Một tản văn của Thanh Nga

Thời gian đi qua sẽ chẳng bỏ sót một ai để khiến người ta được nương theo tuổi thơ mà gan lì ở đó mãi mãi. Tôi cũng phải theo những buổi chiều mà lớn lên, mà trưởng thành.

Khung cửa sổ có chấn song bằng gỗ, khẽ đung đưa một sợi tơ nhện mỏng manh ở đâu rớt xuống. Cơn gió nhỏ khẽ thổi cũng đủ làm sợi tơ bay lên. Chiều buông nắng, nỗi trầm mặc như nốt nhạc trong khuông rơi rụng. Tôi lại ngẩn ngơ, rơi lãng đãng về những buổi chiều.
Ngày ấy, cũng vào tháng Bảy này, mùa hè vẫn chiếu tia nắng vàng lên đỉnh ngọn cau một cách chói sáng và kiêu hãnh. Tôi còn là đứa trẻ nghịch chơi tết hình thù con gà từ những sợi rơm vàng ngày mùa. Có những buổi chiều chạng vạng tối, vẫn nồng đượm ở đâu ra chút ánh sáng từ nơi nào chẳng biết? Không phải ánh sáng của mặt trời, không phải từ đèn điện. Hình như là từ bếp lửa thổi cơm chiều của bà đang nấu.

Tôi chạy men theo ánh sáng ấm áp đó, bắt gặp cái nhìn trìu mến của bà. Tôi ngồi cùng bà buổi chiều ấy, ngọn lửa bập bùng bên nồi cơm sôi. Chiếc ghế gỗ nho nhỏ chỉ vừa một người ngồi, bà cầm chiếc que cời bếp làm từ cây tre, gõ gõ xuống nền bếp.

Một âm thanh của chiều quê, bà nói điều gì đó mà tôi quên mất rồi, quên vì cái ngày ấy tôi còn quá nhỏ. Chỉ có buổi chiều còn vẹn nguyên cảm xúc trong tâm trí một đứa trẻ non nớt ấy là tôi. Có nhiều lúc tôi thầm nghĩ, những điều lãng đãng xa xôi ấy có làm nên một buổi chiều? Có thể lắm chứ, một buổi chiều đủ ngọt ngào, rất riêng trong tôi.

Tôi lại nhớ những buổi chiều đợi mẹ về. Tôi có nhiều buổi chiều phải đợi mẹ hơn những đứa trẻ khác bởi mẹ tôi hay phải đi xa. Mẹ đi qua bão giông để giải quyết những khúc mắc của cuộc đời, để tìm kiếm hạnh phúc, thứ mà mẹ đã chẳng dễ dàng gì có được như người ta. Từ phía cổng, tôi thấy những dòng người đi qua trở về tổ ẩm của họ trong mỗi buổi chiều. Căn nhà tôi vẫn vắng vẻ, tôi cố kiếm tìm sự bận rộn của buổi chiều trong ngôi nhà nhỏ chỉ có hai mẹ con tôi. Chẳng có gì ngoài mấy chú ong mật đang bay xè xè bên cánh hoa mướp màu vàng như nắng. Lũ côn trùng nhỏ bé nhưng thật bận rộn và sinh động trong buổi chiều hè.

Tôi nghe tiếng í éo của mấy đứa trẻ bên nhà hàng xóm, họ gọi nhau nhóm lửa, nấu cơm, chiều rồi. Mẹ tôi về từ xa khi chiều chạng vạng, tiếng xe đạp theo bước chân mẹ dắt cứ đan vào nhau kêu tanh tách. Giọng mẹ ấm áp thân thương. Hai mẹ con rúc vào buổi chiều khi căn bếp bừng lên ngọn lửa hồng ấp ủ. Có điều gì đó lặng im và thân thương đến lạ kỳ, những buổi chiều ngày ấy bên mẹ của tôi.
Chắc mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ biết, có một buổi chiều tôi khóc. Là khi tôi đợi mẹ quá lâu chưa thấy mẹ về. Tôi ra phía cổng ngóng cái dáng của mẹ cao cao, gầy gầy. Mẹ mặc chiếu áo sơ mi màu tím nhạt, mẹ đội chiếc nón lá trắng đã phai thêm màu nắng mưa. Lòng tôi đã buồn sẵn những nỗi buồn giăng mắc, chỉ vì lúc chiều ông ngoại cho tôi nghe câu chuyện trên đài phát thanh. Câu chuyện trong trí nhớ bập bõm của tôi, có cô bé chạy miết theo buổi chiều tìm mẹ không về. Tôi vì đồng cảm quá mà buồn, mà khóc. Thế mà buổi chiều hôm đó mẹ tôi không về thật. Thực ra tôi biết mẹ không về, nhưng tôi bướng bỉnh ngược chiều ra đứng ngóng để tìm kiếm một hi vọng mong manh. Tôi chạy vào nhà khi chiều tắt bóng, tôi mênh mang ngồi bên ông ngoại mà giấu đi dòng nước mắt. Mẹ tôi về quê chồng, để lại cho tôi những buổi chiều đứng đợi trong sự cô đơn.
Một buổi chiều khi cơn gió Bấc đầu mùa vừa đến, khi trong bếp chẳng còn bó rơm rạ nào để thổi cơm. Tôi men theo hàng cây bạch đàn, cúi nhặt từng chiếc lá nhét vào bao. Tôi chạy theo cái nắng buổi chiều mùa đông chóng tàn, vì nếu không nhặt nhanh những chiếc lá rơi, thì bóng tối sẽ ngự trị buổi chiều và xâm chiếm mất. Thế mà tôi thấy thật ham khi cúi nhặt từng chiếc lá. Những chiếc lá bạch đàn khô rồi từ trên cây rụng xuống, chúng như ướp một mùi hương thơm khiến ngọn lửa cháy thật đượm. Tôi và ông ngoại ngồi bên nhau nấu bữa cơm chiều. Tôi ít nói, ông ngoại trầm mặc như đêm. Vậy mà hai ông cháu quý nhau đến lạ. Cứ thảng bên bếp lửa có mùi hương của lá bạch đàn mà say, mà êm.

Ông bảo “Na đừng buồn! Tuần sau mẹ về thăm Na đấy!”. Lòng tôi chộn rộn những nỗi niềm vui vui khi nghe ông ngoại báo tin. Buổi chiều hôm ấy thật đẹp! Hay có lẽ ông tôi thật khéo léo dệt những buổi chiều đáng nhớ thành kỷ niệm như mật ngọt. Ông quàng thêm cho tôi chiếc khăn màu xanh của mẹ để giữ ấm cái cổ cho tôi kẻo ho. Đôi mắt đen to tròn của tôi nhìn ông đầy thổn thức. Bên hiên, nồi cơm canh ấm nóng, một buổi chiều bảng lảng bay lên.
Thời gian đi qua sẽ chẳng bỏ sót một ai để khiến người ta được nương theo tuổi thơ mà gan lì ở đó mãi mãi. Tôi cũng phải theo những buổi chiều mà lớn lên, mà trưởng thành. Tôi mang theo những vết sẹo chẳng chịt trong lòng.

Vết sẹo là khi ông tôi không còn nữa, ông ra đi sau một buổi chiều nắng nhạt vắng mặt tôi. Vết sẹo là khi bà cũng đi xa, buổi chiều mùa đông năm ấy, bà gọi tên ông thao thiết rồi buông tay nhắm mắt khép hờ. Vết sẹo là khi tôi đợi mẹ suốt cả buổi chiều không thấy, rồi một ngày mẹ trở về bên chiếc xe đạp cũ với đầy vết thương lòng nát tan. Hai mẹ con tôi lại nương theo buổi chiều mà đi qua đớn đau. An ủi nhau cho những buổi chiều không nắng cũng chẳng muốn buồn.
Tôi không thích những buổi chiều ồn ã. Những buổi chiều khi bọn bạn tranh luận bài vở hơn thua. Những buổi chiều tôi gồng mình chạy xe trên phố, lách mãi cho ra một lối đi riêng để trở về nhà. Những buổi chiều tất bật lo toan, bước qua nhau chẳng kịp gửi một lời chào. Những buổi chiều tôi chẳng đủ chênh chao trước một nhành hoa nở, vội vã bỏ quên vì tâm trí ghì chặt gánh nặng mưu sinh.

Những buồi chiều của tôi thật buồn. Nhưng tôi thích điều đó, cuộc đời đã sinh ra tôi dường như chỉ để buồn. Tôi rất sợ những chốn đông người, nơi tiếng nói cười đua chen sặc sụa. Lúc đó, tôi chỉ biết lặng im, nheo mắt nhìn vào khoảng không xa xa, nơi không có tiếng ồn ào để suy nghĩ. Những khoảng không xa xa đó có hình thù rất giống những buổi chiều, bình yên và lặng lẽ.
Những buổi chiều sẽ trở thành kỷ niệm. Tôi một mình ra ga tàu trong buổi chiều nhập nhoạng tối. Sân ga ngày hôm ấy có cả những vết thương lòng tôi nặng mang. Vài người đi về trong chiều sân ga vắng, tôi thu mình lại ngắm buổi chiều trôi qua ô cửa sổ chuyến tàu. Có ai đi mau, về mau cho kịp kẻo chiều rơi?