17 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Thân thương thềm nhà

Trong Mắt TôiThân thương thềm nhà

Chiều dần buông. Tôi lang thang ngang qua ngôi làng cũ, gặp lại bến sông quen thuộc và thấy miên man nhớ mái nhà xưa vì thầy mẹ tôi đã chuyển chỗ ở sau gần cả đời người gắn bó với vùng nước mặn.

           Căn nhà cũ với những bức tường loang lổ. Căn nhà cũ với bậc thềm xi măng mà thỉnh thoảng thầy tôi phải thường xuyên vá víu nhưng nó là cả trời thương nhớ của chị em tôi. Bậc thềm ấy, nơi bước chân mấy chị em tôi chập chững; là nơi thầy mẹ tiễn mấy chị em tôi về nhà chồng, khi mà các chị, các em vừa bước ra khỏi phòng khách, chạm đến thềm nhà, thầy tôi – một người lính từng vào sinh ra tử, mạnh mẽ, bản lĩnh đã lấy tay gặt vội giọt nước mắt. Đó cũng là nơi bà nội tôi ngồi bỏm bẻm nhai trầu, hướng mắt ra ngõ chờ các con, các cháu trở về nhà khi ráng chiều đã nổi. Bậc thềm ấy cũng là nơi cất giấu bao kí ức của ngày qua…

                         Những buổi sáng không đến trường hoặc mỗi khi hè đến, mấy chị em tôi tự trông nhau. Cùng với lũ trẻ hàng xóm chúng tôi hái lá dừa làm chong chóng, đồng hồ; hái quả phi lao để xếp hình trái tim; hái hoa lê – ki – ma làm vòng nguyệt quế. Chao ơi là những sắc màu, là những hình khối bắt mắt được tạo ra bởi trò chơi của con trẻ. Cứ thế, lặng lẽ chơi, lặng lẽ gắm nhìn thành quả và khi chúng tôi cất lên những tiếng cười sung sướng thì mặt trời đã đậu ngon cau, những tia nắng đã nhảy nhót trên thềm. Cứ thế, đứa lớn trông đứa bé, thầy mẹ tôi yên tâm bươn chải, mưu sinh. Cứ thế, tôi đã có những kỉ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ cùng với bè bạn. Để sau này, trong những lần gặp bất chợt, bạn hỏi: bao giờ về với ngày xưa?

Những bụi bặm, những giọt mồ hôi cũng được gửi lại bên bậc thềm đã rất cũ ấy. Những trưa vắng, mẹ trở về với gánh hàng còm cõi. Vừa buông đòn gánh, mẹ ngồi ngay ở thềm, uống vội cốc nước, lấy nón làm quạt để làm ráo bớt những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má ở cái thời mà điện chưa về làng quê.

            Những trưa hè gió hiu hiu thổi, mẹ trải chiếu bên thềm. Mấy chị em tôi lại quấn quýt bên mẹ, đứa thì nhổ tóc sâu, đứa thì ríu rít kể chuyện. Có lúc mẹ lại bới đầu lũ chúng tôi. Lúc đó, những đứa trẻ mắt sẽ lim rim, mơ màng trong thế giới của mình. Và nếu mẹ kéo dài thời gian bới tóc thì chúng tôi sẽ có những giấc ngủ ngon lành. Những giấc ấy không dài nhưng đủ sâu, đủ ngon, đủ sự êm đềm. Để rồi sau này, hình ảnh ấy thỉnh thoảng xuất hiện trong những giấc mơ trưa của tôi.

Bậc thềm ấy cũng là nơi nhà tôi có những bữa cơm chiều thật ấm cúng dù rất đạm bạc. Gió từ sông thổi vào mát rượi, một tấm chiếu được trải trên thềm, cả nhà quây quần bên nhau. Thầy mẹ tôi sinh đông con, việc không đứt bữa đã là một sự cố gắng lớn của đấng sinh thành. Mẹ tôi nấu ăn ngon nên dù nguyên liệu đơn giản mẹ cũng tạo ra những món ăn rất vừa miệng. Những món ăn mẹ thêm gia vị của sự yêu thương. Để rồi đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in tấm chiếu hoa, nồi cơm cháy và một số món ăn quen thuộc mẹ hay làm: đĩa nộm rau muống mướt xanh, bát canh chua, bát cà pháo giòn tan và đĩa cá khô rim thơm nồng.

                         Những đêm trăng, khi thầy tôi không đi biển, các chú trong xóm sang chơi, mọi người trò chuyện bên thềm. Một ấm trà, chiếc điều cày, mấy quả ổi hái sau vườn, từng đó cũng đủ cho những cuộc trò chuyện đến khuya của những người đàn ông. Bất giác, tôi nghĩ, phải thân tình lắm thì thầy tôi mới tiếp khách ở không gian ấy.

Sau này, tôi để tâm thì thấy rằng, khi có người đến nhà, nếu chỉ là mối quan hệ xã giao thì thầy mẹ sẽ mời cho bằng được vào phòng khách; còn nếu thực sự có mối giao tình, thực sự thân thiết thì nhiều khi thầy mẹ tôi ngồi nói chuyện cùng mọi người ngay tại bậc thềm xi măng đã cũ dần theo năm tháng. Nhất là trong những buổi chiều, ngồi bên thềm nhà gió nồm thổi vào mát rượi.

           Những ngày tháng tám, mưa như hờn như giận. Mẹ nấu khoai xéo. Mùi khoai hòa lẫn với đậu, lạc, nếp hương tạo nên hương thơm nồng nàn, khó lẫn. Từng nắm khoai còn nóng được mẹ chuyền tay cho đừng đứa. Hơi ấm của nắm khoai như xua đi một chút hơi lạnh của những ngày mưa lê thê. Tôi nhâm nhi khoai, nhìn ra phía trước khung cửa chỉ thấy trắng xóa một màu nước. Nhìn đến thềm, nước hắt vào ướt sũng. Điều đó có nghĩa trận mưa ấy rất to. Mẹ ngồi thẫn thờ, khẽ buông một tiếng thở dài đầy lo lắng. Thầy tôi vẫn đang ngoài biển. Mưa lạnh như này, liệu ngoài đó, thầy và các chú có còn củi khô để mà nấu cơm?

                        Cũng bởi mưa nhiều nên sau những đợt mưa như thế, rêu sẽ bám thềm. Chị em tôi lại có thêm nhiệm vụ cạo rêu để khỏi trơn trượt. Mỗi năm chúng tôi đều phải làm nhiều lần công việc đó. Chúng tôi đã lớn dần sau những lần cạo rêu. Màu rêu ấy tôi gọi là màu của thiên nhiên và màu của thời gian.

Làng nhìn từ trên cao trông như một ốc đảo, bao quanh là nước, trước là sông sau là biển nên mùa bão nổi trở thành một nỗi ám ảnh. Nhà tôi bên bến sông, không gian trống hơ trống hoác. Bão đến. Gió cứ rít. Nước cứ dâng. Như thành lệ, hễ nghe đài báo bão là anh em họ hàng lại lo cho nhà tôi nhất.

           Lúc đầu nước còn dềnh dàng nhưng sau thì lên rất nhanh. Nước tràn qua đê, tràn qua ao sau nhà, tràn vào sân. Nước lên dần lên dần. Một bậc. Hai bậc. Ba bậc. Và chuẩn bị chạm thềm. Thầy mẹ tôi lấy thềm nhà để đo mức nước. Ngay lúc đó, ánh mắt hốt hoảng lộ rõ trên khuôn mặt của mọi người. Bởi nếu như nước vượt qua thềm nhà đồng nghĩa với việc sẽ dâng cao, dâng nhanh, có thể sẽ cuốn đi hết tài sản mà cả đời mẹ thầy dành dụm.

Ngay lập tức, những đứa trẻ sẽ được để vào chậu thau, các chú sẽ đẩy thật nhanh trên mặt nước đưa đến chỗ cao. Có những khi những vật nuôi trong nhà cũng được các chú di chuyển ngay vô buồng trong. Vì khi nước đến thềm nhà có nghĩa xung quanh nhà tôi đã mênh mang nước là nước…

                        Bao nhiêu mùa bão là bấy nhiêu mùa lo! Bao nhiêu mùa bão là bấy nhiêu mùa biết ơn vì chúng tôi vẫn an lành, ngôi nhà ngói ba gian của thầy mẹ tôi vẫn còn trụ được sau giông bão! Thật không quá khi tôi luôn nghĩ rằng thềm nhà là nơi chứa đựng những ranh giới. Đó là ranh giới giữa nhọc nhằn và sự nghỉ ngơi; ranh giới giữa sự trở về và sự ra đi; ranh giới giữa thân quen và xa lạ, ranh giới giữa sự an toàn và những hiểm nguy, ranh giới giữa sự ấm áp và lạnh lẽo!

Chúng tôi lớn lên, rời xa vòng tay thầy mẹ. Khi chúng tôi đưa con về nhà, thầy mẹ vẫn giữ thói quen trải chiếu trên thềm cho cháu chơi. Nhìn hình ảnh ấy chị em tôi nhớ nao lòng những kí ức của mùa cũ. Thầy mẹ tôi tóc đã bạc, bước chân đã chậm và vẫn lặng lẽ với tấm chiếu hoa, với thềm nhà xưa.

          Dường như chuyện của thềm nhà cũng là chuyện của một gia đình, chuyện của những đời người. Từ bậc thềm bình yên của những ngôi nhà ấy, bao bước chân đã rời đi. Người ở lại vẫn mòn mỏi ngóng trông. Và một ngày kia, vào một chiều đông hun hút gió thổi, người đi bỗng trở về, thấy những dáng xưa đang đón mình ở bậc thềm năm nảo năm nao! Nhà cũ thềm xưa không còn nhưng tất cả những gì thuộc về nơi ấy tôi sẽ mãi nhớ mãi thương…

Check out our other content

Most Popular Articles