Mùa gặt

    2447
    Ảnh: Nguyễn Quang

    Những ai sinh ra, lớn lên ở làng quê , dù có xa quê đi bất cứ nơi nào thì những mùa vụ nơi làng quê yêu dấu, những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát mênh mông, trải dài tít tắp vẫn và sẽ mãi mãi còn in đậm trong tâm trí.

    Tôi trở về quê vào mùa lúa chín. Lâu lắm rồi, phải, đã lâu lắm rồi tôi mới về quê vào mùa lúa chín. Những thửa ruộng đến mùa thu hoạch nặng trĩu bông, vàng rực dưới nắng hè chói chang. Tôi dang rộng cánh tay, nhắm mắt lại hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, tôi cảm nhận cái mùi ngan ngát quen thuộc của ruộng đồng đang ngấm vào từng đường gân thớ thịt, lên lỏi vào từng tế bào, lan tỏa…trong lòng dâng trào cảm xúc thân thương .

    Những cánh đồng lúa quê tôi giờ đã thu hẹp lại, nhường chỗ cho những khu công nghiệp . Đây đó những chiếc máy gặt đang cần mẫn làm phận sự của mình, trên con đường làng trải bê tông thấp thoáng những chiếc xe máy chở những bao thóc về sân nhà phơi cho kịp nắng. Bây giờ người dân quê tôi không còn đun nấu bằng rơm rạ, không còn những mái nhà lợp rơm rạ đã mục chờ thay rơm rạ mới, không còn dự trữ rơm khô làm thức ăn nuôi trâu bò cày ruộng nữa, nông nghiệp đang dần máy móc hoá. Gặt xong rơm bỏ lại ngoài đồng, rồi rơm được đốt thành tro làm sạch ruộng, lại thêm phần mầu mỡ cho ruộng trong vụ mới, những cuộn khói đốt rơm rạ bay lên cao hoà quện vào ráng chiều vàng sậm .
    Bước chân trên đường thôn ngõ xóm không còn vương những cọng rơm vàng, lòng tôi bâng khuâng nhớ về những mùa vụ ngày tháng cũ .

    Mặt trời bắt đầu ló rạng, tiếng kẻng bên gốc đa cổ thụ đầu làng cạnh sân kho hợp tác xã vang lên rộn rã , xã viên nườm nượp kéo nhau ra đồng. Lũ trẻ chúng tôi háo hức nhẩy tót lên những chiếc xe cải tiến ngồi để được người lớn kéo theo đi gặt lúa. Cánh đồng ánh vàng lên trong nắng sớm, những cây lúa chín nặng trĩu bông đung đưa, rì rào trong gió như đón chờ, mời gọi. Giữa thảm lúa vàng nhấp nhô nón trắng, các bà, các chị tay liềm thoăn thoắt, người cắt, người lượm .

    Lũ trẻ chúng tôi canh khi ruộng lúa được cắt gần hết chỉ còn một góc nhỏ , gọi nhau dàn hàng ngang quây phía trước để bắt muỗm. Đàn ông thanh niên thì gánh lúa lên bờ mương, chất đầy lên những chiếc xe cải tiến, chúng tôi lon ton bám vào sau những chiếc xe cải tiến chở lúa về sân kho để lượt quay ra đồng lại được người lớn cho lên xe ngồi . Ở sân kho có một tổ được phân công đập lúa.

    Mỗi đội sản xuất chỉ được phân mấy cái máy tuốt lúa đạp chân , còn đâu phải dùng néo đập tay bằng cối đá , cứ hai người một chiếc cối, người giơ lên người đập xuống nhịp nhàng, cầu lúa vơi dần , những bó rơm được ném vun vút chất thành đống to tướng . Mùa gặt khắp mọi nơi, ngoài đồng, trong thôn xóm đâu đâu cũng tấp lập nhộn nhịp, trẻ con chơi trốn tìm , leo trèo trên những đụn rơm, khắp đường thôn, ngõ xóm vàng rộm màu rơm .Với những đứa trẻ vô lo vô nghĩ chúng tôi, mùa gặt vui như những ngày lễ hội!

    Đến thời khoán sản, tôi đã lớn hơn . Mùa gặt mẹ gọi tôi dậy rất sớm, hai mẹ con cắt xong cả sào lúa mặt trời mới mọc, về nhà ăn sáng xong kéo chiếc xe cải tiến ra đồng, mang theo ấm nước vối và rổ khoai bà đã chuẩn bị sẵn, phòng khi đói bụng khát nước thì có sẵn để dùng . Ánh nắng mặt trời lên làm khô bớt lúa đã được cắt trải trên mặt ruộng, giúp cho việc lượm lúa dễ ràng hơn, lúa nhẹ hơn khi gánh, vận chuyển lên bờ .

    Nhà có trâu bò thì dùng xe trâu bò chở lúa, còn không thì dùng xe cải tiến kéo tay. Nhà neo người thì gặt đổi cho nhau, hôm nay gặt cho nhà này, hôm sau gặt cho nhà kia. Nhà nhà thóc phơi vàng óng đầy sân. Phơi thóc có bữa gặp con mưa rào nhanh bất chợt , không kịp chạy phải lấy rơm thút nút vào lỗ cống ở góc sân để chặn cho thóc không bị trôi đi mất . Khi thóc đã phơi già, được nắng, gặp hôm trời có gió to vừa phải, gánh thóc ra ngoài đầu làng hoặc trên đê nơi thuận gió giơ thóc cho sạch, bay hết hạt lép, nếu không có gió phải quạt sạch thóc bằng chiếc quạt tay chuyên dụng gọi là quạt thóc, thóc đã làm sạch được đem cất vào cót hoặc chum lớn .

    Những cọng rơm nhỏ, dài sóng mượt được rũ sạch, buộc túm phía trên ngọn, vắt đầy kín trên tường, trên bờ rào cho khô rồi cất đi, ngày nông nhàn mang ra bện quại, bán cho tổ làm thảm, khâu thảm tấm chùi chân. Rơm được phơi trên khắp đường làng, rơm phủ kín các triền đê. Rơm phơi khô rồi bỏ thành cây cao chừng bốn, năm mét. Bỏ cây rơm phải chặt và đều, để cây rơm không bị nghiêng, thóp nhỏ dần phần trên ngọn, trời mưa nước trôi bề ngoài chảy xuống đất không ngấm vào trong cây rơm .

     

    Nhà nào cũng có một cây rơm to, rơm để đun nấu, rơm làm thức ăn khô dự trữ cho trâu, bò, rơm được bà bện thành chổi quét nhà, bện thành đệm ấm mùa đông đến. Khi thóc đã đầy bồ, rơm lên đống, dù có mệt mỏi nhưng ai cũng mãn nguyện, phấn khởi về thành quả đạt được .

    Để có được những hạt thóc vàng, bát cơm trắng dẻo thơm nuôi ta khôn lớn, là bao nhọc nhằn vất vả của mẹ, của cha, là những ngày vai áo mẹ ướt đẫm mồ hôi, đôi vai trần của cha quện màu sương gió, là bao công sức của những người nông dân cần cù một nắng hai sương. Những hình ảnh ngày mùa bận rộn thân quen bình dị ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta. Để khi sống xa quê ta lại thấy nỗi nhớ quê da diết, cồn cào :

    “Nghe văng vẳng vọng về trong
    thổn thức
    Có cả mùi cơm mẹ dọn bữa chiều
    Hương cơm mới quện giọt
    mồ hôi mẹ
    Trong gánh hành trang
    con mãi mang theo.”

    Rơm rạ đường làng vương vấn, bịn rịn bước chân đi, hương lúa mới, mùi rơm thơm lưu luyến nhắc nhở những người con nơi xa nhớ để trở về . Yêu lắm một miền quê !