Phố
4 mùa
Phố, bốn mùa. Hãy bắt đầu bằng mùa hạ, dường như đến sớm hơn với thành phố miền trung gió Lào. Những cây bằng lăng, lạ thật, cả những cây còn non cũng cố vặn mình trổ hoa.
Tôi đi trên đường Lê Hồng Phong, những lúc buồn nản, mỏi mệt, thấy cây, thấy hoa, lại thấy mình vô lý. Sao lại hờ hững thế khi mà những cái cây, dù nhỏ nhoi cũng đang gắng nở hết mình cho người phố một sớm kia sững sờ: Ôi, mùa hạ. Những tán bàng dường như cũng xoà rộng hơn, xanh mát hơn. Chúng như biết thành phố mình nhiều nắng…
Đường phố
cuộn gió nóng
Người Vinh ra đường lo cái khẩu trang cho rộng, lo cái áo chống nắng cho dầy. Khách du lịch qua đây vẫn ngạc nhiên, sao Vinh nắng thế mà da con gái vẫn trắng ngần?
Nắng thế, nên chốn hẹn hò thịnh hành là cà phê phòng lạnh. Cà phê @, cà phê Bz, Cà phê Phố Đỏ hay New moon? Đến đó, ngồi nghe một bản nhạc dìu dặt, bàn công chuyện hay đem cả máy tính xách tay đi làm việc… Một nét gì đó thật mới, đã khác với Vinh của vài năm trước.
Đã khác cả bờ đê Hưng Hoà mới ngút cỏ hôm nào, hàng đêm chỉ có ánh sáng đom đóm, giờ đã là con đường thênh thang nối Cửa Hội với kè đá và vỉa hè thoáng rộng, dưới ánh đèn đường, xôn xao mời chào những hàng nước mía, nước dừa… Và gió, gió mát sông Lam lùa rối tóc, và trăng, trăng vàng nữa đổ tràn trên mặt sóng bao nhiêu là lấp lánh.
Góc đường Quang Trung, đã sáng ngọn đèn dầu chiếu tẩm quất, giác hơi. Vỉa hè nhiều dần lên những người đi bộ. Và đông đúc thế là Quảng trường Hồ Chí Minh những đêm cuối tuần. Nghe kể rằng, có một bác già người miền núi, gần cả đời người mới được xuống thành phố đã rưng rưng mãi dưới chân tượng Bác Hồ…
Cũng rất dễ để thấy mùa thu trong hương sữa nồng trên nhiều góc phố mặc dù cái nắng nóng vẫn cứ dây dưa. Một chiều thu, thật thú vị, khi xong việc cơ quan, hẹn gặp bạn bè ở một quán cóc bên Hồ Goong, ngắm vầng mặt trời úa đỏ xuống dần và nền trời bỗng rực lên những áng mây ngũ sắc. Những cái cây ven hồ, như chỉ chờ một cơn heo may là rủ nhau đi về chốn xào xạc. Cũng như có những nỗi yêu thương, hờn giận, buồn tủi của con người bỗng nhiên ùa ập đến trong trong một giây linh cảm. Như là cái cớ .
Vẫn là bên Hồ Goong, nhưng trong “ Cà phê Góc phố”, tối thứ 3, thứ 5, thứ 7, không hẹn mà đến, những người yêu nhạc Trịnh vẫn chờ nghe tiếng ghi ta của 2 nghệ sỹ lãng du: anh Đức, anh Hà. Nào những “ Chiều một mình qua phố”, “ Biển nhớ”, “ Nhìn những mùa thu đi”… ngân lên trên đôi bàn tay gầy guộc. Người chơi ghi ta, bắt đầu bước vào tuổi chớm già, với mái tóc dài để xoà trước trán như đang cố giấu khuất đi bao nhiêu ẩn ức. Vậy mà, vẫn không giấu được nỗi tha thiết trong những giai điệu tụng ca cuộc sống này…
Lại nhớ, lần đầu tiên đến với Vinh, một đêm mùa đông. Con tàu hú một hồi còi dài rồi lao mình vào bóng đêm sầm sẫm. Đón tôi là những cơn mưa tầm tã. Thành phố mịt mù trong mưa giăng. Chỉ những bóng đèn đường vẫn toả sáng cần mẫn. Anh bạn chờ tôi bên quán cháo lươn góc đường Hồ Sỹ Dương, một dãy quán hiếm hoi còn sáng đèn đón khách ăn khuya. Vậy mà bây giờ thành phố, góc nào cũng tìm được những quán khuya. Còn có cả một khu chợ ẩm thực Cổng thành ấm hơi khói.
Cũng một đêm mùa đông lạnh ngọt. Cầu Bến Thuỷ ầm ì tiếng xe lăn, những chuyến xe đường dài. Tôi đã đứng lặng bên cái cột mốc cũ kĩ để nghĩ về những ranh giới. Chỉ một bước chân thôi là đã sang mảnh đất khác, với tên gọi khác, với hơi thở khác… Dưới chân tôi, sóng rì rào. Một ánh lửa chài làm ấm cả một quãng sông khuya.
Ngày ấy, núi Quyết chưa sáng điện bây giờ, chỉ thấy bóng núi vẽ lên trời một đường viền khổng lồ sẫm tối. Giờ, đứng từ Bến Thuỷ, đã nhìn thấy đường tránh Vinh sáng như một chiếc cầu vồng giữa đêm. Thành phố đã thật nhiều ánh sáng. Nhất là đứng từ Dũng Quyết nhìn xuống, giờ lên đèn, cứ có cảm giác muốn thốt lên :phồn hoa đô hội.
Vậy mà đi sâu vào phố, vẫn gặp phảng phất cuộc sống thợ thuyền. Ở những ngõ hút tối, những khu tập thể già nua, xuống cấp, những cái chợ xép chộn rộn chiều hôm, tiếng xe goòng đi trên đường ray cũ. Cũng phải thôi, đâu đã xoá nhoà trong kí ức về một thành phố với hàng vạn công nhân, cái thành phố một thời nói đến đặc sản cũng chỉ là những món ăn dân dã…
Những bóng đèn đường
vẫn tỏa sáng cần mẫn
Chỉ có thiên nhiên là mãi bất ngờ, dẫu nó cứ nối tiếp mùa qua mùa, tháng qua tháng, năm qua năm. Như không từng biết đến kí ức. Cứ mướt xanh, cứ rực đỏ, cứ úa vàng như chưa từng biết thế, như chưa từng quen thế… Nhà ở phố, ai chẳng có lịch treo tường. Vậy mà cứ hoài ngạc nhiên khi thấy thời gian đi qua mái phố, trên những rặng cây vừa hôm qua còn gặp trước cửa trong một dáng vẻ, sắc màu khác.
Và tiếng chim lảnh lót thế khi một sớm mai, những lộc non bỗng bừng lên trên những nhánh bàng khô gầy. Mùa xuân. Náo nức bước chân người trên đường phố, dầu có ướt át vì mưa bụi. Đằng sau chung cư C5 phố Quang Trung, vẫn còn sót đôi cây xoan trổ hoa tím, mùi hương nồng nàn trong không gian. Rồi hoa gạo cũng vội vã thắp lửa. Sau nghỉ tết, nhiều người đã trở về thành phố, náo nức, hối hả. Để góp một tiếng rao mì nóng của em gái Nghi Trung, Nghi Lộc mỗi đêm hẻm phố, tiếng rao báo sang sảng của ông lão người Hải Hậu ( Nam Định) trên chiếc xe cà tàng mỗi sớm cà phê, bản nhạc lanh canh trên chiếc xe đẩy anh chàng người Hưng Yên bán bắp rang bơ.
Cứ thế đấy, một năm lại bắt đầu… Tôi cũng thế, từ sau đêm mùa đông năm nào, đã ở lại với những mùa gạo đỏ trên đường Quang Trung, những mùa sữa nồng trên đường Lê Hồng Phong, những lần chen chân trong Sân vận động, xem, cổ vũ cho đội bóng Sông Lam, qua những sững sờ trước cổng thành phong rêu cổ kính để nuối tiếc mãi khi nó được làm mới lại…bỗng đã thuộc nằm lòng câu thơ của nhà thơ Minh Huệ, một người sinh ra, lớn lên ở phố Đệ Ngũ xưa:
Để cứ băn khoăn, ở một góc nào, nhà thơ đã ngồi cùng kí ức, những “ Cây cột đèn ngã ba Bến Thuỷ”, “ Người thợ mộc trong chiến hào thành phố”, “ Xóm nhỏ thời gian”…? Tôi vẫn thường có nhưng phút qua phố, ngắm hàng ngàn gương mặt hối hả lại qua, cứ muốn biết họ đã đến từ đâu?
Người gốc Vinh có lẽ không có nhiều, những người có cha ông từ thuở Vinh là Kẻ Ván, Kẻ Vinh rồi Vinh Giang, Vinh Doanh, Vinh Thi thì càng hiếm hoi. Nhưng thành phố với 150 km2 này, dự kiến năm 2015 sẽ là 200 km2, và sẽ thêm lên rất nhiều gương mặt người để làm nên diện mạo thành phố mới. Kinh thành xưa bên sông Lam núi Quyết, thành phố xưa bị bom Mỹ tấn công, đã đứng dậy từ đổ nát hoang tàn, vẫn phơi phới lạc quan “đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn”.
Ừ nhỉ, “ có thành phố nào như thành phố này không”? Từ hàng cây nhỏ cũng biết xanh hết mình, mãnh liệt trổ hoa, đơm lá. Tôi theo chân nhà thơ Thạch Quỳ, cái ông nhà thơ gầy gò đã đã nhìn thấy “ sắc hồng cười trong gạch vụn ấy” về căn nhà ở đường Phong Đình Cảng của ông, ngõ hầu mong ông kể về cái cảm xúc khi ông viết nên những dòng thơ hùng tráng, sôi động ấy.
Ông không nói nhiều về thơ, chỉ muốn vẽ Vinh xưa trong kí ức của mình bằng Chùa Diệc, bằng nhà thờ Cầu Rầm, bằng chùa Sư Nữ, bằng một góc ông ngồi trong thư viện Vinh xưa, nơi cậu học trò đến từ vùng quê nghèo Đô Lương chưa bao giờ được cầm trên tay mình một quyển sách nào ngoài sách giáo khoa, bằng nhà máy in nơi ông phải làm thêm kiếm tiền để trang trải, bằng ngổn ngang gạch đổ trong những năm tiêu thổ kháng chiến…
Mỗi người đã vẽ Vinh theo cách của riêng mình.… Có một người bạn tôi, trở về từ nơi xa. Bạn nói, ở Vinh sao mà hiếm những thức quà, buổi đêm thì buồn lặng, quanh quẩn chỉ thấy mấy quán karaoke Đặng Thái Thân, Nguyễn Văn Cừ, vào quán nào cũng thấy chán cung cách người phục vụ. “ Khi nào ra mình nhé, muốn thức gì cũng có”.
Ừ thì ra… Nhưng rồi, dăm bữa chen chân trong siêu thị, đứng nửa tiếng đồng hồ chưa dám sang đường, lại thấy nhớ phố mình thênh thang là thế. Về thôi, giờ không chỉ có tàu, có xe khách Văn Minh, xe khách Việt Khánh giường nằm đấy…Một giấc ngủ êm, để khi mở mắt nhìn là thấy “ Thành phố Vinh kính chào quý khách” rồi. Thân quen quá, tiếng í ới điện thoại buổi sớm: “Ở mô rứa, đi bò né Cửa Nam hay cháo lươn Cổng thành?”