Một ngày nắng như đổ lửa của đất trời miền Trung, cô chọn cho mình một chỗ ngồi quen thuộc ở góc quán quen và gọi ly cà phê sữa đá như mọi khi vẫn vậy. Đang mơ màng theo lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và lướt facebook, cô bỗng khựng lại khi thấy trên newsfeed hiện lên dòng trạng thái “Sài Gòn mùa hoa bay” kèm theo bên dưới là bức ảnh cô gái đang hứng những trái chò nâu đang xoay tít trong gió. Hình ảnh đó khiến cô nhớ Sài Gòn quay quắt và nhớ cả mối tình đã mười năm xa vắng.

Vậy là cô xa Sài Gòn đã mười năm. Mười năm với biết bao thương nhớ, mong chờ. Cô cũng không nghĩ mình lại yêu mến mảnh đất hoa lệ này nhiều đến vậy cho đến khi cô rời xa đi. Cô nhớ cái ồn ào, náo nhiệt còi xe, nhớ những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, nhớ những ngã tư ngã năm đèn xanh đèn đỏ. Cô nhớ tiếng hũ tiếu gõ đêm đêm, nhớ tiếng rao thân thuộc “bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon, năm ngàn một ổ”. Và cô nhớ cả ly cà phê sữa đá Sài Gòn cô vẫn thường hay uống cùng anh. Tất cả những gì nhỏ nhặt nhất, bình dị nhất của Sài Gòn cô đều nhớ rõ. Cảm giác của cô những ngày mới rời xa Sài Gòn có lẽ đúng với câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Lần đầu tiên cô đặt chân đến Sài Gòn với bao bỡ ngỡ, lạ xa. Sự náo nhiệt, vội vã của thành phố khiến cô choáng ngợp. Sài Gòn đón cô bằng cơn mưa đầu mùa mát dịu, anh đón cô bằng ánh mắt ấm áp, vòng ôm dịu dàng. Giây phút đó cô biết mình sẽ yêu mảnh đất này dù phía trước còn nhiều khó khăn. Cô và anh đã đi qua bao mùa mưa, bao mùa nắng, bao mùa kèn hồng, bao mùa chò nâu của Sài Gòn. Đi qua bao mùa nhớ, mùa thương, mùa giận hờn, xa cách để rồi khi rời xa đi cô luôn ôm trong lòng nỗi buồn vô hạn.

Cô nhớ những lần cà phê ở Nhà thờ Đức Bà anh thường bảo với cô rằng: nếu Sài Gòn không có mùa chò nâu bay thì người ta nhắc tới Sài Gòn chỉ nhắc tới những tòa nhà cao tầng, những ngột ngạt khói bụi, những ồn ã còi xe. Mùa chò nâu bay như liều thuốc xoa dịu bớt cái nắng, cái nóng, cái oi nồng của thành phố, làm vơi những vất vả, lo toan trong cô, trong anh và trong cả những con người đang hối hả ngoài kia. Và cũng có lần cô đã hỏi anh rằng: thành phố sẽ thế nào nếu chò nâu không còn xoay tít trong gió nữa. Anh cười trêu cô: sẽ như anh không còn em…

Chắc có lẽ không có loài nào vừa không sắc không hương mà để lại nhiều luyến lưu như chò nâu. Ngay cả cái tên thôi cũng đã gợi lên sự mộc mạc, dung dị vốn có. Cô nhớ lần đầu tiên cô bắt gặp những cánh chò nâu là khi anh dẫn cô đi dạo ở Nhà thờ Đức Bà. Cô lạ lẫm, thích thú khi nhìn những cánh màu nâu xoay tít trong gió. Anh bảo với cô cây chò nâu hay còn gọi là cây sao đen, cây dầu bay hay là cây hoa chong chóng xoay, là một loài cây đặc trưng của Sài Gòn. Khi những cơn mưa giao mùa bắt đầu cũng là khi những trái chò nâu xoay trong gió gợi nhớ, gợi thương. Cô thích đi dưới những hàng chò nâu cổ thụ xanh mướt, ngắm từng cánh nhỏ xoay tít trên không trung rồi la đà đáp xuống mặt đất mà xao xuyến, ngẩn ngơ.

Hàng ngàn trái chò rơi xuống tạo nên một tấm thảm nâu tuyệt đẹp. Chỉ duy nhất chò nâu khi rời cành người ta mới chú ý đến vẻ đẹp của nó, khoảnh khắc trái chò nâu xoay tít trong gió trong cuộc hành trình trở về với đất mẹ là khoảnh khắc đẹp nhất. Chò nâu rực rỡ ngay cả lúc tàn phai cũng như tình yêu của cô và anh tuy dang dở nhưng vẫn là những ký ức đẹp trong nhau.
Suốt mười năm xa Sài Gòn cô vẫn giữ trong lòng những nhớ thương, lưu luyến với vùng đất nặng ân tình. Cô ước một lần được đi trên con đường rợp trái chò nâu bay, uống ly cà phê sữa đá ở Nhà thờ Đức Bà và cùng anh nghe lại bài hát quen thuộc ngày xưa cũ:

“Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức…”
Và cứ thế nỗi nhớ mỗi ngày một lớn dần lên…