Nơi hai đầu nỗi nhớ

    1436

    Con người ta có những nỗi nhớ mà không thể gọi tên, có những yêu thương mà không thể diễn tả được thành lời, bởi ngôn từ đôi khi cũng không đủ để nói thấu, hiểu thấu đến tận cùng của cảm xúc…
    Ta đã đi qua bao nhiêu mùa thu lá đổ, bao nhiêu mùa đông gió tràn, bao nhiêu mùa hạ với những cơn nắng cháy bỏng trong lòng, đau rát những bàn chân, gánh trên vai những thăng trầm mùa hạ, những giá lạnh mùa đông, những say mê mùa thu và mang cả những khát vọng mong manh ấm áp khi Xuân về…

    Cần bao nhiêu đêm dài mới gọi là thao thức, cần bao nhiêu thổn thức mới gọi là nhớ mong, cần bao nhiêu yêu thương trong lòng mới gọi là tình yêu mãi mãi… Ấy vậy mới hiểu mẹ tôi đã hy sinh cả tuổi trẻ, cả ước mơ, cả cuộc đời mình vì bố tôi, vì gia đình của mình mà gần như cả đời sống trong niềm ưu tư cô quạnh.
    Đã trót yêu một người lính Trường Sa, mang nhiều mơ mộng khi yêu mà đâu biết rằng, nói đến Trường Sa là gần như là xa mãi…
    Ở một đầu nỗi nhớ là Hà Nội, mẹ đã viết bao nhiêu lá thư ép những niềm nhớ của mình khi gửi cả mùa, cả hương theo từng mùa, từng tháng vào trong trang viết. Mùa hoa lan nở, mùa hoa sữa nồng, mùa hoa sấu rụng, mùa cốm xanh về và mỗi lần tự nhủ, liệu có nỗi nhớ nào cũng có thể đếm, cũng có thể đong khi trời đông trầm mặc mà sợi tình cứ mong manh chẳng khác gì như rèm treo trước gió chờ đợi ánh trăng ngà, vò võ đợi cả sương đêm…
    Con ngõ nhỏ nơi ngóng đợi bố tôi về, nơi mùa thu Hà Nội đẹp đến say mê, mẹ vẫn run run khắc khoải chờ mong khi nghe thấy mùi hoa sữa nồng thơm mà lòng đầy trống vắng.

    Ảnh: Tran Vu

    Nhìn thấy liễu bên hồ Gươm xoã tóc mà nuối tiếc từng sợi thanh xuân của mình cũng đang dần trôi qua… Nhìn thấy thạch thảo bên thềm nhạt nắng, thấy hoa cúc dịu dàng khởi sắc mà bố tôi vẫn mãi chưa về… Ở nơi ấy, nơi Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, lòng dạ của bố tôi cũng chẳng thể yên, khi chẳng có nơi nào mà lòng người cũng nổi sóng như người lính Trường Sa.

    Những lá thư bố tôi viết cho mẹ tôi cũng mang sự mặn mà của gió biển, trong xanh của mây trời và thao thức của sao khuya… Cầu nối tình yêu giữa Hà Nội và Trường Sa là những cánh thư đều đặn.

    Nơi Trường Sa, ngẩng lên là trời, nhìn xuống là nước, bước xuống cũng là nước giữa đại dương biển cả mênh mông bao la… Nơi biển ôm đảo vào lòng để Tổ Quốc tựa lưng và để nảy mầm tình yêu quê hương trên cát mặn, mỗi khi đau đáu sóng trào biển lại xao động mỗi hoàng hôn…

    Không biết bao nhiêu mùa cứ thế trôi đi, tóc mẹ tôi đã nhuốm thêm nhiều sợi bạc, màu thời gian cũng bạc màu, da bố tôi cũng sạm đen nhiều vì sương gió và nắng biển, gương mặt già nua hốc hác đến ngày trở về.

    Bấy nhiêu năm biền biệt ngoài đảo, những lần về phép chỉ đếm được trên đầu những ngón tay. Thử hỏi có yêu thương nào, có đau xót nào mà so mà sánh được, có hy sinh nào mà kể được khi cuối cùng chỉ là những thiệt thòi theo năm cùng tháng tận ở trong lòng khi hai con người chỉ biết yêu thương nhau mà thôi. Nơi sân ga Hàng Cỏ đã chứng kiến không biết bao lần mẹ tôi vui sướng đón bố tôi trở về và rưng rưng lại tiễn bố tôi ra đi.

    Đến khi bố tôi được trở về hẳn thì cũng là lúc mang trong người trọng bệnh, di chứng của chiến tranh, của sức khỏe tuổi già mà thời gian sống chỉ còn đếm được từng ngày trên giường bệnh.

    Nơi bệnh viện Quân Y 108 Hà Nội, vẫn lại là hai con người ấy tiếp tục viết cho nhau qua những trang giấy khi bố tôi không thể nghe được nữa, nói được nữa…

    Trở về đấy… Nằm đấy…Vẫn phải gửi tình yêu của mình qua những trang viết bằng những dòng chữ run run…xiêu vẹo… Xót xa! Thử hỏi trên đời này chữ TÌNH là gì mà sao HỌ khổ vậy? Tôi chứng kiến những gì mà bố mẹ tôi trao cho nhau ở những giây phút cuối cùng khiến tôi phải quay mặt đi khi giấu những giọt lệ đổ ngược vào lòng…

    Hà Nội của mẹ khi chỉ còn đón tôi trở về trong xác xơ của mùa đông, để rồi tôi lại ra đi trong vội vã về bên xứ người với cuộc sống mưu sinh của mình. Bao nhiêu năm của mẹ vẫn lại trong ngóng chờ, vẫn lại trong chia xa…