V iết những dòng này khi bà tôi đã là người thiên cổ. Chiều đầu đông đang rả rích những cơn mưa dầm, ướt át và se lạnh làm cho tôi chợt nhớ sắp đến ngày giỗ bà rồi. Bà xa anh em chúng tôi trong một chiều đông nên cứ thấy tiết trời như thế này, những đứa cháu lại nhớ bà mình.
Người đã về miền mây trắng tự bao giờ nhưng sợi dây ký ức cứ còn quyến luyến mãi nơi thế gian làm ray rứt lòng người ở lại. Tôi leo lên góc vườn tĩnh lặng trên cao ngó khoảng trời xám xịt bao la ngút ngàn tận trên xa kia mà thả nỗi nhớ bà tan ra hòa cùng gió mưa. Cái khoảng không vời vợi có thể làm ta tìm được chút thanh thản lắng đọng, giúp mình giải nén bao cảm xúc mỗi khi nỗi nhớ bao người xưa cũ tìm về.
Bóng bà cứ lòa nhòa giữa tầng mây, giữa những màn mưa tuôn ràn rạt nước. Vẫn nụ cười với hàm răng đen tuyền ấy, vẫn chiếc khăn xéo trên mái đầu bạc trắng mà ngàn trùng xa cách. Nhớ bà giờ cháu chỉ còn biết thốt lên hai tiếng … bà ơi!
Chúng tôi bắt đầu lớn lên trong tiếng ru hời của bà. Từ thuở lọt lòng ấu thơ, tôi đã cảm nhận được những âm thanh ấy. Những âm thanh êm dịu từ lời ru của bà theo tôi cho đến tận bây giờ và có lẽ trong suốt cuộc đời này. Giọng bà ngọt lịm như những khúc hát ru trên cánh võng kẽo cà kẽo kẹt. Những câu hát như thôi miên đưa cháu mình vào giấc ngủ. Tiếng bà dặt dìu trong xao xác nắng trưa của những ngày hè, hòa vào âm thanh của nhịp mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối đầu hè nhà trong những ngày rét mướt.
Bà đi xa đã bao mùa đông rồi nhưng câu hát bà ru năm xưa vẫn còn vọng lại và cứ mỗi lần nghe ai đó đẩy đưa đôi câu, tôi lại nhớ bà. Nỗi nhớ như nằm đâu đó trong những tiếng à ơi, ru hời mà có dịp lại chực trào, thổn thức. Đời bà và khúc hát ru cứ song hành cho đến lúc dòng máu nóng kia ngừng chảy. Bao tâm hồn con trẻ được tưới tắm những âm điệu ngọt ngào ấy. Những ấp ôm từ vồng ngực hao gầy và từ hơi thở ấm nồng mùi trầu của bà để cho đàn cháu lớn khôn. Bà nở nụ cười hạnh phúc khi chúng tôi xa dần vòng tay già nua mà bay xa khắp nẻo. Hành trang chúng tôi mang theo có những khúc hát ru quấn quýt trái tim mình.
Nhớ bà nhớ miếng trầu hôi, miếng cau bà bổ chút vôi bà dùng. Chẳng biết bà ăn trầu tự bao giờ mà chỉ biết khi chúng tôi có mặt trên đời đã thấy răng bà đen nhánh. Mùi cay nồng của nó cháu bà cảm nhận qua làn hơi thở lúc được ẵm bồng khi còn bé, lúc trở về sà vào lòng bà để cảm nhận những ngón tay chỉ còn da bọc lấy xương đan vào mái tóc cháu đã điểm bạc. Mùi nồng của trầu, mùi chát của cau, mùi cay cay của vôi hòa quyện vào nhau tạo nên một thứ hương đặc trưng mà chúng tôi gọi là mùi của bà. Bà đi đâu cũng mang theo thứ mùi nhung nhớ ấy để giờ thi thoảng tôi ra vườn xưa nơi dây trầu bà trồng còn sót lại ngắt một vài lá để hít hà mà nghe mắt mình cay cay một nỗi.
Nhớ khi đã về già, bà ngồi nơi hiên nhà miệng nhai trầu bỏm bẻm trông đám cháu giờ đã định cư xa tự phương trời nào mà bà chẳng hề biết được. Đôi mắt đã mờ và thính giác cũng không còn nguyên vẹn để cảm nhận những đổi thay của đất trời nhưng chỉ nghe giọng nói thì thầm bên tai bà đã cười thật tươi mà xướng tên từng đứa cháu. Năm tháng dần trôi, những người ăn trầu như bà tôi ngày một ít lại khi những bạn trầu của bà cứ lần lần rời xa thế giới phồn thực này. Ở cái xóm nhỏ ấy, bà là người ăn trầu cuối cùng. Những năm cuối đời, bà không còn ăn nhiều như xưa vì lúc này không còn răng nữa mà chỉ nhai trầu theo thói quen. Dây trầu xanh quấn quanh những thân cau như cũng buồn theo khi không còn thấy bóng bà cụ đầu đội khăn xéo, túi bọc bị đựng trầu hàng ngày vẫn thường xuyên chăm cây, tỉa lá nên cũng dần hồi héo úa chết mòn. Hàng cau một thời đơm trái cho bà tôi ăn trầu vẫn còn đứng lặng lẽ nơi vườn xưa. Những tàu lá ủ rũ lung lay trong gió chiều quê như nhớ người bạn già một thuở. Buồng quả cũng úa vàng rồi khô rụng vì đã bao mùa rồi chẳng còn bà sai cháu hái cau.
Bà đi xa bỏ lại gian bếp vắng vì mỗi sáng thức dậy không còn ai vào nhóm lửa đun ấm nước chè. Thứ thức uống gắn liền với đời bà giờ chỉ còn trong ký ức. Bà đun nước bằng chiếc ấm ám mùi khói củi, thứ mùi “nhà quê” mà căn bếp hiện đại của chúng ta không có được. Chiếc mo cau bà cắt chằm làm ly rất khéo sóng sánh thứ nước màu vàng óng sực nức mùi thơm của lá dứa với gừng. Ngày xưa mỗi khi về thăm, tôi thấy bà tất tả ra sau đồi cắt những đọt chè xanh về nấu cho cháu uống vì bà nghĩ các cháu cũng nghiện nước chè như bà vậy. Vườn chè bà trồng trên ngọn đồi nhỏ sau nhà vẫn còn xanh mơn mởn, mùa này từng cánh lá lại hứng những sợi mưa mềm mại để tích tụ bao tinh túy của đất trời mà xuân sang bung ra những lộc biếc. Tôi đứng bên những gốc chè mà nghe gió lướt thênh thang, mà nghe như tiếng bà gọi tôi văng vẳng đâu đó vọng lại.
Chiếc ấm cũ nhớ những đọt chè xanh buồn treo nơi góc bếp khi bóng bà đã khuất xa. Với tôi, nước chè xanh không chỉ là thức uống mà là hương vị quê nhà, là ký ức nằm đâu đó trong lòng mình để mỗi khi nghe mùi thơm của nó, tôi lại rưng rưng nhớ bà nội của mình.
Trời đang rã rích những cơn mưa mùa đông, dầm dề, rét buốt. Khói bếp nhà ai len lỏi yếu ớt qua những khóm cây trong vườn làm cho ký ức tuổi thơ tôi cứ dội về. Đã lâu lắm rồi tôi mới bắt gặp cái không khí và hình ảnh như thế này vì bây giờ người ta nấu bằng gas, bằng điện và giữa phố xá đông người làm gì có khói. Khói bếp, chiều đông, trời lạnh, chút không khí làm cho những người tha hương lại da diết nhớ quê. Tôi nhớ bếp lửa bà nhóm lên đỏ rực để nướng những con cá mà anh em tôi bắt được vào mùa lũ. Xòe đôi bàn tay móp méo vì lạnh tìm hơi ấm nghe mùi cá nướng thơm lừng làm bụng ta cứ réo ùng ục. Nhớ nồi cá kho rim cay xè làm vị giác của ta phải lên tiếng. Nhớ món bánh bà làm có đám cháu ngồi chầu chực vây quanh. Bao nỗi nhớ cứ chen chúc cuộn trào. Tôi ngồi mà nghe những vương vấn miên man trong chiều đầu đông giá buốt, thả nỗi nhớ nội mình cho những đám mây trên cao mang đi về với bà ở một miền xa lắc lơ nào đó .
Thời gian cứ dần trôi. Các cháu của bà đã trưởng thành tứ tản khắp nơi. Ngôi nhà đầy ắp tiếng cười năm xưa giờ vắng lặng. Những hôm về thăm nhà cháu lại ngẩn ngơ nhìn hàng cau, luống chè mà cứ ngỡ như bà còn đâu đó. Bà ra đi rời miền tục lụy vì vòng sanh-lão-bệnh- tử không ai tránh được để giờ về lại căn nhà xưa nhìn di ảnh nhớ bà nước mắt cháu lưng tròng.