Con sông Ngũ Huyện Khê xinh xinh chảy qua làng tôi như một dải lụa mềm duyên dáng. Dòng sông đã chảy đầy ăm ắp vào trong tuổi thơ tôi, đắp bồi cho đồng ruộng xóm làng trở nên trù phú.
Người dân quê tôi ai cũng thuộc lòng câu ca:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Đa Hội với anh thì về
Đa Hội có gốc cây đề
Có sông tắm mát, có nghề buôn than
Đầu làng có cái Ao Quan
Cây đa ba chạc bên đàng cái đi
Trong làng thổi bễ ì ì
Chợ làng buôn bán thức gì đủ mua.

Có thể nói bài ca dao đã khái quát toàn cảnh một làng Đa Hội cổ có bề dày 420 năm. Ông tổ họ Trần, tổ nghề rèn, và cũng là thành hoàng làng- thái bảo quận công Trần Đức Huệ- sau khi giã từ binh nghiệp đã về đây lập làng và truyền nghề rèn cho con cháu. Nghề rèn đã trở thành thương hiệu của làng tôi cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau.

Từ gà gáy, nhà nhà đã vang lên tiếng bễ thổi phì phò, tiếng búa quai chí chát, lách cách, tiếng chó sủa, tiếng chân bước gấp gáp, tiếng gà gáy râm ran…tất cả tạo nên một âm thanh đặc thù của làng rèn quê tôi.
Thầy tôi, một thợ rèn lành nghề, một thợ cả- dùi tay kỳ cựu cho dù đã từng tham gia du kích, bị Pháp bắt và tra tấn dã man nên sức khỏe không tốt lắm. Thầy giỏi tiếng Pháp và chữ Hán. Chính nhờ vốn tiếng Pháp và sự khôn ngoan, tài trí đã giúp người thoát khỏi lao tù và chạy trốn lên vùng tự do (phố Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Hòa bình lập lại, thầy dắt díu vợ con trở về làng mở lò rèn.
Lò rèn nhà tôi đặt ở gian giữa nhà ngang. Từ khi gà còn chưa gáy sáng, người đã trở dậy cời than, nhóm lò…chuẩn bị cho buổi rèn sáng. Một lúc sau thì thợ lục tục kéo đến. Một cậu choai choai ngồi chễm chệ trên cái ghế tận đỉnh bễ. Hai tay nắm 2 cần bễ, cậu tay co, tay duỗi kéo lên, đẩy xuống nhịp nhàng, thổi hơi theo ống bễ vào cái lò hình lòng chảo chứa đầy than kíp lê đang cháy rừng rực.
Thầy ngồi trên cái ghế con cạnh lò, trước mặt là cái đe to hình chữ nhật đã nhẵn bóng, 2 bên là 2 tay ba búa lực lưỡng lưng trần, bắp tay nổi lên cuồn cuộn. Thầy nhẹ nhàng cầm kìm kẹp 1 thanh sắt vùi sẵn trong lò đã đỏ rực ra đặt lên đe, tay phải cầm dùi tay gõ nhẹ vào miếng sắt để đánh dấu vị trí.
Hai thợ rèn hiểu ý cầm chiếc búa to thi nhau nện xuống. Tay cầm kìm của thầy khéo léo điều khiển miếng sắt vào, ra, trái, phải, lật lên, lật xuống cùng nhịp dùi tay gõ đều đặn…điệu nghệ như một diễn viên xiếc. Tôi đứng ngây người nhìn những tàn lửa bắn ra tung tóe như muôn vàn vì sao lấp lánh trong đôi mắt trẻ thơ, làm thầy phải nhắc: ” Dịch ra xa kẻo bỏng, con gái”.

Được một lúc, chừng miếng sắt đã nguội bớt, rắn lại, thầy gõ dùi xuống đất, 2 thợ rèn lập tức dừng lại, chống búa, với khăn vắt vai lau mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, cổ và tấm lưng trần bóng nhẫy.
Thầy thả miếng sắt vào chậu nước lớn bên cạnh kêu “xèo xèo”, hơi nước bốc lên mù mịt như 1 đám mây nhỏ. Thầy quay vào lò lấy tiếp 1 miếng sắt khác ra, và quy trình lặp lại như cũ. Mỗi lần như vậy gọi là 1 “đỏ”, phải mất vài “đỏ” (tùy theo từng sản phẩm) thì một sản phẩm mới được hoàn thành. Nhà tôi chuyên rèn xẻng. Tuy rèn thủ công nhưng những chiếc xẻng xếp lên nhau đều tăm tắp như cùng 1 khuôn đúc ra vậy. Xẻng nhà tôi “ăn đất”, sắc ngọt nhờ kĩ thuật tôi của thầy, “thợ mộc thì bào, thợ rào thì tôi”, nên hàng nhà tôi toàn được đặt trước. Là thợ lành nghề và trọng chữ tín nên dù đắt hàng, thầy cũng chả bao giờ làm bừa, làm ẩu. Người nâng niu từng sản phẩm như những đứa con tinh thần của mình.
Là con út nên tôi được thầy thương lắm. Cũng bởi khi sinh tôi được vài tháng thì mẹ tôi trở bệnh. Cái căn bệnh tâm thần quái ác đã biến mẹ tôi từ 1 người đảm đang, chu toàn, tháo vát…thành một người bấn loạn, nói năng lảm nhảm và hoang tưởng. Ngày đấy chả có thuốc gì ngoài an thần và trói chân tay lại mỗi khi người lên cơn. Bế đứa con đỏ hỏn đang khóc ngằn ngặt vì khát sữa và thèm hơi mẹ là tôi trên tay, thầy cắn chặt môi tìm người để khiến nuôi (mang con đến nhà người đang nuôi con nhỏ, thuê người ta nuôi). Người chị gái hơn tôi 14 tuổi đã khóc xin thầy giữ tôi lại: “Thầy để con đi xin sữa nuôi em”.
Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của thầy, của các anh chị và bà con lối xóm. Thầy vừa làm cha, vừa làm mẹ. Thầy chăm tôi lúc chị đi học và trông nom người vợ tật nguyền. Mọi công việc chăm lo gia đình, nuôi dạy các con…đổ cả lên đôi vai gầy guộc của thầy. Người bế tôi đi xin sữa, nhá cơm mớm cho tôi, dắt tôi đi những bước đầu tiên, uốn cho tôi từng câu nói líu lo ngọng nghịu, dắt tay tôi đến trường, cầm tay tôi viết từng nét chữ…
Đôi tay chai sần, thô ráp của người thợ rèn vụng về chải tóc, tết bím, thắt nơ cho tôi. Đôi mắt thầy ánh lên niềm vui nhìn đứa con gái nhỏ nhoi đang lớn lên từng ngày. Tôi thích nhất những buổi chiều rảnh rỗi, thầy ngồi bên thềm đặt tôi trên đùi và hát:”Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào còn không biết cái chi chi…”. Giọng thầy trầm ấm, xa xăm, đôi mắt chứa chan tình thương yêu vô bờ bến.
Càng học lên trên, tôi càng khai thác được nhiều vốn hán ngữ phong phú của thầy. Lời giảng giải của thầy cặn kẽ, dễ hiểu, dễ nhớ. Vì vậy mà tôi học khá môn văn hơn là môn toán. Cái bản tính cương nghị, trung thực, thẳng thắn, bao dung và cực kì tiết kiệm đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của anh chị em tôi.
Trong kí ức non nớt của tôi vẫn còn in đậm hình ảnh những buổi trưa hè, 2 chị em tôi mài củ nâu ra nhuộm vải. Thầy mua vải diềm bâu trắng, cắt thành từng tấm chừng 3, 4m và khâu khuyết vào 4 góc. Chúng tôi nhúng vải vào nước củ nâu, vắt nước rồi căng ra móc vào 4 cái đinh đóng trên 2 tấm gỗ trên sân gạch. Cái sân gạch bát tràng nóng bỏng đôi chân non nớt của 2 đứa trẻ. Chờ vải khô, lại nhúng, lại vắt, lại phơi…cho đến khi tấm vải lên màu nâu sậm. Cả nhà tôi đều mặc bằng thứ vải đó. Cánh phụ nữ thì quần thâm đất, áo bà ba nâu. Thày dạy chúng tôi điều hay lẽ phải, dạy chúng tôi cần đứng thẳng làm người.
Có lần tôi theo lũ bạn nghịch dại trèo tường trộm ổi nhà người ta bị chó đuổi hút chết. Sợ thầy đánh đòn, tôi trốn biệt ra cây đa Cổng Đồng. Thầy đi tìm khắp làng mà không thấy. Trưa muộn đói quá, tôi trèo xuống len lén men tường về nhà lục cơm nguội. Thầy xuất hiện ở cửa bếp trong đôi mắt mở to sợ sệt của tôi. Thầy cười hiền, mở chăn lấy âu cơm ủ nóng phần tôi. Chưa bao giờ tôi thấy cơm nhà lại ngon đến thế. Chờ tôi ăn no, thầy đưa tôi 2 quả ổi chín thơm lừng và nói:” Lần sau muốn ăn ổi nói thầy mua cho, đừng đi ăn trộm xấu lắm con gái ạ”.
Chỉ vậy thôi mà tôi thấm đến tận giờ. Có lẽ những năm tháng nhọc nhằn nuôi 5 đứa con ăn học đến nơi đến chốn và người vợ bệnh tật đã biến thầy tôi từ một công tử con nhà giàu biết rành rẽ đủ thú vui ở đời như chơi chim, gà chọi, ả đào, tổ tôm…thành một lão nông chi điền lam lũ, một thợ rèn tài hoa và hay chữ. 5 anh em tôi đều thừa hưởng những đức tính quý báu đó của thầy, đều ham học và thành đạt: anh cả, chị Minh và tôi theo nghề dạy học của ông ngoại, chị thứ hai học hết lớp 7 lấy chồng trong làng để tiện trông nom thầy mẹ lúc tuổi già, anh thứ 3 đang học lớp 10 xung phong đi bộ đội và được xét đặc cách tốt nghiệp cấp 3, là sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu.
Một ngày đầu hè năm 1994, thầy trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất quê nhà. Người ra đi nhẹ nhàng, thanh thản như người vừa mới cày xong thửa ruộng. Trên môi còn đọng nụ cười mãn nguyện khi cái gia đình nhỏ bé mà thầy đã oằn lưng gánh vác, chống đỡ đã và đang vững vàng, phát triển.
Rưng rưng thắp nén nhang thơm, tôi ngước nhìn ảnh thầy khẽ gọi:”Thầy ơi, người thầy đầu tiên, người thợ rèn đáng kính của con, giờ này người ở nơi đâu?”
Trời trong nắng đẹp hôm nay
Gió man mác thổi, nhớ thầy thiết tha
Xa thầy hai mấy mùa hoa
Mà con vẫn thấy như là mới đây

Bóng thầy còm cõi hao gầy
Long lanh mắt sáng ngời ngời trán cao
Thương con bạc trắng mái đầu
Giờ này thầy ở nơi đâu, hỡi người?

Chắp tay con gọi: thầy ơi !
Cha hiền ngồi đó mỉm cười nhìn con
Còn trời, còn nước, còn non
Còn ngày, còn tháng con còn khắc ghi.

( Đa Hội ngày giỗ thầy)