Bốn mươi năm trước, khi đang là học sinh cấp 3, chúng tôi đã thuộc một số bài hát viết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Mỗi sáng mai, sinh hoạt 15 phút đầu buổi học, âm thanh ca khúc Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới của nhạc sĩ Phạm Tuyên vang lên hùng hồn:” tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến mới” “ Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng, những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, đang gọi tiếp những bản hùng ca”. Rôi bài bài hát ca ngợi Lê Đình Chinh- người anh hùng đã ngã xuống- quyết tử để Tổ Quốc quyết sinh,…
Những ca từ rất đẹp, có thể nói là hoành tráng, nhạc điệu hùng hồn cứ ngân nga mãi trong chúng tôi- những đứa trẻ chỉ biết biên giới phía bắc qua giờ học địa lí. Rồi một buổi sáng, bạn quản ca yêu cầu cả lớp phải thuộc bài hát mới: “ Lời Tổ Quốc kêu gọi”. Và, giờ ra chơi, giờ sinh hoạt đầu buổi, chúng tôi say sưa tập. Những câu hát như lời giục giã:
“Ôi Tổ Quốc ta đã nghe lời kêu gọi
Trong tiếng hờn, trong máu lửa ngập trời
Thù muôn gieo đau thương, xót xa đầy trong cơn thê lương
Thù muôn gieo đau thương bao suối lệ tràn dâng muôn phương…”
“ Ta đi chiến đấu quyết đánh tan quân bạo tàn
Bảo vệ Việt nam quê hương ta!”
Hình như ca từ đó, giai điệu đó đã làm chúng tôi, những cô cậu chưa đầy mười tám tuổi, thổn thức, sục sôi nhiệt huyết. Rồi có lệnh Tổng động viên. Rất nhiều, rất nhiều những người đã rời quân ngũ, tiếp tục lên đường. Trường chúng tôi, một số học sinh cũng tình nguyện xung phong ra miền biên giới. Trong số đó, có hai bạn lớp tôi: Nam và Hậu.
Buổi chiều trước ngày hai bạn lên đường, lớp tôi tổ chức liên hoan. Nói là liên hoan cho oai chứ chỉ có mấy đĩa kẹo dồi, kẹo hoa quả, một ít quả ổi, quả xoài các bạn hái ở vườn nhà mình. Và không thể thiếu những chùm hoa dẻ- loài hoa dân dã, chín vàng, hương thơm dìu dịu mà tuổi học trò hình như ai cũng thích. Chúng tôi chia nhau những chiếc kẹo, những miếng xoài, tặng nhau những bông hoa dẻ. Và hát, hát thật nhiều bài về trường lớp, về quê hương, về tình bạn… Ai cũng muốn buổi chiều hôm đó hoàng hôn đừng buông xuống, để chúng tôi tận hưởng niềm vui được ở mãi bên nhau…
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc. Trước lúc chia tay, các bạn phát biểu, ai cũng nói về những dự định tương lai của mình… Một sáng tháng ba, sân trường đầy nắng. Buổi tiễn chân diễn ra bồi hồi, xúc động. Chia tay, bịn rịn, xao xuyến. Và bất chợt, tôi nhớ mấy câu thơ của Lê Liệu, trong bài Về Sầm Sơn:
“Giờ chia tay, trường vẫn điểm đều tiếng trống
Vẫn hát vang bài ca xây dựng
Nắng vẫn vờn trên mái ngói xôn xao
Anh lên đường tình yêu vẫn đẹp sao
Tiền tuyến gọi tạm xa em, em nhé
Chuyện khất hoãn ngày mai anh sẽ kể
Anh lại lên đường cho kịp lúc tiến công”…
Chia tay, có nụ cười, có nước mắt, có hồ hởi, có cả lo âu…Hành trang của bạn là chiếc ba lô, cuốn sổ có rất nhiều những dòng lưu bút và những bông hoa dẻ ép mỏng, thoảng thơm. Những ngày sau đó, chúng tôi sống trong sự chờ đợi…Rồi những cánh thư cũng đã về. Chúng tôi reo lên sung sướng khi nhận được thư bạn gửi về từ biên giới. Trong thư, bạn kể về đồng đội, về cuộc chiến, cả về cuộc sống người lính nơi biên cương; về núi rừng Tây bắc với những chùm hoa ban đang bung cánh…Qua thư bạn, chúng tôi hiểu cuộc chiến cam go, khốc liệt. Và trong trí tưởng tượng của chúng tôi lúc đó, bạn mình đã cùng đồng đội đã, đang:
“đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo” như những câu thơ trong bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu, trong lòng có chút tự hào.
Rồi những cánh thư thưa dần. Chẳng ai bảo ai, trong chúng tôi có những bồn chồn, lo lắng… Năm học cuối cấp 3 sắp kết thúc. Chúng tôi bận bịu với bài vở, ôn thi, với những hồ sơ dự tuyển. Những buổi chiều ôn thi, thơ thẩn dưới gốc bàng, tán phượng trong cái nắng gay gắt miền Trung…
Ngày hè đến, mỗi đứa về mỗi ngã. Một buổi chiều, bạn lớp trưởng hớt ha hớt hải đạp xe đến báo tin: bạn Nam lớp mình đã hy sinh trong một trận tấn công của giặc. Tôi sững người, hai ba bạn nữa cũng đến, chẳng ai bảo ai, chúng tôi ra gốc nhãn trước cổng ngồi thừ ra, mắt đẫm lệ, nhạt nhoà,…
Một năm nữa lại qua đi. Lại những ngày ôn thi vất vả. Năm nay, tôi phải cố gắng, thi cho mình, thi cho cả phần bạn- như lời dặn của Nam trước lúc chia tay: “ Cậu phải học thật nhiều, học cả cho phần tớ”. Tôi phải đậu Đại học, học cả cho tôi, và học cả cho phần bạn. Nam ơi, cậu cứ yên tâm nhé!
Bốn mươi năm đã trôi qua, bốn mươi năm là ba chín mùa hoa dẻ, chúng mình chia tay, nhưng chẳng bao giờ chia xa. Những bông dẻ trong vườn nhà vẫn chín vàng, toả hương thơm, nhờ gió đưa đến nơi biên giới xa xôi. Nơi biên cương của Tổ Quốc, những ngày này, hoa Ban sắp nở, những cánh ban trắng như tuổi học trò trong trắng của chúng mình. Những cánh ban đỏ như màu của niềm tin yêu vĩnh cửu!