi thường thấy mình trở về thời tấm bé. Ngồi bên hiên nhà chờ mẹ đi chợ về. Khi mẹ dắt chiếc xe đạp vào sân, cả tôi và các con trai đều háo hức giúp bà mang rau, mang thịt, cá vào nhà, rồi ngó vào làn xem thử. Chợ cuối tuần thể nào mẹ chẳng mua cái bánh rán, bánh chưng, bánh bỏng. Những món quà quê dân dã thuở nhỏ tôi đợi chờ thì giờ con trai tôi cũng y như vậy. Rồi từ chị dâu, anh trai đến chồng tôi đều bận rộn sơ chế thức ăn, luộc, xào món này, rang, kho món kia. Dù ở nhà mình cũng là nấu ăn, nhưng nấu ăn ở nhà bố mẹ lại mang một không khí rất khác. Mỗi người xắn tay làm một chút, loáng cái đã xong bữa cơm gia đình ấm cúng. Ngồi quanh chiếc bàn gỗ, ánh mắt ai cũng vui tươi.
Tôi luôn nhớ khung cảnh đó và vẻ tươi tắn trên mặt bố mẹ khi con, cháu cùng quây quần. Bố tôi thường bảo: “Mới ngày nào chỉ có tôi và bà, giờ thì phải bày hai mâm mới đủ để cháu, con ngồi. Thời gian thật nhanh quá!”. Trong câu nói của ông, có cả niềm tự hào và chất chứa tình yêu thương. Cũng vì thế mà tuần nào bận rộn hoặc gia đình tôi, hoặc gia đình anh trai không về nhà được, tôi luôn nghĩ căn nhà cũng quạnh quẽ, bố mẹ cũng đi ra đi vào mà mong, mà nhớ các con lắm. Căn bếp không rộn rã mà chỉ mình mẹ lủi thủi nấu đơn giản vài món cho hai người ăn. Hơi bếp cũng tỏa mùi nhớ nhung.
Những phút giây làm việc, chăm lo cho nhà cửa, con cái bằng cả nhiệt huyết và tình yêu thương, với tôi thời gian như chưa từng hiện hữu. Kể cả khi nhìn thấy những sợi bạc đã bắt đầu vương mái tóc mai, xuất hiện nếp nhăn khóe mắt của tuổi ba sáu, tôi cũng chỉ nghĩ rằng đó là dấu hiệu thời gian. Chỉ khi về với bố mẹ, nhìn cách mẹ tôi đi lại chậm rãi, biểu hiện của những người từng bị tai biến mạch máu não, bố tôi răng yếu, dù đã làm bộ răng mới vẫn phải ngồi ninh nồi xương cho nhừ, băm thịt thật nhuyễn mới ăn được, tôi thật sự hoảng sợ.
Một nỗi lo lắng mơ hồ sẵn có khi guồng quay thời gian cứ tích tắc không ngừng. Nhắm mắt lại, có thể nhớ ngay ra hình ảnh cô bé bảy tuổi là tôi lí lắc chạy nhảy xung quanh nhà, bố tôi dáng người khỏe khoắn, trẻ trung chuẩn bị cặp sách để lên trường dạy học, mẹ tôi thoăn thoắt đi chợ, về sơ chế các món ăn yêu thích của gia đình… Ký ức như cuộn phim quay chậm. Nháy mắt cái, giờ đây con cái phương trưởng, bố mẹ tôi đã trở thành ông bà nội, ngoại của tám đứa cháu, đã có cháu ra trường đi làm, có cháu vào đại học… Mẹ tôi thường chép miệng: “Các cháu lớn cả như thế, làm sao mà bà không già?”. Tôi ít khi đáp lời bà mà trong lòng chỉ thoáng nghĩ, câu nói đó vừa mang sự tiếc nuối, lại như vuốt ve, động viên mẹ tôi vượt qua nghiệt ngã của thời gian. Tôi và mẹ hay ngồi để kể chuyện hồi trẻ. “Hồi trẻ mẹ đưa con đi theo học đại học thật à mẹ?”. “Thật chứ, thương nhất bố của các con, lúc nào cũng chăm sóc các con để mẹ thỏa ước mơ học tập”. Khi đó, ánh mắt mẹ tôi sáng long lanh, tôi tự thấy mình như thu nhỏ lại về cái thời thơ bé, nằm trong vòng ôm của bà mà tận hưởng niềm hạnh phúc, chưa từng biết về những chông gai trong cuộc sống của người lớn.
Thời gian đã mang đến những nỗi buồn và cả niềm vui, tôi luôn tự nhủ mình hãy nghĩ đến những điều tích cực để mỗi ngày gặp bố mẹ, lại không phải hoang mang lo sợ thời gian soải cánh cuốn trôi kỷ niệm đi mất. Chính cách sống hiện tại của bố mẹ khiến tôi an tâm phần nào. Bố tôi dù không còn phong độ tuổi trung niên nhưng so với những người trên bảy mươi tuổi, ông hãy còn sung sức. Đôi chân mạnh mẽ mỗi ngày vẫn cố gắng đi bộ hai tiếng, bố khoe: “Đi bộ tốt nhất cho người cao tuổi, con à! Sẽ giảm được tiểu đường, gan nhiễm mỡ. Và quan trọng là nhóm bạn đi bộ cùng bố có nhiều chuyện để nói với nhau, về thời sự trong và ngoài tỉnh, về gia đình, quan điểm sống…”. Mẹ tôi cũng có những buổi tập dưỡng sinh lúc sáng sớm, chiều tối cùng lớp người cao tuổi trong xóm. Qua mạng xã hội và các diễn đàn, mẹ học hỏi nhiều hơn về cách ăn uống để khỏe, để đẹp. Tôi cho rằng điều đó rất hữu ích vì nhìn mẹ đã nhẹ nhàng, cân đối và đi lại bớt vất vả như thời còn bị tăng cân. Ra ngoài là vậy, về nhà, bố mẹ dành thời gian chăm sóc khu vườn nhỏ với hoa, cây cảnh, rau và nuôi chó, mèo. Có món gì ngon lại nhớ đến anh em tôi và không quên gọi điện, để rồi cuối tuần đại gia đình lại đoàn tụ trong niềm hân hoan của con, cháu, ông, bà…
Tôi hiểu rằng mình rất đỗi may mắn vì tuần nào cũng có thể về nhà mẹ. Cái may mắn mà không phải người phụ nữ nào sau khi lấy chồng cũng có được. Tôi cũng hiểu vì sao mỗi lần mẹ đi thăm bà ngoại ở xa lại thao thức hằng đêm vì mong mỏi. Căn nhà mẹ là nơi mà mỗi khi về, tôi có thể trẻ dại, nhõng nhẽo mà chẳng phải gồng mình cứng cỏi như mọi khi. Căn nhà che chở cho những dại khờ, những sai lầm ai tuổi trẻ mà chẳng từng mắc phải. Căn nhà trải bao mùa mưa nắng, bố mẹ tôi vẫn ở đó, chờ đón các con trong vòng tay thân tình, ấm áp nhất…
Giờ thì các cháu tôi đã lớn, chúng đi học xa, nhưng mỗi khi về nhà cũng đều nhớ đến thăm ông bà. Đó là một điều đáng quý. Hẳn chúng cũng bắt đầu giống như tôi, nhận ra nơi để về, nơi bình yên trong tâm hồn mình. Quê hương ở đâu xa, quê hương chính là về nhà của bố mẹ, về nhà thăm ông bà. Dẫu chỉ thoáng chốc thôi, mà hạnh phúc hiện hữu, rõ rệt đến như thế!
Thời gian vẫn thoi đưa và chúng tôi, lớp người trẻ đang cuốn vào cuộc mưu sinh cũng dành phần nhiều thời gian của mình thực hiện các công việc mơ ước. Trước mắt chúng tôi là sự nghiệp để cuộc sống tốt hơn, con cái được hưởng những điều thời chúng tôi chưa có. Nhưng thời gian cũng có lúc dạy tôi ngưng lại, học cách sống chậm của bố mẹ bằng những lần về nhà thư thái, ngồi cùng mẹ bên tách cà phê thơm lừng cả hai mẹ con cùng yêu thích để bàn luận về một truyện ngắn hay hoặc trào lưu thơ vùng cao hiện nay. Dáng mẹ ngồi sáng tác tiểu thuyết về cuộc đời mình hay cách bố tôi sống tử tế với từng người trong xóm dạy cho tôi nhiều điều để biết nâng niu, tận hưởng thời gian hữu hạn. Mong cho những khoảnh khắc này kéo dài mãi, tôi sẽ trân trọng, níu giữ mỗi kỷ niệm bên bố mẹ như món quà mà cuộc đời đã ưu ái ban tặng.