Thỉnh thoảng tôi lại nhớ về bà ngoại. Sự gắn bó giữa tôi và bà ngoại chỉ hơn mười năm nhưng ký ức về bà với những ân cần thương yêu vẫn làm tôi ứa nước mắt mỗi khi nhớ về. Bà là người cắt rốn cho tôi.
Mẹ kể, ngày mồng một tháng Chín, mẹ có dấu hiệu trở dạ nhưng lúc bà ngoại dẫn mẹ ra trạm xá, chờ mãi mà tôi vẫn chưa chịu ra đời; bà và mẹ đành gói ghém đồ đạc rồi cùng về nhà bà, để lỡ có chuyện gì ra trạm xá cho kịp. Sang buổi chiều hôm sau, trong khi mọi người lũ lượt ra sân kho xem lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày đất nước độc lập thì mẹ ở nhà, thung thăng đưa võng. Rồi mẹ thảng thốt kêu lên: “Em ra rồi mẹ ơi!”.
Bà ngoại ban đầu không tin, đến lúc chạy đến thì thấy một đứa bé đỏ hỏn, không khác gì một con mèo con đang nằm lọt thỏm trên võng. Bà vội vàng lau rửa rồi cắt rốn cho tôi. Sau này, những lúc rỗi rãi, mẹ vẫn kể lại câu chuyện này, như một dấu ấn sâu đậm về lần sinh nở dễ dàng nhất.
Ngày còn học mẫu giáo, sau mỗi buổi học tôi thường ghé vào nhà bà. Có hôm, tôi ở chơi với bà rồi chờ mẹ hoặc anh chị đến đón về, cũng có hôm tôi tự về nhà. Tôi ở lại, thơ thẩn quanh bà. Lúc thì lấy nước, có khi lại lấy giúp bà miếng cau lá trầu quanh quẩn đâu đó. Bà bỏm bẻm nhai trầu, mùi trầu cay thơm nồng phảng phất khắp gian nhà.
Trong ký ức tôi vẫn còn neo lại hình ảnh những đồng tiền năm xu, một hào mà lâu lâu bà lại dấm dúi cho tôi để lúc đi qua chợ, tôi sẽ ghé vào một hàng xén nào đó, tự mua cho mình những chiếc kẹo nụ bé bằng đầu ngón tay cái. Gọi là kẹo nụ vì hình dáng của nó không khác gì nụ hoa còn chúm chím. Kích cỡ và hình dáng của những chiếc kẹo hồi đó rất giống với những viên thuốc giun quả núi bây giờ. Những chiếc kẹo ngọt lịm, và trở nên sinh động hơn khi được nhuộm lên các màu trắng, hồng, xanh.
Bởi rất nhiều gắn bó như vậy nên ngày bà mất, tôi đã khóc rất nhiều. Lúc đó, tôi mới mười hai tuổi nhưng vẫn cảm nhận được sự mất mát, cảm nhận nỗi đau khi phải lìa xa một người mà mình hằng yêu quý. Tiếng khóc “Ớ bà ơi” cứ mắc lại nơi cổ họng. Thế là vĩnh viễn tôi sẽ không còn được lấy nước, lấy trầu cau cho bà. Gian nhà vĩnh viễn không còn mùi trầu cay thơm nồng. Âm dương cách trở trùng trùng.
Thuở nhỏ, vào những buổi tối mùa hè, mấy mẹ con tôi lại trải chiếu ngoài thềm nằm ngủ. Không có niềm sung sướng nào bằng khi được ngủ dưới gió trời lồng lộng trong đêm hè thanh vắng. Tôi ngủ liền một mạch, không còn biết trời trăng là gì nữa. Có một buổi sáng thức dậy, mẹ tôi bảo, đêm qua mẹ vừa trông thấy bà về. Bà chống gậy, chậm rãi bước vào ngõ rồi vì tập tục hay gì đó mà bà không vào nhà, chỉ ngồi ở bờ sân rồi ân cần hỏi mẹ: “Nhà còn lúa không con?”.
Khuôn mặt mẹ bần thần, giọng ríu lại như thể cuộc gặp gỡ mới vừa lướt qua tức thì. Tôi chưa bao giờ gặp những chuyện như vậy, là chuyện gặp gỡ giữa người sống và người chết. Cũng có thể tôi là người thiếu niềm tin vào chuyện tâm linh. Thêm nữa, cái duyên mẹ con dù sao cũng lớn hơn cả. Nên có lẽ vì thế mà mẹ tôi có may mắn được gặp lại bà, dẫu chỉ trong giấc mơ.Trong những giấc mơ của mẹ, mà bà vẫn đầy ân cần: “Nhà còn lúa không con?”. Câu hỏi ấy khiến tôi se lòng, không quên những tháng ngày thiếu gạo, phải ăn cơm độn khoai. Thương con thương cháu, lúc nào có thể, bà lại dấm dúi cho mẹ tôi khi thì cân gạo hay lọ mắm. Anh em tôi đã lớn lên trong tình yêu thương của bà như vậy.
Nghe mẹ kể lại, tôi không sao cầm được lòng. Một kiếp người đi qua, chỉ có tình yêu thương là ở lại. Và đó mới là tải sản quý giá nhất đối với tất cả mọi người. Giờ, tôi chỉ mong được gặp bà, theo cách mà mẹ tôi đã gặp, để nói một câu cho bà yên tâm: “Nhà cháu bây giờ đủ ăn rồi bà ạ!”.