“Không còn ghét người cha quá cố, nhưng thằng con vẫn không sao dứt thương mẹ, cái cảnh người đàn bà để nguyên bộ mình ướt sau khi kéo cá dưới ao đãi khách của chồng, bưng tô cơm nguội ăn với muối tiêu.”

     Tụi bạn tôi vẫn nhớ ông già cậu. Chịu chơi hết cỡ. Có bữa tôi đưa mấy thằng bạn đi chơi, tới khúc Láng Gáo thì gặp mưa, ghé nhà cậu đụt. Ai ngờ mới nói ba điều bốn chuyện, ông già cậu đi bắc nồi nước sôi vật con heo nhỏ ra mần, nhậu. Đám bạn tôi bị ổng xây chừng cho xỉn quắc cần câu, chục năm sau vẫn khen gặp đúng dân miền Tây thứ thiệt, nhiệt tình đến mức khách thấy không nỡ ra về”.

     Thằng con hay nghe người ta nhắc tới cha mình, mỗi khi nó trả lời câu hỏi quê xứ ở đâu. Cái tên Láng Gáo vừa nảy khỏi môi thằng nhỏ, họ kêu lên “ờ, khúc đó tôi có biết ông nông dân chơi được lắm”. Chơi được, móc ruột gan ra đãi khách, hết mình, phóng khoáng, hào sảng dễ sợ, những từ ngữ mà người ta mô tả ông già khiến thằng con chóng mặt, đôi khi. Những cái vỗ vai thân tình nó nhận được của lần gặp đầu tiên, đã được người cha nhóm lên đâu từ năm, mười năm trước.

“Mà lúc tụi tôi ngồi ở nhà cậu nhậu, cậu là đứa nào trong đám nhỏ nheo nhóc ở chái sau?”. Ờ, lúc đó mình làm gì, ở đâu, thằng con tự hỏi. Mình chắc đang giành cơm cháy rưới nước mắm với mấy đứa em gái, đang rượt bắt con gà mái đẻ cuối cùng trong bầy để hầm sả đãi khách. Hoặc mình phụ mẹ dọn mấy nhánh chà dưới ao để chài cá trắm cỏ. Cũng có thể mình đang khóc nức nở ngoài vườn, thương con Lá vừa bị giết thịt lúc trưa.

     Lá là con heo bảy tuổi, nhưng chỉ vừa với vòng tay trẻ lên mười của thằng con, khi đó. Con heo đèo đẹt lúc rã bầy không ai rước, mấy đứa nhỏ xin má giữ lại làm thú cưng trong nhà. Lá không chịu lớn, như món quà trời cho đám trẻ nghèo. Lũn đũn quấn theo chân tụi nhỏ, trò nào không có nó thì mất vui. Lúc cần thì êm mượt như búp bê nằm lim dim trên tay con gái, cũng có khi Lá xồng xộc lội càn qua kinh theo đám nhóc bắt chuột đồng. Một bữa tụi nhỏ đi học về, thấy con Lá nằm phơi bất động trên sàn nước, trắng phau như nhồi bằng bông, khoang bụng mở ra trống hoác.

     Nhà có khách. Nhà vẫn thường có khách. Có tới sáu bài báo mà thằng nhỏ còn giữ lại, viết ca ngợi gia đình nó, rằng đi tới miệt này mà không đặt chân đến vườn cò coi như chưa biết Láng Gáo, nhưng đi vườn cò về mà không ghé nhà Hai Võ ở đầu kinh thì không biết nết chơi của dân miền Tây. Hỏi huyện trưởng tên gì không nhiều người biết, nhưng hỏi người chịu chơi nhứt xứ này, cả xóm đều nói “Hai Võ chớ ai”. Nông dân, học không tới đâu, cũng chẳng giàu có, nhưng cha thằng nhỏ nổi tiếng vì hiếu khách. Nếu lá dừng vách nhà có thể ăn được, có khi ông dỡ ra đãi thiên hạ luôn. Ăn nói không tệ, ít thôi nhưng lời nào đáng lời ấy, kiểu như bẻ đuôi lươn cho khách, thể nào ông cũng buông câu “nhứt đuôi lươn, nhì cái lườn con em vợ”.

     Bầy trẻ lớn lên, quen với cảnh khách lảng vảng trong nhà. Có khi họ còn ngủ lại vài đêm. Cha tụi nó hay nói “ở đời phải duyên mới gặp, chớ đâu mà dân tuốt ngoài thủ đô cũng ghé chơi”. Hồi đầu tụi nhỏ còn tiếc những thứ ngon bưng mời người dưng, sau sẵn sàng ăn cơm với kho quẹt nhường vịt luộc phay cho khách, như thường.

     Những đồ ăn dư sau buổi họ ra về, tụi nhỏ háo hức vét dĩa bất kể chúng phảng phất thứ rượu đổ tháo khi cụng ly cụng chén. “Khách ăn thì còn…”, câu đó bà mẹ vẫn nhắc đám trẻ hoài, bằng sự nhẹ nhõm của chính bà. Chồng kéo khách về nhà, dù nửa đêm, vợ vẫn vui vẻ đốt lửa nướng cá khô. Chưa bao giờ trong nhà cạn thứ rượu thơm dịu bà tự nấu. Chồng biểu làm gà bà trói gà, kêu làm cá thì te te đi lưới cá. Bữa tụi nhỏ khóc con Lá quá, bà mẹ kêu ra vườn mà khóc, đừng để khách nghe, họ buồn.

     Đó là lần đầu tiên thằng con oán cha, ghét những người khách trong nhà mình. Nó thường bỏ đi mỗi khi có người lạ ghé. Có lần trèo cây me trên đường, người ta hỏi nhà ông Hai Võ, thằng nhỏ chỉ qua bên đình Gáo.

     Mớ danh thiếp khách để lại, người cha tưng tiu đem cất trong tủ áo mỗi năm mỗi dày thêm. Một bữa thằng con tính hốt đem đi đốt. Ngồi coi từng miếng, nhận ra những người từng làm khách nhà nó, họ ở khắp nơi, làm đủ thứ nghề. Lúc đó thằng con đang thất nghiệp, buồn tình gọi vào một số điện thoại hú họa chơi, ngờ đâu đầu dây bên kia hồ hởi, “Ai chớ con của Hai Võ Láng Gáo là tao chịu liền. Công ty đang tuyển lính giao hàng nè, đem hồ sơ tới ngay. Ờ mà, thằng cha mày còn mạnh giỏi?”.

     Ông già đã về đất hồi đầu năm. Đám tang đông người đến tiễn. Ở tỉnh người ta còn gửi mấy vòng hoa tươi xuống, khiến cuộc tiễn đưa thường dân Hai Võ ngang hàng với chủ tịch xã vừa đột tử trước đó. Ai đó làm thơ trật nhịp đọc trước khói nhang, “Anh mở lòng ra với đất trời/Chịu chơi đâu có sợ mưa rơi/Anh đi chỉ tụi này ở lại/Láng Gáo về đây chơi với ai”

      Nhưng ông già vẫn sống theo nghĩa nào đó, thằng con nghĩ vậy. Đó là những lúc nó nhận được cái vỗ vai, cái bắt tay mừng tủi như người thân thiết, nghe họ nhắc “hồi tao tới chơi, ông già mày hồi xưa vét lúa giống đi bán để mua mồi nhậu”. Thằng con thấy mấy chữ “khách ăn thì còn…” không phải không có lý.

Chỉ là, nó không sao quên được bữa cháo gà còn dư đám nhỏ ăn xong xỉn queo vì rượu khách đổ trong ấy, không quên chót đuôi con heo Lá còn phất phơ lông trên sàn nước. Mẹ nó kể lúc bị bắt Lá giãy dữ quá, cây mác vót xớt đứt đuôi. Thằng con không quên cảnh mình ngồi bờ vườn, khóc thôi là khóc.

Không còn ghét người cha quá cố, nhưng thằng con vẫn không sao dứt thương mẹ, cái cảnh người đàn bà để nguyên bộ mình ướt sau khi kéo cá dưới ao đãi khách của chồng, bưng tô cơm nguội ăn với muối tiêu..