17 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Thầu đâu giờ ở nơi đâu

Thương Nhớ Ngày XưaThầu đâu giờ ở nơi đâu

Tháng ba đến đầu làng. Trời chuyển mưa lất phất. Tôi ngồi dõi mắt ra đầu ngõ chỉ thấy lưa thưa những bông hồng đang bung nở. Khóm hồng leo, tôi trồng hơn năm nay giờ mới trổ những bông đầu tiên ấy không làm khỏa lấp được không gian của mấy cây thầu đâu bung nở tím đầu ngõ năm nào…

           Thầu đâu trong ký ức tuổi thơ. Quê tôi gọi cây thầu đâu, lớn lên tôi được biết cây còn có tên phổ biến khác là xoan đâu hay cái tên lãng mạn, dễ thương nhưng đượm buồn là sầu đông. Nhưng tôi vẫn thích cái tên gọi mộc mạc, chân quê mà mình từng được nghe từ lần đầu tiên ấy – Thầu đâu!

                         Trong cuộc đời, có lúc ta gặp được ai đó với vẻ mộc mạc, giản dị. Rồi sau bao năm xa cách, gặp lại người ấy nhiều khi ta vẫn chỉ mê đắm cái mộc mạc, giản dị ban đầu ấy. Cũng như một số loài cây khác suốt mùa đông, loài cây thầu đâu chỉ có những cành lá trơ trụi, khô khốc. Nhưng khi xuân đến, lại đâm chồi nảy lộc, cành lá bắt đầu xanh mướt trở lại. Và rồi tháng ba về, xen giữa màu xanh của chồi lá, những bông hoa xoan cũng dịu dàng khoe sắc.

Màu hoa tím nhạt cùng hương thơm dịu nhẹ cuốn hút bọn trẻ chúng tôi…Trở lại với câu chuyện những cây thầu đâu đầu ngõ của nhà tôi vì sao bây giờ không còn nữa, có lẽ cũng như nhiều nhà khác, khi bắt đầu cảnh đất chật người đông thì những cây thầu đâu chiếm dụng quỹ đất lớn bắt đầu bị người ta chặt bỏ đi. Không nhớ rõ ngày nào, chỉ biết cũng vào tầm tháng ba, khi những cánh hoa thầu đâu li ti rụng tím trước ngõ, trên cây còn những chùm quả treo lửng lơ bắt đầu ngả sang màu vàng nhạt, cha tôi dẫn mấy người khách lạ đến hạ sạch cả mấy cây.

Sau này được biết, những người khách lạ ấy là những người thợ mộc từ vùng Đô Lương xuống. Họ chọn mua những cây thầu đâu già về để làm trần nhà. Những cây thầu đâu chặt chuyển đi rồi để lại một khoảng trống mênh mông đầu ngõ. Tôi cũng cảm thấy như thiêu thiếu một điều gì đó vì những cây thầu đâu ấy đã gắn bó với mấy anh em tôi từ ngày còn nhỏ.

            Nào là những trò chơi rất nghịch của mấy đứa con trai mỗi độ tháng ba sắp qua. Chúng tôi trèo lên cây bẻ cành, vặt quả chơi bắn súng phốc – loại súng làm từ ống cành hóp, hay cành cây tre. Nếu là tre thì phải chọn loại tre ruột rỗng vừa cái đũa rồi hái quả xoan non để bắn. Khi bắn âm thanh phát ra kêu phốp phốp rất vui tai.

Có lẽ vì thế nó được gọi là súng phốp. Cứ chân đất, đầu trần đuổi bắn nhau từ ngõ nhà này qua ngõ nhà khác vui đáo để. Nhưng cũng vì cái trò nghịch ngợm ấy mà chẳng biết đã bao lần tôi bị ăn roi của cha tôi. Riêng bọn con gái thì ngồi tỉ mận nhặt từng cánh xoan mỏng manh xếp thành đủ thử hình trên đất.

                         Hình trái tim lồng vào nhau. Hình cái cặp sách nhỏ xinh hay có khi là hình của những cái kẹp tóc. Thi thoảng mấy đứa con trai đi qua lại tìm cách xóa sổ những sản phẩm dễ thương ấy. Và thế rồi lại tiếng mếu máo, tiếng chân chạy huỳnh huỵch đuổi nhau xôn xao cả ngõ nhỏ.

Thầu đâu trong thi ca. Từ lâu loài hoa giản dị ấy đã được các thi nhân dành những tình cảm đặc biệt để miêu tả. Trong văn học trung đại, những vần thơ xuân của Nguyễn Trãi thấp thoáng bóng hoa thầu đâu- hoa xoan:

“Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai”.
(Mộ xuân tức sự)
Dịch là:
“Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan”

Trong “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng cũng dành cho cây xoan mà ông gọi là cây “sầu đông” những dòng đầy cảm mến, tôn vinh. Và, đến nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã phải ngỡ ngàng thốt lên:

“Tháng ba nở trắng hoa xoan
Sáng ra mặt đất lan toàn mùi hương…”

Những người xa quê chắc hẳn ai cũng nhớ màu tím hoa cà hay màu trắng tía của thầu đâu. Loài hoa với hai màu đặc trưng ấy từ lâu đã đi vào thơ ca như là những hình ảnh biểu cho mùa xuân, cho tháng ba tràn đầy sức sống. Nữ sĩ Xuân Quỳnh từng viết:

Tháng ba về xuân dần hơn một nửa
Ngõ nhà mình tim tím những nhành xoan
Cơn mưa phùn chiều dạo qua ngang cửa
Gió đu cành, hoa tím rụng đầy sân.

Hoa xoan tàn, mùa xuân tàn rồi đó
Xưa, mười lăm em đã biết điệu đàng
Nhặt cánh hoa em cài lên mái tóc
Vườn nhà bên anh liếc mắt… nhìn sang.

Nhà thơ chân quê Nguyễn Bính cũng có những vần thơ nhắc đến loài hoa giản dị, mộc mạc ấy

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy”.

Hình ảnh lớp lớp hoa xoan rụng dày khắp các con ngõ, khắp các ngã đường quê đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người xa xứ. Loài hoa ấy cũng là biểu tượng cho tấm lòng thủy chung trong tình yêu đôi lứa:

“Ta hờn ghen giận tháng ba
Cớ sao ôm hết loài hoa ái tình
Hoa xoan tím tuy không xinh
Nhưng luôn biết giữ phận mình thủy chung”.

Ảnh: Nguyễn Văn Song

                         Ngoài trời vẫn lất phất mưa, vẫn con ngõ xưa, vẫn tiết trời lành lạnh như tháng ba năm nào, chỉ thiếu màu tím thủy chung ấy, thiếu tiếng bọn trẻ đầu trần chân đất đuổi nhau khóc cười dưới những cánh hoa rơi…

Cầm chiếc điện thoại, nhẹ nhàng vào nhóm bạn học cấp ba, ai đó vừa gửi một bức ảnh chụp cành hoa thầu đâu còn có cả chùm quả đã ngả màu vàng treo lơ lửng. Những kí ức tuổi thơ lại vọng về giăng mắc trong lòng tôi. Tên từng đứa bạn. Có đứa còn, đứa mất, đứa đi xa quê biền biệt tháng năm chưa ngày trở về.

            Những kỉ niệm, khuôn mặt, nụ cười thuở nhỏ tinh khôi như màu hoa thầu đâu đầu ngõ năm nào. Khao khát một nỗi nhớ thương tìm về đuổi bắt nhau trong tiếng phốp phốp vang bay, trong nụ cười hân hoan vương hương thơm của loài hoa thầu đâu giản dị. Rời nhóm lâu rồi nhưng lòng tôi vẫn mênh mang một nỗi nhớ diết da, bất giác chợt vang lên câu hỏi “thầu đâu giờ nở nơi đâu?”

Check out our other content

Most Popular Articles