Đất nước của ta, một dải đất uốn mềm nằm trước biển trên bản đồ, một đất nước của bao dòng sông suối, của bao nhiêu bão dông, lũ lụt…nên cũng là đất nước của những con đê. Thân thuộc trong trái tim mỗi người Việt, ấy là bóng đê làng.
Những con đê ngăn lũ, chắn bão giữ bình yên mùa màng và làng xóm. Đê cũng là nhân chứng lặng lẽ, chứng kiến bao nhiêu cuộc đời đi qua, bước chân người từ lúc chập chững đến khi về già, bao nhiêu cuộc tiễn biệt và trở về, bao nhiêu hẹn hò đôi lứa, bao nhiêu dời đổi quê hương…
Tôi từng rời làng, và phút cuối, khi chiếc ô tô lăn bánh trên con đê quen thuộc, tôi quay lại nhìn lũy tre xanh mà ngày nhỏ bọn tôi thường ra đó mỗi tối bắt đom đóm, thoáng thấy trong gió mùi thơm ngầy ngậy của đất đai mùa màng. Mắt sũng nước, tôi suýt nữa đã định bảo bác tài dừng lại, quẳng đôi giày mới mua để cứ thế chân trần chạy xuống triền đê…
Tại con đê ấy, tuổi thơ của chúng tôi đã trôi qua như một giấc mộng. Chúng tôi là những đứa trẻ trốn mẹ đi chơi trưa nắng, là những mục đồng lãng mạn hát trên lưng trâu, là đứa trẻ lên 9 bị trâu húc để lại một vết sẹo dài, là con bé mắt lúc nào cũng ươn ướt như sắp khóc, là thằng bé đen nhẻm có nụ cười hiền khô, là lũ người chân đầy bùn đất chạy thình thịch trên đê làng để đuổi theo một quả bóng, thả một con diều…
Chúng tôi, những đứa trẻ khóc cười trên triền đê suốt tuổi thơ mình, đã lớn lên trong cái giấc mơ tưởng như chẳng bao giờ khép lại ấy. Khi xa quê, tôi đã biết thế nào là nhớ nhung. Một thoáng mưa buồn, gợn gió heo may, một màu xoan tím, con đò sang ngang, cánh diều chấp chới giữa hoàng hôn… đều có thể khiến những kẻ tha hương rớt nước mắt.
Và trong những giấc chập chờn, con đê làng hiện ra vừa gần gũi thân thương vừa xa xăm diệu vợi. Những bước chân chạy trên đê của lũ trẻ hiện về trong ký ức như một thước phim quay chậm. Trên đê lúc nào cũng gió lộng. Gió trở thành người bạn thân thiết của chúng tôi, nó mang hương vị mằn mặn nồng nồng từ dưới triền sông hắt lên.
Một người bạn của tôi cũng kể về một con đê trong ký ức làng của chị. Chị nói, đó là nơi chị tiễn cha mình đi làm ăn ở xứ người, hôm đó cũng là lần cuối hai bố con chị gặp nhau. Mẹ ốm nằm liệt giường, chị là người tiễn cha tới đầu làng. Ông đi mà không ngoái lại. Chị không hiểu sao ông không hề ngoái lại, đến tận giờ đây mấy chục năm đã trôi qua mà chị vẫn không hiểu nổi điều đó. Và ông đã biến mất khỏi cuộc đời chị như thế, để lại một nỗi rỗng không trong tâm hồn, cùng một nỗi buồn đau khắc khoải.
Mẹ tôi từng kể, trong những năm tháng chiến tranh, những phụ nữ thế hệ bà đã tiễn người yêu ra chiến trận từ con đê làng. Chính ở đó, những hẹn hò, những yêu thương, nước mắt và nụ cười, những hạnh phúc, chờ đợi và cả những sự lỗi hẹn nữa, đã diễn ra. Dòng sông nhỏ chảy dưới chân đê không có tên. Người dân trong làng thường gọi là sông đê, vì chẳng có một cái tên nào hợp hơn để gọi. Chính dòng sông ấy, bờ đê ấy đã chứng kiến bao hẹn thề và bao cuộc chia ly, rồi sau này với thế hệ của chúng tôi, đã chứng kiến bao kỷ niệm vơi đầy. Dòng sông ấy, triền đê ấy, chính là linh hồn của làng, là linh hồn của quê hương. Nơi mà chỉ cần nghĩ tới, lòng ta sẽ chùng xuống và mắt ta rơi lệ.
Có biết bao con đê như thế ở khắp các vùng quê Việt. Con đê chờ đợi bóng hình ai trong thơ Nguyễn Bính, con đê “mòn lối cỏ về” trong một ngày sang ngang của người thiếu nữ trong nhạc Trần Tiến… Còn bao con đê ngăn lũ, giữ làng khác. Không chỉ ngăn lũ, giữ làng, những con đê còn là chứng tích lịch sử, ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc, ở đó bao máu xương đã đổ xuống để có được hòa bình cho ngày hôm nay.
Ai đã từng chậm rãi chạy xe dọc đê sông Lam, có giây phút bất chợt gặp cái nghĩa trang nhỏ ven đê đoạn qua xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Nghĩa trang nép bên bờ đê cao lớn sừng sững mà người dân Hưng Nguyên vốn quen gọi là nghĩa trang liệt sĩ đê điều. Có lẽ đây là nghĩa trang liệt sĩ đê điều duy nhất trên cả đất nước ta.
Nơi này, ngày 27/8/1967 đã diễn ra một sự kiện bi thương: Từ rạng sáng, dân quân 2 xã Hưng Khánh, Hưng Thắng tập trung trên tuyến đê trọng yếu chạy qua địa phận xã mình để làm công tác ứng cứu đê, san lấp hố bom qua một đêm dài để thông tuyến đường tiếp viện cho miền Nam đánh Mỹ. Quãng 5 giờ sáng, một số người đã xong việc vác cuốc xẻng trở về làng, một số khác còn đang rốn làm thêm, bất ngờ 2 máy bay Mỹ phát hiện và “bổ nhào” cắt bom.
Trận bom ấy đã cướp đi tính mạng của 15 dân quân trên đê, làm bị thương 23 người khác, cùng hơn 20 tính mạng khác của người làng. Xác người nằm la liệt bên những hố bom nham nhở, cày xới trên đê làng. Ngày 4/8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày giỗ chung của người làng. Vậy là đổ xuống đê làng, không chỉ mồ hôi, nước mắt, là cả máu, là cả những linh hồn con người yêu làng, giữ nước… Để con đê trở thành biểu tượng, thành linh hồn làng quê…
Đê làng, nơi người ta tụ họp, sinh hoạt, vui chơi, nơi người ta hò hẹn, từ biệt, nơi người ta yêu thương và chia ly, sum họp, nơi người ta ra đi để cứ mãi nhớ nhung khắc khoải một ngọn gió mang hơi nước, một cánh diều, một bước chân vội, một tiếng sáo… Nơi mà trong những ngày tháng khốc liệt hay đau khổ nhất của đời người, ta mơ được trở về.
Nhiều lúc tôi vẩn vơ nhớ quê, nhớ triền đê đầu làng, rồi tôi nhớ cả con đê đã chứng kiến người bạn tôi tiễn bố lên đường và bao chiều chị ấy tan học đạp xe về nhà qua đó, nuốt nước mắt vào trong vì nhớ bố. Tôi nhớ cả con đê của Nguyễn Bính, của Trần Tiến và bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ khác. Tôi nhớ những con đê của làng quê Việt, những mồ hôi mặn chát đã rơi trên đó, những máu xương đã đổ, những nụ cười giòn tan trong gió, tiếng sáo diều lũ mục đồng thổi mướt mát chân đê…
Có những ngày như thế, tôi cứ nhớ những triền đê. Thèm được trở về con sông xưa, khua tay xuống dòng nước mát lạnh và nghe tiếng gió lùa vào bụi tre đâu đó. Thèm được chân trần bước đi trên vạt cỏ thắm nắng chiều, cúi xuống hái những bông xuyến chi mọc hoang với một sức sống như bất tận. Thèm được mân mê một nhánh cỏ gà, nghe tiếng cười của lũ trẻ trong xóm ùa nhau chạy đến, tiếng côn trùng ri rỉ những đêm trăng. Thèm được nhìn thấy bóng bà đi lễ chùa về xiêu xiêu nắng chân đê. Thèm được thấy mẹ với bao gánh gồng tất bật cơn gió ngược. Thèm ngồi đợi mẹ bên lũ cào cào tí tách.
Những giấc mơ đó, nỗi thèm khát đó, nhiều khi mạnh mẽ vụt dậy trong tôi và có cảm giác như chúng thật hơn cả cuộc sống, thật hơn cả thực tại. Nó khiến tôi thực sự nghĩ rằng, không chỉ triền đê đầy nắng ở quê tôi, mà bất cứ một triền đê nào khác, đều có thể trở thành quê hương của tôi, máu thịt của tôi. Những nơi tôi đã đi qua, những triền đê tôi chỉ kịp nhìn khi con tàu đang lăn bánh, những con đê bạn bè tôi kể, những con đê lịch sử, cả những triền đê tôi chưa từng thấy, chẳng biết tự bao giờ đã lưu lại trong trái tim tôi như một kỷ niệm, mà không, như một giấc mơ.
Giấc mơ ấy chẳng bao giờ tan, nó cứ bồng bềnh trong đời sống của tôi, đôi khi khiến tôi buồn nhớ nhưng luôn nó cho tôi cảm giác yên bình, ấm áp. Nó giống như một chuyến đò đợi sẵn, một cái níu tay của cố nhân, một bậc thềm thơm nức hương hoa chờ người mỏi chân ngồi nghỉ. Nó giống như mẹ, đợi ta về bất cứ lúc nào ta muốn, ôm lấy ta bất cứ lúc nào ta cần, vuốt ve khi ta khóc, lo âu và chờ đợi khi ta đi. Nó giống như chính ta, dù có đi chân trời góc bể cũng vẫn là ta.
( Nguồn: baonghean.vn )