16 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Những mùa hoa dại khờ

Trong Mắt TôiNhững mùa hoa dại khờ

Không biết từ bao giờ, hoa phượng được gọi là hoa học trò. Cũng không biết từ bao giờ mà những cô cậu học sinh trong trang lưu bút ngày xanh bên cạnh những dòng chữ ngoằn nghèo hoặc nghiêm ngắn đều gắn vào đôi cánh phượng đỏ thắm tạo hình cặp hồ điệp quấn quýt bên nhau. Và không hiểu vì sao trong những tấm hình kỉ niệm mỗi khi hè sang những người thợ ảnh lành nghề đều gắn vào vòm lá xanh của khung hình đôi nhành phượng đỏ.

           Có phải từ khi mỗi đứa trẻ lần đầu tiên líu ríu bước vào sân trường mới lạ với cảm giác hồi hộp, lo âu cứ bấu chặt tay mẹ không rời. Vừa ngỡ ngàng, bâng khuâng vừa tò mò khám phá. Rồi bất chợt nhận ra trên vòm lá những cánh mỏng bay bay. Đứa trẻ hân hoan buông bàn tay mẹ, vừa chạy vừa giơ tay đón bắt những chiếc lá nhỏ xinh xinh bay trong làn gió nhẹ như bầu bạn, như ghẹo trêu. Và rồi từ giây phút ấy không còn thấy lạ lẫm với sân trường. Cũng từ giây phút ấy thấy thân thương, gần gũi với ngôi trường, với thầy cô, bạn bè và những mùa hè xao xác tiếng ve.

                         Phượng cũng là loài hoa mặc định cho mùa hè của xứ nhiệt đới. Tháng năm, trên khắp mọi miền của Việt Nam đều nhuộm đỏ sắc trời hoa phượng. Nhưng phượng có nhiều nhất là ở Hải Phòng. Có phải thế mà Hải Phòng được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ ?

Giữa cái nắng chói chang của những ngày hè rực lửa, tiếng ve sục sôi trên những vòm phượng đỏ báo cho lũ trẻ biết những ngày nghỉ hè đang cận kề. Trên sân trường, khoảng không dưới tán xanh đỏ rực những xác hoa. Ngó lên vòm xanh chỉ còn thưa thớt lá. Tất cả nhuộm một màu rực rỡ. Cái màu hoa ưa nắng đến lạ lùng. Càng chói chang, càng oi nồng, bức bối màu đỏ càng đậm sắc hơn.

            Phượng đỏ tự nhiên và đẹp cũng rất hồn nhiên không màu mè tô vẽ. Đố người họa sĩ tài hoa nào pha chuẩn sắc màu hoa phượng trong bức tranh của mình. Loài hoa năm cánh đỏ tươi như màu lửa cháy. Thi thoảng trong số những cánh đỏ ấy có một cánh lạc bầy pha chút màu trắng loang lỗ .

Hoa phượng không mọc đơn lẻ mà từng chùm nụ nhú ra không cùng thời điểm. Lúc đầu màu xanh đậm, bé như hạt đỗ xanh. Chúng lớn dần và ngả màu vàng nhạt, óng ả. Những kẽ nụ căng nhức như sắp nứt rạn ra cái màu đo đỏ. Rồi một sáng kia thi nhau bật nở tung tóe đỏ trời. Chùm phượng không nở đồng loạt mà từ từ, dần dần theo kiểu “cô chị đi cô dì lớn”. Nụ phượng nào ra trước sẽ nở trước.

Ảnh: Tạ Phương Hoa

                         Từ ngoài vào trong như người ta thắp bông lửa cháy vòng tròn thật đẹp. Có sự bao bọc của những cánh hoa rực rỡ hoặc sắp tàn cho những nụ bé xinh còn rung rinh lắc lư trong gió. Ngó chùm phượng đỏ mà như gặp hình ảnh quần tụ, chở che của những gia đình người Việt xưa vốn quen nếp “tứ đại đồng đường”. Ông bà, cha mẹ bao bọc lũ con, cháu, chắt trẻ dại, non tơ, tinh nghịch phía trong. Ngày ông bà về với đất cháu chắt cũng kịp lớn lên tự lập vững vàng.

Hè sang, những bông phượng cháy hết mình trên lưng trời trong vắt. Ai đã thắp những ngọn đuốc khổng lồ lên nền trời xanh thẳm để chiều nay có kẻ tha phương ngang qua bến sông lạ, chợt thấy lòng đỏ lửa, mắt cay xè một nỗi hoài hương? Có phải phượng thương những chú ve dại lòng khóc hè đến nỏ mà đỏ mắt cười với mây trời mà đu mình theo ngọn gió phiêu diêu. Ai đã từng yêu màu phượng đỏ trong những chiếc giỏ xe hẳn yêu câu ca tình tứ mà trong veo cái tình yêu cảm tính thuở học trò.

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng Em chở mùa hè của tôi đi đâu Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu...

                        Những lời ca gợi cảm đến vô cùng. Như đụng chạm vào cái sợi noron thần kinh sâu lắng và tinh tế nhất trong mỗi con tim khạo khờ. Những chùm phượng đỏ đậu trong giỏ xe cô nữ sinh với tà áo trắng tinh và đôi mắt trong veo, đen tròn làm dại lòng bao cậu chàng mới lớn.

“Em chở mùa hè của tôi đi đâu”?

Câu hỏi làm quen mới vụng về lúng túng, mới tình tứ làm sao? Cái “tình trong như đã mặt ngoài còn e” vừa vụng dại, vừa e ấp đáng yêu làm sao? Để rồi “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu – Nên có một gã khờ ngọng ngịu đứng làm thơ”.

            Có thể nói, có bao nhiêu mùa phượng đỏ đi qua thì có bấy nhiêu lớp lớp những con tim bồng bột loạn nhịp bởi mối tình đầu bấy nhiêu. Bởi vậy, mỗi mùa hè sang, khi phượng thắp lửa hai hàng cây bên đường như những chiếc ô khổng lồ đỏ rực lại khiến vòm ngực ai đó rưng rưng nhớ về thời hoa bướm.

                       Ngày tôi còn là cô bé. Không hiểu vì sao luôn tự mặc định cho mình một điều khờ khạo: Tất cả những sân trường khắp mọi miền Tổ quốc đều trồng phượng. Và ngoài phượng ra người ta không thể trồng loại cây nào khác. Và tôi tự nhiên, hồn nhiên với suy nghĩ ngộ nghĩnh đó cho đến ngày thành nữ sinh trung học phổ thông. Lần đầu tiên bước vào ngôi trường lớn, điều làm tôi thất vọng nhất là không có một bóng phượng nào ngoài những cây xà cừ cổ thụ. Tôi như đứa trẻ lớn lên giữa làng tò he nay chỉ được chơi những đồ chơi hiện đại. Vì thế lúc nào cũng có cảm giác ngôi trường âm u, ẩm dại suốt cả thời trung học. Tìm đâu cũng không thấy cái màu chói chang của mắt phượng.

Sở dĩ, tôi không tìm thấy cảm giác gần gũi với những bóng xà cừ là vì sân trường cấp 1, 2 của tôi trước rợp bóng phượng. Những cây phượng với tán xanh biếc, gốc cổ thụ và đám rễ ngoằn ngoèo như những con mãng xa nổi lên trên mặt đất ẩm mịn là chỗ trú chân của lũ trẻ chúng tôi suốt một thời trẻ dại. Chúng mọc san sát nhau như một bức tường thành vững chắc. Mỗi khi ra chơi chúng tôi thường trốn tìm ở đó. Tán lá xanh biếc và tấm thân nâu nâu màu nhựa mận sạch sẽ. Mùa hoa đỏ rực rơi đầy mặt đất. Mỗi lần quét qua như thấy cánh hoa cựa mình rên xiết. Trong con mắt trong veo của lũ trẻ con chúng tôi vẫn khát thèm từng chùm phượng đỏ nên cứ ngửa cổ rạn mắt nhìn lên vòm trời xanh biếc mà ao ước ai hái cho cái chùm hoa lửa.

                        Giã từ những lớp học bé nhỏ, chúng tôi lên trung học cơ sở. Gọi là lên thôi nhưng vẫn là học chung một sân trường, chỉ là khác dãy phòng học. Phía tây là trung học và phía đông, nam là tiểu học. Điều đặc biệt là những cây phượng sân trường phía tây không xanh và cao như phần sân trường phía đông. Có lẽ vì nắng nhiều hay vì lũ trẻ trung học trèo leo từ sớm. Tán phượng ở đây rất thấp. Xòe rộng và có những cành nằm song song mặt đất. Thành ra nó như cái nôi để lũ trò ma quỷ chúng tôi tha hồ thử sức.

Ảnh: Mục đồng

           Những buổi lao động xong, mỗi đứa một cành nằm, ngồi nghêu ngao như lũ cò trong những rừng tràm xanh biếc. Và cây phượng dại nắng màu hoa cũng vàng hơn. Nó như màu gạch non nhưng chói chang khi có nắng. Lũ quỷ mắt xanh không còn nghển cổ thèm thuồng chùm phượng đỏ nữa. Bọn con trai đã có thể leo lên vít những cành thấp xuống cho lũ con gái hò nhau bẻ những chùm nụ vàng óng. Rồi giành nhau từng chiếc nụ to óng ả. Sẽ tách ra từng cánh rồi bóc phần lụa đỏ phía trong, dán lên mười đầu móng tay. Thế là đã thành đôi bàn tay búp măng nhọn hoắt. Sẽ huơ huơ lên mặt đứa khác như mụ phù thủy trong câu chuyện cô giáo kể. Đêm về, có đứa trong mơ còn hét lên, giãy đạp, vùng chạy. Lũ con trai thì khác. Chúng lấy những đôi dâu phượng có cái mũ xinh xinh làm gà để chọi. Chỉ hai đứa chơi mà cả bọn hò hét. Tiếng vỗ tay vang dội khi một tên gà bị gãy cổ.

Bị đau là vậy mà những chùm phượng đỏ vẫn lắc lư trong gió. Những tán lá xanh vẫn rì rào gọi mời tha thiết. Và lũ con nít lên năm thì thích những cành lá phượng. Sẽ tuốt ra làm cơm, gạo trong trò chơi đồ hàng. Sẽ thả xuống những dòng mương nhỏ và đuổi theo cho đến khi lá trôi tuột vào một miệng cống. Hụt hẫng. Những trò chơi vận động của trẻ con thôn quê bốn mùa đều gắn với cây phượng như thế.

                         Mùa đông sang, những quả phượng chín khô, đen lại rồi tách vỏ. Những hạt phượng bằng đầu đũa ăn cơm, dài như chiếc cúc tre áo puy za ma sau này tôi biết, rơi khắp gốc phượng. Lũ trẻ sẽ nhặt sạch từng hạt như lũ chim gõ kiến bắt sâu đem về bỏ vào những ống đựng. Và khi mùa quả xoan đi qua sẽ chơi ô ăn quan bằng hạt phượng. Nhưng có ích nhất phải là những vỏ quả phượng khô. Mỗi khi có gió mạnh thổi qua, nhất là khi trời nổi dông sẽ rụng xuống đầy đường. Khi ấy, lũ trẻ sẽ giành nhau nhặt lấy đem về để nấu. Những ôm củi đầu tiên mà chúng tôi kiếm được là những ôm vỏ quả phượng sạch sẽ và cháy bùng bùng, nổ lách tách trong gian bếp nhà mình.

Tôi đi qua thời học sinh trong màu mắt phượng nồng nàn và mối tình đầu vụng dại. Để lại nơi sân trường ánh mặt ngại ngùng của tuổi tròn trăng. Theo tháng năm để rồi thành người lớn. Những gốc phượng vẫn ở đó, mộc mạc, giản dị như tâm hồn mỗi đứa trẻ thôn quê. Chiều nay, thả mắt dọc theo triền đê bỗng gặp lại cái màu lửa đỏ. Phượng ơi có phải ta đã để quên trong màu mắt phượng một nỗi hoài hương?

 

Check out our other content

Most Popular Articles