Quê hương mãi là chùm khế ngọt để tôi tìm về. Ở đó có ông bà, bố mẹ, em tôi cùng những người thân yêu, bác Huyền, anh Phong,… và có cả mùa hè năm ấy.
Nắng gì như luộc người thế này, giờ mà có bát canh cua đồng ăn với mấy quả cà pháo muối thì tốn cơm phải biết. Rảnh rỗi sinh nông nổi, tôi ngồi thẩn thơ giữa ngày chủ nhật bỏng rẫy của tháng sáu.
“Hoa ơi U mày gửi cho mớ cua này! Gớm rách việc, tưởng cho con gái sơn hào hải vị chứ thứ này ngoài phố thiếu gì cháu nhỉ?” Thì ra bác Huyền xuống Hà Nội trông cháu ngoại gần nhà tôi, tiện thể gửi quà quê hộ U. Tôi cười cười cảm ơn và đưa bác sang nhà chị Hạnh cách nhà tôi chừng hai trăm mét.
Bác không biết hay là quên đấy thôi chứ đối với tôi, cua đồng ăn đứt mọi cao lương mĩ vị ở trên đời bởi vì nó gắn liền với tuổi thơ, với những ngày tháng đầu trần, chân đất của con bé nhà quê tóc cháy, da nâu, quần phin nõn xoăn tít tận đầu gối là tôi. Ký ức như những thước phim đen trắng cứ thế chầm chậm quay về.
Mùa hè năm ấy tôi học xong lớp bẩy, U tậu thêm một con bò để tiện việc cày cấy. Thầy tôi đi công tác xa nên chuyện đồng áng đổ cả lên đôi vai gầy tần tảo. Thương U, chị em chúng tôi bảo nhau tranh thủ nghỉ hè đứa chăn bò, đứa cắt cỏ, tối về cơm nước đỡ U. Ngày nay, nghỉ hè trẻ con được bố mẹ cho đi nghỉ mát khắp biển nọ bãi kia chứ thời chúng tôi, nghỉ hè đồng nghĩa với việc cộng thêm nhiều vất vả. Nhất là vào mùa gặt.
Tôi nhớ đận ấy nắng nóng đỉnh điểm, đến nỗi cua cá ngoi cả lên bờ chết bỏng. U tôi quyết định đi gặt đêm. Bà dậy từ canh ba chuẩn bị đồ ăn. Tôi thích nhất là món cơm nắm muối vừng. Bà đã thổi sẵn cơm từ tối. Cơm này phải cho nhiều nước hơn khi nấu để tới lúc chín hơi nan nát nắm cho dễ và dẻo. Bà xới cơm ra mấy cái bát con, dùng muôi lèn chặt cho đầy sau đó úp ngược bát xuống mâm vỗ mạnh.
Những nắm cơm tròn tròn, xinh xinh đẹp mắt lần lượt điểm danh, thi nhau cười toe khoe hàm răng trắng ngọc. Bà cắt thành những lát mỏng vừa ăn bỏ vào cặp lồng không quên mang theo lọ muối vừng thơm phức. U tôi hòa một chậu cám to cho bò ăn rồi chuẩn bị quang gánh, rơm bó, liềm và nước uống cho một ngày lao động.
Hồi ấy làm gì có bình đựng nước như bây giờ. U pha tí đường hoa mai vào nước đun sôi để nguội rồi đổ sang cái can năm lít để sẵn đầu hè. Gọi là nước đường cho oách chứ thực ra nó chỉ có vị nhang nhác, phao phảo mà ông vẫn hay đùa là chạy qua hàng đường. Hai chị em dậy súc miệng qua loa xong tranh thủ lấp đầy dạ dày bằng mấy miếng cơm nắm bà vừa cắt khoanh bỏ đĩa. Cả nhà lục tục ra đồng khi đường làng còn tối sẫm.
Trời vừa sáng cũng là lúc ông mặt trời ngạo nghễ trèo lên ngọn phi lao hắt cái nắng nóng xém da xuống mặt đất đang nứt toác vì khô hạn. Hai sào ruộng đã gặt được ba phần tư. Những gié lúa vàng ươm hạt to mây mẩy được bó thành từng lượm đều tăm tắp nằm chờ gánh lên xe. Thực ra hai chị em tôi chỉ biết ngoặc liềm cắt xong để đấy, U lại đem rơm đi bó nốt.
Cả nhà nghỉ giải lao dưới bóng mát của rặng phi lao cổ thụ. Mặt ông đỏ như gấc nhưng vẫn luôn tay phe phẩy quạt chiếc mũ cối cho hai cháu. U thoăn thoắt bỏ cơm nắm muối vừng ra tờ giấy kẻ ô li xé từ tập vở năm ngoái của cái Lan cho cả nhà lót bụng chống đói. Lan kém tôi một tuổi nhưng tính nó nhát chứ không nghịch như con giời giống tôi. Bụng đang reo sùng sục được miếng cơm deo dẻo chấm thêm tí vừng rồi nhai chầm chậm để vị ngọt bùi, beo béo quyện lẫn với nhau thì thật quả ngon hơn cơm tiến vua.
Bà cẩn thận rót “nước đường” vào cái cốc nhựa đưa cho từng người uống giải khát. Ăn xong độ mươi phút, ông bà lại xuống ruộng gặt tiếp. Thấy chừng nắng gắt quá, U cho chị em chúng tôi ngồi nghỉ luôn không quên dặn dò cấm hai đứa chạy lung tung ra chuôm kẻo ngã rồi bắt đầu gánh lúa. Từng gánh, từng gánh nặng trĩu đôi vai gầy theo bước chân U liêu xiêu xa dần về phía đường cái. Lưng áo sờn ướt đẫm mồ hôi ấy vẫn theo tôi vào những cơn mơ suốt những ngày tháng sau này.
Nghiêm chỉnh được một lúc, “quỷ sứ nhà giời” bắt đầu ngứa ngáy chân tay. Tôi rủ cái Lan đi vồ muồm muỗm. Đương mùa gặt, muồm muỗm béo múp, xiên vào que tre nướng trên bếp rơm nếp hay bỏ tí mỡ lợn rang lên thì thơm ngon phải biết. Nghĩ đến thôi tôi đã nuốt nước bọt vì thèm. Mải đuổi theo những phi công nhí hai đứa đã sang đến khu đồng Hạ tự lúc nào. Nhác thấy bóng anh Phong kều con giai bác Huyền sát vách nhà tôi đang cặm cụi lấy rau lợn bỏ vào rổ, trong đầu tôi nhanh như chớp lóe lên một ý nghĩ.
– Cho em mượn rổ một lúc nhé!
Chả kịp để anh đồng ý, tôi đổ mớ rau rệu, rau sam non mỡ ra đất cầm rổ lủi về phía cái chuôm gần đấy. Tôi định dùng nó hớt cua, trưa nay cả nhà hẳn có món canh cua nấu mướp và rau rền ngon tuyệt cú mèo. Một rổ cua thật lớn. Bà sẽ rửa sạch xé thịt cua để vào giá cho róc nước.
Mai cua nhặt riêng, dùng tăm khều gạch cua ra cái bát, nêm chút nước mắm, mì chính để đó khi nào nồi canh sôi bồng lên thả nhẹ vào. Thịt cua bỏ cối giã nhuyễn xong cho nước khoắng tan, lọc lấy nước cốt một. Cho thêm ít nước khoắng tiếp lọc nước cốt hai, bã bỏ đi bón gốc cây. Bắc bếp kiềng, dùng đũa quấy đều tay cho đến khi thịt cua nổi lên, vén sang một bên thả các loại rau vườn nhà vào. Hình ảnh nồi canh ngồn ngộn gạch cua, từng mảng bốc khói thơm lừng với bát cà pháo nén giòn tan khiến tôi bật cười nắc nẻ làm cái Lan mắt cứ tròn xoe nhìn chị khó hiểu.
Dặn con em đứng trên bờ, con chị xắn quần lên tới đùi non lội xuống chuôm. Tôi cởi xà cạp ra buộc một đầu tạo thành túi để đựng chiến lợi phẩm. Lúc đầu con bé tóc úp niêu chỉ dám mon men ven bờ, một tay vén bèo, một tay đưa rổ hớt.
Lũ cua chắc nịch huơ huơ những chiếc càng khổng lồ như kìm thép muốn ăn tươi nuốt sống bàn tay nhỏ của tôi. Nhưng bằng một cách khéo léo của dân chuyên nghiệp, tôi lùa hết chúng vào xà cạp. Tuy tỉnh thoảng vẫn bị kẹp đến rớm máu nhưng niềm vui chiến thắng đã lấn át mọi đau đớn.
Thấy gần bờ có vẻ không nhiều lắm, tôi ném ánh nhìn ra xa hơn. Ngoài kia, đám bèo già xanh thẫm mắt đan dày như một tấm thảm, những đóa hoa rực rỡ kiêu ngạo vươn lên nhuộm tím cả mặt chuôm. Tôi đồ dưới tấm thảm ấy sẽ nhan nhản cua cho mà xem. Quên mất lời U dặn, tôi đánh liều bước ra xa hơn. Bỗng tõm một cái, tôi hụt chân tụt xuống đoạn nước sâu. Chới với. Chân tay theo phản xạ tự nhiên quẫy đạp lung tung. Nhưng vô ích, nước bắt đầu tràn vào mũi, vào khoang miệng. Tôi sặc nước và chìm dần. Bên tai còn văng vẳng tiếng cái Lan đang hét kêu cứu ầm ĩ…
Tôi mở mắt ra đã thấy mình đang nằm trên giường. Bên cạnh, U đang thổi bát cháo nghi ngút khói. Hú hồn. Thì ra tôi chết đuối hụt. May lúc em tôi hô hoán, anh Phong ở gần đấy nghe thấy chạy đến nên cứu kịp. Tôi nghĩ đận này no đòn rồi, cái tội không nghe lời dẫn em đi nghịch nước có mà nát đít.
Nhưng lạ quá, U chỉ mắng mỏ mấy câu rồi nhờ anh Phong dạy bơi cho tôi chứ tuyệt nhiên không đụng đến cái roi mây giắt ngoài đầu hồi. Từ bữa đó, chiều nào cũng thế, tôi ôm thân cây chuối ông chặt sau vườn theo anh Kều ra ao Nông Dân đầu làng tập bơi. Chả biết đã cho mấy chục con chuồn chuồn cắn rốn mà cuối mùa hè năm ấy tôi biết bơi và bơi rất khá. Tất nhiên kéo theo cái vụ đi hớt cua ngoài chuôm với tôi bấy giờ là chuyện nhỏ. Cứ cách ngày cả nhà lại được cải thiện bữa ăn bằng nồi canh cua đồng thơm nức mũi. Khi thì canh cua nấu mồng tơi, rau rền, mướp; lúc lại canh cua riêu đậu.
Cho đến tận bây giờ, món ăn dân giã này vẫn là thứ ẩm thực gây nghiện lớn nhất đối với tôi. Cua nuôi ăn không ngon bằng và có mùi tanh hơn. Biết con gái chấy rận chỉ mặn mà mỗi mấy anh tám cẳng hai càng nhà quê kia, cứ có ai ra tiện U lại gửi cho tôi mớ cua đồng tươi đành đạch.
Nhiều lúc giữa mùa rẻ, U còn làm sẵn chia nhỏ thành nhiều hộp để ngăn đá rồi mang ra bảo để các cháu ăn cho nhiều can xi, chắc xương. Đúng là không ai thương con bằng mẹ. Không gì bằng nơi chôn nhau cắt rốn. Quê hương mãi là chùm khế ngọt để tôi tìm về. Ở đó có ông bà, bố mẹ, em tôi cùng những người thân yêu, bác Huyền, anh Phong,… và có cả mùa hè năm ấy.