Sau những ngày đông rét căm căm ủ ê qua những cơn mưa bụi giăng khắp các con đường. Một sớm mai thức giấc, trời đã ửng hồng, hơi lạnh cuối đông vội vã rời đi, để lại nắng xuân dịu ngọt buông mình trên cây lộc vừng. Bố tôi tất bật sửa sang lại căn nhà. Bố quét ve để khoác cho căn nhà một diện mạo mới, quét sạch những vết loang lổ, hậu quả của nhưng ngày mưa mùa đông mưa dầm thấm lâu, khiến tường vôi bở ra. Tay bố thoăn thoắt cột chiếc chổi vào sào tre cho thật chắc, rồi bắt đầu công việc. Bên trong bố quét ve màu xanh chân tường giáp với sàn quét ve nâu cho sạch. Bên ngoài bố quét ve màu vàng. Dưới cái nắng gầy hao của những ngày giáp tết cũng đủ để hong khô, ngôi nhà giờ đã bừng sáng để chào đón xuân về bên thềm.
Đến ngày hai ba tháng chạp, đã nghe từ đầu làng đến cuối ngõ lao xao tất bật chuẩn bị cho một cái tết đầm ấm, sum vầy và no đủ. Các vị bô lão thông báo cho mọi người trong làng về việc sẽ dâng lễ cúng Thành Hoàng, phân công từng nhà chuẩn bị những lễ vật và chuẩn bị dựng cây nêu ngay sân đình và ở cổng làng. Ngày xưa ông tôi kể rằng: ông Công ông Táo quanh năm suốt tháng chỉ ở xó bếp, đến ngày 23 là cưỡi cá chép về trời, tâu với Ngọc Hoàng những điều mắt thấy, tai nghe ở hạ giới, tất cả những việc tốt, việc xấu, việc đã làm và chưa làm được của con người, các vị ấy đều tâu lên cả. Những năm chống giặc ngoại xâm, rồi đến thời bao cấp, thiếu thốn đủ đường, sang lắm chỉ có đĩa xôi gấc, cút rượu trắng, con cá chép bắt ngoài đồng, thế rồi cũng xong.
Những năm nay cuộc sống đỡ hơn đôi phần nên có thêm việc sắm đồ hàng mã, rồi mâm cao cỗ đầy. Ông thì nghĩ Thần phật, tổ tiên luôn bao dung, từ bi, nên đôi khi bày vẽ xa hoa lãng phí quá, có khi các vị ấy lại quở cho ấy chứ”.
Bà và mẹ tôi sáng sớm để chuẩn bị sửa soạn lễ vật cúng ngày ông công ông táo. Mẹ tôi bắt con gà trống tơ, tối qua đã nhốt sẵn trong cái lồng ở xó bếp để làm thịt. Bà nội tôi chuẩn bị kỹ lưỡng để đồ xôi đóng oản cúng đình. Bà ngâm gạo từ hai giờ sáng bằng nước giếng cổ mà bố tôi đã kẽo két gánh về từ tối qua. Khi xôi đã chín, bà đơm ra chiếc mẹt. Tôi lăng xăng giúp bà chạy ra vặt những chiếc lá mít to nhất, đẹp nhất ở ngoài vườn, rửa sạch bằng nước mưa.
Mở vung ra, nồi xôi trắng tinh, hạt cơm nếp cái hoa vàng, thơm lừng làm nao nao lòng người. Bà tôi đơm xôi rất khéo, tay bà thoăn thoắt quệt nhuyễn bằng chày, bà làm rất đều tay, khi xôi đã tràn bằng mặt đế, bà lật ngửa cái lồng oản lên rồi úp vào cái lá mít, xoay xoay cái tay, dùng chiếc chày thục nhẹ một cái đã ra chiếc oản tinh khôi.
Ông tôi quấn khăn mấn đội vào đầu, mặc chiếc áo dài the đen. Bà tôi đặt cái mâm oản lên đầu, một tay ông giữ mâm, tay ông cắp cơi trầu phết đỏ, trong cơi là những miếng trầu cau cánh phượng bà tôi đã têm tối qua. Ông đội ra ngoài đình, cùng các vị bô lão cúng Thần hoàng. Trong mắt ông, bà tôi và những người sinh, lớn lên ở làng, cả đời gắn với luỹ tre, bờ đê, với những cánh đồng lúa mênh mang thì “vạn vật hữu linh”. Nên những chiếc oản xôi ấy mang ý nghĩa phong thuỷ đặc biệt: “nếp cái hoa vàng tượng trưng cho sinh sôi, nước ở giếng cổ là món quà tạo hoá ban tặng cho người làng, xôi đồ trên ngọn lửa ấm nồng mang ý nghĩa chở che, ngọn lửa ấy chính là duy trì cho mối khăng khít giữa các thành viên trong gia đình. Thế nên một chiếc oản tưởng chừng như nhỏ bé, đơn sơ ấy lại ấp ủ cả ước vọng lớn lao, là thành tâm, thành ý của người nông dân chân chất thật thà dâng lên thần hoàng, mong ngài sẽ luôn bảo trợ cho làng, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa mang bội thu”.
Khi cây nêu của làng đã được các vị bô lão dựng ở đầu đình. Ông tôi trở về nhà, ra bờ ao chọn một cây tre thật thẳng nhất, cao nhất, ông chặt xuống, rồi dóc cho sạch thân tre, nhưng ông để lại ngọn và lá. Ông treo trên cây một vòng tròn nhỏ trong đó có vàng mã và lá bùa hình bát quái trừ tà. Bà tôi không quên bẻ nhánh xương rồng ở đầu ngõ đưa cho ông buộc vào. Khi dựng lên, chiếc khánh nung bằng đất, năm ngoái ông mua chợ Viềng, trong gió nó kêu leng keng đến là vui tai. Thế là âm thanh của tết đến, xuân về đã đến đầu ngõ nhà tôi. Sau khi làm xong ở nhà, ông còn đi vòng quanh xóm để phụ láng giềng dựng cây nêu.Thế là tết đã về đến ngõ. Những đứa trẻ con chúng tôi háo hức đi khắp xóm làng khoe quần áo mới.
Sau này lớn lên, tôi vào nam lập nghiệp, hoà cùng nhịp sống năng động của chốn thị thành huyên náo. Nhìn thấy các bà, các mẹ, tươi trẻ, rộn ràng mua sắm và làm đẹp trong những ngày gần tết. Nhìn thấy các ông, các bác, các chú thong dong đánh cờ, nhâm nhi ly cafe thơm nồng. Tôi lại ngậm ngùi thương bà, thương mẹ, thương những người nông dân lam lũ trên mảnh đồng chiêm trũng mênh mang. Nơi đó, mỗi khi tết đến xuân về các bà các mẹ lại tất bật với nhưng lo toan, lễ nghĩa. Nhưng sau tất cả, tôi lại thấy mình hạnh phúc khi sinh ra và lớn lên ở làng, chẳng phải những khốn khó ấy đã giúp tôi có được một khoảng trời ký ức tuổi thơ tươi đẹp đó sao, chẳng phải nơi ấy tôi đã được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của tình thân, của tình làng nghĩa xóm, của những phong tục dân gian đậm chất quê nghèo.
Bất giác tôi mỉm cười thích thú khi nhìn thấy trên tờ lịch bàn có in câu nói nổi tiếng của Edouard: “Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học đủ đầy” .