Mộ tiếng đầm Vạc đã lâu, qua lại đường này dễ cũng đã trăm lần, vậy mà tôi chưa lần nào ghé được. Hè này, do một cơ duyên, tôi có cả tháng trời về sống bên đầm Vạc. Lạ. đầm Vạc mà không có vạc ! Vạc đã bỏ cả đi, hay không còn con nào sống sót ? Mấy ngày, ngó mọi nẻo bờ đầm quanh quất, khắp cả mặt nước bạc mênh mông, chỉ thấy tới lui những bóng cò. Đành vậy. Còn cò là may rồi. Tôi tưởng mình đã mất hẳn những bóng cò cùng với tuổi thơ xứ Thanh.
Hồi ấy, chiến tranh, trường nào cũng phân tán nhỏ, trong làng tản hết ra giữa đồng. Lớp vỡ lòng của tôi ra cây đa đồng Màng. Lớp ba của anh tôi ra tận đồng Vải. Đề phòng máy bay, trẻ con phải mũ rơm, túi thuốc, khăn choàng phòng không, lũn cũn lội đồng đi học lúc sương hãy còn dày đặc, mặt trời còn chưa lên. Cũng chỉ chung một đoạn đường, rồi thì anh em mỗi đứa lủi thủi một đằng. Lúa thì cao vượt đầu, đường bờ thì trâu xéo nát, chi chít, lầy thụt những hố rõ sâu. Chả hôm nào chân tôi không thụt xuống một hố chân trâu ngập đến bẹn.
Loay hoay lụi hụi rút chân mãi, mà bùn quánh cứ mút chặt. Muốn cầu cứu, mà chung quanh chả còn ai. Rút được ra thì bùn phọt lên đầy mặt. Lần nào cũng phát khóc. Tôi nhớ như in một lần như thế mình đã hoảng hồn té ngửa. Số là, đúng lúc sa chân, đang tủi lòng muốn gào tướng lên, thì bất thần tối mắt tối mũi, vì một bóng trắng bay vụt sát mặt. Thần hồn nát thần tính. Cứ tưởng ma nạt mình. Té ra, là cò. Lũ cò lặn lội tôm tép quanh đấy mà tôi không để ý. Thấy động, thì hốt hoảng bay lên. Bùn sương lấm láp khắp mình nó được lúc văng tung toé.
Chả biết con này đi từ đêm chưa về, hay cũng vừa rời tổ ra đây kiếm ăn. Định được thần, tôi bật cười với sự dớ dẩn của mình. Rồi thì dồn sức rút bật được bàn chân lên, lượm mấy cuốn vở lấm lem, gột bớt bùn vào cỏ, đội lại chiếc mũ rơm bê bết, cả quyết bước tiếp. Dặn mình cẩn trọng hơn. Từ đấy, hôm nào đến lớp, tôi cũng ngó tìm cò và trêu tròng chúng. Mà cò cũng dạn người. Chỉ đến sát, chúng mới né mình, hoặc lật phật bay tránh, rồi xà xuống liền, cặm cụi mò tiếp.
Cứ thế. Người đi học. Cò kiếm ăn. Đồng đỡ phần hoang lạnh. Tôi nhớ, bờ máng bờ mương, bờ vùng bờ thửa nào dẫn tới lớp cũng vãi trắng cứt cò. Ghê hết cả chân, muốn tránh, mà chân dại, bước ngắn, biết tránh vào đâu. Cứ dẫm ào lên vậy. Thế mà, trưa tan lớp trở về, thì từng dấu chân mình nắng gió đã hong khô. Và, hình từng ngón chân in trên cứt cò cũng đã se dần, bạc phếch, nét rõ như in lên khuôn thạch cao, trông cứ như một thứ phù điêu chìm ngộ nghĩnh vậy. Cứ thế. Suốt cả tuổi thơ tôi.
Rõ buồn cười là, tôi chẳng hề nuôi chúng, mà lòng lại cứ coi cả bầy cò kia là của mình. Còn tin rất đinh ninh nữa. Và, chả hiểu sao, cho đến tận bây giờ, ngoảnh lại thuở ấy, sắc trắng phau của cò tôi nhớ cũng nhiều, nhưng sắc trắng như vôi của cứt cò tôi lại nhớ nhiều hơn.
Phải rất gần đây tôi mới hay ngắm nhìn vẻ đẹp trên một gương mặt già lão. Có phải do u tôi ngày một già đi, tôi biết yêu thương nhiều hơn, hay đó là vẻ đẹp cần phải trải đời đến độ nào đó mới thấm thía được ? Tôi không rõ lắm. Chỉ chắc rằng, giờ đây, trước một gương mặt người già, tôi bị chấn động mạnh hơn, và lòng cũng nhiều dư âm hơn. Vậy mà, vẻ đẹp của những cây lớn, cây cổ thụ, thì đã cuốn hút tôi từ bao giờ rồi. Nhìn một ngôi nhà nép dưới bóng những cây sum suê cao lớn, bao giờ tôi cũng có cảm giác cuộc sống ở đó đã lâu dài, trường cửu, dù có thể nếp nhà kia xây chưa được bao lâu. Cây lớn mang lại cho chốn ấy không khí cổ kính, trang trọng.
Quá khứ dằng dặc nắng mưa dông gió đã tạc nên những vè rễ kì dị, hốc hang bí ẩn cùng các mắt vấu lồi lên trên lớp vỏ nhăn nheo. Còn cây thì nhẫn nại qua hàng thế kỉ cứ tàng trữ thời gian trong bóng lá thâm u, cất giữ thăng trầm trong dáng hình điềm tĩnh, cho người sau đến dưới cây như đến viếng thăm một bảo tàng của cái sự sống đời đời lầm lũi vậy. Và, mỗi bóng cây lớn che rợp cả khoảng trời chính là một ốc đảo yên bình trên mặt đất bao la chang chang những khắc nghiệt và hiểm họa này.
Kẻ xuôi ngược đường đời, mỗi lần được dừng chân dưới một gốc cây như thế, nhúng mình vào cái bóng râm, mà nghe hơi mát tươi thấm rân rân đến tận chân tóc, khác nào như được nương náu chốc lát trong một niềm che chở bao dung thật lớn lao… Có phải cây đa đồng Màng đã đem lại cho tôi những ấn tượng đầu tiên chăng ?
Cây đa ấy mọc trên một cồn đất cao, trơ trọi giữa đồng không mông quạnh. Nó cổ quái, bí hiểm và cô độc. Thế mà, với lũ học trò, nó lại là cái cây thật thân thiện. Khi phụ huynh đào hào, đắp luỹ, dựng lán học cho con em mình tản ra đây, thì cồn đất sống động hơn nữa. Người lớn đi làm đồng thường giải lao uống nước dưới bóng râm. Còn trên cao, giữa tán lá um tùm, rậm rạp là những tổ cò. Bên dưới tán đa dày là lũ học trò chui ra chui vào lán như vào một cái tổ chìm. Còn trên tán đa già là những bóng cò trắng chấp chới ra vào những cái tổ nổi. Các vè rễ cao lút đầu thường là chỗ nấp cho chúng tôi chơi trốn tìm. Rễ phụ buông xuống từng chùm dài quết đất thì để bám vào làm đu. Riêng cái rễ phụ đâm thẳng vào đất to như một thân nữa, thì luôn là cái tháp để bọn trẻ đố nhau bám bíu mà trèo lên cao. Cứ thế, gốc đa thành cái sân chơi thiếu nhi tự tạo của lũ nhóc chúng tôi.
Tôi nhớ mùa đông toàn học buổi chiều. Lớp tan muộn. Lắm khi, sương đã phủ khắp đồng, tôi mới men bờ lúa ra về. Đó thường là lúc cò cũng từ khắp các ngả đồng mệt mỏi tìm về ngọn đa. Nhiều con vỗ cánh ngay trên đầu tôi. Có con còn cố tha cả những con cá tép bay về cho lũ con đói. Tiếng quào quào dậy lên khi chúng tụ đầy những cành đa. Không ít lần về đến nhà, cởi bỏ mũ rơm thấy dấu nước vãi tanh lòm, trút tấm vải choàng còn thấy trên nền màu phòng không, loang lổ những vết phân cò tươi nguyên nữa. Thế mà chẳng hiểu sao, những lúc như thế, tôi lại hay nhớ đến từng vệt trắng chảy dài trên thân đa già tựa như những dòng nhựa trắng đông cứng lại. Nhớ đến cái đám phân trắng như vôi vung vít vương vãi quanh gốc đa. Nhớ cả các đốm trắng bết trên nóc lán gianh.
Trong những năm bom đạn, màu trắng là màu không an toàn, cấm kị. Sao tôi cứ thấy ở đâu có cứt cò vãi trắng, là ở đó cò đông, là cây cối xanh um, sự sống yên lành. Nên tôi luôn yêu quí những cây già. Ngay cả vẻ cổ quái bí hiểm tôi thấy cũng thật thân thiện cuốn hút.
Thế mà cây đa ấy đã chết. Nó sống sót khỏi chiến tranh, nhưng lại chết vì bàn tay triệt hạ của chính người làng. Ấy là thời có chủ trương phá đình phá chùa. Người ta đã đốn gục nó, hồi tôi đi học xa. Mà tôi có ở làng lúc ấy, cũng không thể nào cản được. Cái nạn ấy đã khiến bao nhiêu đền chùa, bao nhiêu cây cổ thụ của làng đều tan hết, tiêu hết. Trở về, tôi có cảm giác như bị rơi hẫng xuống những khoảng trống không mà mỗi cây để lại.
Cái tầm cao lâu đời của làng thế là bị phạt mất ngọn rồi. Khi cây lớn bị hạ sát, mái nhà chung của cả làng không còn, thì làng cũng bắt đầu sinh ra biết bao nhiêu chuyện. Cây đa ngoài cồn có thuộc về đền chùa nào đâu, nó chỉ xoè tán che cho người nghỉ, cho đám học trò chơi, cho lũ cò nương náu, thế mà cũng thuộc danh sách triệt hạ. Lúc ấy, có phải cứ những gì trông cổ cổ một chút thì đều bị xem như nơi ẩn náu của phong kiến, của mê tín dị đoan, hay cần phải phá những cái cây cổ kia đi để trồng lên hàng cây ơn Bác, tôi cũng không rõ nữa. Chỉ biết là chúng đã bị triệt tất. Cây mất rồi, bầy cò khi ấy có con nào sống sót nổi không ?
Lớn lên, tôi mới thấm thía rằng không có loài chim nào gần gũi với người Việt như loài cò. Cò sống bên người ở khắp mọi làng mạc. Cò đi vào thơ ca nhạc hoạ, cả dân gian lẫn bác học, nhất là ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Cò trở thành hình ảnh tượng trưng lâu đời cho cả phẩm chất lẫn thân phận của người nông dân trên đồng đất nước Việt. Đến nỗi, trên biết bao nhiêu logo khác nhau về văn hóa Việt, cò đã thành một hình ảnh không thể thiếu.
Bản thân tôi cũng đã thuộc, đã bình bao nhiêu áng thơ ca đẹp viết về cò. Song, tôi cũng thấy, ít ở đâu cò bị giết hại dã man như ở nước mình. Để chim về, ở ta cũng thấy có làm sẵn cho chúng những tổ trên cây. Nhưng không phải tổ mời chim. Mà là tổ dụ chim. Chim mà rủ nhau về sinh sống thì sẽ bị bắt cả nhà. Mỗi cái tổ ấy là một cái bẫy thâm hiểm.
Nhưng, hiểm nhất vẫn là bẫy cò, thì phải ? Để bẫy cò, cách đắc dụng nhất là làm cò mồi. Đó là con cò được kẻ sát hại chim dùng làm mồi nhử để dụ cả đàn của chúng. Nghĩa là bắt cò làm việc phản phúc. Trong tiếng Việt, chữ dùng để nói loại người, loại nghề kiếm chác bằng cái chiêu dụ cho đồng loại vào việc, vào tròng cũng là “cò mồi”. Mà bây giờ, cụt hơn, gọn hơn, là “cò”: cò nhà, cò đất, cò xe, cò tàu, cò dự án… Không rõ cò có biết cái tên của loài mình đã bị hoen ố đi thế không ?
Và, dù đã qua nửa đời người, tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh những con cò người ta mang ra chợ bán hồi ấy. Như với gà, người ta trói chân chúng lại, xách đi. Nhưng cò nhẹ hơn, bé hơn, nên chúng thường bị buộc gom thành một túm lớn tới hàng chục con, quẳng lay lắt như mớ rau mớ củ. Khi sống thì bay theo đàn, khi bị bán thì cũng bán cả một bầy ! Kiếp cò là thế sao ? Tội nhất là con nào hai mắt cũng bị khâu tịt lại bằng một sợi lông của chính nó. Có con còn bị chọc mù bằng cái xiên. Người ta bảo làm thế để đề phòng nó mổ mắt người. Con người khi hành quyết nhau thường bắt bịt lên mắt một dải băng đen.
Con cò, trước khi bị hành quyết thì được người chọc cho mù hẳn ! Tôi cũng không thể quên cái cách chúng thường bị vặt lông sống. Người ta vặt trụi dần từ lông cánh đến lông măng. Gặp chỗ khó vặt thì giật những cú thật mạnh, thân cò cứ nảy lên, tướp máu, có khi còn bật cả da lên. Mình cò sưng phù như phải bỏng. Đám trẻ con thì chí choé tranh giành túm lông mịn màu vàng mà chúng gọi là lông cu li. Chúng kháo rằng lông ấy có thể cầm được máu khi người đứt tay. Rồi người ta còn đem cò thui trên lửa.
Cũng nghe bảo: phải lửa mới thui hết lông vặt sót và mới hết mùi hôi, ăn mới ngon. Những con cò mù cứ lơ ngơ, tuyệt vọng trong đôi bàn tay vặt lông điệu nghệ và thản nhiên. Lông vặt đến đâu, thì thả bay đến đấy. Lông cò bay loạn, trắng như bông bám bíu vào bờ rào, rệ cọ, lơ phơ trong gió. Vậy là, trước khi bị xả thịt, ném vào nồi xáo măng, chết hẳn, cò còn phải chịu cái cực hình là chết từng phần, từng phút trong đau đớn thế. Nhìn thấy những cảnh ấy, liệu thi sĩ Chế Lan Viên đáng kính có thể viết được bài “Con cò” nổi tiếng để đưa ru tuổi thơ bao thế hệ nữa không, hay sẽ phải viết văn tế cho loài cò, cái mà hình như nhà thơ mượn họ Chế này chưa bao giờ viết ?
Hồi ấy, khi ngồi vào mâm, có bao giờ tôi nhớ đến những con cò xấu số kia không, tôi không chắc. Đói khát làm người ta chỉ còn chăm chăm vào bát xáo măng thôi. Nhưng bao năm qua, đi tới vùng nào, cứ thấy lông cò trắng phau tung toả là tôi lại rùng mình. Và tôi nghiệm ra: ở đâu lông cò bay, ở đó cò bị giết ; ở đâu cứt cò dày, ở đó cò xúm xít đông vui.
Sống ở phố bao nhiêu năm, thì cũng ngần ấy năm tôi không nhìn thấy những bóng cò bay. Hình ảnh những bầy chim di cư dăng dăng bay trên không trung về phương Nam lánh rét, đối với tôi, chỉ còn là kí ức tuổi thơ sao ? Đúng ra, có một lần, khoảng dăm bảy năm trước, khi lên sân thượng, tôi có thấy một đàn đang bay tới. Nhưng tôi chưa kịp mừng thì con đầu đàn đã vội vã đảo cánh dẫn cả đàn rẽ hướng khác mất rồi. Chúng đã xóa bỏ dần những đường bay qua bầu trời thành phố. Phố có ma lực với con người. Nhưng không có ma lực với chim. Ta bị choáng ngợp trước phố. Còn chim biết dị ứng với phố.
Phố càng sôi động, chim càng lánh xa. Ta bỏ thôn quê để vào thành phố trong cơn thèm khát đô thị. Ta nôn nóng tạo ra các đô thị, ngợp trong thế giới của tiện nghi và yên chí rằng đó là cuộc sống văn minh. Mê muội trong cái sướng vật dục nhất thời, ta đâu còn tỉnh táo nhận ra rằng như thế là đang từ bỏ cuộc sống trong lành thanh thỏa để trở thành tù nhân trong cái thế giới của những nhà tù bê tông hình hộp, hình ống. Chạy theo sự cám dỗ của đô thị, con người có thể phụ bạc thiên nhiên, phụ bạc màu xanh.
Nhưng chim thì không. Chim chỉ sống bởi tiếng gọi duy nhất: tiếng gọi của màu xanh. Mọi đường bay của chim đều theo chỉ dẫn của màu xanh. Trong khi đó, con quái vật bê tông nham nhở có tên là đô thị hoá kia với tốc độ phân bào kinh khủng đang nuốt dần những khoảng xanh của sinh thái này rồi.
Tôi đến đầm Vạc trong niềm háo hức vì được đến một địa chỉ xanh nổi tiếng. Nghe nói, bao năm trước, đây là chốn nghỉ riêng của trung ương. Vĩnh Phúc mới đòi lại được từ khi tách tỉnh. Biết tôi thắc thỏm với chuyến đi này, một anh bạn thổ công ở đây đã ngán ngẩm cảnh báo: đầm Vạc giờ chỉ còn như một vốc nước xanh nhỏ nhoi bị vây giữa một đô thị trẻ đang say sưa với công nghiệp hoá, thị trường hóa thôi, ông ạ. Sau mấy ngày ở đây, tôi cũng buồn, nhưng không bi quan đến thế. Đầm Vạc hiện vẫn chưa đến nỗi nào, dù sinh thái bây giờ có phần xơ xác hơn xưa.
Tôi cứ nghĩ sức hấp dẫn của chốn này là ở một đầm nước lớn nằm ngay giữa thành phố. Người ta vẫn dùng hình ảnh lá phổi của thành phố để nói về những hồ đầm như thế này. Đầm Vạc quả là lá phổi của Vĩnh Yên. Nhưng, chỉ vừa đặt chân đến khách sạn ba sao này thôi, là tôi đã thấy ngay, sức hấp dẫn của đầm không thuộc về diện tích rộng của mặt nước, mà thuộc về cây xanh. Ven hồ phía này còn cả một bờ cây rậm rạp cứ như một vạt rừng nguyên sinh được bứng nguyên về đây từ rừng Cúc Phương vậy. Toàn những loài đầy sức vóc như sưa, sữa, long não, chò chỉ, xà cừ, thông …
Cây nào cũng cổ thụ. Gốc nào cũng xù xì gân guốc, dây leo, tầm gửi bám quanh thân thiện như huynh đệ lâu đời. Đã vậy, cây lại mọc xúm xít ven đầm nước. Cái trong mát của nước đầm quanh năm âm thầm giao hoà với cái tươi mát của cây xanh đã tạo nên một sinh quyển dịu dàng trong lành. Đám chúng tôi được đưa đến đầm Vạc để làm đề cho cuộc thi tuyển sinh đại học năm nay. Vì dài ngày, nên chiều chiều sáng sáng, ai nấy đều lấy việc đi bộ quanh quanh để tập dưỡng sinh. Tiếc là không được đi rộng ra hết cả vùng.
Nhưng, dù ngắn cũng vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của các lối đi lượn qua những gốc cây cao vút, vòm giao nhau ken kín tầng không, lá vàng cứ từ đỉnh cây thong thả rắc xuống như những mảnh nắng vàng buông mình theo gió, khiến cho người tản bộ ngỡ mình đang bước giữa nẻo rừng thưa. Khi một mình bước trên lối ấy, nhìn xuôi theo những hàng cây tán rộng rì rào, mắt hoàn toàn bị hút vào những khúc quanh co thâm u, tôi đã cả quyết : chính cây mới là tài sản đáng giá nhất của cái khách sạn được coi là sang nhất Vĩnh Yên này. Cây mới là vốn liếng quí hiếm trời cho riêng đầm Vạc. Một khách sạn dù tiện nghi đến đâu, cũng không thật khó kiếm. Năm sao, ba sao, đâu chẳng có ! Còn cây cổ thụ, rừng nguyên sinh ngay giữa phố, thì hỏi có mấy nơi có được ?
Tuy nhiên, điều khiến tôi thích thú hơn cả chưa phải ở đó.
Một lần tới gần gốc cây sữa lớn, tôi bỗng thấy quanh gốc vãi trắng xoá một màu vôi. Thoạt trông, cứ nghĩ là thứ vôi thừa người ta hắt bừa bãi ra đấy, sau khi quét một nước bao quanh gốc để ngăn sâu bọ từ hồi đầu xuân. Nhưng, tôi ngờ ngợ ngay. Cái màu trắng quen quen này thật giống ở cây đa đồng Màng thuở nào. Nó nhắc rằng không phải vôi. Mà là cứt cò. Cứt cò thật ! Ôi, giữa chốn phố xá, giữa khách sạn khá sang này, lại có những lớp phân cò dày đến thế kia sao ! Nghĩ đến cứt cò có thể rơi thoải mái chốn này, tôi không khỏi ngỡ ngàng, khoái chí. Và càng khoái hơn khi nhận thấy, cùng rơi trong sắc nắng chiều không chỉ có những bóng vàng của lá, mà còn có cả những giọt trắng lấp lánh của phân cò. Có cứt cò dày, tất có cò xôm tụ. Hẳn là cò ở đây phải đông đúc đàn lũ.
Bấy giờ, tôi mới ngước lên, và giật mình : trên tán cây nào cũng lấp ló những tổ cò, thập thò những cổ cò, và chốc chốc lại thấy những bóng trắng vỗ cánh bay ra, bay vào, cánh vỗ làm xao động những cành xanh. Chi chít trên mọi tán xanh quanh đây là những tổ cò như vậy. Và vọng từ trên cao xuống là cái tiếng quào quào khàn khàn quê kiểng quen thuộc của loài cò. Chỉ chăm chăm đi dưới mặt đất này, thì không thể biết trên tầng cao có một thế giới cò.
Bỗng dưng, tôi nhớ ra, ở châu lục nào đó, có những bộ lạc cư trú trên cây. Họ cất nhà trên những cành cao. Họ sinh con đẻ cái trong những cái nhà như cái tổ ấy. Nhà này nối nhà khác bằng những thân cây mảnh bắc làm cầu. Cuộc sống của họ là chuyền cành. Quanh năm suốt tháng, chả mấy khi cần xuống mặt đất. Với họ, mặt đất dường như là nơi của hiểm hoạ. Sống trên cây, sống với cây, họ thấy an toàn hơn. Đời này sang đời khác, sống trên ngọn cây đã thành tập quán của bộ tộc này.
Thì cò kia cũng thế. Cò đã cư trú quanh đầm Vạc tự bao giờ ? Vạc đã nhường chỗ lại cho cò, hay cò chỉ đến tiếp quản vùng đầm này sau khi những gia đình vạc cuối cùng đã phải xuất dương di tản ? Hay chúng đều là nạn nhân của cuộc càn quét, nhưng cò bé hơn đã may mắn đựợc tạm tha nên còn sống sót thế ? Tôi không trả lời được những câu hỏi ấy. Chỉ biết, giờ đây, trên tầng cao của đầm nước, có cả một làng cò. Cò là cư dân của cái làng định cư trên cao ấy. Và, liên hệ giữa cuộc sống dưới mặt đất với cuộc sống trên cao kia là lớp phân cò này. Lớp phân ấy mang thông điệp về một cộng đồng sinh sống ngay bên trên đời sống của mình đây. Cộng đồng ấy ẩn khuất, hiền lành, thân thiện.
Cộng đồng ấy cũng nhọc nhằn, cũng lam lũ. Nhưng cũng ấm cúng, sum vầy. Ngày nắng ráo, cò bay ra đầm kiếm mồi nuôi con. Ngày dông gió, cò cũng lui cui ướt hết cả mình che chở cho lũ con nháo nhác. Trong những ngày ở đây, có đôi lần, dông lớn đã hất tung những chiếc tổ ra khỏi cành. Có con cò con đã văng ra khỏi tổ, rơi xuống đám phân đã bị mưa làm cho lõng bõng. Cứ lẩy bẩy, kinh hoàng, cầu cứu. Cò mẹ xà tới, bay liệng xung quanh, lên lên xuống xuống mà bất lực, vì chẳng làm thế nào để cắp được con lên tổ. Lúc ấy, trong đoàn tôi đã có người chạy ù ra ẵm về. Chẳng biết những lần khác, nó có được nhân viên nào đón về ủ ấm và cho ăn không ?
Một chiều kia, lại đi dọc những hàng cây cao vút ấy, bất giác tôi thấy mỗi cây cao như một chiếc cột. Cả hàng cây chạy dài như hàng cột chống cho một mái nhà lớn xanh miên man, ở tít trên cao. Và lập tức nảy ra trong tôi một liên tưởng ngộ nghĩnh: mái nhà ấy chẳng phải là một khách sạn xanh hay sao ? Khách sạn ba sao này nằm lọt giữa khách sạn xanh đó. Chúng tôi là đoàn khách tạm trú của cái khách sạn dưới này. Còn cò là khách thường trú trên cái khách sạn cao kia.
Dưới này, theo dòng năm tháng, từng đoàn người cứ đến, rồi cứ ra đi. Còn những cư dân thường trú kia thì ăn đời ở kiếp ngay trên đấy. Cư dân làng cò mới là cái bền vững, không di dịch của cuộc sống chốn này. Khi ấy, một niềm tin gần như chắc chắn đến trong tôi rằng: cái làng cò trên tán xanh kia mới là tương lai của đầm Vạc. Và những giọt phân cò trắng đang rớt xuống từ trên cao cùng với nắng vàng và lá vàng đó, hoá ra, lại là một đường link độc đáo kết nối hai cuộc sống với nhau : cuộc sống người và cuộc sống cò.
Nghĩ thế, tôi thấy chốn này thật thân thiện an lành. Còn gì an lành hơn thế khi sinh thái phố phường đang ngày một cạn kiệt, ô nhiễm, ô trọc, mà ở những chốn như thế này lại có một cuộc sống xanh êm đềm thế. Rồi người ta sẽ tìm về đầm Vạc chỉ vì mộ tiếng làng cò này. Họ đến đây để được nghỉ dưỡng trong bóng cây của làng cò, trong tiếng kêu xào xạc như từ ngàn xưa vọng lại của loài cò, để được hưởng cái điệu sống êm đềm của thiên nhiên mà mỗi bóng cò bay dập dờn như nhịp múa hoà điệu, một nhịp phách hoà âm. Nhờ làng cò ấy mà một khách sạn dầu chỉ ba sao cũng có thể thành nhiều sao.
Song, ra khỏi con đường nhỏ chỉ vài bước, tôi đã rùng mình vì thấy một đống rác lớn với từng đám lông cò trắng phau, gió đang thổi tứ tán. Từng chiếc lông bị thổi dạt cố bám bíu vào đầu ngọn cỏ lắt lay, cứ lơ phơ như những bông tuyết. Vậy là nguy rồi. Cuộc săn đuổi vẫn rình rập đâu đây. Vậy là những tổ cò trên kia vẫn chưa thoát khỏi cái nguy cơ giống như loài vạc rồi. Chao, nếu một ngày kia, cò cũng mất đi như vạc, thì đây sẽ ra sao ? Mỗi cây kia chỉ còn là những căn nhà trống không. Cả rặng cây cổ thụ như vạt rừng nguyên sinh này sẽ chỉ còn là một khu làng bỏ hoang của cò. Và cái khách sạn ba sao đây chắc chỉ còn là những xác nhà mất hồn, mất vía.
Nghe nói, năm mươi năm trước đầm Vạc vẫn còn vạc. Năm mươi năm trước, cây cũng nhiều hơn. Liệu năm mươi năm sau, rặng cây này có còn nữa không, hay chúng cũng phải chịu chung số phận với cây đa đồng Màng của tôi ?
Và ngày ấy tôi trở lại, liệu dưới mỗi gốc kia có còn vãi trắng những lớp phân cò, hay chỉ còn thấy những mớ lông lả tả ven đầm, mà khi nhìn kĩ, mỗi chân lông hãy còn nguyên một giọt máu ?
Đầm Vạc, 7-2013