Phải đâu cuộc đời nào rồi cũng “hoa bay, lá rụng”. Phải đâu cái gì trên đời rồi cũng “khói tản, sương tan” . Phố cổ đó, có một chiều kia tôi lại về thăm, cứ tưởng rằng rồi mình lại nhàn tản qua từng con phố nhỏ, những con đường cũ kỹ đã từng nằm yên ắng lặng lẽ giữa đời thường, với chút ánh sáng nhỏ nhoi trong nắng nhạt chiều tan, với đêm buồn hắt hiu trong phố thị, có tiếng đồng vọng của tháng năm xưa mà ngậm ngùi theo câu thơ bà Huyện : “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo…” mà trầm ngâm trong cái phố xưa, ngỡ đã xa xăm, ngỡ buồn tênh…
Nhưng không, thật bất ngờ làm sao! Thú vị làm sao! Thời gian đang hoàng hôn, cả phố Hội rực rỡ như nắng ban mai, sáng lên mọi nguồn xanh tươi cũ: “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Cả phố Hội đang xôn xao, nao nức với rất nhiều, rất nhiều bước chân của du khách muôn phương. Họ đang thong thả ngắm nhìn, chiêm ngưỡng qua từng con phố nhỏ. Lạ lùng hơn, trong đôi mắt ai cũng ngời lên niềm vui và hạnh phúc như những người con tha phương tìm về mái nhà xưa.
Một niềm vui khó tả dấy lên trong lòng tôi, đôi mắt tôi, ý tưởng tôi, đôi chân tôi lại thong thả theo dòng du khách. Từ chùa Cầu qua chùa Quảng Thuận, đến chùa Phúc Kiến, rồi chùa Ông, chùa Phúc Lâm… Nơi đâu tôi cũng thấy một sự khải huyền rực rỡ và đầy màu sắc ánh sáng đã hóa thân. Dưới ánh trăng huyễn hoặc của đêm rằm, trong lung linh mờ ảo của những chiếc đèn lồng, những ngôi nhà có kiến trúc cổ từ mấy trăm năm trước càng tăng thêm vẻ trang nhã, lịch lãm của một thời hoàng kim. Tất cả, tất cả như được sống lại nhờ đôi tay của những nghệ sĩ tài hoa, làm sáng lên những hình ảnh khắc chạm trên gỗ với những đường nét tinh tế, độc đáo, phong phú và đa dạng, mà cho dẫu thời gian đã trượt dài qua bao thế kỷ vẫn không hề mai một.
Phố Hội giờ đây là một hiện thân mới mẻ trong sự kết hợp hài hòa giữa xưa và nay, vững chắc hơn và giàu ý nghĩa hơn. Có ai ngờ một phố Hội dường như đã bị lãng quên theo dòng thời gian nay bỗng nhiên: “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Còn điều kỳ diệu nào hơn thế! Tôi có cảm tưởng như mình đang được diện kiến với những người đã có hồn muôn năm cũ và đang được ngươi xưa nói cho tôi nghe về một thời vàng son lộng lẫy đã qua cùng ý nghĩa cuộc đời.
Được người xưa đưa tôi qua từng cung bậc, từng làn điệu, từng âm giai của đêm văn nghệ dân gian. Cho tôi vui với Người những thú vui tao nhã, lịch lãm, đậm đà nét đẹp truyền thống dân tộc như cờ tướng, bài chòi, hát bộ… Cho tôi thưởng thức cùng Người những món ăn đặc sản của phố Hội. Người xưa từng nói: “Hội An trăm vật trăm ngon” và những món ăn còn tồn tại qua mấy thế kỷ nay như cao lầu, hoành thánh, bánh ít lá gai, bánh su sê, bánh bông hồng trắng, bánh tráng đập dập chấm mắm nêm ở Cẩm Nam… Chưa bao giờ tôi thấy dư hương, dư vị của những món ăn đó hấp dẫn, quyến rũ đến thế… Tôi bỗng bâng khuâng: “Lục tào xá, chi mà phủ ở đâu bây giờ nhỉ? khi ra về nhớ tìm mua một ít cua, tôm và vài lọ tương ớt làm quà, mùa này không có bắp trái nhỉ?”.
Mọi cảnh, mọi vật đều hân hoan đồng vọng, từ màu sắc cho đến âm thanh đều làm rung động cả trời xanh, đều làm nức lòng bao du khách. Chẳng phải riêng gì tôi mà bất cứ ai có dịp về thăm phố Hội dù chỉ một lần thôi, cũng đã ghi lại trong lòng một cảm hoài sâu sắc.
Tôi chợt sững sờ kinh ngạc khi lạc vào một ngõ hẽm vắng người qua. Nơi đây, làn gió hiện đại như chưa thổi hết lớp rêu phong đã dày dặn qua bao năm tháng. Chỉ mới bước vào đầu ngõ thôi, tôi đã thấy lồ lộ dưới ánh trăng một nét đẹp nguyên sơ, lẻ loi, trơ trọi trong cõi trời riêng. Như xa, như gần, như ẩn, như hiện dưới bóng trăng khuya, những mái rêu cô liêu, chừng như liêu xiêu trong hơi gió lành lạnh giữa không gian. Tôi nghe mơ hồ như có hơi thở của thời gian, hay đó là tiếng trăn trở của Người xưa? Hay chỉ là tiếng vọng của những dãy phố bên ngoài? Bóng tôi nghiêng nghiêng trên nền đá lát. Hồn tôi lơ mơ trong ngõ hẹp xa xưa. Bỗng thấy vời vợi quá… thế nhân!
Mặt sông Hoài gợn sóng, óng ả màu sắc thuỷ cung. Những chiếc đèn nhỏ lung linh đang bấp bênh trôi về trăng xa. Tôi theo thuyền nhỏ thả hồn giữa cõi mênh mông trăng nước, tưởng chừng như mình đang ở giữa vùng chiêm bao, say sưa trong từng sắc màu huyền thoại. Cảm quan phố cổ ăn sâu vào tiềm thức tôi tự bao giờ?
Từ đó, từng ngày xuân đi qua phố Hội, tạo nên một mùa xuân bất tận và bất biến, có thơ vạn đại, có nhạc ngàn đời, có hoa bất tử, và có người vĩnh cửu giữa dâu bể đời người…