Những năm đi chiến đấu và công tác xa nhà, mỗi khi nhớ đến quê hương, lòng tôi không bao giờ quên được dáng hình của mẹ, của cha và cũng không bao giờ quên được những ngọn đèn. Những ngọn đèn không bao giờ tắt.
Có thể nói đời tôi gắn với những ngọn đèn, những đốm lửa. Trước nhà tôi có con sông con. Con sông con chạy dài từ ven làng cho tới chân đê. Những đêm tháng ba, tháng tư, bên bờ sông có những đốm lửa lập loè. Bên cạnh những đốm lửa là bầy con nít, trai có, gái có, tuổi sàn sàn mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu…
Những đốm lửa ấy chính là những ngọn đèn chai. Đèn chai là đèn được thắp lên từ một phao dầu làm bằng lọ mực đóng vào cái đế gỗ tròn, bên ngoài chụp bằng cái chai thủy tinh được cưa cả đầu trên và đầu dưới, có quai xách. Bầy con nít đứa xách đèn, đứa cầm cần tre để cất những cái vó tôm đang thả giăng hàng dưới nước.
Một miếng vải màn sợi bông (loại màn cũ rách phá ra làm vó) được buộc vào bốn cái gọng. Gọng vó là một đoạn tre dài độ mét hai được uốn cong. Hai cái gọng uốn cong đan chéo, bốn đầu gọng được buộc vào bốn góc miếng vải màn vuông là thành cái vó bắt tôm bắt tép. Những đêm như thế, dù là sáng trăng hay tối trời thì ba anh em tôi hôm nào cũng có mặt bên ngọn đèn chai ở bờ sông ấy.
Dưới ánh sáng của những ngọn đèn chai được thắp bằng dầu hỏa cặn hoặc dầu ma dút phả ra đầy muội ấy là những con tôm trứng, tôm càng, tép gạo, tép riu nhảy lao xao trong vó và nét mặt gầy gò, đen nhẻm nhưng hớn hở của lũ chúng tôi. Hồi ấy, tôm cá nhiều vô kể. Ba anh em tôi thả có mươi cái vó mà hôm nào cũng cất được ba, bốn giỏ tôm. Có hôm còn được đến dăm, sáu giỏ. Những năm ấy quê tôi thường xuyên bị thất bát, mất mùa. Những con tôm càng, tôm trứng, những con tép gạo, tép riu bật tanh tách dưới ánh sáng của ngọn đèn chai đã góp phần nhỏ bé cứu nguy cho gia đình tôi vào những kỳ giáp hạt.
Rồi ngọn đèn chai trong lều vó của nội tôi. Những đêm tháng bảy, tháng tám âm lịch, con sông cái quê nhà vỗ sóng ì oạp. Trong chiếc lều vó bè bên sông thường le lói ngọn đèn chai thời cổ. Nội ngồi im phăng phắc. Chùm râu bạc của nội cứ bay quanh ngọn đèn… phơ phất…
Trước ngày lên đường đi Vệ quốc xưa kia, cha đã là một lão nông tri điền. Lúc nào bên cha cũng có chiếc điếu bát rõ kêu. Bên cạnh chiếc điếu bát bằng sứ Hải Dương được thường xuyên đánh rửa cẩn thận ấy là một chiếc đèn dầu Hoa Kỳ ngọn nhỏ bằng hạt đỗ và một bọc tướng thuốc lào Vĩnh Bảo.
Từ sau ngày cha lên đường đi chiến đấu, cũng bên ngọn đèn hạt đỗ ấy, đêm đêm mẹ thường vò võ một mình ngồi nghĩ tới cha. Lúc ấy cha còn đi chiến dịch Đông Khê, Thất Khê, Biên Giới rồi Điện Biên Phủ oai hùng… Thế rồi cha tôi ra đi không bao giờ về nữa… Ngọn đèn như là con mắt xuyên vào đêm soi suốt cuộc đời lam lũ nắng sương của mẹ. Cũng bên ngọn đèn hạt đỗ ấy, mẹ đã thức nhiều đêm ròng, nhiều năm ròng vỗ muỗi cho chúng con, ru con vào giấc ngủ, vá áo cho con… Bao nhiêu năm, ngọn đèn ấy bấc không cùn, dầu không cạn.
Thế rồi tôi theo bạn bè cùng trang lứa lên đường ra trận. Tôi được biết đến những ngọn đèn pha ô tô, những ngọn đèn gầm, những ngọn đèn phòng không đứng gác trên khắp các nẻo đường đất nước. Những năm ấy, cả nước lên đường, toàn dân ra trận. Đêm đêm, những dòng người, dòng xe cứ nườm nượp chảy về phía có tiếng súng. Những ngọn đèn ấy như những đôi mắt người đêm nào cũng thức.
Tôi theo đoàn quân lên đường. Hình như tôi đem theo cả ngọn đèn của mẹ. Ngọn đèn của mẹ, từ những ngày đầu tiên ấy, đã soi đường cho tôi, soi đường cho chúng tôi đi suốt dải Trường Sơn, đi suốt những tháng năm dài chiến dịch, đi đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày nay, tôi được biết có nhiều ngọn đèn. Đó là ngọn đèn điện bóng tròn, đèn điện bóng tuýp, đèn điện bóng tiết kiệm điện, đèn tô tô, đèn tàu hoả, tàu thuỷ, đèn trên bộ, đèn trên không, đèn trên biển, đèn xanh, đèn vàng, đèn đỏ, đèn pha, đèn gầm, đèn hải đăng, đèn cao áp…Có cả những ngọn đèn cực kỳ chói sáng nữa…
Thế nhưng, những đốm lửa lập lòe bên bờ sông xưa kia, ngọn đèn leo lét trong lều vó của nội, ngọn đèn hạt đỗ của mẹ, của quê hương… thì cứ lung linh, lung linh mãi trong tâm trí tôi, trong hồn tôi… không bao giờ tắt cả.