Sông Hồng đổ vào ký ức

Tôi không sinh ra nhưng đã lớn lên và sống những tháng năm tuổi trẻ ở đây – nơi thành phố này. Thành phố Lào Cai biên cương có con sông Hồng nước ửng như màu má thiếu nữ, là sợi dây rốn nối tôi vào quê nhà Nam Định.

Mỗi tháng ba, những cây gạo già thắp lửa dọc triền sông thứ màu hoa cô đơn và buồn bã đến nhói lòng. Nhà tôi cạnh bờ sông, phía sau nhà có cái cửa sổ sơn màu xanh biếc mở ra đón gió. Từ khung cửa này, tôi có thể thấy những mùa hoa gạo – bắt đầu nhen nhóm đến khi lụi tàn, nó gợi cho tôi về kí ức của ngày giáp hạt vùng chiêm trũng với hình ảnh bà tôi thái rau mồng tơi cả cậng, những bữa cơm độn khoai quá nửa, và đóm đóm bay trên mặt ao bèo…

Tôi đã lớn lên từ nỗi buồn trong veo như thế. Nhà tôi đã xây kiểu khác, khung cửa xanh không còn, cây gạo đã đổ gục sau mùa lũ lớn, chỉ còn sông Hồng, vẫn chảy miệt mài và bất tận phía chân trời. Tôi đã đi xa, rất xa ngôi nhà thơ bé, sông Hồng đỏ lựng, và bao mùa hoa gạo đã nở và rụng cánh xuống dòng sông này. Ngày hôm qua nào rồi cũng sẽ trở thành nỗi nhớ, như nỗi nhớ của tôi về một dòng sông hoa gạo như vừa mới hôm qua. Sông đã trôi có bao giờ trở lại. Có những điều tưởng chừng đã mất không thể tìm thấy, nhưng nó chỉ ngủ quên trong kí ức, chờ ta chạm vào thức dậy mà thôi.

Năm 1991, tái lập thị xã Lào Cai, tôi theo gia đình lên đây sinh sống và lập nghiệp. Khi ấy, cầu Cốc Lếu bị bom mìn chiến tranh đánh sập chỉ còn chơ vơ vài cái mố giữa lòng sông. Mỗi ngày rằm, mùng một, tôi theo bà qua phà Cốc Lếu sang phường Lào Cai đi lễ đền Thượng. Sông Hồng ngầu lên như bị đau mắt đỏ chảy miên man giữa đôi bờ lau sậy um tùm. Tôi níu chặt áo bà, sợ hãi nhìn sông Hồng lao tới như muốn nuốt chửng lấy hai bà cháu, những hành khách, và cả chuyến phà bé nhỏ, mong manh như kiếp người vật lộn mưu sinh.
Đền Thượng uy nghiêm cổ tích soi bóng xuống dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Ngay cổng đền án ngữ cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, rễ buông thõng như bầy trăn khổng lồ. Cây đa cao lớn như quả núi tỏa rợp xuống một vùng rộng lớn. Bà nắm tay tôi đi trên con đường gập ghềnh sỏi đá và nhễ nhại nắng trưa, nhưng bao nhiêu mỏi mệt tan biến khi chạm vào bóng mát hiền từ. Nghìn cái lá đa là nghìn con mắt Bồ Tát, nghìn cái lá đa là nghìn bàn tay Đức Phật đang trìu mến, reo vui trong trùng trùng ngọn gió sông Hồng.

Bà tôi bảo đền Thượng thờ Đức Thánh Trần có công dẹp giặc ngoại xâm, giữ vững chủ quyền bờ cõi biên cương. Bà thường gọi tên ở nhà của tôi thay cho tên khai sinh, vì bố đặt tên tôi trùng với tên của Đức Thánh Trần, bà kiêng gọi vì sợ phạm húy. Bà lầm rầm khấn vái trước ban thờ, cầu mong Đức Thánh Trần che chở và phù hộ cho gia đình tôi được no ấm, bình an. Tôi cúi lạy theo lời niệm của bà, đôi mắt thơ ngây, trong trẻo đầy thành kính, tin yêu.
Tháng bảy mùa lũ. Những cơn mưa ngâu dai dẳng làm cho nước trên các suối, ngòi dâng cao rồi đổ ra sông Hồng. Sông Hồng ngày thường vốn đã hung hãn thì mùa lũ càng dữ tợn hơn bao giờ hết. Mặt sông chín lừ như người uống rượu say rồi lên cơn nát gầm gào đuổi theo người khác. Bố tôi cởi trần bơi ra vớt củi. Đây là củi từ những cánh rừng ven bờ bị lũ cuốn đi, đun rất đượm than và bén lửa. Nếu mò được củi chìm đi lần dưới lòng sông thì củi này còn thượng hạng hơn nữa, đen bóng, chắc nịch và có nhiều hình thù độc đáo. Bây giờ người ta gọi là gỗ lũa, bán rất đắt.

Tôi đứng trên bờ xem bố vớt củi. Bố tôi bơi giỏi như rái cá giữa dòng sông mùa lũ chảy rầm rầm như ngựa phi nước đại. Có lúc thấy bố lặn mãi không thấy lên, tôi sợ quá khóc giàn giụa và gào ầm ĩ: “Bố ơi, bố đâu rồi?”. Đúng lúc ấy bố tôi ngoi lên, trên đầu đội một sợi rong xanh biếc như vương miện, một giơ khúc củi như cây trượng quyền lực. Cơ thể bố mạ màu đồng hun và nổi bắp cuồn cuộn. Nhìn bố dũng mãnh và oai phong như vị thuỷ thần. Tôi thích chí vỗ tay cười khach khách. Nước mắt long lanh mưa đọng trên nụ cười lấp lánh nắng.
Tháng mười mùa cạn. Những cơn mưa đã rủ nhau trốn đi đâu hết làm cho sông Hồng trơ đáy, nước xanh như vỏ chai bia thuỷ tinh, có thể nhìn thấy những viên cuội bảy sắc cầu vồng và đàn cá bột tung tăng bơi lội. Khi ấy mẹ tôi tay cầm cào, đầu đội rổ đi đãi hến. Mẹ lội ra bãi soi nhô lên cạnh bờ sông, chọn chỗ mà mẹ biết chắc là hến nhiều như sao sa, rồi dùng cào để cào cát vào rổ. Sau đó mang rổ ra đãi những con hến nằm lẫn trong cát. Hến sông Hồng chỉ nhỏ bằng móng tay cái người lớn, vỏ xám như chì nhưng ruột chắc nịch, ngọt lừ.

Mẹ đem hến về luộc rồi đem cả ruột và nước ra chợ Gốc Mít bán cho người ta nấu canh. Mẹ thường hát “Canh hến nấu với mồng tơi, chan cơm gạo Séng ăn trôi cửa nhà”. Có hôm ế hàng bán không hết, mẹ nấu cháo hến rắc hành răm cho anh em tôi ăn trừ bữa thay cơm. Cháo hến mặn mòi như mồ hôi của mẹ rỏ xuống sông Hồng ngày giá rét. Cháo hến ngọt ngào như tình thương của mẹ dành cho các con. Con hến ăn phù sa sông Hồng mà dâng hiến cho đời trọn kiếp sống. Tôi ăn bao nhiêu con hến mà chẳng biết có dâng cho đời một chút chữ nghĩa, văn chương.
Có những buổi trưa hè, khi mẹ đang lúi húi đan lại cái rổ bị tuột cạp dưới bếp và lúc bố bắt đầu ngáy pho pho trên nhà thì tôi nhẹ nhàng trở dậy, khẽ khàng nhón gót như gió sông đang trườn qua tán bàng trước cửa. Thằng Tiến, thằng Trung, thằng Long đã đợi tôi như từ nghìn năm dưới tán bàng xòe ô rồi. Chúng tôi rủ nhau đi tắm sông. Ngang qua bụi cây cứt lợn trổ hoa tím ngắt triền sông, tôi bắt được một con con chuồn chuồn ớt uống nắng ngủ say trên bụi cây. Tôi cho con chuồn chuồn cắn rốn đau điếng để nhanh biết bơi.

Sông Hồng kia rồi, như dòng mật ong mơ màng, như dòng nắng vàng lim dim nghe tiếng chim, tiếng ve trưa hè. Sông trôi trong gió. Gió luồn giữa mây. Mây bay dưới trời. Trời soi xuống sông. Sông tuôn phía biển. Biển quay về nguồn. Bầy trẻ con chúng tôi thích ăn mật ong, muốn uống nắng vàng nên quên cả lời bố mẹ dặn chạy ùa xuống dòng nước mát lịm. Thế rồi tôi cũng biết bơi ếch như thằng Tiến, sải bướm như thằng Trung và biết trồng chuối như thằng Long. Chẳng biết từ những trưa hè chăm chỉ tập luyện hay do con chuồn chuồn bắt được ở bụi cây cứt lợn cắn rốn mà tôi đã biết bơi, bơi giỏi là đằng khác. Tiếng cười bầy trẻ rộn rã cả dòng sông trưa hè. Dòng sông tiếng cười trẻ thơ nở ra ngan ngát. Bố tôi đầu đội nón mê, tay cầm roi tre réo gọi: Tuấn ơi. Dạ. Mang dạ vào đây. Cả ba thằng chạy lên bờ nhanh hơn lúc xuống nước. Bố cầm roi đuổi theo bầy trẻ như đang lùa đàn vịt con về chuồng lúc nhập nhoạng hoàng hôn.
Có lần tôi vừa đi học về đến nhà thì thằng Tiến chạy sang rủ tôi ra bến phà Cốc Lếu xem người chết trôi. Nó nói thầm vào tai tôi kẻo mẹ tôi biết được lại không cho đi. Đến nơi, tôi thấy người chết là một người đàn ông mặc bộ quần áo cũ kĩ, mặc mũi thâm tím nằm trên bãi cát. Người ta đang đi mua chiếu đắp và hương thắp cho người xấu số nên chúng tôi mới tận mắt nhìn thấy người chết. Có người kể, người đàn ông này nhà nghèo lắm, vợ đau ốm, một đàn con nheo nhóc. Ông ta sang Trung Quốc làm thuê mà công rẻ mạt quá không đủ tiền nuôi vợ con. Vì không đủ tiền mua nên ông ta trót lấy trộm một cái áo sơ mi trắng để con trai mặc ngày khai giảng.

Họ bắt được và đánh chết kẻ trộm cắp rồi ném xác xuống sông Hồng. Xác người đàn ông trôi về và dạt vào bến phà Cốc Lếu, trước cửa nhà ông ấy. Có người vừa đi báo cho vợ ông ấy rồi. Người nói chỉ tay về phía ngôi nhà tranh liêu xiêu trên bến phà vắng vẻ. Tôi nghe thấy thế bỗng nhiên khóc oà. Đấy là nhà thằng Huy. Đây là bố thằng Huy học cùng lớp với tôi mà. Thằng Tiến cũng khóc theo, nức nở và nghẹn ngào như mưa rào trên sông lũ. Chẳng ai biết vì sao hai đứa trẻ con lại khóc, dỗ cũng không nín. Sông Hồng kể cho tôi nghe bắt đầu bằng câu chuyện buồn đau như thế.
Chị Duyên là cháu của cô Giàng hàng xóm nhà tôi. Nhà chị ở vùng trung du lên đây ở nhờ học trung cấp sư phạm. Nghe nói chị quen rồi yêu một anh cai thầu xây dựng giàu có lắm. Chị phát hiện có thai và cũng phát hiện ra anh cai thầu có vợ dưới quê rồi. Hắn dỗ ngon, dỗ ngọt chị Duyên phá thai để hắn có thời gian bỏ vợ và cưới chị, với lại chị Duyên còn đang đi học, nếu nuôi con mọn thì sẽ nhỡ dở việc học hành. Nghe bùi tai, chị Duyên làm theo lời hắn. Cũng từ đó, hắn không qua lại và cắt liên lạc với chị Duyên. Chị Duyên lên tận công trường tìm hắn.
Người ta bảo công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn đám thợ thi công chuyển đi làm ở đâu thì họ không rõ. Hắn đã cao chạy xa bay, ngay cả cái tên hắn cũng nói dối chị Duyên. Quá uất ức và căm phẫn chị đã gieo mình xuống sông Hồng mùa lũ. Đến tận bây giờ, người nhà chị Duyên vẫn chưa tìm thấy chị ở đâu giữa mênh mông sóng nước. Có lẽ chị Duyên đã tan vào đồi bãi trung du xanh chè vàng dứa quê chị.

Mỗi rằm tháng bảy, mọi người vẫn thả đèn hoa đăng lung linh cả dòng sông, một dòng sông hoa đăng huyền ảo giữa âm và dương, giữa hư và thực, giữa còn và mất, giữa sống và chết để cầu mong cho những linh hồn lang thang không nơi nương tựa được siêu thoát. Tiếng chuông trôi trên sông. Tiếng mõ bay trên sông. Những linh hồn vừa trôi, vừa bay trên sông. Tôi đi trong mịt mờ khói lửa, tro tàn của các nhà đốt vàng mã và tự hỏi: Có con mã nào, có hoa đăng nào gửi cho bố thằng Huy và chị Duyên của tôi không? Sông Hồng ôm ấp trong lòng mình những cuộc đời ngắn ngủi để mà che chở, ấp iu.

Ngày hai ba tháng chạp là ngày ông Táo lên chầu trời. Năm nào tôi cũng nhận nhiệm vụ mẹ giao đi thả cá chép xuống sông Hồng. Đã vài năm nay, chính quyền thành phố tổ chức lễ thả cá phóng sinh vào ngày này nhằm giữ gìn tục lệ của cha ông đồng thời kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường. Sông Hồng còn gọi là sông Cái, sông Mẹ. Mỗi khi thả cá tôi cứ nghĩ tôi cũng như chú cá chép nhỏ mẹ thả bơi theo dòng để tìm ra biển lớn rồi qua bao giông bão, ghềnh thác lại quay về với sông mẹ đỏ nặng yêu thương.

Tôi không còn ở bến bờ xưa cũ nhưng vẫn thấy sông Hồng ở nhiều nơi tôi đi qua như gặp lại tiền nhân. Rồi tôi thấy cả dáng vóc, hình hài sông Hồng trong những dòng sông khác chảy trên khắp nước non, xứ sở này. Sông Hồng với tôi có mùa vơi cạn nhưng lòng tôi với sông luôn ăm ắp dâng đầy. Sông Hồng chảy qua tháng năm, chảy qua trầm tích, chảy qua cõi người rồi đổ vào kí ức tôi thứ tình yêu thuần khiết, nguyên sơ đôi khi không thể nói hết bằng lời. Sông chảy mãi chưa hết một đời sông. Người chớp mắt đã hết một kiếp người. Muốn hết kiếp người hữu hạn hoá thành hạt phù sa nhỏ bé trong đời sông vô hạn bồi đắp cho cánh đồng lúa ngô đôi bờ trù mật, có được không hỡi ngưỡi?

Tranh của các họa sỹ:

Lê Minh

Lê Văn Đệ

Danh Cường

Thiết kế: Hồ Huy