Tác giả Nguyễn Minh Nguyệt

M

ười tám tuổi tôi đã xa Vinh – cái thành phố bé tẻo tèo teo chưa đi đã hết, mùa Hè nóng như chảo rang, mùa Đông hun hút gió lùa. Thành phố nơi tôi sinh ra, nhọc nhằn lớn lên trong cảnh gia đình nghèo túng, hơn một lần tôi đã mơ ước phải học thật giỏi để có thể đi xa đến những miền đất đẹp giàu và quên đi những tháng ngày cơ cực, ấy thế mà khi xa lòng tôi lại không nguôi đau đáu nhớ về…

Nhớ Vinh là nhớ những con đường lổn nhổn đá dăm, đầy ổ gà thồi thõm. Ai đó đã đặt tên cho Vinh là “thành phố bụi” bởi trong chiến tranh chống Mỹ hầu như không còn một ngôi nhà, một con đường nào nguyên vẹn, mặt đất bị cày xới, cây xanh bị tàn phá, cả thành phố như một công trường cát bụi mịt mù. Từ Thanh Chương nơi trường cấp ba sơ tán trở về, lũ học trò chúng tôi đã bỡ ngỡ biết bao với cảnh hoang tàn đổ nát của khu nhà tầng thuộc Đại học sư phạm được bố trí cho trường Huỳnh Thúc Kháng học tạm. Con đường đất dẫn vào trường hàng ngày vang lên tiếng chuông xe đạp kính coong, tiếng chuyện trò rộn rã của từng đoàn học sinh đi bộ đến lớp. Cái nắng chói chang của mùa Hè, cái lạnh tê tái của mùa Đông cũng không làm tắt được tiếng cười lanh lảnh vui tươi của những đứa trẻ một thời phải sơ tán xa nay được trở về với nơi mình sinh ra, dẫu còn bao gian khó bộn bề nhưng thật tự hào vì giờ đây ta đã là công dân thành phố.

Nhớ Vinh là nhớ dáng Cha gầy gò, đôi bàn tay xương xẩu, đen đúa quanh năm vì lao động nặng nhọc. Ngày hai buổi Người đi làm trên chiếc xe đạp cũ kỹ, lưng áo đẫm mồ hôi mỗi buổi trưa Hè, khuôn mặt nhiều nếp nhăn tái xanh vì cái lạnh mùa Đông. Người quên đi mọi nhu cầu tối thiểu cho bản thân mình, nhịn từng bữa sáng để dành tiền mua sách cho con. Tôi nhớ hiệu sách Cửa Bắc nơi có cô nhân viên luôn ân cần hỏi han mỗi khi cha con tôi bước vào và không giấu được ánh mắt ái ngại, cảm thông khi thấy Cha tôi vét mãi túi quần túi áo mà vẫn không đủ tiền để trả cho cuốn sách tôi đòi mua. Mười tuổi tôi đã ngấm cái khổ của đứa trẻ con nhà nghèo, đã biết ghé vai sẻ san cùng Cha Mẹ nỗi vất vả của việc kiếm sống. Tôi đi kiếm củi, đi mót lúa mót khoai, đi bán kem, bán bánh mỳ…phụ Cha Mẹ nuôi đàn em đông đúc.

Những sáng mùa Đông dậy sớm, đạp xe trên con đường gió lạnh, tôi đã thấy một Vinh rất khác: Vinh của tầng lớp lao động nghèo, bươn chải nhọc nhằn một sương hai nắng. Bác xích lô mải mốt đạp nhanh cuốc xe trong gió ngược, những gánh hàng nặng trĩu vai của các bà, các cô đi chợ sớm, anh xe thồ mướt mồ hôi đẩy hàng từ ngoại ô vào, những đứa trẻ cỡ bằng tuổi tôi hoặc nhỏ hơn trở về từ ga tàu, bến xe – nơi tiếng rao đêm của chúng khản đặc mời mọi người đọi nước chè chát xứ Nghệ…Sau này dù sống ở đâu tôi cũng luôn tự hào mình là người Vinh – từ quê nghèo xứ Nghệ, mảnh đất mà càng khó khăn, khốc liệt, càng hun đúc nên những tính cách kiên cường, dạy con người biết vượt khó vươn lên để thành công trong cuộc đời.

Qua bao năm, giờ đây Vinh đã khang trang hiện đại hơn nhiều. Phố xá sầm uất, những con đường rộng rãi rợp bóng cây xanh, chung cư cao tầng, khách sạn, nhà hàng san sát. Mỗi dịp về tôi đều thấy ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của một thành phố được gọi là “trung tâm thương mại Bắc miền Trung”. Thế nhưng khi nhớ Vinh thì trong tôi luôn hiện lên hình ảnh thành phố nhỏ bé thân thương của mình những năm bảy mươi thế kỷ trước: Một Vinh mộc mạc, đơn sơ với cuộc sống giản dị của những người dân vừa trở về từ nơi sơ tán chung tay xây dựng lại quê hương từ đống đổ nát hoang tàn.

Nhớ Vinh là nhớ những ngày đến lớp với bao kỷ niệm ngọt ngào của tuổi học trò. Nhớ dáng thầy cô hao gầy bởi sau giờ lên lớp còn phải cuốc đất trồng rau, nuôi gà, đan len, bóc lạc…để kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Có những người thầy suốt cả mùa Đông mặc một chiếc áo “Tôn-Trung-Sơn’’ sờn cũ, lên lớp học trò cứ thì thầm chỉ trỏ vì áo dính bột trẻ con. Có cô giáo cầm phấn viết bảng ngón tay còn bám mủ rau muống đen xì… Đói cơm, rách áo nhưng tấm lòng thầy cô với học trò là trách nhiệm và tình thương vô hạn. Từ những bài giảng của các thầy cô nghèo mà cao quý đó, chúng tôi đã nhận ra chân-thiện-mỹ của cuộc đời, đã mang sức lực và trí tuệ dựng xây nên cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Một số người đi xa, nhưng phần lớn lứa học trò ngày ấy vẫn ở lại với thành phố quê hương, chính họ đã góp sức mình làm nên một Vinh thay da đổi thịt, to đẹp và hiện đại ngày nay.

‘’Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng vẫn còn cay

Chứ đôi ta tình nặng nghĩa dày

Dù có xa nhau đi chăng nữa, thì ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa…’’

Câu dân ca xứ Nghệ tôi nghe từ thuở nằm nôi qua giọng Bà, giọng Mẹ cứ theo tôi suốt cả cuộc đời. Người xưa thật thâm trầm, ý nhị khi ví tính cách người Nghệ như hai thứ gia vị gừng và muối: cay nồng và mặn mòi. Câu ca dao có hình ảnh gừng và muối gợi cho ta tình người thủy chung son sắt, có trải qua những dư vị đắng cay thì mới thấy tình nghĩa thêm sâu đậm, thân thương. Phải chăng vì sinh ra trên mảnh đất đói nghèo, khí hậu khắc nghiệt, phải mưu sinh nhọc nhằn nên dù sống ở chân trời góc bể nào người xứ Nghệ cũng đối đãi với nhau thật chân tình, nhân ái.

Tôi đã nghe một người anh từng nhập ngũ những năm sáu mươi kể về những đợt hành quân gian khổ, hiểm nguy trong rừng thời chống Mỹ, đang đi mà nghe một giọng Vinh cất lên của cô gái thanh niên xung phong nào đó bỗng trào nước mắt vì nhớ nhà, nhớ thành phố quê hương…Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có biết bao những chàng trai, cô gái thành Vinh đã ra chiến trường và không phải ai cũng nguyên vẹn trở về. Họ ra đi khi lứa tuổi còn xanh, thành phố còn nghèo nàn, lạc hậu. Giờ đây khi Vinh đã vươn mình lớn dậy, to đẹp đàng hoàng thì những con người bất khuất ấy không còn được chứng kiến và hưởng thụ. Họ yên nghỉ ở Nghĩa trang thành phố hoặc vẫn còn đâu đó trong những cánh rừng, những dòng sông của mọi miền đất nước… “Uống nước nhớ nguồn’’cũng là một câu thành ngữ cửa miệng của người Nghệ.

Từ nơi xa, tôi thường dõi theo về thành phố quê nhà, thấy rưng rưng xúc động và tự hào bởi nhiều thế hệ trẻ vẫn duy trì các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với những gia đình thương binh, liệt sỹ, những người có công với Cách mạng. Một đô thị sầm uất, xinh đẹp từ ngày xưa mà những người dân đã chấp nhận tiêu thổ kháng chiến, bỏ lại cơ ngơi, của cải, biến nơi ở thành “vườn không, nhà trống” để ngăn chặn quân Pháp, đến thời chống Mỹ lại gửi ra chiến trường những đứa con mạnh khỏe, ưu tú của mình… Nơi ấy xứng đáng là miền đất triệu triệu người ngưỡng mộ, là nơi những đứa con xa trăn trở nhói lòng vì chưa thể về thăm.

Nhớ Vinh là nỗi nhớ triền miên, khắc khoải không dễ gì phôi phai theo năm tháng. Kể cả khi đã về, đi trong thành phố ta vẫn thấy lòng mình bâng khuâng xao xuyến trước mỗi con đường, góc phố, hàng cây vì chúng chứa chất đầy kỷ niệm, nhắc ta nhớ tới bao người. Chẳng còn nữa những hầm hào lô nhô trên phố thời chiến tranh, chẳng còn nữa những con đường đất nhuốm đầy bui đỏ, những căn nhà dựng vội tềnh toàng bên bờ cây còi cọc xác xơ vì gió Lào…Vinh giờ là một thành phố sạch đẹp văn minh đâu kém gì những thành phố lớn trong Nam ngoài Bắc. Nhịp sống của một đô thị phát triển đôi khi làm ngỡ ngàng những kẻ hoài cổ như tôi. Biết rằng không thể đi ngược lại xu hướng vì sự phồn vinh, phát đạt, hiện đại là điều nhiều người cùng hướng đến. Vậy mà ta vẫn không nguôi thương nhớ một Vinh xưa – Vinh của hoài niệm, Vinh của những con người gừng cay muối mặn vẫn nguyện bên nhau suốt cả cuộc đời…

Lòng ta là rứa đó Vinh ơi!