Tôi là Phạm Thùy Ngân

Thành viên của Tản Văn Hay từ 19 tháng 6, 2021.

T

hương nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.

Trước đây mỗi lần têm trầu bà tôi thường ngâm nga câu ca dao ấy, tôi thuộc làu và cũng thường ru em bằng câu ca dao này.

Thật lạ, chỉ mỗi miếng cau thôi cũng dạy cho con người ta nhiều thứ. Khi yêu thương, quý mến nhau thì luôn muốn dành cho nhau những gì tròn đầy, tốt đẹp nhất “cau sáu bổ ba”. Nhưng khi tình cảm đã sứt mẻ rồi thì người ta đi đến cả giới hạn cuối cùng “cau sáu bổ ra làm mười”.

Có lẽ cũng vì thế mà mỗi khi gặp nhau người xưa luôn coi “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Cả gia chủ và khách đều dùng miếng trầu, nhìn vào miếng trầu, cách têm trầu và bổ cau để thể hiện thái độ, tình cảm và cả sự khéo léo dành cho nhau. Tế nhị, thâm thúy và khôn khéo đến thế là cùng.

Rằm tháng bảy, ở quê tôi nhà nào cũng chuẩn bị mâm cúng chu đáo lắm. Cúng mặn cho ông bà tổ tiên, cúng chay bố thí cho cô hồn. Tôi lại được dịp thể hiện vai trò nàng dâu trưởng “anh đầu chị cả”. Nấu nướng xong xuôi tôi xếp bằng lên chiếu và bắt đầu công việc têm trầu. Cau bổ ba, trầu têm cánh phượng, những việc này tôi học theo bà nội từ thời mới tập làm người lớn. Bàn tay thoăn thoắt “róc” cau, trái cau xoay tròn trên ba ngón tay và chỉ một loáng đã trắng nõn.

Gặp nhau ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng

Ăn trầu không chỉ là tục lệ, nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam mà trầu cau còn là biểu tượng của sự hoà hợp, gắn kết, son sắt thủy chung. Miếng cau đầy, lá trầu xanh và vệt vôi trắng khi quyện vào nhau sẽ tạo ra màu đỏ thắm, vị cay nồng. Muốn có miếng trầu ngon thì cau phải vừa đủ độ già, hạt vừa đến độ đặc, không điếc, không cứng, bổ vừa ăn, trầu lá dày, giòn, tươi xanh và quệt vôi vừa đủ. Ngoài ra còn cách têm trầu sao cho gọn, đẹp nữa. Ngày xưa là phụ nữ mà không biết bổ cau, têm trầu thì bị coi là đoảng sẽ bị chê cười.

Đàn ông phải biết khiển trâu
Đàn bà phải biết bổ cau têm trầu.

Có thế mới thấy sự khéo léo luôn được quan sát đánh giá một cách tinh tế trong từng việc làm nhỏ nhặt nhất. Phụ nữ mà không khéo thì khó bề vun vén cuộc sống gia đình. Bà tôi vẫn thường nhắc nhở và luôn nghiêm khắc dạy dỗ chúng tôi như thế.

Không chỉ có mặt như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân, cau trầu còn là tín vật trong những sự kiện trọng đại của đời người. Đôi lứa yêu nhau khi tính chuyện trăm năm nhà trai phải làm công việc quan trọng đầu tiên là đi “bỏ trầu” cho con. Sính lễ đơn giản chỉ 5 miếng cau, 5 miếng trầu và chai rượu trắng. Hai gia đình gặp gỡ đồng ý cho đôi trẻ “qua lại” tìm hiểu nhau. Thế là xong việc “rào đường” để tránh sự dòm ngó của người khác. “Lục lệ thành hôn” sau việc rào đường thì còn nhiều thủ tục khác để đôi trẻ nên vợ thành chồng nhưng bất cứ sự kiện nào cũng không thể thiếu được cau trầu.

Sự gắn kết ấy không chỉ là sự hoà hợp trong tình yêu đôi lứa mà còn là sự gắn kết tâm linh. Những ngày giỗ chạp, tết, lễ… trên ban thờ tổ tiên luôn luôn có dĩa cau trầu. Giữa đủ đầy sơn hào hải vị được bày ra cúng bái, dĩa cau trầu như là sự kết nối duy nhất giữa hiện đại và truyền thống, giữa thực tại và quá khứ giữa người sống và người đã khuất. Nó tồn tại đầy quyền lực trong không gian linh thiêng và trang trọng.

Nhưng rồi sau tất cả những nguyện cầu, khấn vái, người ta say sưa thọ lộc còn dĩa cau trầu nằm đó, cong queo, héo úa và cuối cùng bị bỏ quên như một sự thừa thãi, vô dụng. Bởi đơn giản con người thời đại mới có ai biết ăn trầu đâu, mà ăn để làm gì? cay xè, đắng nghét lại bẩn cả răng, bỏng cả miệng. Người nay gặp nhau thì kéo nhau ra quán nhậu hết tăng này đến tăng khác đâu như người xưa lấy miếng trầu làm món đãi khách. Tôi ngậm ngùi nhìn những miếng trầu bị vứt đi mà xót xa. Lại nao lòng nhớ đến hương cau tháng 3 thoang thoảng trước thềm. Mùi thơm lạ lắm, nửa như xa tít trên cao nửa như sà xuống trước mũi. Nhớ những hạt cau non rụng đầy vườn sau đêm sương muối mà mỗi sáng chị em tôi vẫn thường nhặt về đánh óc ô (trò ô ăn quan).

Nhớ những ngày cuối hè mẹ bảo “Mai con Bé ra coi buồng cau nào to thì mẹ cho trèo lên xé đi chợ bán mà mua áo quần, sách vở”. Vậy là mừng rơn, buộc dây chuối làm nài, tay ôm chặt thân cau, hai bàn chân xỏ vào nài rồi thoăn thoắt trèo lên tận ngọn cau cao hơn nóc nhà. Cây cau gầy, cao quá, ngọn cau lắc lư, lũ kiến hôi thấy động liền túa ra chui khắp người, kệ, tôi bặm môi nghiến răng cố chịu nhột, một tay ôm chặt thân cau, tay kia cầm lấy buồng cau cố xé ra rồi nhắm chỗ nào có bụi cỏ rậm rạp mà vứt. Xong xuôi, nới lỏng tay chân tuột một mạch từ trên cao xuống đất, bụng, chân trầy cả da rát buốt. Tôi là đứa hay leo trèo nhất nhà nên cả vườn cau mấy chục cây đều một mình tôi hái.

Trước đây nhiều người ăn trầu nên cau đắt giá lắm. Tầm tháng 9 tháng 10 là cau đến độ ngon. Lúc ấy cả nhà tập trung làm cau khô. Sau khi hái cau xuống công đoạn đầu tiên là róc vỏ cau. Róc vỏ cũng phải có kỹ thuật hẳn hoi nhé, dùng 3 ngón tay trái (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) để giữ quả cau theo chiều chụm cau lên trên, cuống xuống dưới. Tay phải cầm dao dùng ngón trỏ giữ phần sống dao thật chặt và nhanh nhẹn khứa phần mỏng vỏ xanh của quả cau tước xuống. Công việc này phải nhanh, đều tay thì quả cau mới trơn tru sạch vỏ. Xong công đoạn róc vỏ là phần tiện chụm cau. Ba thường chế một loại dao như dao cắt thuốc bắc rồi đặt ngang quả cau cho lưỡi dao vừa phần chụm cần cắt rồi dập mạnh xuống. Quả cau được cắt đầu cắt đuôi gọn gàng nằm lăn lóc trong chiếc nôống tre như những chiếc trống thu nhỏ. Công đoạn tiếp theo là bửa (bổ) cau. Thường thì mẹ tôi bổ tư cho nhanh, những quả to thì bổ năm bởi vì sau khi khô miếng cau sẽ teo lại nên phải căn sao cho đều, đẹp.

Muốn có miếng cau đẹp thì điều không thể thiếu đó là dao phải thật sắc. Bởi vậy mới có câu “sắc như dao cau”. Trước khi làm cau ba phải ngồi cả buổi để mài dao trên những hòn đá nhám lấy từ ngoài sông về. Dao sắc bén nên cứ sau mỗi mùa cau là bàn tay tôi lại thêm một vết sẹo. Việc cuối cùng đó là hầm cau. Để có miếng cau khô thơm, trắng thì phải hầm thật khéo. Hầm cau là cách gọi khác của sấy khô bằng than. Mẹ tôi vây tròn tấm cót gọi là nôống hầm, trong nôống hầm bỏ vài chậu than đỏ rồi đặt sịa lên trên, dàn cau thật đều mặt sịa rồi sấy cho đến khô. Lâu lâu phải lật từng miếng cau cho khô đều hai mặt. Hầm như thế tầm 2 ngày là được.

Cau hầm đúng kỹ thuật thì thơm lừng, trắng phau, cong lại mà không bị rời hạt. Còn hầm không đủ nhiệt hoặc quá nhiệt sẽ bị bầm đỏ, tách hạt ra bán chẳng ai mua. Cau sau khi khô sẽ được cất vào chum sành phủ lá chuối lên trên đợi đến gần tết đem ra chợ bán. Có năm được giá mẹ bán hết chum cau là chị em tôi có đủ quần áo mới mặc tết.

Bây giờ kinh tế phát triển, cuộc sống cũng thay đổi nhiều nên những nét đẹp truyền thống phần không còn phù hợp, phần mai một dần. Người già cũng chẳng còn mấy ai giữ thói quen ăn trầu, cau chín vàng rụng đầy cội, trầu sum suê lá không ai thèm hái. Dần dà người ta cũng chặt bớt cau cho rộng vườn. Bóng cau lẫn trong khói bếp chiều tà cứ thưa dần, thưa dần.

Mỗi lần về quê thèm được ngắm trăng treo trên lá cau trước hiên nhà. Thèm nghe tiếng chào mào con lích rích đòi mớm mồi trên ngọn cau còi. Thương cái giật mình giữa đêm khi mo cau rớt xuống để rồi sáng ra mẹ nhặt cắt thành quạt, thành mo đùm cơm cho ba đi rừng hoặc lũ em giành nhau lấy làm xe kéo chạy quanh xóm. Nhớ tiếng mo cau của mấy đứa mục đồng đập xuống đường thay tiếng pháo trong đêm giao thừa…

Tôi ngồi đó, ngẩn ngơ cầm miếng trầu cánh phượng đang têm dở, chợt lẩm bẩm đọc hai câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Có phải duyên nhau thì thắm lại. Đừng xanh như lá bạc như vôi.