Bạn cứ vô tình hay hữu ý, có một chuyến đi xa, thật xa, rồi bất ngờ trở về Vinh cữ cuối tháng Chín, đầu tháng Mười này. Đón bạn, trong đêm, ngoài một nỗi mong ngóng nào, ngoài bàn tay ai đó, là ngập ngời hương sữa… Mà dù không có nỗi mong ngóng, không có một bàn tay, thì vẫn có hương hoa lặng lẽ đón chờ…
Theo với gió heo may, những bông hoa xanh lẫn vào vòm lá, một ngày kia trắng lóa trên cành. Phải vì heo may đã ủ hương, đợi một đêm đẫm sương, đẫm trăng nào mà chín. Hình như góc phố nào ở Vinh cũng có cây sữa. Dọc dải Trần Phú, lác đác ở Quang Trung, Đinh Công Tráng, Ngư Hải, Lê Hồng Phong, rồi đâu đó Phan Sỹ Thục, Nguyễn Công Nghiệm, Đại lộ Lê Nin… Chỉ cần một cây sữa thôi, nơi đầu phố, là cả phố đã nồng nàn. Và như thể một nỗi bất ngờ dâng tặng, những vạt hương quấn quýt bước chân mình, theo vào ban công, theo vào tận cả giấc mơ… Không thể không đọc lên những vần thơ ngày cũ:
Bởi lãng quên có hoa sữa trên đời
Nên giật mình với mùi thơm hoa sữa
Hoa sữa thơm đến chừng khó thở
Đến vô tri như cũng tỏa hương trời
Bởi hết mình thơm nên xấu đến ngậm ngùi
Nên hóa vàng rồi tàn đi rất vội
Không biết yêu thương mình đấy cũng là tội lỗi
Yêu thương kẻ vô tâm là quá đỗi vô tình….
Hoàng Liên Sơn, người trai viết lời thơ ấy giờ đã tóc bạc rưng rưng. Anh vẫn giữ niềm xúc động khi nhắc về bài thơ của hơn 20 năm trước, về mối tình đầu, về niềm yêu với hoa sữa. Chẳng phải rằng, con người kiếm cớ để nhớ, để yêu đó sao. Hoa sữa thơm để người ta nhớ ngày tháng cũ, để người nhớ người, để người nhớ phố…
“Bởi hết mình thơm nên xấu đến ngậm ngùi”, có ai chịu hiểu hoa đến thế, nếu không phải là một người đang yêu? Nếu không phải là một người hiểu rằng, yêu thương là dâng tặng, đến quên cả bản thân mình…
Cũng đã nghĩ rằng năm nay không còn hoa sữa, vì lạ lắm, tháng Tư hoa đã nở, nhưng rồi, vượt lên những biến đổi bất thường, hoa vẫn không lỗi hẹn với mùa thu. Bình thường, cây sữa lẫn vào muôn vàn cây lá khác quanh phố, chẳng có gì đặc biệt, chỉ đến khi mùi hương trĩu xuống, thơm từng gót chân qua, thì người ta mới giật mình ngó lên vòm xanh, để thấy hoa đã náo nức một nỗi đợi chờ ta tự bao giờ. Mới thấy mình vô tình lắm đấy. Cứ chỉ mải trông sắc tím bằng lăng, sắc đỏ phượng vỹ, sắc vàng của điệp còn rơi rớt nơi nào mà tiếc một mùa hạ rực rỡ đã qua đi. Không biết rằng, heo may đã chạm ngõ phố, đã chạm mặt hồ rồi.
Mặt hồ Goong mỗi sáng đã phả sương lạnh, bay lên cùng những sợi tơ nắng mỏng manh. Có cảm giác rằng, mùi hương từ cây sữa đứng lặng lẽ góc đường Phan Sỹ Thục cũng đang bay cùng những vòng sóng hồ lan xa, lan xa… Không biết rằng, trời xanh đã dịu lại, mây trắng đã đầy lên. Không biết rằng, đã qua rồi những cuồng nhiệt và nông nổi, giờ là lúc tự lắng lại lòng mình, để chậm rãi mà bình yên. Không biết rằng, sự rực rỡ, niềm náo nức, có đôi khi không chỉ ở sắc màu, mà còn là ở mùi hương…
Sữa là loại cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc. Hẳn vì thế, nó có ở nhiều đô thị. Hà Nội vẫn thường được biết đến với hoa sữa đặc trưng, gắn với những tên đường, tên phố đã đi vào thơ, vào nhạc: đường Nguyễn Du, phố Quang Trung , đường Nguyễn Chí Thanh… Người dân nhiều nơi, đã từng “kiện” hoa sữa vì…thơm nhức nhối đến không chịu nổi. Một người bạn sống ở thủ đô bảo với tôi rằng, ấy là tại mấy ông nhạc sỹ, mấy ông nhà thơ, đã thi vị hóa cái mùi hoa ấy lên, để rồi dân tình “chịu nạn”. Bạn kể, người Hà Nội đã phải di dời 108 cây hoa sữa ở phố Trích Sài ra tận bãi rác Nam Sơn ở Sóc Sơn. Mà đâu chỉ ở Hà Nội, người dân phố Phan Thanh (Đà Nẵng) cũng chặt sạch những cây sữa trên phố này.
Ấy thế mà, khi về Vinh, bạn chợt nhiên reo bỗng, bàng hoàng, như thể lâu ngày gặp lại cố nhân: Trời, có hương hoa sữa! Ấy là một đêm cuối tháng Chín, bạn lẫn giữa dòng người tấp nập đi trải nghiệm thử phố đêm đi bộ Cao Thắng. Giữa bao ồn ào náo nhiệt, giữa người với người chen vai thích cánh, chợt nhận ra từ thăm thẳm lặng lẽ, hương sữa chạm vào khứu giác. Hương hoa từ những tán cao xanh trên đường Trần Phú, Phan Đình Phùng chậm buông, chín mọng trên vai người… Ừ, hoa sữa phố Vinh ta, không dày đặc, không nồng nã. Hoa sữa phố Vinh vừa đủ để người ta nhớ và yêu!
Dường như, nhường mặt trời cho bao nhiêu loài cây khác, cây sữa chọn đêm, chọn trăng…để nhắc nhớ con người rằng đừng lãng quên tôi! Lòng đêm thăm thẳm, bao dung. Hoa trắng xanh dưới làn trăng bạc, dưới bóng đèn đường bay đầy những con bươm bướm và thiêu thân. Hương hoa cũng như khói, xanh lên cùng trăng, cùng sương dịu mùa thu. Rồi chả mấy chốc, những đóa hoa bé xíu trắng trinh ấy sẽ chín thêm, ngả vàng. Những quả sữa rồi sẽ đậu lại trên cành, có đuôi lông mỏng manh bay theo những cơn gió lạnh. Tôi vẫn gọi chúng đó là những tàn hoa. Những tàn hoa lắc rắc khắp phố, làm như hờ hững bậu trên ô cửa nhà ai, mùa thu còn đang hé ra đón hương, mùa này đã khép chặt vì gió lạnh. Ấy là mùa đã vào cuối năm.
Nhưng giờ đây, thì phố đang thu. Phố đang thu những ngày đẹp nhất. Mặt trời lộng lẫy ối đỏ mỗi chiều. Có ai ngờ, trên núi Chung phía sau Quảng trường Hồ Chí Minh, là bạt ngàn bãi cỏ lau muốt trắng kéo bao nhiêu bạn trẻ đến check in. Những cây bàng, bằng lăng bắt đầu chuyển màu lá đỏ. Phố ồn ã lắm, nhưng mùi hương đã làm cho mỗi người dường như đang chậm lại. Và tất cả đất trời, như để nói với bạn về vòng quay, về luân hồi. Lòng người như cũng xao xác với heo may.
Và chỉ có thể là mùa thu mới mang đến cho bạn quá nhiều nuối tiếc: những ngày đã qua, những ngày rồi sẽ tới, những người đã đến, và những người sẽ đi xa. Thậm chí tiếc nuối ngay cả hiện tại bạn đang có. Bạn run rẩy khi có trong mình tràn ngập những gì đẹp đẽ và lo sợ cái giây phút này, khi bạn chớp mắt nó sẽ vụt bay biến.
Phút này đây, tôi nhìn những thân sữa xù xì tĩnh lặng trên hè phố. Những cái cây dãi dầu mà làm nên lá cành, nên vòm xanh, nên hương sắc, tặng người ta một bóng mát mùa nắng lửa gió Lào, lại tặng cả một mùi hương cho những đôi lứa, cho cả những người cô độc với từng trang đọc khuya khoắt. Thầm đọc câu thơ Hoàng Liên Sơn, mà cảm tạ một loài hoa: “Hoa nguôi thơm nhựa vẫn ứa đầu cành”