TÁC GIẢ: PHƯƠNG THẢO

Anh bỗng nhớ em như Đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

-CHẾ LAN VIÊN-

Mùa Đông làm nên rét, hay vì có rét nên mới thành mùa đông? Không biết nữa… Nhưng rét là thuộc tính của mùa đông nên khi mùa về mà rét chưa tới, cứ thấy đất trời, lòng người mơ hồ một nỗi khắc khoải, nỗi nhớ nhung, nỗi da diết, như người con trai đang cồn cào nỗi thiếu vắng bóng hình người mình thương mến!

Chắc hẳn, ai trong những người con đất Bắc, cũng đã từng có lúc cảm thấy một sự thiếu thốn, bực bội khi sang đến tháng Một âm lịch rồi, mà chưa thấy rét đâu. Thậm chí, cuối tháng Chạp, giời vẫn ấm nóng! Trong những câu than thở, “Giời đất gì mà lạ lùng, mùa đông mà nóng nực vậy!”; “Nóng thế này, Tết nhất gì nữa…”… không chỉ là sự lo lắng cho cái Tết cận kề mà tiết trời nắng nóng, hỏng hết đồ ăn; mà còn là cảm giác rất khó tả khi tiết trời không đúng quy luật.

Nó có sự ngột ngạt, bức bí không yên, vẩn vơ, lẩn quất đâu đó trong không gian. Nó làm cho những áo khoác, những khăn len, giầy, bốt trở nên thừa thãi, vô duyên… Bếp than hoa nướng ngô không có cái ấm áp ngọt ngào nữa. Mùi ngô nướng bớt thơm, không vương vấn níu chân khách qua đường…

Cái rét ùa về, len lỏi trong từng ngóc ngách. Căn nhà mùa hè nóng bức ngột ngạt là thế, tưởng kín bưng kín bít, vậy mà mùa đông vẫn thấy hun hút gió lùa. Chẳng hiểu gió mùa đông bắc tài tình kiểu gì mà góc nào cũng có thể luồn qua! Những bà cụ già, run rẩy trong cái rét tê rét tái, cũng chính là những người mấy hôm vừa rồi trời nắng nóng còn chẹp miệng than, mùa đông gì mà không thấy rét… Đấy, có thì xuýt xoa, không có thì nhớ nhung… Cái rét thật lạ lùng!

Những cây bàng, lá ứa đỏ. Những cây bằng lăng cũng lốm đốm những đốm hồng xen lẫn vàng. Những cành cây gầy guộc run lên trong gió, dưới mưa. Mưa phùn, cũng là một đặc sản của mùa đông. Những lớp mưa giăng giăng làm cho cái lạnh thấm sâu hơn, buốt ngọt.
Cũng là mưa bay, mưa bụi, nhưng mưa xuân thì duyên dáng, còn mưa phùn thì lạnh lùng, giá buốt. Nền trời xám đục một màu. Đứa con lớn nhìn giời rồi thốt lên, không hiểu giời mù thế kia là do mưa hay do ô nhiễm? Ôi, những hạt mưa li ti, có đủ làm những bụi mịn lắng xuống, gột rửa phần nào thành phố tôi yêu? Để những tâm hồn lãng đãng được run rẩy trước những sớm mù sương, chứ không phải chua chát trước những ban mai mù bụi…

Năm nay có rét. Hai đợt rét “ra rét”, đến nỗi hơi thở phả ra có thể nhìn thấy. Chúng mỏng manh, cuộn lại rồi bay lên. Đứa con gái thích thú đứng trên sân tầng ba phả hơi vào trong sương, quên mất việc phơi quần áo. Nhìn sự thích thú rất con trẻ, tôi ước mình trở thành trẻ con, để không quá băn khoăn trước những nỗi niềm, dầu chỉ là nỗi niềm của trời của đất…

Ấy là lúc, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ra cây bằng lăng, lá đã rụng bớt. Trên cành, chỉ còn thưa thớt những chiếc lá vàng, lá đỏ. Những chiếc lá lặng lẽ rời cành, sau khi đã xanh hết mình cho nắng, cho gió. Có chiếc nguyên lành, đổi màu hết cả phiến lá, đường gân mới rớt xuống vỉa hè. Có chiếc, màu đỏ mới chỉ loang được một phần, cũng vội vàng theo gió mà rơi.

Trên cành, còn chiếc lá bị sâu. Mặt lá không còn nguyên vẹn nữa. Có chỗ, chỉ còn đường gân lá, chạy dọc, chạy ngang. Chiếc lá kiên cường bám lấy cành cây làm tôi bất giác nghĩ về kiệt tác của cụ Bơ-men trong truyện Chiếc lá cuối cùng của O’Hen-ry.

Tôi ao ước, có một phép màu nào đó, để chiếc lá kia đừng lìa cành. Dẫu biết rằng, lá đi hết quãng đường của mình, sẽ giã từ cành để trở về cội. Nhưng chiếc lá chưa đến độ úa tàn, mà bị sâu ăn, chẳng biết sẽ còn trên cành bao lâu nữa. Những lớp lá mới sẽ lại lên, bất chấp gió mưa mà xanh tươi… Tôi ích kỉ, mong giời đừng rét nữa, chỉ mùa này thôi, cho chiếc lá còn ở lại…

Bất chợt, tôi nghe tiếng mẹ ho sau lưng. Và tiếng bà rên khe khẽ. Ơi chiếc lá của tôi! Ơi trời, đừng rét nữa…