Những ngày này không có tên và ghi chú đặc biệt trong tờ lịch. Tôi biết thế. Nhưng có hề chi, tôi vẫn cảm thấy và mường tượng một cách rõ ràng rằng chúng là những ngày được bôi màu dạ quang sáng bóng hay được in chữ đỏ nổi cộm lên trong tâm trí mình. Cảm giác một năm cũ sắp qua đi với bao sự kiện buồn vui, được mất, những nhọc nhằn khó khăn, rối ren, hạnh phúc….
Giờ đây, tất thảy đều kết thúc, thay vào đó sẽ có nhiều điều mới mẻ bắt đầu. Một thời khắc mới, khởi đầu mới, rồi mọi thứ tốt đẹp hơn. Tôi thở phào trong mong cầu chờ đợi: Tiễn biệt năm cũ. Ta chào đón mi, năm mới!
Hằng đêm, có một thứ cảm giác nôn nao khó tả xâm chiếm tiềm thức đến mức khó vỗ mình vào giấc ngủ nồng. Tôi rón rén bước ra ban công, hít một hơi thật sâu… Những ngày cuối năm căng phồng trong lồng ngực, hương nhài quẩn quýt trên mi rồi quyến luyến mãi không rời. Ánh trăng ngày giáp rằm sáng trong vằng vặc từ trên cao rọi thấu cõi lòng, để lại chiếc bóng in lên thềm heo hắt.
Khí trời quyện cái se se mát lạnh cùng chút ẩm ướt của sương đêm tiết giao mùa, như rút lại thành viên đá nhỏ nằm ẩn dưới lớp áo vải mong manh khẽ làm tôi giật mình run rẩy. Tiếng đàn piano từ ban công nhà hàng xóm vang lên bản Moonlight Sonata. Giai điệu quá đỗi nhẹ nhàng nhưng sao đau đáu tiếc thương, mất mát, buồn đau. Bất chợt tôi đưa tay giữ lấy nỗi buồn nào đó đang dâng lên đè ép lồng ngực mình. Dưới ánh trăng huyễn hoặc cùng điệu nhạc trầm buồn sâu lắng mọi thứ trở nên mơ hồ. Mơ hồ nhớ, mơ hồ thương, mơ hồ da diết. Lẽ nào là nỗi mơ hồ của kẻ nhớ quê hương? Phải chăng thanh âm của những ngày cuối năm là đây?
Nếu đây là thanh âm của những ngày cuối năm tôi mong nó ở lại thêm chút nữa để tôi giữ lấy khoảnh khắc này mà miên man hồi tưởng…
Tôi nhớ thuở bé, những ngày cuối năm luôn là những ngày bận rộn, tất bật nhất. Đêm đêm dù buồn ngủ ríu mắt, con bé tôi vẫn lăng xăng quấn lấy chân má đến mọi ngóc xó trong nhà. Má thì lúi húi dọn dọn dẹp dẹp, tôi thì cứ lẽo đẽo theo bên chân đặt câu hỏi không ngừng. Mỗi lần ngó thấy má lôi hết bình trà ấm chén bấy lâu cất kỹ trong tủ ra lau rửa là tôi lại tò mò thích thú. Nhất là khi thấy cái bình to to có quai móc bằng hai sợi thép, trên cái nắp luồn sợi dây vải cột vào thành quai. Bức họa trên bình tôi nhớ không nhầm là một cụ già râu tóc bạc phơ cầm chiếc gậy; một phụ nữ mặc y phục như trong phim cổ trang Trung Quốc; một em bé có chỏm tóc ngay trán, đến bây giờ vẫn còn làm tôi thắc mắc. Không biết ý nghĩa của bức họa là gì? Hồi đó nhìn chiếc bình tôi đã hỏi má: Người ta vẽ ai đấy hả má? Những chữ tàu trên ấy viết gì? Má lắc đầu: chịu thôi, má cũng không biết. Nhưng cái bình này chắc chắn có tuổi đời lớn hơn con, rồi cả hai má con cùng cười xòa.
Má cứ lục đục dọn dẹp cả ngày. Âm thanh lách cách của tách chén chạm nhau, tiếng loong coong của nồi niêu xoong chảo, tiếng bếp lửa liu riu, tiếng cười nói rì rào của mọi người trong nhà… đã gọp lại trong trí nhớ tôi thành một thanh âm của những ngày cuối năm không thể nào quên thời thơ ấu. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy nếu lấy sợi dây mà xâu hồi ức tuổi thơ thành một chuỗi. Hồi ức được phân loại theo màu, thì chỉ cần nhìn lên chuỗi dây vừa xâu đó màu nào là màu sắc sinh động nhất sẽ là màu của những ngày cuối năm.
Sau này, khi rời xa quê nhà lên thành phố trọ học. Thanh âm của những ngày cuối năm trong tôi là một điều gì đó khắc khoải mong chờ, là nỗi mong ngóng trở về, là cảm giác nôn nao đoàn tụ, là những hoang hoải của cõi lòng không bao giờ nguội tắt… như khoét sâu vào nỗi niềm những âm sắc chưa kịp gọi tên. Nhất là những chiều tàn nắng mỏng, sau giờ tan tầm chạy xe về phòng trọ, bỗng nghe tiếng còi tàu từ đường ray cắt ngang vọng lại. Dồn dập, ngân vang, rồi xa dần, xa dần mất hút… Tự nhiên cảm thấy lòng mình chơi vơi. Nhớ! Phải chăng giờ này mắt má đang đăm đắm nhìn về phía cuối trời? Má chờ gì trong cái nắng chiều hôm? Chờ bóng hình các con trở về? Chờ một năm mới đoàn viên? Phải rồi! Một năm mới đoàn viên! Khoảng cách luôn làm con người ta khắc khoải, bâng khuâng. Ở hai đầu cách trở ai cũng mỏi mong ngày về gần gụi như những ngày nắng luôn đợi một cơn mưa mát rượi tưới tắm khô cằn.
Và ở thời khắc này đây, khi tôi đã trải qua đủ những cay đắng ngọt bùi của cuộc sống, đã cảm được cái mong manh vô thường của đời người. Thì thanh âm của những ngày cuối năm trong tôi lại có đôi chút khác xưa. Ngoài những nôn nao, mong ngóng đợi chờ, những nhớ mong khắc khoải quê nhà còn là nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền, là nỗi sợ mất đi điều yêu thương nhất. Năm cũ qua đi, năm mới đến, con trẻ ngày một lớn lên, tóc má thêm trắng phau phau sợi bạc. Cảm giác tuổi già của má mong manh như nắng chiều. Những đêm dài má thao thức không ngủ, sợi tóc nào bay mỏi về giấc mơ tôi. Giọt nước mắt có bao giờ chảy ngược. Sẽ đến ngày tôi như má bây giờ, mãi mỏi mòn chờ đợi sự trở về của các con.
Đôi khi ngước nhìn lên bầu trời thành thị, những cánh chim xoải rộng cánh bay tán loạn nơi nóc phố, mặt trời buổi hoàng hôn phố thị không lặn xuống ở phía ngọn núi xa xa mà lẩn khuất sau những tòa nhà. Tôi tự hỏi lòng, có sự đảo lộn rối bời trong thời khắc chuyển giao chăng? Phải rồi thanh âm của những ngày cuối năm khi ta đã đi qua những ngày xanh trẻ sẽ rối bời chứ chẳng giản đơn như thuở còn thơ ngây.
Thanh âm những ngày cuối năm đọng chút sương đêm bên thềm, chờ nắng mai lên hong khô sưởi ấm… Chờ ngày đầu năm mới đến, mặt trời sẽ lại rạng rỡ mọc lên từ phía nóc nhà xa xa cuối phố, kiêu hãnh trên nền xanh bao la. Rồi một mai tôi lại bước đi, nhón từng bước giữa thênh thang cuộc đời!