Hội Lim
T háng Giêng yêu kiều bên nụ, rực rỡ bên hoa, nõn nà cùng mầm xanh chồi biếc. Mùa xuân luôn dành tấm thịnh tình thuần khiết ấy cho đất trời và muôn người gửi gắm những hy vọng ước mơ. Người ta theo chân tháng Giêng cùng nô nức xốn xang trảy hội. Tôi giục giã mình theo câu hát quan họ mà trở lại vì nỗi nhớ hội Lim. Nơi có giọng hát ngọt ngào và tiếng sáo ma mị của chàng Trương Chi bên dòng sông Tiêu Tương trót yêu nàng Mị Nương thuở ấy. Để rồi những lời ca tiếng hát quan họ trên mảnh đất Bắc Ninh hôm nay vẫn còn da diết đắm say hơn cả một khúc chuyện tình.
Đến hẹn lại lên, giữa dòng người hân hoan rảo bước về hội Lim, có tâm trạng nào nhặt khoan nỗi lạ quen giống như tôi hôm ấy. “Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài”, cái tình của người quan họ hiện trên khuôn mặt hiền hoà cùng nụ cười tươi thanh khiến tôi quên mình là du khách. Tiếng hát giữa hồ điều hoà Vân Tương như gửi lời chào đón gọi mời tới muôn lứa tuổi. Người xem không chen lấn mà nhường chỗ cho nhau say sưa cùng dõi theo từng làn điệu. Các liền anh khăn xếp áo the như bậc nam nhi quân tử cùng ánh nhìn nho nhã khoan thai sánh đôi bên các liền chị với nón quai thao, áo the trầm, thắt lưng xanh cùng khăn mỏ quạ đẹp ý nhị lẫn thướt tha.
Chẳng thế mà có câu ca dao: “Ai làm chiếc nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh/ Em là con gái Bắc Ninh/ Tay nâng vành nón, mái đình nghiêng theo”. Chiếc thuyền bồng bềnh điệu hát dường như khiến người chèo đò cũng đắm mình mà buông lái cho thuyền trôi. Vừa sâu lắng ngọt ngào, vừa da diết bâng khuâng níu lòng người đi, ở. “Hôm nay sum họp trúc mai/ Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm/ Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà’’. Người quay phim, người chụp ảnh, ai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc ngọt ngào khi đươc mắt thấy tai nghe một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc chỉ có ở miền đất Kinh Bắc từ cổ xưa.
Những câu hát đậm đà ấy được khởi nguồn bằng tình yêu quê hương đất nước và được lưu giữ bảo tồn qua từng thế hệ cho tới hôm nay. Bao lời quan họ cổ được các nghệ nhân gạo cội nơi đây giữ gìn và thể hiện như một thước đo chuẩn mực lề lối. Những gương mặt liền chị liền anh còn nhỏ tuổi cũng rạng ngời trong trang phục truyền thống trên sân khấu với giọng hát trong ngần, để nối tiếp giá trị văn hoá tinh thần đẹp đẽ của thế hệ cha ông để lại. “ Mấy khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vừa lòng…”.Lời chào tế nhị thân thương mà tỏ tường niềm hiếu khách. Đĩa trầu cánh phượng được têm từ đôi bàn tay khéo léo của các bà các cô nơi đây mang ý tình son sắt thuỷ chung, đượm nồng gắn bó. Những trai tài gái sắc của miền dân ca quan họ Bắc Ninh tiếp tục tái hiện tuyệt vời sự tích Trương Chi, Mỵ Nương thuở xưa với bao niềm cảm động. Tôi được đắm mình trong những làn điệu dân gian, người kế bên trầm trồ mà bảo rằng; “Thật không quản đường xa đến đây mới được thấy tận mắt vẻ đẹp của những làn điệu quan họ”. Sau màn cắt băng khánh thành công viên cây xanh và hồ điều hoà Vân Tương diễn ra trang trọng thành công, ai nấy đều hân hoan phấn khởi. Rồi mai này, sẽ có những tán cây xanh rợp, những khóm cỏ mượt mà, những bụi hoa với đủ hương thơm màu sắc.
Mưa xuân lãng đãng bay nhẹ chẳng đủ làm ướt áo ai, dòng người vẫn trải dài nói cười bên nhau vãn cảnh chùa Lim giữa bốn bề câu quan họ. Từng nhóm, từng tốp, từng người nghệ nhân, có cả những người dân xa gần trong và ngoài tỉnh cùng nhau hát cặp, hát đối. “Hát cho lở đất long trời/ Cho đời biết mặt cho người biết tên…”. Họ say sưa thả mình theo các làn điệu rồi giao lưu và tặng cho nhau món quà bằng chính những lời quan họ mộc mạc thiết tha sau ngày rã hội. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ cô gái đến chàng trai, ai đến hội Lim nơi đây cũng muốn được nghe và được hát theo những câu quan họ dù chỉ một lần: Ngồi tựa mạn thuyền, Bèo dạt mây trôi, Vào chùa, Mười nhớ, Người ơi người ở đừng về…Những làn điệu dung dị ấy chứa đựng tình yêu quê hương đất nước lớn lao, tình yêu đôi lứa ngọt ngào cùng đời sống tinh thần vui say trong lao động sản xuất. Bởi thế mà âm hưởng và ca từ gần gũi tới thật thà, không cầu kì bóng bẩy kiêu sa, không kén người nghe, không chọn người hát. Tiếng sáo trúc từ đâu đó réo rắt du dương, lên bổng xuống trầm như tiếng sáo của chàng Trương Chi năm ấy. Có phải vì câu chuyện tình xa xót dở dang mà tiếng sáo tự bao giờ luôn mang một âm hưởng riêng khiến lòng người không khỏi trầm tư lay động. Vẫn là những lời quan họ nhưng được diễn xướng theo nhiều cách độc đáo khác nhau bởi những người nghệ nhân bao năm gắn bó.
Cửa đình rộng mở đón chào du khách thập phương tới dâng hương, họ cầu cho quốc thái dân an, người người nhà nhà ấm no hạnh phúc. Mái đình lặng lẽ uốn cong, chiếc lư hương giữa chính điện thơm mùi nhang trầm từ tâm người thắp. Những trái bưởi vàng ươm, những chùm khế căng mọng tượng trưng cho sự bình an no đủ, những cây sứ, cây đại mạnh mẽ hiên ngang, khóm cau vươn cao thẳng hàng, cây đa đại thụ với bộ rễ kiên cường khoẻ khoắn, những chậu bon sai mang vẻ đẹp ngời ngời khí phách. Ngôi chùa nằm trên đỉnh đồi Lim trải dài với các bậc thang lên xuống. Trên địa thế cao ráo và vẻ đẹp đầy nét văn hoá tâm linh, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi dừng chân vãn cảnh. Các cô bác, các chị em tíu tít thuê những bộ váy áo tứ thân đủ màu cùng nón quai thao và khăn mỏ quạ từ những gian hàng nho nhỏ, mặc vào chẳng kém chị Hai, chị Ba xinh và chụp những bức hình làm lưu niệm. Ai cũng muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của mùa xuân trên miền quan họ trước khi ra về.
Những làn điệu quan họ cứ ngọt ngào da diết quanh đây, lòng tôi nhớ nhung vơi đầy khi phải rời xa tạm biệt. Hồ Vân Tương vẫn bồng bềnh câu hát, các liền anh liền chị hết lòng cho ngày hội quê hương. Tôi đợi ngày 12,13 tháng Giêng âm lịch mỗi mùa xuân mới, để trở lại nơi đây và đắm mình trong những làn điệu dân ca quan họ. Cảm ơn mảnh đất thiện lành cùng những người con dân Bắc Ninh đã luôn gìn giữ bảo tồn và không ngừng phát huy những giá trị thiêng liêng đẹp đẽ.